Trang

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Chứng khoán đi xuống vì đâu?


Các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán năm 2012 sẽ chưa có gì sáng sủa - Ảnh: TL.
 
(TBKTSG Online) - Những dự đoán thị trường chứng khoán hết năm 2011 sẽ vượt qua được mức 500 điểm dường như khó trở thành hiện thực vì gần hết tháng 11 mà chỉ số VN-Index mới hơn 381 điểm. Trước tình hình hiện tại và hướng đến năm 2012, các chuyên gia cho rằng đường đi lên của chứng khoán còn nhiều gập ghềnh.
 
Vì kinh tế vĩ mô
Chỉ số VN-Index chốt phiên ngày 24-11 ở mức 381,78 điểm, vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mức thấp kỷ lục vào tháng 2-2009, với hơn 235 điểm; tuy vậy, giá cổ phiếu đã về thấp chưa từng có, và một số cổ phiếu chỉ còn vài trăm đến vài ngàn đồng. Trên 50% cổ phiếu sàn TPHCM được cho là có giá thị trường thấp hơn mệnh giá, con số này của sàn Hà Nội là 64%.
Theo những người quan sát thị trường thì đây có lẽ là thời điểm khó khăn nhất của chứng khoán trong năm nay và diễn biến này có thể kéo dài hết năm nay và năm sau. Yếu tố tác động chính đến thị trường hiện nay vẫn là tình hình kinh tế vĩ mô chưa sáng sủa.
Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã về dưới 1%/tháng trong 4 tháng trở lại đây, và CPI hạ nhiệt là cơ sở để hạ lãi suất cho vay. Nhưng theo ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội với tình hình hiện tại, khi những rủi ro của nền kinh tế còn hiện hữu thì việc hạ lãi suất không dễ thực hiện.
Đơn cử như việc lãi suất huy động đã được siết chặt ở trần 14%, lẽ ra sẽ giúp giảm lãi suất cho vay như chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng chính những vấn đề nội tại của ngân hàng như tỷ lệ nợ xấu tăng cao, tiềm lực tài chính của các ngân hàng nhỏ quá yếu đã tác động mạnh đến thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất trên thị trường này có khi cao đến 30%/năm.
Những diễn biến trên cho thấy lãi suất cho vay sẽ khó mà giảm xuống mục tiêu 17-19% sớm. Vì vậy các doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó trong năm sau và dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục bị thu hẹp.
Ông Thành cho rằng, việc kiềm chế lạm phát không phải là vấn đề đơn giản, phụ thuộc nhiều cả các yếu tố bên ngoài, vấn đề tỷ giá... giảm lạm phát xuống một con số lại càng khó. Vì vậy “chưa có gì lạc quan cho thị trường chứng khoán năm sau”, ông Thành dự báo.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt, nợ xấu đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của thị trường khi hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tháng 10 tăng so với tháng 9. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu chính thức được công bố chỉ khoảng 3,2%, nằm dưới ngưỡng an toàn 5%, nhưng số liệu thực tế có thể cao hơn.
Dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), tổ chức xếp hạng Fitch ước tính nợ xấu của Việt Nam là 13% tổng dư nợ cho vay trong tháng 6-2011.Trong thời gian tới, tăng trưởng tín dụng chậm lại, tình hình sản xuất trở lên khó khăn và thị trường bất động sản trầm lắng sẽ tiếp tục gây áp lực lên nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Những doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng niêm yết trên sàn sẽ chịu những áp lực này, nên việc thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi.
Trong một hội thảo về đầu tư gần đây, các chuyên gia và quỹ đầu tư đều cho biết nhà đầu tư nước ngoài chưa muốn bỏ vốn vào thị trường chứng khoán khi tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn nhiều vấn đề chưa tích cực.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Vietnam Asset Management Limited (VAM), nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng trong năm sau khả năng thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra nhiều hơn. Các quỹ sẽ phải thuyết trình với cổ đông về việc tiếp tục đầu tư vào chứng khoán Việt Nam.
Tuy vậy, ông Minh cho rằng việc làm này khó thành công do trong thời gian qua nhiều quỹ đầu tư đã chịu lỗ nặng do thị trường đi xuống. Còn dòng vốn mới cũng sẽ chưa có do tình hình kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục khó khăn và nền kinh tế Việt Nam cũng chưa khởi sắc.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Kim Eng, cho rằng kịch bản thị trường năm sau thiên về đi ngang và phục hồi nhẹ. Theo ông Khánh, những biện pháp của Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô mặc dù có nhiều chuyển biến tốt trong cuối năm như tỷ giá không biến động quá mạnh, lạm phát giảm, nhưng chưa có tín hiệu bền vững, cụ thể như chỉ số CPI thường tăng mạnh vào quí đầu năm sau, kéo theo việc giảm lãi suất khó thực hiện sớm.
Như vậy, theo ông Khánh, nhà đầu tư chưa nên mong chờ quá nhiều vào một kịch bản tích cực cho thị trường chứng khoán năm 2012.
... Và vì các vấn đề nội tại
Chuyên gia chứng khoán Phạm Kinh Luân nhận xét bản thân thị trường chứng khoán đã bộc lộ nhiều bệnh và cơ quan quản lý cũng đã nghĩ đến việc dùng thuốc. Nhưng có lẽ việc dùng kháng sinh liều mạnh phải thực hiện sớm để chữa dứt bệnh giúp cho thị trường phục hồi.
Ông Luân cho rằng hiện tại, ngoài ảnh hưởng từ yếu tố vĩ mô, niềm tin của nhà đầu tư vào cơ quan quản lý, vào thị trường vẫn chưa quay lại. Điều này khiến nhà đầu tư ngần ngại bỏ vốn vào thị trường chứng khoán.
Một trong những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hiện giờ đang bộc lộ rõ, theo ông Luân, chính là tiêu chuẩn lên niêm yết. Nhiều công ty dù báo cáo lỗ liên tục vẫn tiếp tục giao dịch, dẫn đến việc cổ phiếu chỉ còn vài trăm đồng. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý chung của toàn thị trường, vì thực chất vẫn có rất nhiều công ty làm ăn có lãi, hoạt động minh bạch đã bị rớt giá theo xu hướng chung và theo sự mất lòng tin của nhà đầu tư.
Đây là một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng trong hiện tại và trong thời gian tới. Ông Luân chỉ ra một lực cản nữa cho thị trường chính là chuyện quản lý các công ty chứng khoán, mà điều quan trọng nhất chính là hoạt động tín dụng của các công ty này.
Đến thời điểm này đã có 2 công ty chứng khoán rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán và hoàn trả đủ các khoản vay Quỹ hỗ trợ thanh toán cho trung tâm lưu ký. Đó là công ty chứng khoán Tràng An và SME.
Thị trường đang lo ngại sẽ có thêm nhiều công ty chứng khoán khác rơi vào tình trạng này. Tuy vậy, vẫn chưa thấy ý kiến nào từ phía cơ quan quản lý về chuyện rà soát lại hoạt động tín dụng tại công ty chứng khoán để tránh ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Nợ xấu của ngân hàng đang được nhà đầu tư lưu tâm, thì nợ xấu của công ty chứng khoán cũng không cũng cùng chung cảnh ngộ khi có chuyện nhà đầu tư muốn rút tiền ra khỏi công ty chứng khoán cũng không làm được. Những điều này khiến nhà đầu tư không yên tâm khi bỏ vốn vào thị trường chứng khoán.
Theo ông Luân, đã đến lúc dùng 2 chữ “sàng lọc” cho thị trường trong thời điểm này. Cơ quan quản lý phải sàng lọc ra công ty chứng khoán uy tín, cổ phiếu niêm yết uy tín. Nhà đầu tư phải thay đổi thói quen đầu tư, không nên bỏ vốn vào những cổ phiếu mà kết quả kinh doanh thua lỗ quá dài ngày.
Như trường hợp của Công ty nhựa Tân Hóa, VKP, lỗ đến 9 quí liên tục, đến nỗi vốn chủ sở hữu của VKP chỉ còn 34,4 tỉ đồng, trong khi vốn góp ban đầu là 80 tỉ đồng. Cổ phiếu nay chỉ còn 600 đồng và những nhà đầu tư đã bỏ vốn vào từ trước cầm chắc sự thua lỗ nặng.
Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, như ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường cho biết là vẫn đang xây dựng, tức là chưa thể hi vọng thị trường chứng khoán sẽ sớm có những thay đổi mạnh vào năm sau. Trong khi cơ quan quản lý chưa có những giải pháp tức thời cho thị trường thì những kỳ vọng vào các vấn đề nội tại của thị trường chứng khoán sớm được giải có lẽ vẫn tiếp tục chỉ là mong ước.
Thanh Thương

Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, ngày 25/11/2011, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/chungkhoan/66485/Chung-khoan-di-xuong-vi-dau?.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét