(TBKTSG) - Cái mặc cảm không biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) không chỉ luẩn quẩn trong đầu nhiều doanh nhân; nó còn ám ảnh người có chút áy náy về chuyện thế sự. Hôm nay, ngày 31-12-2015, AEC chính thức hình thành - một cột mốc quan trọng như thế mà mình không biết gì về nó cả.
Thật ra nhiều người dân ASEAN cũng tự vấn như thế - nên mới có các phần hỏi đáp trên nhiều báo. Ví dụ, câu hỏi nhiều người đặt ra nhất là AEC có giống Liên hiệp châu Âu (EU) không? Mới nhìn qua thì AEC cũng giống EU lúc mới hình thành cái gọi là Cộng đồng Kinh tế châu Âu vào năm 1957 nhưng về bản chất thì khác hẳn. AEC không có kế hoạch cho ra đời đồng tiền chung, không có một ngân hàng trung ương chung, không có nghị viện chung nên nói là cộng đồng kinh tế nhưng chưa có sự gắn bó chặt chẽ như EU hiện nay.
Với người bình thường, có lẽ mối quan tâm gói gọn vào một số chuyện cụ thể mà đầu tiên là công ăn việc làm. Liệu AEC ra đời có thúc đẩy các dòng di dân tìm việc làm ở quy mô lớn mà thực tế hiện đang xảy ra như công nhân Việt Nam qua Thái Lan hay Malaysia làm việc?
Thực tế ở giai đoạn đầu này, AEC chỉ chú trọng vào việc dịch chuyển lao động có tay nghề chứ lao động phổ thông không nằm trong mối quan tâm của các nhà làm chính sách. Cho đến nay chỉ có người làm 8 nghề chuyên môn là được quyền chuyển đổi nơi làm việc bên trong ASEAN, chiếm 1,5% tổng lực lượng lao động của ASEAN, gồm bác sĩ, y tá, nha sĩ, kỹ sư, trắc địa viên, người làm trong ngành du lịch, kế toán và kiến trúc sư.
Nhưng quá trình này không phải tự nhiên theo kiểu ưa làm ở nước nào thì làm mà tùy điều kiện từng nước đặt ra trước khi công nhận lẫn nhau. Ví dụ ở Malaysia những người làm nghề chuyên môn này phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm và phải được một công ty sở tại bảo lãnh.
Chính ở lĩnh vực này, dự báo sẽ có nhiều chuyển biến do AEC đem lại. Sẽ có nhiều bạn trẻ sang các nước ASEAN khác để làm việc trong ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng và ngược lại các công ty lữ hành nước ngoài cũng sẽ đem nhân sự của chính họ vào Việt Nam. Nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hiện đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự bậc trung sẽ chuyển sang tìm chuyên viên kế toán, giám đốc tài chính… từ các nước lân cận.
Dù sao đây là sức ép cạnh tranh rất cần thiết để giới trẻ phải tự hoàn thiện mình trong cả kiến thức, tay nghề, ý thức lao động lẫn khả năng tiếng Anh, khả năng làm việc nhóm. Sức ép này sẽ dội vào các trường đại học, không thể ngồi yên trong tháp ngà được nữa rồi.
Cái mà AEC hướng đến nhằm xây dựng một thị trường chung và một khu vực sản xuất chung là việc dịch chuyển tự do lao động có tay nghề. Nếu Việt Nam cứ chăm chăm vào xuất khẩu lao động phổ thông thì xem như thua. |
Đã có những câu chuyện từ thực tế được đăng tải trên Facebook, nào là chuyện hành khách một chuyến bay nội địa ngạc nhiên trước sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của một tiếp viên hàng không nam; hóa ra đây là một tiếp viên người Thái mà hãng này mới tuyển dụng. Thật mỉa mai khi sự phục vụ bình thường của một tiếp viên như ân cần giúp hành khách xếp va li lên ngăn đựng hành lý, hướng dẫn cặn kẽ cách cài khóa an toàn cho người lớn tuổi, quan sát xem có ai cần giúp đỡ thì nhanh nhẹn tiến đến giúp… lại gây ngạc nhiên ở người quan sát. Đến khi biết anh này là người Thái thì lại ồ lên, ra vẻ thì ra thế!
Kiểu như thế chẳng mấy chốc doanh nghiệp trong nước vì khách hàng, vì hiệu quả công việc mà sẽ nhắm đến tuyển dụng nhân sự từ các nước láng giềng chăng? Do đâu tính chuyên nghiệp ở người lao động nước ta ngày càng dần mai một trong khi sự làm dối, làm ẩu lại lan tràn. Ở đâu, trong môi trường nào, nhân viên Việt Nam học được lương tâm chức nghiệp, cách hành nghề chuyên nghiệp, cách ứng xử đúng chuẩn mực quốc tế?
Và từ câu chuyện dòng chảy lao động có thể sẽ được tự do lưu chuyển nội vùng ASEAN trong những năm sắp tới mà nhìn lại tệ nạn chạy việc ở nước ta mới thấy nguy cơ tụt hậu lớn như thế nào.
Giả dụ cứ đặt một bên là cái bệnh viện phải tìm mọi cách tuyển cho được bác sĩ giỏi, kể cả chuyên gia từ nước ngoài về và một bên là cái bệnh viện ai muốn vào làm, dù là y tá thôi chứ chưa nói đến bác sĩ đã phải “chạy việc” tốn cả trăm triệu.
Giả dụ một hệ thống trường học mà giáo viên toàn phải bỏ tiền ra bôi trơn mới được nhận vào rồi một hệ thống trường học có thể phải tuyển giáo viên từ Philippines để dạy tiếng Anh với mức lương phải trả cao hơn giáo viên sở tại.
Không cần so sánh, ắt ai cũng thấy con đường lên xuống của hai dạng tuyển dụng này là như thế nào. Thế tại sao nạn chạy việc vẫn phổ biến; không lẽ người đứng đầu các đơn vị cần tuyển dụng không hiểu được chất lượng bộ máy sẽ phụ thuộc vào chất lượng nhân sự mà họ tuyển dụng.
Nhìn rộng hơn, chắc chắn sẽ đến lúc AEC đồng ý công nhận lẫn nhau nhiều ngành nghề hơn nữa và để chuẩn bị cho việc đó, ASEAN có soạn thảo bộ khung tham chiếu tay nghề mà các nước trong khối rồi sẽ phải dựa vào để soạn thảo chương trình đào tạo cho nước mình. Điều đó không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đại học, các trường dạy nghề đã nhắm tới để đưa vào kế hoạch của mình chưa? Chẳng hạn chuyện lình xình quanh việc cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ mở ngành y đa khoa, vấn đề không phải là bộ này hay bộ kia ủng hộ; vấn đề là đầu ra của trường có đáp ứng được các yêu cầu về tay nghề để được các nước khác công nhận hay không.
Ở góc độ khác, để tránh cảnh người dân bị quyến dụ bởi cái nhãn “bác sĩ ngoại” mà không biết thực chất tay nghề của các bác sĩ này là thế nào, liệu Việt Nam đã soạn thảo lộ trình công nhận bác sĩ các nước ASEAN hay chưa? Ví dụ Philippines đề ra yêu cầu bác sĩ, nha sĩ phải có năm năm kinh nghiệm hành nghề, còn y tá là ba năm. Ở các nước chưa có những thỏa thuận nhận lao động của nhau, doanh nghiệp nào muốn tiếp nhận lao động nước ngoài phải ưu tiên tuyển dụng lao động của nước sở tại trước, đến khi đăng báo tuyển người không ra mới được phép tuyển lao động từ nước khác đến. Những quy định ấy nước ta cũng có nhưng hầu như không ai thực thi cho đến nơi đến chốn.
Nói tóm lại, cái mà AEC hướng đến nhằm xây dựng một thị trường chung và một khu vực sản xuất chung là việc dịch chuyển tự do lao động có tay nghề. Nếu Việt Nam cứ chăm chăm vào xuất khẩu lao động phổ thông thì xem như thua: không những không gửi được người sang làm ở các nước AESAN khác mà sẽ phải tiếp nhận dòng chảy các loại chuyên viên cấp trung và cấp cao từ nước khác. Có lẽ điều này sẽ có tác động lớn lên xã hội chứ không phải chuyện thuế má vì thuế thực chất đã giảm từ trước khi ra đời AEC.
Thực tế dòng chảy lao động trong khối ASEAN không như AEC hình dung. Bởi đến 87% lao động dịch chuyển nội khối là lao động phổ thông. Năm hành lang dịch chuyển chính bao gồm: Myanmar sang Thái Lan; Indonesia sang Malaysia; Malaysia sang Singapore; Lào qua Thái Lan và Campuchia cũng qua Thái Lan. Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm 14 triệu chỗ làm tính đến năm 2025. |
Nguyễn Vạn Phú |
Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/140499/AEC-co-lien-quan-gi-den-ban-khong.html ngày 31/12/2015.