Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

"Chiến lược cạnh tranh" của Michael Porter và cơ hội cho VN

Nghiên cứu của Michael Porter chủ yếu đề cập tới các nền kinh tế phát triển và những trường hợp thành công mà không trình bày về các nước đang phát triển. Vì thế, tất nhiên là ông Porter không chỉ ra một "kẽ hở" cụ thể nào để một quốc gia như Việt Nam chúng ta có thể len vào trên thị trường quốc tế ngày nay.


Tên sách:CHIẾN LƯỢC CẠNH TRANH (Competitive Strategy),
LỢI THẾ CẠNH TRANH (Competitive Advantage),
LỢI THẾ CẠNH TRANH QUỐC GIA (The Competitive Advantage of Nations)
Tác giả: Michael E. Porter
Phát hành: NXB Trẻ và DTBooks
*****

Chúng ta có thể cạnh tranh trong ngành gì? Đó là câu hỏi mà bất kỳ công ty, địa phương hay quốc gia nào cũng phải đối mặt. Trong khuôn khổ một hội thảo, GS Michael Porter không giúp chúng ta trả lời chi tiết câu hỏi này; tuy nhiên, những gì ông trình bày đều được rút ra từ ba cuốn sách kinh điển về cạnh tranh của ông.
 
Từ doanh nghiệp…

Chúng ta có thể cạnh tranh trong ngành gì? Câu hỏi này của mỗi doanh nghiệp được Michael Porter trả lời khái quát: Điều đó phụ thuộc vào cấu trúc ngành và vị thế tương đối trong ngành.

Sự phân tích được đơn giản hóa đến cực độ khi ông đưa ra mô hình 5 yếu tố tác động đến khả năng sinh lời của một ngành đối với doanh nghiệp:

1. Nguy cơ từ sản phẩm/ dịch vụ thay thế: Ngành đó có sản phẩm/ dịch vụ thay thế không và như thế nào?
2. Các đối thủ cạnh tranh hiện hữu: Trong ngành đó, hiện đang có những đối thủ cạnh tranh nào?
3. Khả năng mặc cả của nhà cung cấp: Trong ngành đó, nhà cung cấp có quyền lực đến đâu?
4. Khả năng mặc cả của người mua: Trong ngành đó, người mua có quyền lực đến đâu?
5. Nguy cơ từ các đối thủ mới: Trong ngành đó, tương lai sẽ có những đối thủ cạnh tranh nào?

Hình bìa hai cuốn sách của tác giả Michael E. Porter
(Ảnh do đơn vị phát hành cung cấp)

Chẳng hạn, Công ty Paccar muốn bước vào ngành xe tải hạng nặng. Họ đã nghiên cứu và vẽ ra được một mô hình 5 yếu tố.

1. Nguy cơ từ dịch vụ thay thế: Có 2 ngành có thể thay thế, là vận tải đường sắt, vận tải đường thủy
2. Các đối thủ cạnh tranh hiện hữu: Hiện thị trường đang chứng kiến cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các mẫu xe tiêu chuẩn.
3. Khả năng mặc cả của nhà cung cấp: Các công ty kinh doanh xe tải hạng nặng đều rất phụ thuộc và nhà cung cấp động cơ và phụ tùng.
4. Khả năng mặc cả của người mua: Thị trường hiện đang có những đội xe vận tải lớn, những công ty cho thuê xe, những đội xe vận tải nhỏ và những người vận tải tự doanh.
5. Nguy cơ từ các đối thủ mới: Nhiều nhà sản xuất xe tải cũng đồng thời là nhà lắp ráp xe.

Vạch ra được mô hình này, Paccar định vị ngay được mình trong cấu trúc của ngành. Họ sẽ tập trung vào cung cấp sản phẩm xe tải hạng nặng cho các khách hàng vận tải tự doanh; và sản xuất theo yêu cầu cụ thể của khách hàng, theo đơn đặt hàng. Sản phẩm được thiết kế với những đặc điểm và tiện nghi đặc biệt, tùy theo từng khách hàng.

Những lựa chọn của họ (làm gì và không làm gì) đã hình thành nên một chiến lược kinh doanh và từ chiến lược này, họ đã thành công.

Được đưa ra từ lần xuất bản Chiến lược cạnh tranh - cuốn sách đầu tiên trong bộ ba sách kinh điển về cạnh tranh - năm 1980, đến nay, mô hình "5 lực đẩy" của Michael Porter vẫn chứng tỏ sức thuyết phục, khi nó có thể được áp dụng để nghiên cứu bất kỳ ngành sản xuất/dịch vụ nào, từ đó doanh nghiệp tự xác định sẽ bước vào cạnh tranh trong ngành gì.

Mô hình nổi tiếng đến mức nhắc đến lý thuyết cạnh tranh, người ta không thể không nhắc tới nó. Nó nổi tiếng còn vì dễ hiểu - điều hiếm gặp ở các lý thuyết kinh tế hay quản trị. Người ta gọi đó là một minh chứng của sự "hấp dẫn trong đơn giản".

… tới cả nền kinh tế

Lý thuyết về cạnh tranh của Porter đã được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vận dụng vào ý tưởng xem mỗi địa phương, mỗi quốc gia như một doanh nghiệp. (Ở Đông Nam Á, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Sinawatra cũng chia sẻ ý tưởng quản lý quốc gia như quản lý một công ty. Liệu có phải vì thế mà ngoại trừ bê bối tham nhũng ra thì ông Thaksin được đánh giá là một nhà lãnh đạo đã mang lại thịnh vượng về kinh tế cho Thái Lan?).

Phát triển từ chiến lược cạnh tranh của công ty, Michael Porter vạch ra cho chúng ta khung lý thuyết để xác định chiến lược cạnh tranh của một đất nước.

Chúng ta có thể cạnh tranh trong ngành gì? Câu hỏi này của mỗi địa phương hay mỗi nền kinh tế được Michael Porter trả lời trong cuốn Lợi thế cạnh tranh quốc gia, rằng điều đó phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh của họ.

Ông tiếp tục đưa ra mô hình gồm 4 yếu tố tác động đến lợi thế cạnh tranh của một nền kinh tế:

1. Các yếu tố sản xuất: chất lượng và số lượng của lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng…
2. Các điều kiện cầu: cầu nội địa đối với sản phẩm của ngành đó
3. Các ngành phụ trợ và có liên quan.
4. Chiến lược công ty, cấu trúc và cạnh tranh nội địa: Những điều kiện trong một quốc gia liên quan đến việc thành lập, tổ chức và quản lý doanh nghiệp, cũng như đặc điểm của cạnh tranh trong nước.

Và chính phủ sẽ ảnh hưởng đến (cũng như chịu ảnh hưởng từ) bốn yếu tố quyết định này, theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Theo Michael Porter, một nền kinh tế chỉ thành công khi nó khai thác được những thuận lợi và nhờ đó nâng cấp được các lợi thế cạnh tranh của mình - một cách liên tục. Như vậy cũng có nghĩa là phải đổi mới liên tục, trên cả cấp độ vi mô của doanh nghiệp lẫn cấp độ vĩ mô của chính phủ.

“Các doanh nghiệp trong một quốc gia phải không ngừng cải thiện năng suất trong các ngành công nghiệp hiện có bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thêm vào các tính năng mới, cải tiến công nghệ sản phẩm, hoặc nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Về phía chính phủ, họ có thể hỗ trợ cho cạnh tranh hoặc ngược lại. Điều đáng lưu ý là nhiều cách mà chính phủ thực hiện để “giúp đỡ” doanh nghiệp có khi lại làm hại doanh nghiệp trong dài hạn (ví dụ trợ cấp, phá giá nội tệ…).

Ở đây, Michael Porter nhấn mạnh một luận điểm quan trọng: “Vai trò phù hợp của chính phủ là người thúc đẩy và là kẻ thách thức… Ở cấp độ rộng nhất, một trong những vai trò thiết yếu nhất của chính phủ là báo hiệu”.

Còn chỗ nào cho chúng ta?

Từ tất cả những gì mà Michael Porter đã viết trong ba cuốn sách nổi tiếng của ông (được trình bày khái quát trong hội thảo hôm 1/12 vừa qua tại TP HCM), mỗi doanh nghiệp, mỗi chính phủ, thậm chí mỗi cá nhân, đều có thể tìm được cho mình những phần hữu ích. Ít nhất cũng là một ý thức rõ ràng hơn về chiến lược (thế nào là chiến lược? tại sao cần có chiến lược) và lợi thế cạnh tranh.


Giáo sư Michael Porter. (Ảnh: PACE Institute)
Mặc dù vậy, nếu chúng ta đang gặp khó khăn trong một ngành kinh doanh cụ thể nào đó và cần được Michael Porter "gỡ rối", cũng như nếu chúng ta mong muốn ông chỉ cho một (hoặc một vài) ngành cụ thể mà Việt Nam có thể và nên phát triển, thì chúng ta có thể sẽ thất vọng khi tới dự hội thảo hoặc khi đọc bộ ba cuốn sách của ông.

Các cuốn sách nói nhiều, rất nhiều về lợi thế cạnh tranh: Nó là gì? Tại sao một quốc gia/ địa phương lại có lợi thế cạnh tranh? Nhưng, sách lại không đề cập nhiều tới việc làm sao để xây dựng lợi thế cạnh tranh!

Như các dịch giả của cuốn Lợi thế cạnh tranh quốc gia đã nhận xét, “nội dung sách chủ yếu tập trung giải thích sự thành công của một số ngành công nghiệp và một số quốc gia phát triển trên cơ sở “hình thoi” các nhân tố quyết định lợi thế cạnh tranh”. Tác giả chưa phân tích sâu cách biến đổi chúng.

Chẳng hạn, "tác giả cho rằng việc các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu dựa vào nghiên cứu nội bộ thay vì hợp tác với các trường đại học là một hạn chế, nhưng không chỉ ra làm thế nào để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa các doanh nghiệp và các trường đại học".

Tương tự, ở tầm vi mô, căn cứ mô hình 5 lực đẩy mà cuốn sách của Michael Porter đưa ra, nếu xét thấy một ngành là khả năng sinh lời thấp, doanh nghiệp nên rút khỏi ngành đó. Như vậy, dù xác suất không cao nhưng vẫn có thể có những ngành bị “bỏ hoang” trong một nền kinh tế. Và tác giả không chỉ ra cách nào để cải thiện tình hình nội bộ ngành đó.

Ngay trong điều kiện Việt Nam, không ít ngành rơi vào tình trạng tỷ suất lợi nhuận thấp, chẳng hạn chính là ngành… xuất bản sách. Với quyền lực lớn từ phía giới phát hành, quyền lực lớn từ phía người mua, nguy cơ từ phía các đối thủ mới (các nhà xuất bản nước ngoài), ngành này, theo phân tích của Porter cũng như trên thực tế, là ngành có tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Và các doanh nghiệp sẽ chỉ có cách đơn giản là rút khỏi ngành sách.

Nghiên cứu của Michael Porter cũng chủ yếu đề cập tới các nền kinh tế phát triển và những trường hợp thành công mà không trình bày về các nước đang phát triển. Cũng theo nhóm dịch giả, sách “dễ cho cảm giác mọi lợi thế đã an bài: Nhật có lợi thế cạnh tranh về điện tử tiêu dùng; Mỹ có lợi thế cạnh tranh về máy tính và phần mềm; các nước khác không có…”.

Vậy, một quốc gia như Việt Nam chúng ta còn có thể chen chân vào kẽ hở nào trên thị trường quốc tế ngày nay?
Những giá trị thực tiễn của lý thuyết

Tuy thế, không thể chê trách Michael Porter không tập trung vào "gỡ rối" cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng, hay chỉ ra thật cụ thể các ngành nghề mà Việt Nam có thể và nên phát triển. Bởi vì điều đó không phải là mục đích của cả cuộc hội thảo lẫn những cuốn sách của ông.

Tất cả những gì ông đã mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam là ý thức phải có về việc xây dựng chiến lược và về tầm quan trọng của lợi thế cạnh tranh. Đối với các nhà lãnh đạo của Việt Nam, thì cái Michael Porter mang đến là gợi ý cho một lý thuyết về cạnh tranh mà họ sẽ phải cùng các chuyên gia tự xây dựng.

(Ảnh nguồn: ocean.vn)
Nói cách khác, dẫu những gì Michael Porter viết có là lý thuyết và khó áp dụng ngay cho thực tế hiện nay ở Việt Nam, thì ít nhất nó cũng có tác dụng "làm thức tỉnh".

Dù có những điểm chưa thỏa mãn, bộ ba cuốn sách của Michael Porter vẫn là tác phẩm kinh điển về cạnh tranh và thiết kế chiến lược, mà tất cả các nhà quản lý - công ty cũng như đất nước - rất nên tham khảo.

Bên cạnh đó là những lời vị "cha đẻ" của chiến lược cạnh tranh đã nói tại hội thảo
“Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam”, hôm 1/12 vừa qua:

- "Việt Nam đã làm rất tốt trong việc đạt được tăng trưởng nhanh, phản ứng nhanh khi cần. Nhưng đó là trong ngắn hạn. Các bạn còn thiếu một chiến lược dài hạn".
- "Đa số doanh nghiệp không có chiến lược gì, chỉ phấn đấu làm việc nhiều hơn, chăm chỉ hơn".
- "Ở bình diện quản lý vĩ mô, những cải cách của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa chủ động và chưa đủ mạnh để đưa Việt Nam thành một quốc gia có thu nhập trung bình"...
  • Khánh Châu

Khánh Châu

Nguồn: Tuần Việt Nam, 04/12/2008 từ http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/chien-luoc-canh-tranh-cua-michael-porter-va-co-hoi-cho-vn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét