Trang

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Kiếm tiền ở đâu “sướng” nhất thế giới?

Thuế thu nhập cá nhân là một nguồn thu nhập chính của các chính phủ. Nhưng ở nhiều quốc gia, loại thuế này là thứ không hề tồn tại.

Theo hãng tin CNBC, những nước không đánh thuế thu nhập cá nhân đa phần là các quốc gia giàu có, sở hữu nhiều tài nguyên dầu lửa thuộc khu vực Trung Đông. Một số khác là những “thiên đường thuế” nổi tiếng.

Dựa trên một báo cáo năm 2011 của hãng kiểm toán KPMG, CNBC đã đưa ra danh sách những quốc gia không đánh thuế thu nhập
:
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)

UAE là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, ở mức 48.200 USD. Nước này không đánh thuế thu nhập cá nhân lẫn thuế tài sản gia tăng. Bù lại cho việc không đánh thuế thu nhập cá nhân, UAE có nguồn thu thuế đánh vào các công ty dầu lửa nhờ vị trí nước xuất khẩu dẩu lửa lớn thứ ba thế giới. Ở UAE, các công ty dầu lửa đóng góp 55% thuế thu nhập doanh nghiệp, các ngân hàng đóng góp 20%.

Theo số liệu của Chính phủ UAE, doanh thu từ dầu lửa chiếm 80% tổng nguồn thu của Chính phủ nước này trong năm 2010, trong khi các nguồn thuế và phí chỉ đóng góp chưa đầy 12%. Người dân UAE mỗi tháng phải đóng 5% tổng thu nhập vào quỹ an sinh xã hội. Trong khi đó, các công ty sử dụng lao động bản xứ ở nước này phải đóng góp 12,5% lương cơ bản hàng tháng của nhân viên vào quỹ an sinh xã hội và lương hưu.

Qatar


Sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ ba thế giới, Qatar có thu nhập bình quân đầu người 88.000 USD, cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Do phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt, Chính phủ Qatar đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng của lĩnh vực này. Qatar không đánh thuế thu nhập cá nhân, cổ tức, tiền bản quyền, lợi nhuận, tài sản gia tăng và bất động sản. Tuy nhiên, người dân nước này phải đóng góp 5% thu nhập vào quỹ an sinh xã hội, trong khi các doanh nghiệp phải đóng 10%.

Oman


Cũng giống như các nước láng giềng khác ở khu vực Trung Đông, Oman dựa vào nguồn thu từ dầu lửa. Trong tháng 4 năm 2011, nguồn thu từ dầu lửa của Oman đạt mức 8,49 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời chiếm 71% tổng thu nhập của Chính phủ nước này. Mức đóng góp vào quỹ an sinh xã hội mà người dân Oman phải thực hiện là 6,5% thu nhập hàng tháng. Thuế tem đánh vào giao dịch bất động sản là 3%.

Dù là một quốc gia giàu có, ở Oman gần đây vẫn diễn ra hàng loạt cuộc biểu tình của người dân đòi việc làm và phúc lợi. Người dân Oman bất bình một phần vì có tới 800.000 người nước ngoài làm việc ở nước này, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của người bản xứ vào năm 2010 đã lên tới 24,4% và vẫn tiếp tục tăng.

Kuwait


Là nước xuất khẩu dầu lửa lớn thứ 6 thế giới, Kuwait đạt doanh thu 63,5 tỷ USD từ xuất khẩu dầu lửa trong thời gian từ tháng 4-11/2011, chiếm 95% tổng nguồn thu của Chính phủ nước này. Tuy không phải đóng thuế thu nhập nhưng người dân Kuwait phải đóng góp 7,5% tiền lương và quỹ an sinh xã hội, còn chủ sử dụng lao động đóng 11%. Kuwait là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, nhưng các cuộc biểu tình và đình công của người lao động thuộc khu vực quốc doanh vẫn thường xuyên diễn ra, buộc Chính phủ phải tăng lương 25% trong năm ngoái. Chỉ có 7% người Kuwait làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân.

Cayman Islands


Được biết đến với tư cách một “thiên đường thuế” của thế giới, Cayman Islands có sức hút lớn với những người giàu có trên thế giới nhờ không đánh thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản gia tăng hay yêu cầu đóng góp vào quỹ an sinh xã hội. Tuy nhiên, các công ty đăng ký kinh doanh ở đây được yêu cầu phải có kế hoạch lương hưu cho người lao động. Một số loại thuế gián thu, chẳng hạn thuế nhập khẩu, có thể lên tới 25%. Do mức sống cao, giá nhà ở Cayman cũng cao ngất ngưởng. Vào tháng 4 năm ngoái, giá trung bình của một căn hộ chung cư ở đây là 550.000 USD, trong khi giá trung bình của một căn nhà là hơn 736.000 USD.

Bahrain


Không đánh thuế thu nhập cá nhân, Bahrain phụ thuộc vào nguồn thư từ mỏ dầu Abu Safa mà nước này “dùng chung” với Saudi Arabia. Mỏ dầu này đóng góp 70% nguồn thu của Chính phủ Bahrain. Công dân Bahrain phải đóng góp 7% thu nhập vào quỹ an sinh xã hội, người nước ngoài đóng 3%, còn các công ty đóng 12% thu nhập của người lao động. Ngoài ra còn có thuế tem 3% đánh vào giao dịch bất động sản. Người nước ngoài thuê nhà phải đóng thuế 10%.

Bermuda


Được xem là một trong những nước giàu có nhất thế giới, Bermuda cũng nằm trong danh sách những quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất. Dù không có thuế thu nhập cá nhân, người dân nước này phải chịu 5,75% trong mức thuế sử dụng lao động 16% mà các công ty phải nộp cho chính phủ. Ngoài ra, người lao động phải nộp 30,4 USD mỗi tuần tiền bảo hiểm an sinh xã hội, bằng với mức mà doanh nghiệp phải đóng, bên cạnh thuế giao dịch bất động sản 19%, thuế đánh vào tài sản thừa kế 5-20%.

Thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu là một nguồn thu chính của Chính phủ Bermuda. Các cá nhân nước ngoài chuyển tới nước này bị đánh thuế 25% đối với hàng hóa mà họ mang theo. Tuy nhiên, với thuế suất tương đối thấp, Bermuda vẫn có sức hút lớn đối với các công ty nước ngoài. 20% dân số ở đây là người nước ngoài. Tuy nhiên, để nhận được giấy phép làm việc 10 năm ở Bermuda, người lao động phải bỏ ra 20.000 USD.

Bahamas

Nằm trong số những nước giàu nhất vùng Caribbean, Bahamas phụ thuộc vào nguồn thu từ du lịch và hoạt động của các ngân hàng nước ngoài. Khoảng 70% nguồn thu của Chính phủ nước này đến từ thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu. Không phải nộp thuế nhu nhập cá nhân nhưng người lao động nước này phải nộp 3,9% tiền lương, tối đa là 26.000 USD mỗi năm, vào quỹ an sinh xã hội. Thuế giao dịch bất động sản ở nước này là 1%. Tuy được xem là một trung tâm tài chính, nhưng Bahamas có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 15%. Các đảng phái chính trị ở nước này đang tranh cãi gay gắt về việc có nên khoan tìm dầu ở những vùng nước mà hậu quả có thể dẫn tới sự suy giảm của ngành du lịch.
AN HUY
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam (VNECONOMY) ngày 16/07/2012 truy cập từ http://vneconomy.vn/20120716123229210P0C99/kiem-tien-o-dau-suong-nhat-the-gioi.htm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét