Trang

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Toàn cầu hoá thất bại trong trung hạn


SGTT.VN - Khoảng trống Mỹ để lại và hệ luỵ khi Mỹ phải trả nợ có thể là sự cám dỗ cho chính sách bành trướng của Trung Quốc.
Trên chính trường Mỹ, tự do mậu dịch hay toàn cầu hoá hết được coi là lý tưởng mà còn bị kết án là nguyên nhân gây ra thất nghiệp hay thiệt hại cho kinh tế và nhân công Mỹ. Ảnh: USA Today

Thế giới đã trải qua một chu kỳ đầy biến động, trong đó có hai năm tổng suy trầm (2008 – 2009) và ba năm bị đình trệ (2010 – 2012). Biến cố này kéo dài đã chi phối tính toán chính sách của mọi quốc gia. Đây cũng là nguồn gốc bao khó khăn dồn dập của cả “ba anh nhà giàu” mắc nợ nhiều nhất là Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu. Khi các nước giàu có lo thu vén chi tiêu để trả nợ nần thì kinh tế toàn cầu bị suy trầm và phục hồi rất chậm.
 
Sức bật 2013 đến từ đâu?
 
Tuy vậy, các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs đã liên tiếp đưa ra các báo cáo đánh giá sáng sủa về kinh tế thế giới năm 2013, trong đó đặc biệt nhấn mạnh khó khăn sẽ sớm qua đi. Chuyên gia Jan Hatzius cho rằng, năm nay sẽ là năm cuối cùng nền kinh tế Mỹ ở trong tình trạng èo uột như vừa qua. Báo cáo mang tên “Kinh tế Mỹ giai đoạn 2013 – 2016: vượt qua cam go” đã đưa ra bức tranh lạc quan về nền kinh tế đầu tàu. Tuy nhìn vào chính trường thì vẫn là hình ảnh của một siêu cường mắc nợ và công khai cãi cọ về việc chi thu trong nhiều năm liền. Nhưng nhìn vào thị trường Mỹ, vào khuôn khổ sinh hoạt thu chi của các gia đình, có thể thấy ra một nền móng tài chính lành mạnh và quân bình hơn. Chính nền móng ấy tạo ra sức bật trong năm 2013.
 
Về lâu dài, hình thái vận động kinh tế thế giới đang chuyển dịch, khu vực chế biến của các nước công nghiệp hoá ngày càng thu hẹp và nhường chỗ cho khu vực dịch vụ. Các nước giàu có đã đẩy đầu tư về chế biến sang các nước đang phát triển làm gia công để tìm lợi thế nhân công rẻ mạt, điều này có góp một phần cho hiện tượng toàn cầu hoá và tự do chuyển dịch tư bản. Ngoài ra cần để ý đến sự thay đổi về công nghệ (technology), tức là cách tổ chức khoa học kỹ thuật, một yếu tố đang gây đảo lộn nhiều lĩnh vực.
 
Tiến bộ công nghệ đã đảo lộn luôn cả cơ cấu phí tổn. Ví dụ, sự cải tiến về công nghệ máy điện toán và công nghệ tin học đã làm thay đổi quy trình sản xuất và nâng cao năng suất kinh tế, nhưng mặt khác cũng dẫn đến các bài toán xã hội khó giải là thất nghiệp, thay đổi cung cách giáo dục và đào tạo đối với hết thảy các quốc gia.
Một nhân tố khác là dân số địa cầu đã tăng vọt từ sau thế chiến hai thì nay đã đi hết chu kỳ và giảm dần. Càng tiến hoá thì càng giảm mạnh và nhiều nước gặp nguy cơ “lão hoá dân số”. Sự thay đổi này cũng chi phối tính toán lời lãi của doanh nghiệp hay chiến lược kinh tế của các quốc gia. Một cách cụ thể, lương bổng cho nhân công các nước đang phát triển không còn rẻ như trước khi các nước này trở thành “tân hưng”, nghĩa là bắt đầu phát triển. Trung Quốc là nước có dân số cao nhất địa cầu nhưng do “chính sách một con” nên dân số cũng bắt đầu bị lão hoá nặng, người dân chưa giàu đã già và lợi thế về nhân công rẻ đang mất dần.
 
Giã từ toàn cầu hoá?
 
Khoảng trống do nước Mỹ để lại trên toàn cầu và các bài toán dồn dập khi phải trả nợ lại là sự cám dỗ cho chính sách bành trướng của Trung Quốc và gây phản ứng phòng thủ từ các quốc gia khác. Tinh thần chung: bảo thủ và co cụm của nhiều nước trên thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi riêng. Chuyển động này gây ra một hậu quả bất ngờ, đó là sự thoái lui của trào lưu toàn cầu hoá (TCH). Vòng đàm phán Doha trên thực tế bị khai tử và cơ chế WTO chỉ còn là nơi giải quyết quá nhiều vụ tranh tụng về mậu dịch giữa các hội viên.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bị trở ngại do phản ứng bảo hộ mậu dịch với nhiều đòn trả đũa về ngoại thương. Giữa các nước đã phát triển với nhau, khó khăn chồng chất bên trong khiến xứ nào cũng tìm cách in tiền, hạ lãi suất và tìm lợi thế của đồng bạc rẻ để xuất khẩu và thoát hiểm. Hiện tượng ấy gây thêm vấn đề ngoại thương và trước hết thu hẹp nguồn tư bản có thể đầu tư vào các nước đang phát triển.
 
Đầu tư trực tiếp giảm sút càng làm các nước nghèo gặp trở ngại khi thị trường xuất khẩu vào các nước giàu cũng co cụm dần. Nếu xứ nào cũng muốn bán hàng ra ngoài thì ai mua bây giờ? Tranh chấp mậu dịch vì vậy chỉ tăng chứ không giảm và toàn cầu hoá bị đẩy lui... Xu hướng thoái lui ấy thấy ra rõ ràng nhất là tại Hoa Kỳ, sau đó mới tới Âu châu, Nhật Bản hay Trung Quốc, là những khối kinh tế dẫn đầu thế giới. Trên chính trường Mỹ, tự do mậu dịch hay toàn cầu hoá hết được coi là lý tưởng mà còn bị kết án là nguyên nhân gây ra thất nghiệp hay thiệt hại cho kinh tế và nhân công Mỹ.
 
Sự chững lại của toàn cầu hoá chỉ là trung hạn, vì lợi thế của toàn cầu hoá là điều có thật và khó phủ nhận. Ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, với thị trường gần 90 triệu dân, Việt Nam nên sớm nghĩ đến nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa thay vì chỉ trông chờ vào xuất khẩu và đầu tư công. Đây là cơ hội nhìn lại lợi thế tương đối của Việt Nam trong dài hạn, không thể chỉ dựa vào nhân công rẻ mà chủ yếu phải giải bài toán năng suất lao động, tức là giải quyết khâu giáo dục và đào tạo.
 
Nguyễn Xuân – Nguyễn Hoàng
 
Nguồn: Báo điện tử Sài gòn Tiếp thị media ngày 07/01/2013 truy cập từ http://sgtt.vn/Quoc-te/174003/Toan-cau-hoa-that-bai-trong-trung-han.html.

Quản trị nhân sự trong giai đoạn khủng hoảng niềm tin




quan-tri-nhan-su-trong-giai-doan-khung-hoang-niem-tin

Khi khủng hoảng, nhân viên luôn có những câu hỏi trong đầu và lãnh đạo cần minh bạch để họ hiểu rõ.
 

 
Doanh nghiệp cần có những bước đi cụ thể, chính xác từ chiến lược kinh doanh đến chiến lược nhân sự khoa học và nghệ thuật dẫn dắt. 
  
Trong một giai đoạn khá dài từ 2005-2010 nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng với nhiều con số rất ấn tượng. Tăng trưởng GDP hằng năm luôn đạt trên 7%, số lượng ngân hàng thương mại gia tăng.

Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán với vốn hóa lớn, thu hút FDI kỷ lục. Nhiều công ty mới hình thành như là biểu tượng phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Giai đoạn này công tác nhân sự trở nên “hot” với nhu cầu nhân sự luôn luôn thiếu hụt cả về chất và lượng, số lượng nhân sự cấp quản lý gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gia tăng phát triển bề rộng một cách chóng mặt với sự đa ngành nghề một cách quá dễ dàng, tổng tài sản công ty cũng nhanh chóng thay đổi bằng rất nhiều hình thức chồng chéo qua lại. Trong đó, “tài sản” nhân sự chỉ nhằm một điều là có mặt để lấp đầy vào sự gia tăng vội vã ấy.
 
Giai đoạn 2011-2012, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu đi vào vòng xoáy khó khăn khi mà tài sản lớn và thương hiệu lớn không tạo ra được giá trị gia tăng bởi vì nó thiếu đi nền tảng năng lực cốt lõi cần có để giúp doanh nghiệp phát triển. Quản trị nhân sự trong giai đoạn này làm công việc đi vá, sửa hệ thống và duy trì làm sao cho nó tồn tại. Khi ấy doanh nghiệp lại nghĩ về bài toán nhân lực chất lượng cao và tính hiệu quả của doanh nghiệp trong thời khắc mọi vấn đề trở nên ngổn ngang.
Khủng hoảng làm doanh nghiệp mất phương hướng. Để xoay chuyển tình hình cấp bách này đòi hỏi doanh nghiệp cần có những bước đi cụ thể, chính xác từ chiến lược kinh doanh đến chiến lược nhân sự khoa học và nghệ thuật dẫn dắt.
 
Hiệu chỉnh chiến lược công ty
 
Các doanh nghiệp hàng dầu hiện nay trên thế giới từ lâu đã tập trung phát triển năng lực cốt lõi một cách mạnh mẽ và với sự khác biệt hóa cao độ nhất. Nói như vậy cho thấy doanh nghiệp kinh doanh trong một ngành hàng ngoài những năng lực cạnh tranh ngành cần phải có, họ còn sáng tạo và khác biệt hóa những gì mà mình có lợi thế lớn nhất để có thể cạnh tranh hiệu quả và bền vững nhất.
 
Gần như tất cả các loại hình kinh doanh tại Việt Nam đang tồn tại và có tốc độ phát triển nhanh thì đều có mặt các đại gia thương hiệu trên toàn cầu góp mặt. Như vậy, sự cạnh tranh phát triển hiện tại của mỗi doanh nghiệp không còn ý nghĩa địa phương hóa, bao cấp hay có một cơ chế bảo vệ đặc quyền mà là sự cạnh tranh toàn cầu trong một đại dương đỏ nhuộm máu. Doanh nghiệp không chuẩn bị cho mình những nền tảng năng lực cạnh tranh thật sự thì khó có thể tồn tại trong một kế hoạch phát triển dài hạn và loại bỏ ngay lập tức những mục tiêu, kế hoạch phát triển doanh nghiệp ngoài ngành kinh doanh chiến lược của mình.
 
Yếu tố tâm lý và dịch chuyển văn hóa lãnh đạo luôn là cản trở lớn nhất cho sự cam kết và thay đổi chiến lược của doanh nghiệp, quá khứ và hệ quả của nó luôn là bài học bổ ích cho doanh nghiệp nếu người lãnh đạo biết cầu tiến, chấp nhận thất bại và sửa đổi các chiến lược của mình trong dài hạn.
 
Cần quản trị linh hoạt
 
Trước đây các công ty được cho là đang làm tốt vẫn luôn có sẵn các kế hoạch và hệ thống thực thi rõ ràng cho từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên với hoạt cảnh hiện tại điều này là dường như chưa đủ cho sự phản ứng và hiệu chỉnh linh hoạt trong một môi trường kinh doanh đầy biến động. Quản trị thay đổi đòi hỏi doanh nghiệp nhiều hơn các chuẩn mực cũ bằng nhiều phương án và cấu trúc quản trị linh hoạt. Một cơ cấu tổ chức cồng kềnh nhiều tầng nấc, một ma trận quản trị chồng chéo có vẻ hiệu quả trước dây nhưng sẽ trở nên rối rắm trong việc ra quyết định nhanh chóng. Như vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình một sự thay đổi rất linh hoạt trong công tác quản trị và phản ứng với tình hình thị trường bằng một mô típ quản trị sắc sảo.
 
Doanh nghiệp khi ấy cũng cần có một phương thức quản trị nhân sự hết sức hiệu dụng và có năng lực chiến lược cao mới đảm bảo hiệu chỉnh và thay đổi nhanh chóng trong từng phương án cụ thể. Tác động của truyền thông nội bộ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và tập trung nâng cao năng lực nhân viên là hết sức quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của nhân viên trong giai đoạn này để có thể thành công.
 
Quản trị thay đổi để phát triển mạnh và bền vững sẽ dẫn đến công tác sàng lọc đội ngũ và xây dựng một đội ngũ nhân sự kế thừa là một nhiệm vụ lớn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong giai đoạn này.
 
Nói với nhân viên
 
Truyền thông nội bộ trong doanh nghiệp được đưa lên mục tiêu hàng đầu nhằm xây dựng một kênh kết nối chuyển tải từ lãnh đạo doanh nghiệp đến nhân viên và ngược lại. Xây dựng niềm tin và tạo động lực giúp cho nhân viên luôn có “lửa” và đạt được mục tiêu cá nhân cũng như bộ phận đề ra.
 
Bên cạnh đó, các hệ thống giao chỉ tiêu và đánh giá công việc cần linh hoạt và thực thi hiệu quả.
 
Cùng với đó, việc phân quyền và ủy quyền ở mức cao nhất nhằm phát huy tính chủ động của nhân viên.
 
Tiền hoa hồng và khen thưởng cũng là cấu thành quan trọng trong thu nhập của cá nhân.
 
Việc huấn luyện và đào tạo nội bộ cũng cần được triển khai hiệu quả và chặt chẽ, đi đôi với hiệu chỉnh cơ cấu tổ chức gọn và tinh nhất.
 
Ngoài ra, cần xem xét việc quản trị nhân sự bằng công nghệ thông tin để đảm bảo thời gian và phân tích chỉ số hệ thống nhân viên.
 
Hiện nay, thông tin về kinh tế vĩ mô mang nhiều nét tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp cho dù doanh nghiệp hoạt động tốt hay xấu. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin của nhân viên vào tương lai và sự gắn bó cá nhân đến doanh nghiệp. Nhiều câu hỏi được nhân viên đặt ra: liệu doanh nghiệp của mình có bị thế này thế nọ hay không? Tác động này có ảnh hưởng đến các cam kết đầu tư phát triển của nhà đầu tư? Hiệu quả kinh doanh có tác động đến người lao động doanh nghiệp?
 
Những câu hỏi này dĩ nhiên làm mất thời gian để suy nghĩ và mức độ xao lãng cũng tăng, qua đó sẽ giảm hiệu quả làm việc và gây hao phí nguồn lực của doanh nghiệp.
 
Tính minh bạch thông tin và truyền thông có định hướng rõ ràng sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu nhiều rủi ro và cổ động sự nỗ lực làm việc trong nhân viên, cho dù doanh nghiệp sẽ phải tái cấu trúc nhân sự có liên quan đến một số cá nhân nhưng nó phải được thông tin và truyền thông một cách rõ ràng chính xác.
Công tác xây dựng hệ thống thông tin nội bộ là một nghệ thuật truyền tải nội dung thông tin và tính phối hợp giữa “cứng” và “mềm” trong sử dụng nhân sự nhằm gắn kết chia sẻ từ thông điệp, mong muốn của người lãnh đạo cao nhất đến từng cá nhân trong doanh nghiệp. Song song đó truyền thông nội bộ còn gánh vai trò định vị thương hiệu nhân sự nhằm tuyển dụng, thu hút nhân sự tốt cho doanh nghiệp.
 
Vai trò của quản trị nhân sự trong giai đoạn hiện nay cần phải có tính định hướng chiến lược khoa học và xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp có tính vững chắc, khi doanh nghiệp làm tốt vấn đề trên là một lợi thế vô cùng lớn để thu hút nhân tài và xây dựng một đội ngũ nhân sự chất lượng cao.
 
 
(*) Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Nguồn nhân lực L&A.
 
Nguồn: Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư ngày 07/01/2013 truy cập từ http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=14962-quan-tri-nhan-su-trong-giai-doan-khung-hoang-niem-tin.


 

 


                                    



Kinh tế 2013: Thoát đáy vượt dốc?

Nếu không có biện pháp quyết liệt và đồng bộ thì việc “thoát đáy vượt dốc đi lên” sẽ khó đạt được...Kinh tế 2013: Thoát đáy vượt dốc?

Một kết quả nổi bật là dự trữ ngoại hối tăng, cao gấp đôi cuối năm trước, gần đạt mức 12 tuần nhập khẩu - ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế - Ảnh: TT.

Kinh tế năm 2012 bên cạnh nhiều kết quả tích cực, cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.
Những kết quả tích cực


Rõ nhất là lạm phát đã được kiềm chế. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2012 so với tháng 12/2011 thấp hơn nhiều so với con số tương ứng của năm 2010, 2011 (tương ứng là 6,81% so với 11,75% và 18,13%), thấp xa so với bình quân thời kỳ 2004 - 2011 (11,58%), thấp hơn so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (dưới 10%).

Đáng lưu ý trong năm có tới 7 tháng tăng thấp và giảm; giá lương thực giảm sâu và giá thực phẩm tăng rất thấp - trong khi hai nhóm này chiếm tới gần 40% tổng tiêu dùng của dân cư và chiếm tỷ trọng cao hơn nữa đối với người nghèo, người có thu nhập thấp. Đây là niềm vui của người tiêu dùng nói chung và người nghèo, người có thu nhập thấp nói riêng.

Lạm phát được kiềm chế do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trực tiếp là tiền tệ, tài khoá được thắt chặt, với lãi suất cho vay cao, kéo dài; tăng trưởng tín dụng thấp (năm 2011 thấp chưa bằng một nửa mấy năm trước, năm 2012 giảm trong nửa năm, tính chung cả năm cũng chưa bằng một nửa năm trước). Đầu tư, sản xuất, tiêu dùng co lại. Giá lương thực giảm (5,66%), giá thực phẩm tăng thấp (0,95%).

Một kết quả nổi bật là dự trữ ngoại hối tăng, cao gấp đôi cuối năm trước, gần đạt mức 12 tuần nhập khẩu - ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế.

Dự trữ ngoại hối tăng do hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất do cán cân thanh toán quốc tế có số dư, ước đạt 10 tỷ USD, kỷ lục từ trước tới nay.

Cán cân thanh toán có số dư do hai yếu tố

(1) Cán cân thương mại lần đầu tiên sau 20 năm nhập siêu, đặc biệt 5 năm qua (bình quân 13,5 tỷ USD/năm), năm nay đã chuyển sang xuất siêu (gần 0,3 tỷ USD).

Cán cân thương mại đạt thặng dư, do xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội về tổng kim ngạch xuất khẩu (114,6 tỷ USD), về kim ngạch bình quân đầu người (đạt 1300 USD), về tỷ lệ xuất khẩu so với GDP (đạt trên 82%), về tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng của nhập khẩu (18,3% so với 7,1%), tăng cao so với kế hoạch.

(2) Lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn đạt khá. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 10,5 tỷ USD, tương đương với mức thực hiện trong 4 năm trước. Lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức giải ngân đạt mức kỷ lục từ trước tới nay.

Lượng kiều hối gửi về nước ước đạt khoảng 10,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Chi tiêu của khách quốc tế tới Việt Nam ước có thể đạt 6,6 tỷ USD, tăng khoảng 1 tỷ USD so với kỷ lục đạt được trong năm trước chủ yếu do lượng khách quốc tế tăng và một phần do chi tiêu bình quân 1 khách tăng.

Yếu tố thứ hai do lượng ngoại tệ mua được ở trong dân cư và doanh nghiệp đạt khá, không những góp phần tăng dự trữ ngoại hối mà còn hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chống Đôla hoá.

Do lạm phát được kiềm chế, do cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, do lãi suất gửi tiết kiệm bằng VND cao hơn nhiều lần ngoại tệ,... nên tỷ giá VND/USD cả năm lần đầu tiên tính từ năm 2007 đã giảm 0,96%, trong khi mấy năm trước tăng cao (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,7%, năm 2010 tăng 9,68%, năm 2011 tăng thấp hơn cũng ở mức 2,24%). Dự trữ ngoại hối tăng, cao gấp đôi so với cuối năm 2011, tỷ giá giảm là một kết quả nổi bật của năm 2012, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng trưởng kinh tế có kết quả tích cực, thể hiện ở một số điểm. Tăng trưởng đã cao lên qua các quý (quý 1 tăng 4,64%, quý 2 tăng 4,80%, quý 3 tăng 5,05%, quý 4 tăng 5,44%). Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành, trong đó nhóm ngành dịch vụ tăng cao hơn tốc độ chung (6,42%% so với 5,03%). Tăng trưởng 5,2% được coi là hợp lý, với nhiều lý do.

Tăng trưởng đạt được trong điều kiện phải thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiềm chế lạm phát - mà các giải pháp thực hiện mục tiêu này thường có hiệu ứng phụ là tăng trưởng kinh tế bị suy giảm.

Tăng trưởng đạt được trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều điểm nghẽn lớn: nợ xấu tăng cao, tồn kho lớn, bất động sản đóng băng. Tăng trưởng đạt được trong điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư xã hội/GDP năm 2012 ước đạt 33,5%, thấp so với các thời kỳ trước (năm 2011 là 34,6%, bình quân thời kỳ 2006 - 2010 là 42,7%); trong điều kiện tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thấp chưa bằng một nửa bình quân thời kỳ 2006 - 2011 (6,2% so với 15%).

Công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được khởi động và đẩy mạnh trong điều kiện nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, ngân sách nhà nước khó khăn...

Những hạn chế, bất cập và thách thức

Ngay trong những kết quả tích cực đã đạt được như trên cũng chứa đựng những hạn chế, bất cập, nếu xét về nguyên nhân của chúng. Lạm phát thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu buôn bán với nước ngoài, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, có một phần quan trọng do đầu tư, sản xuất và tiêu dùng bị “co lại”.

Sự “co lại” này trước mắt tuy góp phần kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thương mại, nhưng việc kiềm chế, cải thiện đó sẽ không vững chắc. Yếu tố tiềm ẩn và nguyên nhân sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, thì cả 2 yếu tố này của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước và việc cải thiện còn chậm.

Nguyên nhân chủ yếu của nhập siêu là hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, là cơ cấu sản xuất và xuất khẩu mang tính gia công lắp ráp..., mà về mặt này, sự cải thiện của Việt Nam còn chậm. Nền kinh tế vẫn còn đứng trước thách thức lạm phát và nhập siêu quay trở lại. Lạm phát quay trở lại bởi có những yếu tố tác động.

Sự nới lỏng chính sách tiền tệ - tài khoá từ giữa năm 2012, nay có thể được tiếp tục với liều lượng cao hơn để tháo gỡ nợ xấu, tồn kho, thị trường bất động sản, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại.

Giá thực phẩm đã có dấu hiệu tăng cao trở lại khi đàn gia súc tại thời điểm 1/10 giảm, mùa cưới hỏi, tổng kết, Tết cổ truyền, lễ hội đang đến gần. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường của các doanh nghiệp giữ vị thế độc quyền thường thực hiện khi giá tiêu dùng vừa mới tăng thấp, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương, địa phương, cơ sở, nếu không cân nhắc về liều lượng, về thời gian điều chỉnh như đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9 thì sẽ làm cho CPI tăng cao.

Giá thế giới có thể tăng lên khi các nền kinh tế lớn bơm tiền kích thích kinh tế; nếu tỷ giá không được giữ ổn định và nhập siêu trở lại, thì sẽ làm xuất hiện “nhập khẩu lạm phát” và “khuếch đại lạm phát” ở trong nước. Năm 2012 xuất siêu, nhưng mục tiêu năm 2013 lại nhập siêu khi tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng nhập khẩu...

Tăng trưởng kinh tế năm 2012 là mức thấp nhất trong 13 năm qua, tính từ năm 2000. Trong đó, tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng (sau nhiều năm tăng trưởng cao nhất và với tỷ trọng cao nhất trong GDP, đã trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế), thì nay đã 2 năm liên tiếp thấp hơn tốc độ tăng chung- tức là chưa thoát đáy.

Thu, chi ngân sách năm 2012 gặp khó khăn nhất trong nhiều năm qua, do nguồn thu bị hạn chế khi tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, nhập khẩu tăng thấp, trong khi chi cho việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tháo gỡ các điểm nghẽn, tái cơ cấu, chi bảo đảm an sinh xã hội tăng...

Doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, thu hẹp sản xuất kinh doanh đã tăng trong năm 2011, tiếp tục tăng lên trong năm 2012 và gặp khó khăn do bị suy kiệt trong mấy năm qua.

Thị trường chứng khoán lình xình, bị sụt giảm về điểm số, về giá trị giao dịch. Thị trường bất động sản “đao” xuống thời gian khá dài. Thị trường tiền tệ gặp khó khăn hiếm thấy, khi tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu cao, xuất hiện các nhóm lợi ích thâu tóm ngân hàng...

Mục tiêu năm 2013, với chỉ tiêu chủ yếu là lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn, là một kỳ vọng theo hai ý nghĩa: kinh tế sẽ tốt đẹp hơn nếu mục tiêu đó thực hiện được; nhưng nếu không có biện pháp quyết liệt và đồng bộ thì việc “thoát đáy vượt dốc đi lên” sẽ khó đạt được.

Cần lưu ý, các mô hình kinh tế khi bị khủng hoảng có 4 dạng

Dạng một là hình chữ V, tức là xuống đáy nhanh, nhưng ngắn và vượt dốc đi lên cũng nhanh.

Dạng hai là hình chữ W, tức là xuống đáy 2 lần nhanh, nhưng ngắn và vượt dốc cũng nhanh.

Dạng ba là hình chữ U, tức là xuống đáy nhanh, nhưng phải mất thời gian tương đối dài mới vượt dốc đi lên.

Dạng bốn là hình chữ L, tức là xuống đáy nhanh, nhưng nằm ở đó khá lâu, chưa biết bao giờ mới vượt dốc đi lên được.
DƯƠNG NGỌC
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Nguồn: VN Economy ngày 31/12/2012 truy cập từ
http://vneconomy.vn/2012123112124635P0C9920/kinh-te-2013-thoat-day-vuot-doc.htm.

Kinh tế 2012: Thử thách quá khó

Khó khăn hiển hiện ở mọi ngóc ngách nền kinh tế, khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, cả triệu người thất nghiệp, hàng trăm nghìn tỷ đồng nguy cơ mất trắng khi thị trường bất động sản đóng băng.


Lạm phát thấp nhất trong 3 năm
Ảnh: Anh Quân
Lạm phát thấp một phần cũng do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm mạnh khi kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. Ảnh: Anh Quân
 
Chỉ số giá tiêu dùng cuối năm tăng 6,81%, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu Quốc hội đề ra, giảm mạnh so với tốc độ phi mã 18,3% của năm ngoái và thấp nhất kể từ 2009 đến nay. Ngoại trừ những lần tăng giá xăng dầu và điện, người tiêu dùng không phải hứng chịu các cú sốc giá lương thực, thực phẩm. Kết quả này có được chủ yếu nhờ các giải pháp siết tín dụng, hạn chế đầu tư công, hạ nhiệt thị trường bất động sản đưa ra từ năm ngoái.
Nền kinh tế cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực như lần đầu tiên xuất siêu sau 19 năm, tỷ giá cả năm ổn định, dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi…

55.000 doanh nghiệp chết

Doanh nghiệp đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất. Ảnh: Aaron Sant
Nhiều dự án dang dở vì thiếu vốn và không có khách là hình ảnh tiêu biểu của thị trường bất động sản Việt Nam 2012. Ảnh: Aaron Sant
 
Cái giá phải trả cho việc thắt chặt tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát là tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,03%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6-6,5% Quốc hội đề ra. Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ Việt Nam xuất siêu nhưng chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu sụt giảm khi sản xuất đình đốn.
 
55.000 doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, khiến cả triệu người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Cộng cả năm 2011, con số này lên đến gần 110.000, bằng nửa số đã ngừng hoạt động kể từ khi đổi mới. Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) nhận định đây là một trong những giai đoạn đen tối nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
 
Nhiều giải pháp, đặc biệt là về thuế đã được đưa ra nhưng đến cuối năm, tình hình chưa cải thiện nhiều. Tháng 5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13 với gói giải pháp trị giá 29.000 tỷ đồng nhằm giãn thời gian nộp thuế VAT, giảm tiền thuê đất, tái cơ cấu nợ… Cuối tháng 12, Chính phủ tiếp tục công bố gói giải cứu mới trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung giảm thuế, phí, hạ lãi suất để giải phóng hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Nợ xấu ngân hàng cao kỷ lục
Ngân hàng và doanh nghiệp đều mắc kẹt vì nợ xấu. Ảnh: Hoàng Lan.
Những khoản nợ khó đòi và có nguy cơ mất trắng chiếm 8,82% dư nợ tín dụng, tương đương gần 240.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Đó là hệ lụy tất yếu của tăng trưởng nóng, đầu tư tràn lan, bất động sản bong bóng và hoạt động cho vay còn nhiều sơ hở. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước liên tục đăng đàn trước Quốc hội để giải trình nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý nợ xấu, một thứ được ví như cục máu đông gây ngưng trệ dòng tiền trong nền kinh tế và đe dọa hủy hoại hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp.
Phương án lập công ty mua bán nợ xấu đã trình lên Chính phủ, theo hướng mua lại các khoản nợ và xử lý thành tài sản có giá sau thời gian nhất định. Xử lý các ngân hàng yếu kém, bên cạnh mục tiêu dài hạn tái cấu trúc hệ thống, cũng là cách giúp thanh lọc nợ xấu trong ngắn hạn. 5 trong số 9 ngân hàng yếu kém đã cơ bản tái cơ cấu xong, với điểm nhấn là thương vụ sáp nhập dẫn tới sự biến mất của thương hiệu ngân hàng cổ phần lâu đời nhất thủ đô - Habubank. Những ngân hàng khỏe mạnh còn lại phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, chấm dứt thời kỳ siêu lợi nhuận và đứng trước nguy cơ sa thải hàng loạt nhân sự để tự tái cơ cấu.

Một triệu tỷ đồng đọng trong bất động sản

Dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối tháng 8 khoảng 203.000 tỷ đồng, trong đó 6,6% là nợ xấu. Nếu tính cả những khoản vay thế chấp bằng bất động sản, con số này lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương gần 60% lượng vốn dành cho cả nền kinh tế. Số vốn khổng lồ này nguy cơ bốc hơi theo các dự án nhà đất, khi mãi lực sụt giảm, chủ đầu tư thiếu vốn thi công. Nhiều đơn vị phải tìm cách rút lui khỏi thị trường bằng cách thoái vốn, sang nhượng, hoặc đắp chiếu dự án chờ vận may.
Bất động sản từ chỗ bị siết tín dụng, nay trở thành đối tượng cần quan tâm, giải cứu khi cả nước tồn kho hàng chục nghìn căn hộ và hàng trăm nghìn mét vuông văn phòng cho thuê. Kéo theo đó là cái chết báo trước của hàng loạt nhà thầu, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Tháng 12, đoàn công tác Chính phủ do Thủ tướng dẫn đầu cùng các Bộ trưởng phải làm việc với TP HCM và Hà Nội để tìm giải pháp xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Một số đề xuất đang được các bộ ngành cân nhắc như giảm thuế VAT cho người mua nhà, giảm giãn tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...

Lãnh đạo một loạt doanh nghiệp bị bắt

Bầu Kiên. Ảnh: Hoàng Hà
Bầu Kiên ngày còn nhiều uy lực trên thị trường tài chính cũng như sân cỏ. Ảnh: Hoàng Hà
 
Nguyên Chủ tịch Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines - Dương Chí Dũng bị khởi tố giữa tháng 5, mở đầu cho một loạt vụ án kinh tế quy mô hàng nghìn tỷ đồng được thụ lý trong năm. Ông Dũng bị khởi tố vì cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế, tội danh không khác nhiều đồng nghiệp cũ - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam Phạm Thanh Bình. Cuối tháng 8, đến lượt các nguyên lãnh đạo Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) bị bắt như Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải vì liên quan tới vụ lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng của nữ đại gia chứng khoán Huỳnh Thị Huyền Như. Một loạt cựu lãnh đạo của các công ty Chứng khoán SME, Chứng khoán Liên Việt, Chứng khoán Cao su… cũng lần lượt bị bắt và khởi tố.
 
Nếu như câu chuyện Vinalines bộc lộ lỗ hổng trong quản lý vốn tại các tập đoàn nhà nước thì vụ án bầu Kiên và các đồng phạm lại cho thấy những khuyết tật của thị trường khi thiếu bàn tay kiểm soát. Ông Dũng cùng các đồng phạm góp công làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước qua những quyết định đầu tư tràn lan, mua sắm tài sản không đúng quy định. Thiệt hại trực tiếp do bầu Kiên và các đồng phạm gây ra chỉ vài trăm tỷ đồng, nhưng hậu quả để lại cho thị trường tài chính tiền tệ lớn hơn thế rất nhiều lần. Tổng giá trị vốn hoá thị trường chứng khoán sau ba phiên bầu Kiên bị bắt giảm hơn 80.000 tỷ đồng.

Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động

Thủy điện Sơn La về đích sớm hơn kế hoạch 3 năm. Ảnh: Kiên Trung
Thủy điện Sơn La về đích sớm hơn kế hoạch 3 năm. Ảnh: Kiên Trung
 
Ngày 23/12, nhà máy Sơn La chính thức hòa lưới quốc gia, sau 37 năm khảo sát, xây dựng với nhiều tranh cãi, lo ngại về tính an toàn của đập thủy điện cũng như ảnh hưởng tới môi sinh. Với vốn đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng, Sơn La để lại nhiều dấu ấn kỷ lục về hồ chứa nước lớn nhất, công trình to nhất, hoàn thành kế hoạch sớm nhất. Nhờ vận hành sớm 3 năm so với dự kiến, mỗi năm Sơn La tạo ra doanh thu 500 triệu USD, tiết kiệm hơn 5 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương. Công suất 2.400 MW một năm, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á cũng được kỳ vọng giúp tránh cảnh thiếu điện trong năm đáp ứng đủ nhu cầu điện 2013.
Chủ đầu tư và một số chuyên gia khẳng định, Sơn La sẽ không lặp lại kịch bản động đất của Sông Tranh 2, bởi đã được đầu tư hệ thống quan trắc từ trước.
Nhà nước độc quyền vàng miếng
Ngân hàng Nhà nước quyết đưa vàng vào khuôn khổ bằng một loạt biện pháp, trong đó tiêu biểu là đưa vàng vào diện độc quyền. Ảnh: AQ
Ngân hàng Nhà nước quyết đưa vàng vào khuôn khổ bằng một loạt biện pháp, trong đó tiêu biểu là độc quyền sản xuất vàng SJC. Các thương hiệu khác vẫn lưu hành nhưng không tiếp tục sản xuất. Ảnh: AQ
Ngày 25/5, Nghị định về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng bắt đầu có hiệu lực, đưa thị trường vàng miếng vào tầm kiểm soát. Từ chỗ có trên dưới 10 đơn vị gia công, dập đúc và hàng nghìn điểm kinh doanh tự phát, giờ đây chỉ Ngân hàng Nhà nước mới có quyền sản xuất vàng miếng. SJC trở thành vàng miếng thương hiệu quốc gia do Ngân hàng Nhà nước quản lý, các thương hiệu khác tiếp tục được lưu hành nhưng không sản xuất thêm. Tất cả các cửa hàng nếu muốn tiếp tục kinh doanh vàng miếng phải đăng ký lại với điều kiện khắt khe về năng lực tài chính và quy mô hoạt động.
 
Một trong những cái được của độc quyền vàng miếng, theo đánh giá của chính Ngân hàng Nhà nước, là biến động giá vàng không còn ảnh hưởng đến tỷ giá, đời sống xã hội. Thị trường cũng được hy vọng sẽ bình yên hơn khi
các ngân hàng bị rút quyền huy động và cho vay vốn bằng vàng. Nhưng hệ lụy trước mắt là người dân phải mua vàng đắt hơn thế giới hàng triệu đồng mỗi lượng. Nạn vàng nhái thương hiệu, kém chất lượng cũng theo nhau bùng phát.
 
VN Express

Nguồn: VN Express ngày 31/12/2012 truy cập từ
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/12/kinh-te-2012-thu-thach-qua-kho/.

Bức tranh doanh nghiệp dưới góc độ thống kê

Trong số 342 nghìn doanh nghiệp chỉ có 313 nghìn doanh nghiệp đang thực sự hoạt động...Bức tranh doanh nghiệp dưới góc độ thống kêTính đến thời điểm 1/1/2012 cả nước có khoảng gần 342 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 216,5 nghìn doanh nghiệp và gấp 2,7 lần so với năm 2007 (125 nghìn doanh nghiệp).

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu chính thức về các đơn vị kinh tế, hành chính và sự nghiêp trong vòng 5 năm từ 2007-2010. Báo cáo đã cho thấy bức tranh rõ nét về sự biến động của khu vực này thời gian qua.


Theo Báo cáo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1/7/2012, cả nước có gần 5 triệu đơn vị kinh tế, chiếm tới 96,5% tổng số đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp của cả nước, tăng gần 28,5% so với năm 2007, tương đương 1,1 triệu đơn vị, tăng bình quân hàng năm khoảng hơn 5%.

Trong số đó, doanh nghiệp là loại hình dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút số lượng lao động khá lớn. Tính đến thời điểm 1/1/2012 cả nước có khoảng gần 342 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 216,5 nghìn doanh nghiệp và gấp 2,7 lần so với năm 2007 (125 nghìn doanh nghiệp). Đáng lưu ý, trong số 342 nghìn doanh nghiệp chỉ có 313 nghìn doanh nghiệp đang thực sự hoạt động.

Lý giải về con số 313 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động thực sự, ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kết quả này dựa trên điều tra thực tế (phát phiếu điều tra, tiếp cận thống kê của doanh nghiệp) chứ không phải trên sổ sách.

Ngoài ra, ông Mạnh cũng cho biết thêm, nếu tính đến hết 31/12/2012 thì cả nước có khoảng 475 nghìn, nghĩa là tăng đáng kể so với con số thống kê hồi đầu năm, trong đó có gần 70 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và có một lượng lớn doanh nghiệp đang chuẩn bị đi vào sản xuất kinh doanh hoặc đang trong giai đoạn chờ đợi chuyển giao công nghệ.

Như vậy, con số doanh nghiệp đang hoạt động chính thức vừa được Tổng cục Thống kê công bố khá chênh lệch so với con số doanh nghiệp được cơ quan thuế công bố.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng con số doanh nghiệp qua khảo sát vừa rồi so sánh với số liệu bên cơ quan thuế và bên cơ quan đăng ký kinh doanh thì sai lệch khoảng +/-5% và điều này là hoàn toàn bình thường.

“Sai số trong các khảo sát của các nền kinh tế hàng đầu khu vực châu á như Singapore và Hồng Kông là 2,5%. Hai nơi này có số lượng doanh nghiệp không lớn vì vậy, ở góc độ nào đó, sai số của chúng ta là chấp nhận được”, ông Đông nói.

Trở lại báo cáo của Tổng cục Thống kê, khoảng 342 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại đã thu hút khoảng 10,9 triệu lao động, trong đó 10,77 triệu lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 65% (tương đương 4,3 triệu người) so với 6,6 triệu lao động năm 2007.

Tuy còn có những khó khăn, hạn chế về quy mô và ngành nghề hoạt động nhưng với chủ trương của Nhà nước hỗ trợ phát triển loại hình kinh tế tập thể nên số lượng và lao động của các hợp tác xã hiện có 13,6 nghìn, tăng đáng kể với mức 118,3% về số lượng và 62,8% về lao động.

Số lượng các hợp tác xã thuộc ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 52%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 24%, dịch vụ chiếm 24% (trong đó 8% là quỹ tín dụng).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, cả nước tính đến 1/7/2012 có 4,6 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể với 7,8 triệu lao động, tăng 23,5% về số lượng cơ sở và tăng 18,2% về số lao động. Mức tăng bình quân hàng năm về số cơ sở là 4,3% và 3,4% về lao động.

Mặc dù khối cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng lớn tới 89,5% về số lượng nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 35% về số lượng lao động trong tổng số đơn vị, cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp, thể hiện quy mô nhỏ của các cơ sở này với lao động bình quân 1,7 người/cơ sở.

Khu vực này tuy đóng góp khiêm tốn trong GDP nhưng lại có ý nghĩa xã hội lớn trong việc tạo doanh thu trong bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội và thu hút số lượng lớn việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2012.

Cũng theo báo cáo, khu vực các đơn vị hành chính, sự nghiệp có mức tăng không cao như các đơn vị kinh tế, bình quân hàng năm tăng 1,2% tuy nhiên riêng các đơn vị sự nghiệp tăng khá về số lượng đơn vị với 10,2% và 22,9% về lao động.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức, trong báo cáo tổng điều tra năm 2012, đóng góp vào mức tăng chung của khu vực đơn vị hành chính, sự nghiệp chủ yếu là do sự tăng lên đáng kể của các đơn vị sự nghiệp chứ không phải là từ các đơn vị hành chính.

“Xu thế tăng mạnh diễn ra chủ yếu ở khu vực sự nghiệp, điều này là hoàn toàn phù hợp với chính sách Nhà nước. Bởi khu vực giáo dục và y tế tăng thậm chí tăng nhanh là đúng xu hướng”, ông Thức cho hay.

Cụ thể, khu vực y tế tăng hơn 90,8 nghìn đơn vị tương đương 35,4% so với năm 2007 và khu vực giáo dục tăng tới gần 298 nghìn đơn vị tương đương 23,8% so với số lượng đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục năm 2007.
ANH NHI
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Nguồn: VnEconomy ngày 08/01/2013 truy cập từ
http://vneconomy.vn/20130107101535544P0C9920/buc-tranh-doanh-nghiep-duoi-goc-do-thong-ke.htm.