SGTT.VN - Giống như một vị chưởng môn trong tiểu thuyết kiếm hiệp, những đúc kết từ kiến thức chuyên môn về toán ngẫu nhiên của giáo sư Phạm Hi Đức phối hợp với kinh nghiệm giám sát ngân hàng của riêng ông, chỉ được giảng dạy theo kiểu “tâm truyền”, vì nó quá mới chưa được đem vào sách vở. Là trưởng bộ môn kỹ thuật toán tài chính trường kỹ sư ECE Paris, phó giám đốc chương trình Toán – Tin định lượng của trung tâm Xuất sắc John von Neumann (JVN), đại học Quốc gia TP.HCM, mỗi giờ giảng của ông đều mang đến những khám phá thú vị cho sinh viên.
Nghiên cứu sâu về những mô hình tài chính dựa trên xác suất, những kinh nghiệm về quản trị rủi ro của giáo sư Phạm Hi Đức từ thực tế khủng hoảng thế giới và qua nhiều năm đại diện cho ngân hàng Quốc gia Pháp trong các hội nghị thế giới, đem lại chất liệu suy tư cho ngành ngân hàng nói riêng và quản lý vĩ mô nói chung.
Theo ông, khủng hoảng tài chính thế giới hiện đã rơi xuống đáy chưa?
Chưa. Vẫn còn những quả bom nổ chậm, hiện tượng nợ xấu từ bong bóng địa ốc sau khi chuyển sang châu Âu đang phát hiện dưới một hình thái mới ở châu Á. Thêm vào đó, tại Mỹ, số sinh viên ra trường không có việc làm do kinh tế khủng hoảng, đẩy món nợ sinh viên thành hơn 900 tỉ USD, một con số có thể sánh ngang khủng hoảng ngân hàng 2007 – 2010. Quả bom thứ ba là những quỹ đầu tư đen và các “ngân hàng trong bóng tối” khả dĩ vận động được những khối tiền to chưa từng thấy. Ngân sách thâm hụt của Mỹ từ thập niên 1970 (trừ vài ba năm) là một nguồn phiếu nợ, thêm vào dòng tiền bất chính nhưng có tổ chức, như những làn sóng ngầm không ai thấy được trước khi nó vỗ vào chỗ gần bờ dưới dạng sóng thần. Trong khi đó bên Mỹ khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn khiến cho nguy cơ khủng hoảng xã hội đổ dầu vào lửa âm ỉ của những quả bom nổ chậm kinh tế. Tình hình vô cùng nguy hiểm và… đầy bài học.
Ông nhìn thấy nguy cơ nào từ sự đảo chiều và lan rộng của cuộc khủng hoảng tiền tệ?
Đang lộ diện những nguy cơ: Trung Quốc sẽ làm gì? Về kinh tế, Trung Quốc là người nắm nhiều nợ nhất của Mỹ trong 30 năm qua. Vấn đề sắp đến là Trung Quốc sẽ làm gì với số tiền khổng lồ đó khi là chủ nợ. Trung Quốc còn có những “hố tiền đen” khổng lồ không ai đo được, đó là tài sản riêng tích tụ hơn 15 năm nay của các quỹ đầu tư và đại xí nghiệp không vào khuôn khổ quốc gia như luật lệ của Tây Âu, Mỹ, Nhật. Năm 2011 – 2012, tất cả những công trình nghiên cứu tài chính kinh tế định hướng về hai vấn đề. Một là mô hình hoá sự lan truyền của phá sản ngân hàng do thiếu thanh khoản, và hai là những tài chính trong bóng tối, nơi đang có những dòng tiền hoạt động như ngân hàng nhưng không ai biết được nó hoạt động thế nào. Những tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau ấy chắc chắn sẽ bộc phát, nhưng không biết sẽ nổ ra sao, lan truyền thế nào.
Việt Nam ảnh hưởng thế nào từ bên ngoài và bộc lộ những điểm đen chưa, khi tỷ lệ nợ xấu đang ở mức cao?
Việt Nam khó quan sát và đo đạc hơn Trung Quốc, vì dòng tiền Trung Quốc rất lớn có thể gián tiếp đo được qua ảnh hưởng trên đối tác, nhưng Việt Nam thì đo kiểu này còn dư độ sai quá nhiều. Chỉ có thể mô hình hoá theo độ xâm nhập của tài chính quốc tế trên tài chính quốc nội dựa vào phần tín dụng độc hại từ 2007 – 2010 nếu các đối tác thương mại có chính sách công bố các thống kê dòng tiền.
Đối diện với nợ xấu trong nước khác đối diện nợ xấu xâm nhập từ bên ngoài. Nếu chỉ là thị trường địa ốc và tài chính nội địa, có thể đóng cửa thanh toán nợ với nhau. Trong trường hợp đó, ảnh hưởng khủng hoảng thế giới đến mình không nhiều. Có thể đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng và giảm đi, nguy cơ kinh tế bị co thu lại rồi sẽ theo thời gian phục hồi. Nhưng lần này có thể khác vì vấn đề mới là tâm lý. Ngày xưa, người ta ki cóp từng đồng thấy bình thường, nhưng bây giờ người ta trông đợi lợi nhuận nhanh chóng, mức lãi suất chờ đợi là 10 – 15%, nếu mức đó không còn, coi như mất tín nhiệm. Kinh tế càng bị thu lại, không ai cho ai mượn tiền nữa. Nhưng với thị trường nội địa gần 100 triệu dân, kinh tế sẽ đi hết co thu và tiếp tục đi lên. Xác suất phục hồi nhiều hơn. Việt Nam trên con đường phục hồi có lẽ ít rủi ro hơn cộng đồng châu Âu. Lạm phát giảm từ mức cao, ngân hàng Nhà nước vẫn cầm cương được thị trường tiền tệ là tín hiệu đáng mừng.
Với vai trò một chuyên gia đại diện cho ngân hàng Nhà nước Pháp, ông có thể cho biết hiệp hội Ngân hàng quốc tế đã có biện pháp gì để chống lại rủi ro toàn hệ thống như hiệu ứng domino?
Phải để cho đầu óc mình lúc nào cũng mở, để đón cái tình cờ xảy đến. Không khép cái đầu óc của mình. Buộc nó vào một cái gì, tự cao, tự kiêu, chính là mình tự khép cửa.
|
Khi chưa mô hình hoá được vững vàng thì khó mà làm luật vì cụ thể không dự phòng được hậu quả. Năm năm nay, chủ đề mà chúng tôi nghiên cứu là nhìn vào sự mất thanh khoản vì các nhà băng mất tín nhiệm đối với nhau, và gần đây hơn, nghiên cứu làn sóng ngầm của các khối tiền chạy ngoài hệ thống các ngân hàng, để mô hình hoá sự lan truyền. Năm 2010, dự án điều lệ Basel III từ nhóm chuyên gia mà tôi đã từng tham gia đã được ký kết tại Seoul thành luật ngân hàng quốc nội của một số nước, để ứng xử khi rủi ro lan tràn toàn hệ thống phải làm sao, và rủi ro thanh khoản (khi các ngân hàng không cho mượn tiền lẫn nhau nữa), dẫn đến sụp đổ toàn hệ thống. Nhưng hiện nay, vẫn có sự chống đối của một số ngân hàng lớn, đa số là trong vùng Anh, Mỹ vì họ sợ phải hy sinh mối lợi cho sự cẩn trọng. Thêm vào đó quốc hội Mỹ không chính thức chuẩn nhận Basel III.
Từng giải quyết khủng hoảng, theo ông, xử lý khủng hoảng được đặt ra như thế nào từ quản lý vĩ mô đến từng doanh nghiệp?
Kinh tế vĩ mô trước đến giờ, ngoài khía cạnh tiền tệ và sản xuất, tiêu thụ, đã dần bao gồm cả những khái niệm về nhân lực, phát triển, hạnh phúc, bền vững… do đó khả dĩ có thể cho ta mô hình hoá rộng lớn. Nhưng mô hình nếu có cũng chưa chắc có thể giải bài toán được trong mọi trường hợp. Ngược lại kinh tế vi mô ở mức cá nhân một xí nghiệp hay doanh nghiệp chỉ có thể đóng góp giải quyết khủng hoảng nếu tất cả nhân viên của mọi nơi đều có cùng một thái độ đúng đắn. Trở lại chuyện cho vay đầu tư địa ốc đã nói, nếu một ngân hàng khắt khe nghiêm túc trong khi mọi nhà băng khác nhắm mắt cho vay, thì chỉ mình nó lỗ!
Từng làm kinh doanh ngân hàng, ông nhìn nhận như thế nào về yếu tố đạo đức trong kinh doanh ngân hàng?
Người làm ngân hàng phải biết tự kiềm chế mình khi kinh tế tăng trưởng, tự biết cho bao nhiêu tín dụng là vừa và có cách tổ chức sự đàn hồi khi kinh tế bị co thu lại. Nhìn tấm gương của Mỹ, những ngân hàng Mỹ trong năm 2010 hoàn toàn phó thác sự sống còn của mình vào chính phủ liên bang, rồi vài năm sau, khi đã phục hồi, họ lại trả nợ hết để không bị chính phủ dòm ngó nữa. Cả hai trường hợp đều xấu, một là cứu ngân hàng đã làm bậy trong ngắn hạn và hai là không có phương tiện giám sát để bảo đảm sự bền vững của ngân hàng. Công cụ giám sát phải khoa học hơn, rủi ro phải được tính bởi tài chính định lượng.
Thực tế cho tới gần đây, kỹ sư giỏi về tài chính định lượng đều bị ngân hàng hút hết, nhưng người giúp ngân hàng luồn lách tránh giám sát lại được trả lương cao hơn người giám sát, dẫn đến tình trạng hiệp sĩ thì ít, mà “ăn trộm” thì nhiều.
Môn dạy của tôi là đưa hành động đúng đắn, xử thế nguyên tắc vào luật lệ ngân hàng. Nhưng luật lệ không thể cấm được hết. Người làm ngân hàng phải dùng lý trí và hơn cả lý trí, dùng lương tri trong nền kinh tế thị trường. Tôi không cần và không muốn đề cập đến đạo đức và lương tâm. Vì trong toán và qua mô hình toán, ta có thể cảm nhận thế nào là một hành động cân bằng, hợp lý, có nhìn về lâu về dài. Mọi hợp đồng mua bán, cho vay đều là quyết định của cá nhân, phải dựa trên đầu óc suy xét và những bậc thang giá trị chuẩn mực cá nhân của mỗi người. Nếu chỉ tối ưu hoá mức lợi của mình hay doanh nghiệp mình thì nó vi phạm mục tiêu chuẩn mực là tối ưu hoá lợi ích cộng đồng trên lâu dài. Ta cho được vào phương trình cái gì dễ theo và đo đạc hơn là tính chất đạo đức.
Là một nhà giáo, nhà khoa học, ông có bị ảnh hưởng nhiều không khi luôn nằm trong tâm bão của những cuộc khủng hoảng?
Toán ứng dụng cho mình cái nhìn trừu tượng (nhưng không quá đáng) về cuộc đời, lấy cuộc đời đem mô hình hoá hoặc đơn giản hoá nó đi, cho mình đoán nhìn thấy những giải pháp. Khi vừa biết kinh tế, biết toán, biết tâm lý con người, nên cái gì cũng có một cách dẫn đến nhận chân. Có đến cùng được hay không còn tuỳ cơ duyên, nhưng hiểu được, là chấp nhận được sự thật. Thiếu phương cách này thường đẩy cái gì mình không biết vào bình phong của tâm linh, và phó thác không đặt câu hỏi nữa. Sự tiệm cận giữa toán và triết học giúp mình giản dị hoá, đầu óc suy nghĩ thanh thản hơn. Môn học của tôi là toán học ngẫu nhiên. Cái gì ngẫu nhiên, không có nghĩa là cắt nghĩa hay tiên đoán được, nhưng nó cho ta biết không có gì bí mật siêu hình đằng sau. Giống như hột xúc xắc, dù không biết sẽ ra mặt nào, nhưng mình có thể biết là chỉ có sáu mặt.
Đầu thế kỷ trước, Kurt Goedel, một nhà toán học đã chứng minh được chính ngay trong hệ thống suy luận toán có những điểm không thể chứng minh được hoặc đúng hoặc sai. Biết như thế thì không cần kêu gọi đến những thứ siêu hình nữa.
Môn dạy của tôi là đưa hành động đúng đắn, xử thế nguyên tắc vào luật lệ ngân hàng. Nhưng luật lệ cũng không thể cấm được hết. Người làm ngân hàng phải dùng lý trí và hơn cả lý trí, dùng lương tri trong nền kinh tế thị trường.
|
Ông đã trải qua một thời sinh viên khốn khó, từng đi lính thuỷ quân lục chiến Pháp, trải nghiệm nào là quý nhất với ông?
Rời đất nước năm 1974, cứ nghĩ sau ba tháng hè sẽ về lại quê hương, ai ngờ từ đó xa luôn. Năm tôi 18 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, nhớ gia đình, nhớ món ăn mẹ nấu, trong cái lạnh lẽo mưa phùn Paris, nỗi đau càng đau hơn nữa. Đau mà không biết làm cách nào cho hết đau, chỉ mong đi ngủ để thấy mình thức giấc ở Sài Gòn… Chưa bước ra đời với một mảnh bằng, thì mùa hè làm công nhân ca đêm ở xưởng máy kiếm tiền đi học, vác bao tải chất hoá liệu, nhưng gió đêm làm thấy đầu óc rất thoáng thỉnh. Đời sinh viên vừa đi học vừa đi làm giúp tôi biết kiếm tiền và nhìn tiền như những mảnh giấy từ sớm.
Cuộc đời tôi có lúc vật vã, nhờ may mắn nên cũng vượt qua, tôi thấy phần lớn chuyện khổ sở đều từ trong đầu mình ra. Những ngày ở sư đoàn thuỷ quân lục chiến, tôi đã học được cách muốn chịu đau phải kêu gọi cái đau đó ra, cầm cái đau lên như một đồ vật và chơi với nó, một lúc sau cái đau sẽ càng khó cảm thấy, ấy là nó đang tan biến. Nỗi đau khi càng trốn tránh, càng làm ta sợ, giống như sợ ma vậy đó.
Chọn cách đi đi về về giữa Paris và TP.HCM để giảng dạy, ông nghĩ gì về sự giàu có của riêng mình?
Công việc làm cho chính phủ Pháp cho tôi có dịp chu du khắp thế giới, như một chứng nhân của thời cuộc, được sống với từng khoảnh khắc đáng nhớ của thế kỷ. Sự giàu có là những gì mình ghi nhớ trong đầu. Từ một kỹ sư ra làm phụ tá giám đốc ngân hàng Quốc gia Pháp, đưa trí tuệ nhân tạo vào ngân hàng, làm giám đốc công nghệ thông tin cho một hãng bảo hiểm châu Âu với hơn 1.200 chi nhánh, rồi buôn bán sàn, làm tư vấn, làm kiểm toán hay giám sát… tôi chỉ là một anh chàng nghịch ngợm, nay dùng những gì mình gom nhặt tứ xứ mong truyền cho sinh viên của mình sự “nghịch ngợm”, để khám phá, xây dựng những lý thuyết mới giúp xử lý tài chính.
Máu phiêu lưu trong tôi rất mạnh. Tôi giống một anh chàng lang thang hai tay thọc túi quần hơn là một khoa học gia. Năm lần đổi nghề với tôi là năm lần xung đột nội tâm, bỏ đi công việc cũ cũng tiếc, rồi khi có vợ con, lại cho thêm gia đình vào phương trình, nhưng mỗi lần tự hỏi, tôi vẫn chọn làm cái gì tốt cho cộng đồng nhỏ (gia đình) hay lớn hơn. Thay vì ngồi yên trong an toàn để chờ lên chức, tôi đổi góc nhìn tìm một đáp án cao hơn. Bây giờ, với những gì tích tụ được, tôi muốn tiếp cận với các thế hệ trẻ. Chỉ mong mình còn sức khoẻ, để tiếp tục khám phá. Lão Tử nói người giàu nhất là người không muốn thêm gì, cách chọn khôn khéo nhất là lựa chọn cái mình không thể không chọn. Khi không dòm ngó là mình có tất cả.
Khả năng nào giúp ông có thể lắng nghe chính mình để có được quyết định sáng suốt nhất?
Điều kiện tiên quyết là đừng tự bảo ta muốn thế kia, ta phải được như thế này. Sự di chuyển cũng giúp mình thoáng cái đầu, giúp mình gia tăng sức chịu đựng. Phải để cho đầu óc mình lúc nào cũng mở, để đón cái tình cờ xảy đến. Không khép cái đầu óc của mình. Buộc nó vào một cái gì, tự cao, tự kiêu, chính là mình tự khép cửa.
Là hậu duệ của phó bảng Phạm Hy Lượng (1834-1886), danh sỹ đời Tự Đức, gia tài lớn nhất mà ông nhận được là gì?
Là cái không thể mô tả được, đó là tình yêu thương. Ông cụ thân sinh ra tôi trước là giáo sư đại học nha khoa, chính ông đã truyền cho tôi đam mê khảo cứu, nghiên cứu. Mẹ tôi trước là giáo viên trường Trưng Vương, hướng các con vào bậc thang giá trị của sự hiểu biết, vào tâm linh nhiều hơn thay vì là tiền bạc, vật chất.
Dường như Lão Tử ảnh hưởng nhiều đến triết lý sống của ông?
Theo ông đó là “khoẻ” nhất, không có ràng buộc gì cả, với điều kiện theo được thật thà. Lão Tử là một trong những người có quan điểm có thể nói “gần toán” nhất.
GS.TS Phạm Hi Đức
Thực hiện: Kim Yến
Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
Thực hiện: Kim Yến
Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
GS.TS Phạm Hi Đức sinh năm 1956 tại Sài Gòn, sang Pháp năm 1974, kỹ sư và tiến sĩ môn kinh tế lượng Ecole Centrale Paris (1980 – 1985). Thạc sĩ tài chính, trường Khoa học chính trị – xã hội Paris Sciences Po Paris (1979 – 1981). Cử nhân quản trị kinh doanh đại học Panthéon Sorbonne (Paris I) (1977 – 1979). Hiện ông là trưởng khoa tài chính định lượng, trường cao học kỹ sư ECE Paris.
Ông từng hoạt động trong lĩnh vực giám sát ngân hàng về quản lý rủi ro điều hành của hiệp ước Vốn Basel II tại uỷ ban Giám sát ngân hàng Nhà nước Pháp (2003 – 2007), cán bộ sàn giao dịch ngoại hối và giám đốc trung tâm Nghiên cứu thị trường tiền tệ tại ngân hàng Natexis (1996 – 1999), giám đốc công ty kiểm toán Pricewaterhouse Coopers Pháp, chủ nhiệm ngành tin học tại ngân hàng Tín dụng quốc gia Pháp (1994 – 1996), phụ tá giám đốc ngân hàng Nhà nước Pháp (1982 – 1989).
|
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ SÀI GÒN TIẾP THỊ MEDIA ngày 15/10/2012 truy cập từ http://sgtt.vn/Loi-song/171245/Nguy-co-tu-nhung-“ngan-hang-u-minh”.html.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét