Trang

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có liên quan gì đến bạn không?

(TBKTSG) - Cái mặc cảm không biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) không chỉ luẩn quẩn trong đầu nhiều doanh nhân; nó còn ám ảnh người có chút áy náy về chuyện thế sự. Hôm nay, ngày 31-12-2015, AEC chính thức hình thành - một cột mốc quan trọng như thế mà mình không biết gì về nó cả.

Thật ra nhiều người dân ASEAN cũng tự vấn như thế - nên mới có các phần hỏi đáp trên nhiều báo. Ví dụ, câu hỏi nhiều người đặt ra nhất là AEC có giống Liên hiệp châu Âu (EU) không? Mới nhìn qua thì AEC cũng giống EU lúc mới hình thành cái gọi là Cộng đồng Kinh tế châu Âu vào năm 1957 nhưng về bản chất thì khác hẳn. AEC không có kế hoạch cho ra đời đồng tiền chung, không có một ngân hàng trung ương chung, không có nghị viện chung nên nói là cộng đồng kinh tế nhưng chưa có sự gắn bó chặt chẽ như EU hiện nay. 
Với người bình thường, có lẽ mối quan tâm gói gọn vào một số chuyện cụ thể mà đầu tiên là công ăn việc làm. Liệu AEC ra đời có thúc đẩy các dòng di dân tìm việc làm ở quy mô lớn mà thực tế hiện đang xảy ra như công nhân Việt Nam qua Thái Lan hay Malaysia làm việc?
Thực tế ở giai đoạn đầu này, AEC chỉ chú trọng vào việc dịch chuyển lao động có tay nghề chứ lao động phổ thông không nằm trong mối quan tâm của các nhà làm chính sách. Cho đến nay chỉ có người làm 8 nghề chuyên môn là được quyền chuyển đổi nơi làm việc bên trong ASEAN, chiếm 1,5% tổng lực lượng lao động của ASEAN, gồm bác sĩ, y tá, nha sĩ, kỹ sư, trắc địa viên, người làm trong ngành du lịch, kế toán và kiến trúc sư.
Nhưng quá trình này không phải tự nhiên theo kiểu ưa làm ở nước nào thì làm mà tùy điều kiện từng nước đặt ra trước khi công nhận lẫn nhau. Ví dụ ở Malaysia những người làm nghề chuyên môn này phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm và phải được một công ty sở tại bảo lãnh.
Chính ở lĩnh vực này, dự báo sẽ có nhiều chuyển biến do AEC đem lại. Sẽ có nhiều bạn trẻ sang các nước ASEAN khác để làm việc trong ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng và ngược lại các công ty lữ hành nước ngoài cũng sẽ đem nhân sự của chính họ vào Việt Nam. Nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hiện đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự bậc trung sẽ chuyển sang tìm chuyên viên kế toán, giám đốc tài chính… từ các nước lân cận.
Dù sao đây là sức ép cạnh tranh rất cần thiết để giới trẻ phải tự hoàn thiện mình trong cả kiến thức, tay nghề, ý thức lao động lẫn khả năng tiếng Anh, khả năng làm việc nhóm. Sức ép này sẽ dội vào các trường đại học, không thể ngồi yên trong tháp ngà được nữa rồi.
Cái mà AEC hướng đến nhằm xây dựng một thị trường chung và một khu vực sản xuất chung là việc dịch chuyển tự do lao động có tay nghề. Nếu Việt Nam cứ chăm chăm vào xuất khẩu lao động phổ thông thì xem như thua.
Đã có những câu chuyện từ thực tế được đăng tải trên Facebook, nào là chuyện hành khách một chuyến bay nội địa ngạc nhiên trước sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của một tiếp viên hàng không nam; hóa ra đây là một tiếp viên người Thái mà hãng này mới tuyển dụng. Thật mỉa mai khi sự phục vụ bình thường của một tiếp viên như ân cần giúp hành khách xếp va li lên ngăn đựng hành lý, hướng dẫn cặn kẽ cách cài khóa an toàn cho người lớn tuổi, quan sát xem có ai cần giúp đỡ thì nhanh nhẹn tiến đến giúp… lại gây ngạc nhiên ở người quan sát. Đến khi biết anh này là người Thái thì lại ồ lên, ra vẻ thì ra thế!
Kiểu như thế chẳng mấy chốc doanh nghiệp trong nước vì khách hàng, vì hiệu quả công việc mà sẽ nhắm đến tuyển dụng nhân sự từ các nước láng giềng chăng? Do đâu tính chuyên nghiệp ở người lao động nước ta ngày càng dần mai một trong khi sự làm dối, làm ẩu lại lan tràn. Ở đâu, trong môi trường nào, nhân viên Việt Nam học được lương tâm chức nghiệp, cách hành nghề chuyên nghiệp, cách ứng xử đúng chuẩn mực quốc tế?
Và từ câu chuyện dòng chảy lao động có thể sẽ được tự do lưu chuyển nội vùng ASEAN trong những năm sắp tới mà nhìn lại tệ nạn chạy việc ở nước ta mới thấy nguy cơ tụt hậu lớn như thế nào.
Giả dụ cứ đặt một bên là cái bệnh viện phải tìm mọi cách tuyển cho được bác sĩ giỏi, kể cả chuyên gia từ nước ngoài về và một bên là cái bệnh viện ai muốn vào làm, dù là y tá thôi chứ chưa nói đến bác sĩ đã phải “chạy việc” tốn cả trăm triệu.
Giả dụ một hệ thống trường học mà giáo viên toàn phải bỏ tiền ra bôi trơn mới được nhận vào rồi một hệ thống trường học có thể phải tuyển giáo viên từ Philippines để dạy tiếng Anh với mức lương phải trả cao hơn giáo viên sở tại.
Không cần so sánh, ắt ai cũng thấy con đường lên xuống của hai dạng tuyển dụng này là như thế nào. Thế tại sao nạn chạy việc vẫn phổ biến; không lẽ người đứng đầu các đơn vị cần tuyển dụng không hiểu được chất lượng bộ máy sẽ phụ thuộc vào chất lượng nhân sự mà họ tuyển dụng.
Nhìn rộng hơn, chắc chắn sẽ đến lúc AEC đồng ý công nhận lẫn nhau nhiều ngành nghề hơn nữa và để chuẩn bị cho việc đó, ASEAN có soạn thảo bộ khung tham chiếu tay nghề mà các nước trong khối rồi sẽ phải dựa vào để soạn thảo chương trình đào tạo cho nước mình. Điều đó không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đại học, các trường dạy nghề đã nhắm tới để đưa vào kế hoạch của mình chưa? Chẳng hạn chuyện lình xình quanh việc cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ mở ngành y đa khoa, vấn đề không phải là bộ này hay bộ kia ủng hộ; vấn đề là đầu ra của trường có đáp ứng được các yêu cầu về tay nghề để được các nước khác công nhận hay không.
Ở góc độ khác, để tránh cảnh người dân bị quyến dụ bởi cái nhãn “bác sĩ ngoại” mà không biết thực chất tay nghề của các bác sĩ này là thế nào, liệu Việt Nam đã soạn thảo lộ trình công nhận bác sĩ các nước ASEAN hay chưa? Ví dụ Philippines đề ra yêu cầu bác sĩ, nha sĩ phải có năm năm kinh nghiệm hành nghề, còn y tá là ba năm. Ở các nước chưa có những thỏa thuận nhận lao động của nhau, doanh nghiệp nào muốn tiếp nhận lao động nước ngoài phải ưu tiên tuyển dụng lao động của nước sở tại trước, đến khi đăng báo tuyển người không ra mới được phép tuyển lao động từ nước khác đến. Những quy định ấy nước ta cũng có nhưng hầu như không ai thực thi cho đến nơi đến chốn.
Nói tóm lại, cái mà AEC hướng đến nhằm xây dựng một thị trường chung và một khu vực sản xuất chung là việc dịch chuyển tự do lao động có tay nghề. Nếu Việt Nam cứ chăm chăm vào xuất khẩu lao động phổ thông thì xem như thua: không những không gửi được người sang làm ở các nước AESAN khác mà sẽ phải tiếp nhận dòng chảy các loại chuyên viên cấp trung và cấp cao từ nước khác. Có lẽ điều này sẽ có tác động lớn lên xã hội chứ không phải chuyện thuế má vì thuế thực chất đã giảm từ trước khi ra đời AEC.

Thực tế dòng chảy lao động trong khối ASEAN không như AEC hình dung. Bởi đến 87% lao động dịch chuyển nội khối là lao động phổ thông. Năm hành lang dịch chuyển chính bao gồm: Myanmar sang Thái Lan; Indonesia sang Malaysia; Malaysia sang Singapore; Lào qua Thái Lan và Campuchia cũng qua Thái Lan. Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm 14 triệu chỗ làm tính đến năm 2025.

Nguyễn Vạn Phú

Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/140499/AEC-co-lien-quan-gi-den-ban-khong.html ngày 31/12/2015.

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Hãy để ý đến huyết áp của mình

(TBKTSG) - Ở Việt Nam, cứ bốn người trưởng thành (25-64 tuổi) có một người mắc bệnh cao huyết áp và con số này đang tiếp tục tăng lên. Bài viết dưới đây mang lại vài lời khuyên nhằm giảm tác hại của “căn bệnh quốc gia” này.

“Người ta thật dễ lâm vào mê hồn trận được gây ra bởi tin tức hàng ngày về sức khỏe và dược phẩm. Hôm nay báo này viết cà phê có lợi thế này, nhưng ngày mai báo nọ lại nói nó làm mất ngủ rồi gây bệnh”.
Bên trên là câu mở đầu của một bài viết gần đây đăng trên tạp chí mạng Slate của TS. Marc Siegel, giáo sư y khoa thuộc Trung tâm Langone, Đại học New York, Mỹ.
Ông viết rằng mới hôm nay bệnh dịch nguy hiểm nhất được khẳng định không gì khác hơn là Ebola, thì hôm sau đã chuyển qua vi khuẩn West Nile. Đó là vì tin tức về sức khỏe đến rồi đi dưới góc nhìn phiến diện của truyền thông, ông giải thích.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng lại có vài công bố y học khiến ông và nhiều đồng nghiệp phải thay đổi cách thức hành nghề. Điển hình, theo TS. Siegel, là một công trình về cao huyết áp vừa được công bố.
Ông cho rằng lâu nay các bác sĩ và bệnh nhân của họ cứ tự hỏi con số huyết áp lý tưởng là bao nhiêu đối với người có nguy cơ nhồi máu cơ tim và xuất huyết não. Các lý thuyết lẫn hướng dẫn thực hành đều nói rõ rằng phải giữ huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) của người bệnh dưới 140mm thủy ngân.
Siegel cho biết cứ ba người Mỹ thì có một người cao huyết áp, và người Mỹ nào cũng có [ít nhất] một người thân bị bệnh này. Thành ra, đây là bệnh của cả xứ (giống Việt Nam ghê!). Tuy nhiên, chỉ phân nửa số bệnh nhân bị chẩn đoán cao huyết áp được theo dõi điều trị (lại giống y chang Việt Nam). Theo số liệu của CDC (Trung tâm Phòng chống bệnh), mỗi năm có khoảng 800.000 người Mỹ bị xuất huyết não.
Công trình làm vị bác sĩ thay đổi cách nhìn như đề cập ở trên do Sprint, một cơ quan chuyên nghiên cứu các can thiệp vào huyết áp, thực hiện. Kết quả nghiên cứu trên 9.000 bệnh nhân cao huyết áp khắp nước Mỹ từ năm 2010-2013 cho thấy khi huyết áp được kéo xuống 120mm thay vì 140mm (mức được xem là bệnh cao huyết áp), thì bệnh nhân có ít hơn 30% nguy cơ suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, và giảm 25% nguy cơ mất mạng. Nghiên cứu được tiến hành ở các bệnh nhân có tuổi trung bình 68.
Theo kinh nghiệm của chính TS. Siegel, bệnh nhân cao huyết áp thường e ngại khi phải dùng thuốc vì các tác dụng phụ như choáng váng, bất lực và mệt mỏi kéo dài, khiến các phương án điều trị không phát huy được tác dụng tối đa. Tuy việc thay đổi thói quen ăn uống, tập thể dục và ngăn ngừa tăng cân là những biện pháp hàng đầu, nhưng sử dụng thuốc là điều không thể tránh khỏi với nhiều người.
“Giờ đây khi biết rằng có sự khác biệt đáng kể giữa hai số đo huyết áp tâm trương 140mm và 120mm trong các bệnh nhân của tôi, tôi sẽ chủ động hơn nhiều khi thuyết phục họ phải tìm cách hạ thấp số đo huyết áp”, TS. Siegel viết.
Huyết áp hơi cao cũng có thể trở thành vấn đề
Một công trình tổng hợp các nghiên cứu đã thực hiện cũng cho thấy người có huyết áp cao hơn mức bình thường - dù chưa phải cao huyết áp - vẫn có nguy cơ bị đột quỵ do chảy máu não (stroke) nhiều hơn, một bài báo của Reuters cho biết.
Huyết áp được thể hiện qua hai con số, huyết áp tâm thu (khi tim co bóp) và huyết áp tâm trương (khi tim dãn ra). Hai chỉ số này ở người bình thường là 120mm và 80mm. Nếu trên 140mm và 90mm thì bị xem là cao huyết áp. Các số đo ở giữa các ngưỡng này được xem là tiền cao huyết áp (prehypertension).
Reuters dẫn một bài viết trên Journal of Neurology (tạp chí Thần kinh học) của TS. Yuli Huang thuộc Đai học Y khoa Miền Nam, Quảng Đông, Trung Quốc, cho biết các nghiên cứu trước đây thường chú ý đến các trường hợp đột quỵ với các số đo tiệm cận với cao huyết áp, chứ ít chú ý đến trường hợp chỉ cao hơn mức an toàn chút ít. Tuy nhiên, sau khi tổng hợp 19 nghiên cứu với hơn 762.000 người khắp thế giới, nhóm của TS. Huang thấy rằng người thuộc nhóm tiền cao huyết áp vẫn có 66% nguy cơ đột quỵ cao hơn so với người bình thường.
Ông phân biệt hai nhóm gồm “tiền cao huyết áp thấp” (có số đo từ 120/80mm đến 129/84mm) và “tiền cao huyết áp cao” (từ 130/85mm đến 139/89mm) và nhận thấy nhóm đầu có 44% nguy cơ đột quỵ cao hơn so với người bình thường trong khi nhóm thứ hai có nguy cơ cao hơn đến 95%.
Theo số liệu của bệnh viện Cleveland Clinic ở bang Ohio, Mỹ, đàn ông ở khoảng tuổi 60 có xác suất 11% bị đột quỵ trong vòng 10 năm. Có 44% nguy cơ cao hơn có nghĩa là xác suất sẽ tăng lên 16%.
Như vậy, ngay cả trong giai đoạn tiền cao huyết áp, các bác sĩ cũng cần khuyến khích bệnh nhân của mình thay đổi lối sống, bao gồm thay đổi thói quen ăn uống và siêng năng luyện tập thể dục, thể thao.
Nên tự theo dõi huyết áp của mình
Theo một bài báo khác của Reuters, nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy bệnh nhân cao huyết áp chủ động theo dõi huyết áp và điều chỉnh thuốc của mình theo chỉ dẫn can thiệp chi tiết của bác sĩ có thể làm giảm các số đo huyết áp tốt hơn so với người chỉ dựa vào nhân viên y tế đo huyết áp và cho thuốc định kỳ.
Biện pháp can thiệp bao gồm lập ra kế hoạch chi tiết với bác sĩ, trong đó bệnh nhân tự đo huyết áp hàng ngày và điều chỉnh thuốc của mình theo như chỉ dẫn. Sau một năm, biện pháp mới này đã giúp bệnh nhân quản lý tốt hơn huyết áp của mình, đồng thời hạ thấp các số đo huyết áp.
Nghiên cứu nói trên được khảo sát từ 552 bệnh nhân cao huyết áp với tiền sử đã có bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tiểu đường và thận. Phân nửa số bệnh nhân tham gia được hướng dẫn can thiệp chi tiết, trong khi nửa còn lại giữ như cũ, nghĩa là đo huyết áp và lấy thuốc định kỳ tại cơ sở điều trị.
Vào đầu cuộc nghiên cứu, huyết áp trung bình của tất cả bệnh nhân là 144/80mm. Một năm sau đó, những người tự theo dõi huyết áp và điều chỉnh thuốc dùng liều thuốc cao hơn, trung bình cần 3,3 liều mỗi ngày so với 2,6 liều của nhóm đối chứng không tự theo dõi huyết áp. Cả hai nhóm đều có huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) thấp hơn sau một năm thử nghiệm. Tuy nhiên, số đo của nhóm đầu (nhóm tự theo dõi huyết áp) thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng, trung bình là 128mm so với 138mm của nhóm sau.
“Sự khác biệt quan sát được trong nghiên cứu này rất có ý nghĩa”, TS. Steven Nissen, thuộc Bệnh viện Cleveland Clinic, nhận đinh. Theo ông, bất kỳ sự tụt giảm từ 2 hay 3mm trở lên đã là đáng kể. Vì thế, dù rằng kết quả nghiên cứu không thể kết luận ngay rằng nhóm theo dõi tích cực có tránh được đột quỵ tốt hơn hay không, huyết áp thấp hơn thường dẫn đến kết quả tốt hơn về lâu về dài.
Tuy nhiên, TS. Nissen cảnh báo rằng không phải ai cao huyết áp cũng có thể tự theo dõi huyết áp và điều chỉnh thuốc cho mình. Bệnh nhân cần trao đổi cẩn thận với bác sĩ điều trị về vấn đề này và không nên “tự làm bác sĩ cho mình”.

Quỳnh Thư

Nguồn: Thời Báo Kinh tế Sài Gòn ngày 22/10/2015 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/137038/Hay-de-y-den-huyet-ap-cua-minh.html

Việt Nam được sử dụng vải ngoài TPP trong 5 năm













Ảnh minh họa: Thu Nguyệt.
(TBKTSG Online) – Trong thời gian 5 năm sau khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, hàng dệt may của Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi thuế dù sử dụng một số loại vải, nguyên phụ liệu sản xuất ngoài TPP, theo văn kiện hiệp định TPP được các nước công bố hôm 5-11.

Toàn văn kiện này chia ra các chương cụ thể, trong đó có cam kết của từng nước đối với từng mặt hàng. Hiện toàn bộ 11 nước còn lại trong TPP là thị trường của 65% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, trong đó thị trường Mỹ chiếm gần 75%.
Dệt may cũng được xem là mặt hàng có nhiều lợi ích khi TPP có hiệu lực, vì việc nhà nhập khẩu Mỹ được giảm/bỏ thuế nhập khẩu sẽ giúp lượng đơn hàng đặt may tại Việt Nam tăng cao. Hiện nay, nhìn chung hàng dệt may từ Việt Nam sang Mỹ có mức thuế bình quân 17,5%.
Vậy Mỹ cam kết mở cửa như thế nào đối với hàng dệt may trong TPP? Đối với hàng dệt may (trong chương 61, 62 và 63), Mỹ cam kết bỏ thuế ngay lập tức với nhiều mặt hàng dệt may từ 11 nước TPP, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng dệt may xuất sang Mỹ sẽ bỏ thuế dần theo một số lộ trình khác nhau tùy từng mặt hàng, và chỉ bỏ hoàn toàn sau 6-10 năm sau khi hiệp định có hiệu lực. Cụ thể như, Mỹ sẽ giảm 50% thuế của mức thuế cơ bản (base rate) khi hiệp định có hiệu lực, và giữ mức thuế đã giảm này trong 10 năm, và chỉ xóa bỏ vào năm thứ 11. Hay, Mỹ chỉ giảm 35% của mức thuế cơ bản ngay khi TPP có hiệu lực và giữ nguyên mức này trong 5 năm; đến năm thứ 6 thì giảm thêm 15%, và giữ nguyên cho đến năm thứ 10, và chỉ bỏ hoàn toàn vào năm thứ 11.
Tuy nhiên, để hưởng ưu đãi thuế này, hàng dệt may của Việt Nam cũng như các thành viên khác trong TPP phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Trong chương riêng về dệt may (chương 4), theo quy tắc yêu cầu mức tối thiểu (De minimis), những hàng hóa (thuộc hoặc không thuộc chương 61-63) không đạt quy tắc xuất xứ về chuyển đổi mã hàng hóa để được hưởng ưu đãi trong TPP vẫn được xem là hàng hóa có xuất xứ nếu phần nguyên liệu không có xuất xứ (như sợi, vải) có trọng lượng không vượt quá 10% tổng trọng lượng của sản phẩm.
Ngoài ra, những sản phẩm (thuộc hay không thuộc chương 61-63) nếu có chứa sợi đàn hồi (elastomeric yarn) sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ là sợi này được sản xuất hoàn toàn tại một/nhiều thành viên TPP. Tuy nhiên, chương này cũng có quy định về danh sách nguồn cung thiếu hụt (short-supply list) cho phép những hàng dệt may vẫn được hưởng ưu đãi thuế dù được sản xuất từ một số vải, nguyên vật liệu không có xuất xứ TPP.
Tuy nhiên, TPP cũng quy định cụ thể nguyên liệu này phải được dùng để sản xuất mặt hàng cuối là gì (phải thuộc nhóm hàng hóa cụ thể nào, quy định rõ về mã HS từ 2-6 số). Danh sách này gồm hai phần: tạm thời (áp dụng trong 5 năm sau khi TPP có hiệu lực) và vĩnh viễn.
Các đường dẫn đến nội dung cam kết trong TPP về hàng dệt may:
Tổng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam 9 tháng đầu năm là 19,9 tỉ đô la Mỹ, riêng xuất khẩu dệt may là gần 17 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường các nước TPP đạt 11,1 tỉ đô la Mỹ, tức chiếm trên 65% xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.
Trong các nước TPP, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may nhiều nhất là đến thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc, Chi Lê. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu vẫn là thị trường Mỹ (8,3 tỉ đô la Mỹ) và Nhật Bản (trên 2 tỉ đô la Mỹ).
T.Thu

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 05/11/2015 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/138077/Viet-Nam-duoc-su-dung-vai-ngoai-TPP-trong-5-nam.html.

Tóm tắt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Tối qua 5-10 theo giờ Việt Nam, cuộc đàm phán kéo dài 5 năm qua về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức hoàn tất sau khi 12 bộ trưởng thương mại của 12 quốc gia thành viên đồng thuận về dự thảo hiệp định và tổ chức họp báo để công bố kết thúc đàm phán.

Do nội dung đàm phán được giữ bí mật nên các doanh nghiệp và người dân gần như không tiếp cận được những nội dung căn bản của hiệp định TPP. Bộ Công Thương Việt Nam đã soạn thảo một bản tóm tắt nội dung Hiệp định và công bố trên trang web của Bộ.
Để bạn đọc tiện tham khảo, TBKTSG Online đăng lại bản tóm tắt này từ trang web của Bộ Công Thương. Xin bấm vào đường dẫn bên dưới để đọc tài liệu.


Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 06/10/2015 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/136639/Tom-tat-Hiep-dinh-Doi-tac-xuyen-Thai-Binh-Duong-TPP.html

Công bố toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Theo thông lệ đàm phán thương mại quốc tế, một hiệp định sẽ chỉ được công bố sau khi các Bên tham gia đàm phán đã hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý. Tuy nhiên, trước nhu cầu tìm hiểu thông tin rất lớn của người dân và doanh nghiệp, các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã quyết định công bố toàn văn Hiệp định TPP mặc dù thủ tục rà soát pháp lý vẫn chưa hoàn tất.



Các nước TPP đã thống nhất giao Niu Di-lân (nước được giao nhiệm vụ lưu chiểu văn kiện của Hiệp định) công bố toàn văn Hiệp định vào chiều ngày 05 tháng 11 năm 2015 (giờ Hà Nội).

Bộ Công Thương xin trân trọng công bố toàn văn Hiệp định TPP (bản tiếng Anh) đã được các nước TPP thống nhất. Do quá trình rà soát pháp lý vẫn đang tiếp tục nên bản công bố lần này chưa phải là bản cuối cùng. Bản cuối cùng có thể sẽ có một số thay đổi nhưng chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết.

Ngoài các nội dung cam kết trong Hiệp định, trong quá trình đàm phán các nước TPP cũng đạt được một số thỏa thuận song phương. Do các thỏa thuận này chỉ liên quan đến các Bên ký kết nên sẽ được các Bên ký kết công bố riêng. Bộ Công Thương xin công bố kèm theo đây các thỏa thuận song phương mà Việt Nam đã thống nhất với một số nước TPP. Các thỏa thuận này sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định TPP.

Do các nước TPP vẫn đang tiến hành thủ tục rà soát pháp lý, khối lượng tài liệu phải biên dịch lại rất lớn nên Bộ Công Thương và các Bộ, ngành chưa thể công bố kèm theo bản dịch tiếng Việt của Hiệp định TPP. Để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành nhanh chóng hoàn tất công việc dịch thuật và công bố bản dịch tiếng Việt trong thời gian sớm nhất.

Sau khi công bố toàn văn Hiệp định, các nước TPP sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Mỗi nước, theo quy định của pháp luật nước mình, sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu Hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày. Sau khoảng thời gian này, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức. Thời điểm ký kết chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I năm 2016. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.




NguồnCổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT), Bộ Công Thương ngày 06/11/2015 truy cập từ http://tpp.moit.gov.vn/?page=news&do=detail&category_id=31&id=483  và  http://tpp.moit.gov.vn/?page=home

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Giá dầu có thể mất nhiều năm mới hồi phục

Trong lần gần nhất giá dầu lao dốc do dư cung, thị trường phải mất gần 5 năm để quay về trạng thái cũ.

Biểu đồ của Bloomberg cho thấy trong giai đoạn từ tháng 11/1985 đến tháng 4/1986, giá dầu WTI tại Mỹ đã giảm tới 69%, từ 31,82 USD xuống 9,75 USD một thùng khi Ảrập Xêút tỏ ra mệt mỏi với việc giảm sản lượng để hỗ trợ giá cả. Thị trường chỉ phục hồi vào năm 1990.
Hiện tại, giá dầu thô đã giảm 57% từ tháng 6 năm ngoái, và các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không tỏ ra lo lắng nếu giá giảm sâu hơn nữa.
Giá dầu tăng vọt thập niên 70 đã làm bùng nổ việc khai thác các mỏ tại Biển Bắc và Alaska. Các thành viên OPEC cũng tăng sản lượng, chỉ để Ảrập Xêút giảm cung khi nhu cầu yếu đi.
oil-4-8517-1421230118.jpg
Biểu đồ cho thấy lần gần đây nhất dư cung, giá dầu mất gần 5 năm để phục hồi. Ảnh: Bloomberg
Đến những năm 1980, nước này tỏ ra "mệt mỏi vì bị các nước khác tận dụng làm van dầu", và để mặc nguồn cung tràn ngập thị trường, Walter Zimmerman - chiến lược gia tại United-ICAP cho biết. Sau khi dầu lao dốc, "người Ảrập hốt hoảng và lại tiếp tục đóng vai trò điều tiết nguồn cung. Nếu họ không sợ hãi như vậy, chúng ta đã không có sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến ngày nay và sản xuất tại Biển Bắc cũng sẽ thấp hơn vì ít thu hút đầu tư", ông nhận xét.
Đầu tư vào cơ sở khai thác mới đã tăng vọt khi giá dầu lên trung bình gần 96 USD giai đoạn 2011-2013. Sự kết hợp giữa công nghệ khoan ngang và bẻ gãy thủy lực đã giải phóng các mỏ dầu đá phiến, khiến sản lượng khai thác tại Mỹ lên cao nhất 3 thập kỷ. Tháng trước, sản xuất tại Nga cũng lên cao nhất thời hậu Xô Viết và Irraq cũng xuất khẩu nhiều nhất kể từ thập niên 80.
"Nếu trước đây cứ để giá dầu xuống thấp, họ đã tránh được rất nhiều vấn đề trong dài hạn rồi", Zimmerman nhận xét.
Đầu tuần này, Goldman Sachs cũng đã giảm dự báo giá dầu toàn cầu vì cho rằng tồn kho sẽ tiếp tục tăng nửa đầu năm nay. Nhà băng dự đoán trong 3 tháng tới, dầu WTI tại Mỹ sẽ giao dịch tại 41 USD một thùng và dầu Brent sẽ xuống 42 USD một thùng. Trong 6 tháng và 12 tháng tới, Goldman Sachs cho rằng dầu WTI sẽ xuống 39 USD rồi lên 65 USD. Còn dầu Brent sẽ giao dịch tại 43 USD và 70 USD.
Hà Thu























































Nguồn: VN Express ngày 14/01/2015 truy cập từ http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/gia-dau-co-the-mat-nhieu-nam-moi-hoi-phuc-3133852.html. 

Phantom Lửa thiêng - hàng thửa cho đại gia Việt



Bộ sưu tập 6 chiếc Phantom đặc biệt mang cảm hứng Trống đồng Đông Sơn sắp xuất hiện, với bản đầu tiên Lửa thiêng trong năm 2015.

Bước chân vào Việt Nam, Rolls-Royce từng bước tiếp cận thị trường cao cấp với giới nhà giàu. Không rầm rộ như các hãng xe phổ thông nhưng thương hiệu siêu sang từ Goodwood (Anh quốc) cũng giới thiệu đủ tất cả các sản phẩm của hãng tới khách hàng Việt, chỉ dấu niềm tin tăng trưởng.
Khi các thị trường truyền thống của Rolls-Royce như châu Âu, Mỹ dần khó khăn hơn cũng là lúc các ông chủ muốn hướng tới những thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á, Trung Đông. Bản thân hãng ra đời nhiều phiên bản đặc biệt trong năm 2014, và muốn có thêm nhiều nữa những yêu cầu bespoke cá nhân hóa từ các đại lý để cho thấy Rolls-Royce sẽ thể hiện được nét đặc trưng từng thị trường.
Phantom-Lua-thieng-4949-1419570327.jpg
Phantom Lửa thiêng dành riêng cho khách hàng Việt.
Khách hàng và người mê xe Việt sẽ không phải chờ lâu, khi Rolls-Royce Motor Cars Hanoi sẽ bắt đầu một chương trình như thế vào 2015, bộ sưu tập Trống đồng Đông Sơn cho Phantom mang tên DSC (Dong Son Collection).
Cụ thể, có 6 phiên bản trong bộ sưu tập DSC, bespoke từ Phantom EWB (trục cơ sở kéo dài). Bao gồm Lửa thiêng (Sacred Fire), Thủy triều (Wave), Thần núi (God of Mountain), Ngân vũ (The Money Rain), Phù sa (sông Hồng - Alluvium) và Mẹ Âu Cơ (Au Co Mother).
Điểm chung trên cả 6 phiên bản này sẽ bao gồm những họa tiết đặc biệt vẽ theo hình ảnh xuất hiện trên trống đồng truyền thống. Ở ngoại thất, xe có phần thân trên sơn màu vàng đồng đặc trưng (sunrise), màu sơn thân dưới thay đổi ứng với từng phiên bản. Biểu tượng Spirit of Ecstasy mạ vàng, đường coach-line kép cùng họa tiết Trống đồng ngay sau chắn bùn trước.
Ở nội thất, họa tiết trống đồng thêu tay trên 4 tựa đầu ghế, hộp găng tay và mặt đồng hồ trung tâm. Thêm vào đó là họa tiết chim hạc vẽ tay trên tựa tay ghế và mặt trong cánh cửa. Hình người nhảy múa trên lưng ghế và bên phải bảng tap-lô. Tùy từng phiên bản sẽ có thêm những chi tiết riêng biệt phù hợp cảm hứng.
Nếu với những bản besopke khác thường thời gian thực hiện khoảng 4-5 tháng thì Phantom DSC mất tới 7 tháng cho mỗi chiếc. Bởi lẽ, những chi tiết trên xe như mặt trời, chim hạc, người nhảy múa theo nét vẽ truyền thống trên trống Đồng của người Việt rất tinh xảo, mất nhiều thời gian thực hiện. Đại lý tại Việt Nam đưa ra ý tưởng, nhưng tất cả những nét vẽ đều do họa sĩ ở Goodwood chắp bút.
phantom-lua-thieng-4-4559-1419570327.jpg
Nội thất ấm cúng với bầu trời sao, mặt trống đồng thêu trên tựa đầu ghế.
Chiếc đầu tiên về Việt Nam là Phantom Lửa thiêng (Sacred Fire), dự kiến vào quý II năm 2015. Ngoài những chi tiết chung cho tất cả các phiên bản thuộc DSC như ở trên, Lửa thiêng sử dụng màu nội thất hai gam nâu và đồng ấm áp, thịnh vượng. Thân dưới ngoại thất màu đỏ tía Madeira Red. Đồng thời xe có vách ngăn, chiếc Rolls-Royce đầu tiên có vách ngăn tại Việt Nam.
Lửa thiêng đại diện cho Hỏa trong ngũ hành, thể hiện sự phát triển, tấn tới, phù hợp theo quan niệm của những doanh nhân thành đạt, do vậy Rolls-Royce muốn giới thiệu tới khách hàng phiên bản này đầu tiên trong bộ sưu tập. Với giá trị bespoke trên xe, khi về Việt Nam mức giá dự kiến không dưới 2 triệu USD.
Ngoài những mẫu xe Phantom trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn, năm 2015 Rolls-Royce Motor Cars Hà Nội kỳ vọng đạt doanh số mạnh ở Ghost Series II và Phantom EWB,  giống như 40% khách hàng của Rolls-Royce toàn cầu hiện nay sở hữu Ghost Series II. Khách hàng Việt hoặc mua Ghost Series II, hoặc đẳng cấp cao nhất là Phantom EWB, ít ai chú ý tới bản Phantom trục cơ sở tiêu chuẩn.



Phantom-Lua-thieng_1419569914.jpg
Phantom Lửa thiêng là bản đầu tiên thuộc bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn DSC.
phantom-lua-thieng-6.jpg
Đường coach-line kép với họa tiết mặt trống nổi bật.
phantom-lua-thieng-1.jpg
DS1-LUATHIENG-IN-1.jpg
Phía bên phải bảng tap-lô là hình người nhảy múa và dòng chữ "Dong Son".
DS1-LUATHIENG-IN-2.jpg
Họa tiết mặt trống thêu tay trên tựa đầu ghế, 9 chim lạc trên bệ cửa.
DS1-LUATHIENG-IN-4.jpg
Hình người nhảy múa cũng xuất hiện trên lưng ghế.
DS1-LUATHIENG-IN-5.jpg
Toàn bộ không gian nổi bật với đàn chim lạc sải cánh bay.
phantom-lua-thieng-2.jpg
Họa tiết mặt trống đồng ngay dưới đường coach-line.
phantom-lua-thieng-3.jpg
Bậc cửa.
phantom-lua-thieng-4_1419569914.jpg
Bầu trời sao, nét đặc trưng của Phantom.
phantom-lua-thieng-5.jpg
Mặt đồng hồ cũng vẽ các tia sáng như trên mặt trống.
Ảnh: Rolls-Royce



Đức Huy












































































































































































































































Nguồn: VN Express ngày 27/12/2014 truy cập từ http://vnexpress.net/tin-tuc/oto-xe-may/phantom-lua-thieng-hang-thua-cho-dai-gia-viet-3125933.html.