Trang

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Cần nhìn nhận một cách biện chứng về chủ nghĩa tư bản

Một góc Silicon Valley. Những trung tâm kinh tế của Mỹ như Boston, New York và Silicon Valley chính là những cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế dựa trên tri thức hàng đầu thế giới. Ảnh: Internet

(TBKTSG) - Với những diễn biến phức tạp đang xảy ra trên thế giới, rất có thể, nhận xét tương tự hoặc gay gắt hơn về chủ nghĩa tư bản (CNTB) lại xuất hiện.

Trên thực tế, mô hình TBCN luôn tiến hóa và phát triển để tạo dựng cuộc sống giàu có cho nhiều cộng đồng và tiến bộ nhân loại. Nhìn vào hai thái cực là thị trường tự do ở Mỹ và xã hội thị trường ở các nước Bắc Âu cho thấy rất rõ điều này.

Mô hình thị trường tự do kiểu Mỹ
Hoa Kỳ là một hình mẫu của thị trường tự do với những trục trặc cứ lặp đi lặp lại (nhất là các cuộc khủng hoảng do sự vị kỷ của con người gây ra). Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là nước Mỹ liên tục phát triển và khẳng định vị trí siêu cường của mình.

Nhìn suốt chiều dài lịch sử nhân loại, nhất là trong ba thế kỷ trở lại đây, Acemoglu và Robinson (trong tác phẩm Tại sao các quốc gia thất bại) cho rằng: “Có rất ít nghi ngờ rằng trong 50 năm, thậm chí 100 năm nữa, Hoa Kỳ và Tây Âu, dựa trên các thể chế kinh tế và chính trị dung nạp, sẽ giàu hơn, khả năng giàu hơn rất nhiều các nước thuộc tiểu vùng Sahara, Trung Đông, Trung Mỹ và Đông Nam Á”.

Nền kinh tế Hoa Kỳ dựa trên bốn lợi thế cơ bản gồm: kinh tế, thể chế, nguồn nhân lực và địa chính trị. Thể chế đã được thiết kế để tạo ra những cuộc đua minh bạch để cuối cùng tài năng hay các nguồn lực xã hội được khai thác và sử dụng hợp lý.

Mô hình phi tập trung với quyền tự chủ rất cao đến từng thị trấn nhỏ đã phát huy tác dụng. Các địa phương ở Mỹ luôn phải cạnh tranh quyết liệt với nhau trong điều kiện không có rào cản và ngày nay còn phải cạnh tranh với các nơi khác trên thế giới nên những quyết định hợp lý có lợi cho nhiều người vẫn thường xuyên được đưa ra thay vì hầu hết là các quyết định chỉ có lợi cho những nhóm nhỏ.

Sức cạnh tranh hay sức hút của những trung tâm kinh tế của Mỹ như Boston, New York và Silicon Valley vẫn đang hết sức mãnh liệt. Đây chính là những cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế dựa trên tri thức hàng đầu thế giới này.

Một điểm rất quan trọng khác là các tổ chức xã hội được tự do phát triển và bắt rễ rất chắc ở Mỹ. Trụ cột này có vai trò hết sức quan trọng trong xã hội Mỹ. Các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng ở Mỹ rất đa dạng. Chỉ riêng số tiền đóng góp theo kiểu mạnh thường quân đã vào khoảng 2% GDP (gấp gần hai lần GDP của Việt Nam). Những nhà đại tư bản như Bill Gates, Warren Buffett và Mark Zuckerberg đã hiến phần lớn tài sản của mình cho xã hội.

Tư hữu là động lực phát triển của xã hội. Những nhà đại tư bản giàu có ở nước Mỹ hay trên thế giới có được những giá trị tài sản khổng lồ là nhờ việc tạo ra một giá trị lớn hơn rất nhiều cho nhân loại chứ không phải đi bóc lột của người khác. Hơn thế, họ đang dùng tài sản của mình để có những việc làm thiết thực cho sự phát triển của xã hội chứ không phải chỉ giữ khư khư cho mình.

Tuy nhiên, nền chính trị Hoa Kỳ hiện đang có vấn đề rất nghiêm trọng như Yasheng Huang đã phân tích: “Nền chính trị tiền bạc ở Mỹ là một vấn đề rất lớn và quả thật nó đang khiến cho chế độ như một cỗ máy hỏng nặng, không còn vận hành trơn tru... Nó hỏng hóc chính là vì về cơ bản nó đối nghịch với dân chủ. Nền chính trị tiền bạc là hình thái lệch lạc của dân chủ. Nó phá hoại và làm mất giá trị một trụ cột chuẩn mực của dân chủ - một người một phiếu”.

Thêm vào đó, bất bình đẳng gia tăng cũng là một vấn đề nghiêm trọng khác của Mỹ. Những người giàu đang có được phần nhiều hơn trong miếng bánh xã hội. 1% số người có thu nhập cao nhất của Mỹ chiếm đến 18,3% tổng thu nhập; và trong giai đoạn 2009-2012, thu nhập của nhóm này tăng đến 31%, trong khi 99% còn lại chỉ tăng 1% và 90% thu nhập bị giảm.

Sự giằng co trong các vấn đề liên quan đến luật bảo hiểm y tế mới của Mỹ mà nó có lợi cho hầu hết người nghèo hay sự cực đoan đến mức đề xuất cấm cửa những người theo đạo Hồi ở Mỹ của ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 sắp tới cho thấy những vấn đề của nước Mỹ.

Mô hình các nước Bắc Âu
Chỉ có khoảng 25 triệu người nằm ở các rẻo đất hẹp, nhưng mô hình nhà nước phúc lợi ở các nước Bắc Âu rất được chú ý. Trong gần như tất cả các xếp hạng về mức độ phát triển của các quốc gia trên thế giới, nhìn chung họ đều thuộc nhóm có vị thứ cao nhất.

Nghiên cứu vào năm 2007 của Viện Nghiên cứu kinh tế Phần Lan đã chỉ ra rằng: “So sánh một cách tổng thể với các nước khác, các nước Bắc Âu tốt hơn khi kết hợp hiệu quả kinh tế và tăng trưởng với thị trường lao động nhân bản, phân phối thu nhập công bằng và cố kết xã hội. Mô hình này tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều người tìm kiếm một hệ thống kinh tế - xã hội tốt hơn... Ở chiều ngược lại, điều làm cho nhiều người ngạc nhiên là tại sao các nước Bắc Âu có thể trở nên thịnh vượng và tăng trưởng tốt với các khuyến khích kinh tế được xem là yếu đi cùng với thuế suất rất cao, một hệ thống an sinh xã hội hào phóng và chế độ phân phối bình quân”.

Theo logic thông thường, sưu cao thuế nặng (khoảng 50%) sẽ làm giảm động cơ làm việc của người lao động và phúc lợi xã hội cao mà không phải làm gì khiến người ta lười hơn. Tuy nhiên, người dân ở các nước Bắc Âu vẫn chăm chỉ làm việc để đưa quốc gia của họ đi đến phồn vinh. Các khoản thuế đang được sử dụng rất hiệu quả tạo ra một hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội hào phóng. Dường như chủ nghĩa tư bản vị kỷ và chủ nghĩa xã hội vị tha đang tồn tại ở đó.

Chính sách mỗi nước là rất khác nhau, nhưng tựu trung, có năm yếu tố then chốt tao ra sự thành công của các nước Bắc Âu gồm:
Thứ nhất, tuân thủ các quy luật của thị trường tự do. Trường phái ủng hộ thị trường tự do luôn có những vị trí quan trọng trong chính phủ. Sự phân bổ nguồn lực theo các quy luật của thị trường được tận dụng tối đa, các doanh nghiệp tư nhân có quyền cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung cấp của chính phủ.

Thứ hai, trọng dụng nhân tài. Ví dụ, ngay từ năm 1840, Thụy Điển đã bãi bỏ các ưu tiên cho tầng lớp quý tộc vào các chức danh của nhà nước và tạo ra một dịch vụ dân sự trọng dụng người tài và không có tham nhũng. Rất nhiều người tài đã vào làm việc tại khu vực công ở các nước này và đây được xem là vinh hạnh của họ.

Thứ ba, tính thực tế và ý chí sắt đá là nền tảng tạo ra một chính phủ minh bạch và trung thực. Khi phát hiện ra trục trặc thì cả hệ thống chính trị đã được huy động để tìm giải pháp và điều chỉnh sao cho hợp lý hơn. Các đồng thuận mới có thể thay thế những nguyên tắc cũ kỹ, lỗi thời một cách dễ dàng. Kết quả, mô hình phát triển luôn được điều chỉnh và cập nhật.

Thứ tư, vốn xã hội làm giảm chi phí giao dịch. Sự kết hợp của địa lý và lịch sử đã tạo ra hai nguồn vốn cực kỳ quan trọng trong xã hội đó là sự tin tưởng vào người lạ và niềm tin vào các quyền tự do cá nhân. Đây là vốn xã hội rất quý mà nó giúp giảm thiểu đáng kể các chi phí giao dịch - một rào cản rất lớn làm giảm hiệu quả kinh tế.

Thứ năm, tự chủ cá nhân là một trong những yếu tố then chốt. Sự kết hợp của một quy mô nhà nước lớn với chủ nghĩa cá nhân có vẻ gì đó phi lý đối với nhiều người, nhưng ở các nước Bắc Âu lại không phải là vấn đề lớn. Người dân ở đó cho rằng vai trò của chính phủ là thúc đẩy quyền tự chủ cá nhân và sự vận động của xã hội. Mỗi người được đeo đuổi những mục tiêu ưa thích của mình và không bị ràng buộc hay phụ thuộc vào người khác.

Công thức thành công của các nước Bắc Âu không có gì là bí mật. Tôn trọng các quy luật của thị trường tự do, tôn trọng tự do của các cá nhân và một nhà nước hữu hiệu vì lợi ích của người dân là chìa khóa thành công. Tuy nhiên mô hình này rất khó bắt chước. Hơn thế, mô hình này hiện đang gặp nhiều thách thức với tiến trình toàn cầu hóa, người nhập cư gia tăng làm cho tính đồng nhất trong xã hội ở các nước này giảm đi.

Tóm lại, CNTB đang vận động và tiến hóa để tạo dựng những xã hội hay cộng đồng ngày một văn minh và nhân văn hơn. Tư hữu là động lực của sự phát triển và tiến bộ nhân loại. Do vậy, để có thể trở nên phát triển, Việt Nam cần nhìn nhận vấn đề này một cách biện chứng.

Huỳnh Thế Du

NguồnThời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 10/01/2016 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/140774/Can-nhin-nhan-mot-cach-bien-chung-ve-chu-nghia-tu-ban.html

4 cách tăng cường bảo mật cho iPhone và iPad

(PCWorldVN) Không cần cài đặt bất kỳ ứng dụng từ hãng thứ ba nào, bạn vẫn có thể tăng độ bảo mật cho chiếc điện thoại của mình bằng những tính năng có sẵn trong hệ điều hành iOS.

iPhone và iPad là những thiết bị di động nên rất dễ bị thất lạc hay thậm chí bị mất trộm. Điều này thực sự trở nên nguy hiểm khi một người nào đó thấy được dữ liệu cá nhân quan trọng trong thiết bị của bạn. Nhưng với các tính năng đặc biệt được tích hợp sẵn trên thiết bị di động iOS này, người dùng có thể tăng cường tính bảo mật mà không cần cài đặt thêm bất kỳ ứng dụng từ hãng thứ ba nào.
Sử dụng mật mã 6 chữ số
Trên phiên bản iOS 9, Apple đã cho phép người dùng đặt mật mã (passcode) có độ dài 6 chữ số để mở khóa một thiết bị, thay vì mặc định 4 chữ số như trước kia. Đây được xem là một giải pháp giúp người dùng có thể tăng mức độ bảo mật của thiết bị, tránh việc truy cập trái phép bởi người khác.
Để kích hoạt và sử dụng mật mã, bạn hãy truy cập vào mục Settings > Touch ID and Passcode, sau đó nhấn tiếp Turn Passcode On và nhập vào mật mã 6 chữ số tùy ý.
Tăng cường tính bảo mật cho iPhone
 Người dùng có thể nhập mật mã dạng chữ, dạng số hay dạng 4 chữ số thông thường.
Bên cạnh đó, người dùng còn có thể tăng độ mạnh của mật mã bằng cách thiết lập mật mã dạng chữ, hoặc mật mã dạng số nhưng dài hơn 6 chữ số hay thậm chí đưa về dạng mật mã 4 chữ số thông thường bằng cách nhấn vào mục Passcode Options.
Ngoài ra, nếu bạn đã kích hoạt chế độ Touch ID thì việc sử dụng mật mã 6 chữ số còn giúp bạn mở khóa thiết bị trong những trường hợp cảm biến vân tay không thể nhận dạng dấu vân tay của bạn.

Vô hiệu hóa Control Center trên màn hình khóa.
Chỉ cần kích hoạt chế độ máy bay (Airplane mode) thông qua Control Center ngay trên màn hình khóa, một hacker hay thậm chí một người dùng nào đó am hiểu về iOS cũng có thể truy cập vào iPhone của bạn hoặc thoải mái vô hiệu hóa mật mã trên thiết bị mà không lo bị phát hiện. Bởi vì, sau khi kích hoạt chế độ máy bay, bạn không thể theo dõi thiết bị của mình bằng tính năng Find my iPhone.
Do đó, để vô hiệu hóa Control Center trên màn hình khóa, bạn hãy truy cập Settings > Control Center, sau đó trượt thanh kích hoạt sang chế độ Off của mục Access on Lock Screen.
Tăng cường tính bảo mật cho iPhone
Trang thiết lập Control Center

Vô hiệu hóa tính năng theo dõi vị trí
Ít người dùng iOS biết rằng, tính năng theo dõi vị trí luôn được kích hoạt để xác định vị trí của họ thông qua GPS mỗi khi truy cập vào mạng Wi-Fi công cộng hay mạng 3G. Bằng cách này, hệ thống sẽ hiển thị thông tin khu vực xung quanh và nhanh chóng đưa ra những đề xuất có ích cho người dùng.
Tuy nhiên, để tăng tính bảo mật cũng như tránh bị lộ những thông tin riêng tư, bạn nên vô hiệu hóa tính năng này bằng cách truy cập Settings > Privacy > Location Services, sau đó bạn trượt thanhLocation Sevices sang chế độ Off.
Tăng tính bảo mật cho iPhone
Location Services sẽ "theo dõi" vị trí của bạn.
Việc này sẽ ngăn một số ứng dụng cần đến tính năng định vị như Google Maps hoạt động. Ngoài ra, bạn cũng có thể vô hiệu hóa tính năng này cho từng ứng dụng cụ thể bằng cách nhấn vào ứng dụng mình muốn rồi nhấn chọn Never.
Tăng tính bảo mật cho iPhone
Rất nguy hiểm nếu như một trong số ứng dụng được cài thêm vào thu thập thông tin vị trí của bạn.

Kích hoạt Find My iPhone
Cuối cùng, ngoài việc tăng cường bảo mật bằng những cách trên, bạn cũng nên kích hoạt tính năngFind My iPhone để có thể nhanh chóng xác định vị trí thiết bị iOS của mình trong trường hợp bị thất lạc hay thậm chí mất trộm. Điều này không chỉ để thu hồi điện thoại iPhone hay máy tính bảng iPad, mà còn giúp bạn bảo vệ cũng như lấy lại dữ liệu quan trọng của mình.
Để kích hoạt Find My iPhone, bạn chỉ cần truy cập Settings > iCloud, sau đó nhấn chọn Find My iPhone và trượt thanh kích hoạt sang chế độ On.
Find my iPhone
Kích hoạt Find My iPhone.

Đức Tiến

Nguồn: Tạp chí Thế Giới Vi Tính - PC World VN, ngày 11/01/2016 truy cập từ http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/lam-the-nao/2016/01/1245620/4-cach-tang-cuong-bao-mat-cho-iphone-va-ipad/

Cuộc chiến dầu lửa đang ở đâu?

Cuộc chiến hạ giá dầu giữa Arập Xê Út và Mỹ đã diễn ra được gần hai năm. Mặc dù chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhưng đôi bên đều đã “trọng thương”.
cuoc chien dau lua dang o dau

“Kẻ đi săn” bị thương

2015 là năm mà người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới hài lòng khi thấy giá xăng dầu giảm mạnh. Chỉ riêng tại Arập Xê Út, trong năm qua, giá xăng dầu đã tăng lên gần gấp đôi – đang từ 0,50 riyal nhảy vọt lên thành 0,90 riyal – tương đương với khoảng 0,29 USD một lít dầu diesel. Đơn giản là vì chính quyền Ryad đã buộc phải ngưng trợ cấp xăng dầu cho dân.

Không chỉ có xăng dầu, năm tới thần dân của nhà vua sẽ còn phải trả điện, nước, thuê nhà với cái giá đắt hơn, bởi vì thu nhập từ dầu hỏa của Riyad năm 2015 giảm đi mất 82 tỷ USD. Cũng năm 2015, ngân sách trợ giá năng lượng của vương quốc vùng Vịnh này lên tới 61 tỷ USD, trong đó gần một nửa là dành để giúp cho người dân thoải mái mua xăng, dầu.

Nhưng nếu như chính quyền của nhà vua Salman “hy sinh” chính sách trợ giá xăng dầu, thì ngược lại các khoản trợ cấp xã hội tại Arập Xê Út trong năm qua- ước tính khoảng từ 100 đến 150 tỷ USD- vẫn được duy trì, bởi vì Riyad không quên rằng, chính những khó khăn kinh tế đã dẫn tới các cuộc nổi dậy từ ở Tunisia tới Ai Cập, Syria, Libya hồi năm 2011.

Trong lúc nguồn thu nhập sụt giảm thì các khoản chi tiêu quân sự của Riyad lại không ngừng gia tăng trong bối cảnh Trung Đông đang “dầu sôi lửa bỏng”: theo thẩm định của một số chuyên gia quân sự, kể từ khi dẫn dầu liên minh Arập can thiệp tại Yemen, mỗi tháng Arập Xê Út phải tốn khoảng 1,5 tỷ USD. Ngân sách an ninh quốc phòng trong năm nay, chiếm 25,4 % các khoản chi tiêu công cộng của Arập Xê Út, tăng 17 % so với tài khóa 2015.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm trong năm 2015 cùng với Trung Quốc và Nga Arập Xê Út là một trong ba nước đã chi ra nhiều nhất để mua vũ khí và trang thiết bị quân sự.
Cái khó đặt ra với chính quyền Riyad là giá dầu trên thị trường quốc tế đang từ 110 USD/thùng vào tháng 6/2014 đã rơi xuống còn chưa đầy 40 USD vào những ngày cuối cùng tháng 12/2015. Cho dù vẫn còn làm chủ một khoản dự trữ ngoại tệ trên dưới 700 tỷ USD nhưng vua dầu hỏa bắt đầu phải trả giá cho những tính toán chiến lược do chính mình vạch ra. Riyad bắt đầu mệt mỏi vì chiến lược dầu hỏa do chính mình áp đặt.

“Con mồi” trúng đạn

Điều khó hiểu là cho dù đang phải đi vay và hai năm liên tiếp bị bội chi ngân sách Arập Xê Út vẫn không có ý định giảm lượng xuất khẩu dầu hỏa để đẩy giá vàng đen trên thị trường quốc tế lên cao theo luật cung cầu. Theo phân tích của chuyên gia về địa chính trị người Pháp Philippe Sébille Lopez, Riyad gồng mình hứng chịu hậu quả kinh tế do chính mình đặt ra để loại bớt một số các mối cạnh tranh- Mỹ, Canada, Nga, Iran. Luận điểm này được các vương quốc trong vùng Vịnh tán đồng.

Với giá dầu ở mức 36 USD một thùng, một số các nhà sản xuất phải giảm lượng cung cấp trên thị trường, thậm chí là phải đóng hẳn một số giếng dầu. Bởi vì giá thành quá cao so với giá dầu trên thị trường. Đó là trường hợp của những hãng dầu Mỹ vừa mới nhập cuộc trên thị trường dầu đá phiến. Như vậy có nghĩa là về lâu dài, chỉ có khai thác dầu hỏa của các nước vùng Vịnh là còn có lãi. Bởi vì các nước trong vùng Vịnh, đứng đầu là Arập Xê Út có giá thành rất thấp, chưa tới 10 USD một thùng. Điều đó có nghĩa là, nếu như giá dầu trên thế giới chỉ còn 20 USD/thùng, Riyad vẫn có thể sản xuất dầu và xuất khẩu dầu hỏa. Không một quốc gia nào có được giá thành thấp như Arập Xê Út.

Nói cách khác, dầu của Trung Đông vẫn sẽ tràn ngập thị trường và trong tương lai, vùng Vịnh vẫn đóng một vai trò trọng yếu. Ngược lại, dầu thô khai thác từ Bắc Hải chẳng hạn sẽ trở nên quá đắt đỏ (26 USD/thùng). Giá thành của một thùng dầu đá phiến ở Mỹ hay Canada là khoảng 65USD. Tựu trung, hiện tượng giá dầu giảm mạnh đang phác họa lại bản đồ của các nguồn cung cấp. Nhưng trong mọi trường hợp, dầu hỏa của Trung Đông vẫn còn áp đảo thị trường của thế giới.

Tính toán của Riyad loại bớt các đối thủ không phải là không có cơ sở: khi biết rằng để có lãi, dầu đá phiến sản xuất tại Mỹ phải được bán ra với giá tối thiểu là 50 USD/thùng. Dưới ngưỡng tối thiểu đó, các hãng dầu của Mỹ không thể đầu tư thêm để tìm kiếm hay khai thác thêm các giếng dầu mới.

Theo thẩm định của tập đoàn quản lý các dịch vụ liên quan đến ngành dầu khí Baker Hughes, trong năm 2015 đã có hơn 1000 giếng dầu ở Mỹ phải đóng cửa, sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ trong tháng 11/2015 đã giảm đi 93.000 thùng mỗi ngay, để chỉ còn 5,12 triệu thùng mà thôi. Theo Cơ quan Thông tin về Năng lượng Mỹ, đây là mức thấp nhất kể từ khi nước Mỹ bắt đầu phát triển công nghệ khai thái dầu đá phiến.
Giáo sư kinh tế Philippe Chalmin tại đại học Paris –Dauphine, nhấn mạnh tới những tính toán của Arập Xê Út trên bàn cờ năng lượng: “Sở dĩ mức cung đã tăng lên trên thị trường, do trong suốt thời gian từ năm 2006 đến 2014, giá dầu hỏa đã tăng cao. Trong chu kỳ đó, các nước sản xuất đã thi nhau đầu tư vào hạ tầng cơ sở, vào kỹ nghệ thăm dò, khai thác, lọc dầu. Nhiều giếng mới được đưa vào hoạt động. Từ đó dẫn tới hiện tượng đầu tư ồ ạt. Mà hậu quả tiếp theo là dư thừa sản xuất trong lúc sức mua vào của những nguồn tiêu thụ dầu thô lớn trên thế giới thì đã bão hòa hay nói đúng hơn là tăng không nhanh như mong đợi, do hoạt động kinh tế tại một số nơi,- chẳng hạn như của nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy lại bị chựng lại. Trên nguyên tắc trong trường hợp này, Arập Xê Út và các nước vùng Vịnh cần điều chỉnh lượng sản xuất để giữ giá dầu trên thị trường quốc tế. Nhưng Riyad đã không giảm mức sản xuất mà ngược lại còn cứ tiếp tục mở vòi dầu hỏa. Khi giá dầu xuống quá thấp, dầu của Mỹ hay Canada, của một số các nước châu Phi không đủ sức cạnh tranh với dầu của Arập Xê Út”.

Số phận của kẻ đi săn?

Dù vậy theo giáo sư Chalmin chiến lược của Riyad cũng đầy rẫy rủi ro. Trong báo cáo gần đây, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs chờ đợi giá dầu sẽ đụng đáy ở mức khoảng 18 USD/thùng. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự phóng nếu giá dầu tiếp tục giảm với nhịp độ như hiện tại thì từ nay tới năm 2020 gối dự trữ ngoại tệ của Arập Xê Út sẽ tiên tan. Chuyên gia Lopez cho biết thêm: “Tình huống này chẳng có lợi cho bất kỳ một ai. Arập Xê Út đã thất thu 100 tỷ USD, Kowait mất hơn 30 tỷ. Nếu như hai vương quốc này đủ sức chịu đựng thì ngược lại những nước như Venezuela, Nigeria, Angola và rất nhiều các nước châu Phi khác thực sự điêu đứng. Bởi vì những nước đó không có nhiều dự trữ ngoại tệ, và không có nguồn thu nhập nào khác ngoài dầu hỏa. Về phía các nước tiêu thụ dầu hỏa, như châu Âu chẳng hạn nếu giá dầu cứ tiếp tục giảm thì họ có lợi trong ngắn hạn, nhưng về lâu về dài, giá dầu sẽ tăng lại. Chừng đó các nước này phải tính sao đây?

Liệu chính quyền Riyad có thể giữ được chiến lược dầu hỏa đó tới khi nào. Arập Xê Út vừa thông báo tăng 70% giá điện nước trong năm 2016. Đây thực sự là một gánh nặng đối với một phần lớn dân chúng vốn có thói quen trông chờ vào các khoản trợ giúp của nhà vua. Lại cũng Riyad đang chuẩn bị đánh thuế trị giá gia tăng… để lấp đầy công quỹ.

Trong 40 năm qua, các thế hệ lãnh đạo ở Riyad liên tiếp đã dùng lá bài dầu hỏa để đổi lấy ổn định trong xã hội, bảo vệ ngai vàng. Giờ đây vương quốc này lại dùng dầu hỏa để triệt hạ bớt các mối đe dọa tiềm tàng.

Giới phân tích cho rằng, nếu không khéo, tính toán của Arập Xê Út để loại các đối thủ trên thị trường sản xuất dầu hỏa – mà đứng đầu là Iran, các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ và kể cả các đại gia dầu khí của Nga, lại có nguy cơ dẫn tới bất ổn xã hội ngay trên vương quốc vùng Vịnh này. 



















































































































Nh.Thạch
Nguồn:(Theo AFP. AP, Reuters)

Nguồn: Petrotimes, ngày 11/01/2016 truy cập từ http://petrotimes.vn/cuoc-chien-dau-lua-dang-o-dau-371291.html

Giá dầu dưới 40 đô la, một số nhà sản xuất có thể phá sản



 

 

 

 
Một phần của dự án Eastern Trough Area tại Bắc Hải. Ảnh: ifeng

(TBKTSG Online) – Nếu giá dầu giảm xuống dưới 40 đô la Mỹ/thùng sẽ có nhiều nhà sản xuất dầu phải tái cơ cấu hoặc phá sản trong vòng 12-18 tháng tới, hãng tin Reuters dẫn một báo cáo của Wells Fargo Securities cho biết .


Hai nhà phân tích James Spicer và Mark Guile của Wells Fargo Securities cho rằng, với nhiều nhà sản xuất dầu, điểm hòa vốn vẫn ở mức gần 60 đô la Mỹ/thùng - gần gấp đôi so với giá dầu hiện tại.
Trong khi đó, phân tích kỹ thuật cho thấy ít nhất trong 10 năm tới, giá dầu khó có thể tăng lên trên 60 đô la Mỹ/thùng.
Giá dầu tiếp tục giảm
Sáng nay 11-1, giá dầu thế giới tiếp tục giảm trong ngày giao dịch đầu tuần do tâm lý lo ngại nền kinh tế Trung Quốc chững lại khiến nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế thứ hai thế giới giảm sút trong khi nguồn cung vẫn dư thừa.
Lúc 9 giờ 30 phút (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao tháng 2-2016 của Mỹ giảm 68 cent/thùng, xuống còn 32,48 đô la Mỹ/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 2-2016 giảm 69 cent/thùng xuống còn 32,86 đô la Mỹ/thùng. Như vậy, giá hai loại dầu nói trên đã giảm tổng cộng khoảng 10% kể từ đầu tuần trước và xuống mức thấp nhất 12 năm qua.
Tình trạng trên được lý giải do các nhà đầu tư lo ngại trước triển vọng kinh tế không mấy khả quan của Trung Quốc – nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới.
Goldman Sachs: giá dầu cần giảm hơn nữa mới có thể khiến thị trường cân bằng
Goldman Sachs cho biết giá dầu cần giảm hơn nữa mới có thể buộc các nhà sản xuất dầu giảm nguồn cung để đạt trạng thái cân bằng cung – cầu trên thị trường - theo Reuters ngày 11-1.
Kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm cách đây 18 tháng, các thương nhân và nhà đầu tư đã cố gắng nín thở nhưng xu hướng giảm của giá dầu vẫn tiếp tục, ngày càng giảm sâu hơn. Giá dầu đã giảm từ hơn 100 đô la Mỹ/thùng xuống dưới 40 đô la Mỹ/thùng, hiện sắp giảm xuống dưới ngưỡng 30 đô la Mỹ/thùng.
Vào ngày 8-1, Goldman Sachs cho biết trong quí 1-2016, giá dầu sẽ tiếp tục giảm. Trước đó, Goldman Sachs từng dự báo giá dầu có thể giảm xuống còn 20 đô la Mỹ/thùng.
Theo chuyên gia Michael McCarthy của CMC Sydney, khả năng giá dầu tăng trở lại không cao trừ khi tình trạng dư cung có biến chuyển.
Chuyên gia Sanjeev Gupta của Singapore nhận định tình hình căng thẳng leo thang giữa Iran và Ả-rập Saudi – 2 nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - có thể là yếu tố giúp giá dầu tăng trở lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường sẽ vẫn bám sát các số liệu kinh tế mới nhất từ châu Âu và Trung Quốc. Nếu các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại thì giá dầu sẽ tiếp tục đi xuống.
Khả năng phục hồi kinh tế Nga đứng trước nguy cơ
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 12 năm qua khiến sự phục hồi kinh tế và quỹ dự trữ của Nga gặp nguy hiểm. Khoảng 50% nguồn thu ngân sách và 40% xuất khẩu của Nga phụ thuộc vào năng lượng. Ngoài giá dầu, Nga cũng đang đối mặt với cuộc bầu cử năm 2018 và các vấn đề khác.
Nếu giá dầu ở mức 30 đô la Mỹ/thùng hoặc thấp hơn, trường hợp xấu nhất có thể xuất hiện là ngân khố của Nga sẽ trống rỗng chỉ trong hơn 1 năm, nguồn thu từ dầu mỏ dồi dào trong 10 năm qua sẽ cạn kiệt.
Giám đốc điều hành (CEO) Christopher Granville của Công ty tư vấn đầu tư Trusted Sources cho biết trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, nhiều người Nga nhận thức rất rõ cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Tiền lương của công chức không tăng trong năm thứ ba liên tiếp, lương hưu tăng thấp hơn lạm phát, sản phẩm nhập khẩu và dịch vụ nghỉ dưỡng trở nên đắt đỏ hơn. Thậm chí, một số người còn so sánh tình hình hiện tại với cuộc khủng hoảng tài chính Nga năm 1998; khi đó chính phủ Nga phải tuyên bố phá sản, đồng rúp mất đến 3/4 giá trị.
Chính phủ Nga dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,7% năm nay và 1,9% năm tới. Nhưng lạm phát gia tăng sẽ khiến tình trạng suy thoái kinh tế tại Nga kéo dài. Giám đốc bộ phận kinh doanh và chiến lược David Hauner của Merrill Lynch CEEMEA nói nếu giá dầu không tăng trở lại, những dự báo trên sẽ không đứng vững.
Phúc Minh

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 11/01/2016 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/140958/Gia-dau-duoi-40-do-la-mot-so-nha-san-xuat-co-the-pha-san.html