minh họa: Khều. |
(TBKTSG) - Bà nội tôi là chị một ông Hoàng Giáp, không biết cả chữ Hán lẫn Quốc ngữ. Nhưng bà tôi thuộc lòng Truyện Kiều. Mẹ tôi là con gái một ông tú tài nho, nhiều người trong họ bảo mẹ tôi sáng láng, nhưng chỉ được học để đọc thông viết thạo. Đàn bà ngày xưa dù có thông minh đĩnh ngộ đến đâu cũng không được học đến nơi đến chốn.
Thế nhưng những người phụ nữ ít học ấy lại là những người dạy dỗ truyền đạt “nếp nhà”. Bởi vì “thầy thì xa, mẹ lại gần”. Nhà trường thời đó mỗi tuần chỉ có một giờ “luân lý” để dạy đạo đức. Trong một giờ quý hiếm ấy, chúng tôi vẫn không nhớ được gì nhiều, rất ít khi lời thầy lay động được trái tim non trẻ, thường là nước chảy lá khoai. Thế nhưng không biết bao nhiêu “giờ học luân lý” mẹ dạy chúng tôi. Mẹ ru bằng những bài hát thuộc lòng từ ngày bà ru mẹ.
Mẹ đưa chúng tôi đi chùa, đi ăn giỗ, ăn Tết, nằm ngồi đò dọc suốt đêm thâu về quê nội, quê ngoại. Những đêm dài không đèn, không trăng thăm thẳm ấy, mẹ rủ rỉ kể chuyện đời xưa đời nay cho chúng tôi nghe, hết chuyện kể thì giảng giải đạo lý ở đời. Sau này khi chúng tôi đã già, mẹ đã sắp về cõi, mẹ có nói: “ Nếu con cháu đứa nào nghèo thì cũng đừng oán trách ai. Bởi vì mẹ chỉ cầu Trời khấn Phật cho các con có sức khỏe, thành người tử tế chứ không bao giờ cầu khấn “đi tươi về tốt, đi một về mười, nhất bản vạn lợi” như người ta”. Cậu em tôi làm doanh nghiệp nói: “ Nhất bản vạn lợi thì cũng quá nhiều thật”!
Lời mẹ dặn chỉ đơn giản trong chuyện “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Một nhà thơ viết thật hay, “dù con đi hết cuộc đời/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru” (Nguyễn Duy). Đến lượt tôi sắp kề miệng lỗ rồi mà vẫn thấy mình chưa học hết, thấm hết lời của mẹ.
Đầu tiên là chuyện ăn. Mẹ tôi nói, trẻ vừa chui ra là đã biết đút ngón tay vào mồm mút. Nó đã biết khóc đòi ăn. Ăn là việc đầu tiên trong đời và chỉ kết thúc khi nhắm mắt xuôi tay. Ăn thì ai cũng biết, nhưng ăn như thế nào cho phải đạo làm người, cho ra người tử tế thì phải học mới biết được.
Con người ta chỉ nên ăn những thứ gì của mình làm ra hoặc mua được do đồng tiền mồ hôi nước mắt. Ăn lạm vào của người khác khi người ta không mời là “ăn bẩn”, chẳng những thất đức mà còn gây hại cho sức khỏe và tinh thần. Nếu trong nhà có đứa nào do giỏi giang hơn người hay khôn lanh, cơ hội, chạy vạy, mua bán chức tước mà được làm quan to hay quan nhỏ thì lại càng phải biết ăn cho đúng phép. Đừng tưởng người ta tự nguyện đưa của ăn được đến miệng mình mà ham. Ngay cả khi người ta đưa hoa tới, tuy hoa là vật thanh cao thì cũng phải cân nhắc. Bởi vì thi hào Nguyễn Du từng có câu thơ: “Hoa dĩ tặng sở úy”, hoa nhiều khi cũng dùng để tặng cho người mình sợ chứ đâu cho người mình quý! Làm quan thì kiêng nhất là ăn của đút. Tức là ăn hối lộ. Vì của đút nếu do người nghèo, do cấp dưới đưa cho để cầu xin giúp đỡ thì đúng là mình ăn cướp cơm chim.
Nếu là kẻ giàu, kẻ mạnh thế hơn mình đưa cho, muốn mình “làm cái việc không được làm” có lợi cho họ, như thế chẳng khác gì bắt mình làm trâu ngựa, coi mình như dê chó? Dù có ăn vàng bạc, tiệc lớn, tiệc nhỏ đi nữa thì cũng chẳng vinh dự gì hơn con ngựa được quẳng cho bó cỏ cùng với cái ách và cỗ xe mà thôi. Miếng ăn của người cay đắng lắm, miếng ăn do bán mình càng cay đắng bội phần.
Càng có chức vị trong xã hội thì càng phải cẩn trọng chuyện ăn. Mẹ hay nói những câu chí lý như: “Hàng xóm có ăn thì mình không sợ đói”, “được mùa thầy chùa có gạo, dân giàu thì quan không nghèo”, cái giàu của ông quan ấy là phúc đức, cái đức biết lo cho thiên hạ. Mà có đức thì không sức mà ăn! Thỉnh thoảng mẹ nói những câu có vẻ buồn cười nhưng ngẫm ra cũng nhiều ý tứ như “ăn bẩn thì phải trả giá, ăn sạch thì phải trả tiền”. Ăn bẩn trả giá thì thấy nhãn tiền, nhiều kẻ thoát được lưới người nhưng lại không thoát lưới trời. Ăn sạch phải trả tiền là tính bản thiện của người có nhân cách. Tôi biết có những ông quan suốt đời để cấp dưới bao, gọi đi ăn, đi du lịch, cả việc ăn giỗ, phúng viếng bà con bạn bè mình cũng gọi văn phòng lo lễ (tất nhiên là tiền nhà nước). Họ không quen hay đúng hơn là mất cái thói quen đạo đức nhất trên đời là biết trả tiền!
Mẹ cũng hay nhắc câu tục ngữ: “ Ăn xem nồi, ngồi xem hướng”, xem cái nồi còn vơi hay đầy rồi hẵng xới cho mình. Thời nay không còn căng thẳng chuyện ăn đói, nồi cơm nhiều nhà bao giờ cũng thừa. Nhưng câu tục ngữ ấy vẫn có giá trị. Như chuyện một công ty nọ ở Khánh Hòa, tổng số tiền thưởng của 9 viên chức quản lý cao nhất là hơn 4 tỉ đồng, trong khi 671 người còn lại chỉ được thưởng hơn một tỉ. Ở công ty này, “sếp” doanh nghiệp nhà nước được thưởng cao gấp... 364 lần so với nhân viên! Hay như lương bình quân của tập đoàn nọ lên tới hàng chục triệu mỗi tháng mà vẫn kêu, vẫn đòi tăng giá để có thể tăng lương “cao, cao mãi”. Ấy là cúi mặt xuống ăn lấy được mà không trông cái nồi.
Về mặt dưỡng sinh, mẹ tôi chỉ dặn con phải ăn những thứ có thể ăn được. Bệnh tật, nhục nhã đều do cái ăn mà ra. Chúng tôi nghĩ mẹ chỉ lo cho sức khỏe con cái. Sau này, mắt thấy tai nghe chuyện đời mới thấy lời dặn ấy của mẹ còn có ý nghĩa khác nữa. Thì ra, người ta vẫn ăn ngon lành những thứ không ăn được mới tài. Như đất, sắt thép, xi măng, nhựa đường, ghế ngồi quan chức, bằng cấp các loại, cả huân chương, huy chương, thôi thì không kể xiết những thứ “không ăn được mà vẫn được ăn” của các quan lớn bé! Bệnh lạ phát sinh nhiều là phải.
Nguyễn Quang Thân
Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, ngày 06/04/2012, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home/giaitri/tanvan/74458/Hoc-an.html.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét