Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Những CEO dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng

Nhiều tỷ phú, triệu phú đôla trên thế giới hiện nay đã đi lên nhờ tự thân vận động. Nhiều người trong số họ có tuổi thơ nghèo nàn và phải làm lụng vất vả, trải qua hàng tá nghề nghiệp trước khi có được một cơ ngơi như hiện tại.

Không ít câu chuyện cảm động về hành trình lập nghiệp gian khổ của những giám đốc điều hành (CEO) nổi tiếng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các nhà làm phim, nhưng hơn cả, đó là những bài học kinh nghiệm quý báu cho thế hệ trẻ.

Dưới đây là một số gương mặt như vậy theo bình chọn của hãng tin CNBC:

Lloyd Blankfein, tập đoàn Goldman Sachs

Lloyd Blankfein là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Goldman Sachs. Ông sinh ra ở Bronx, New York và lớn lên ở Brooklyn. Cha ông là nhân viên bưu điện, còn mẹ ông là nhân viên lễ tân. Khi còn bé, ông từng làm nghề bán đậu phộng dạo tại sân vận động Yankee.

Blankfein theo học trường Đại học Luật Harvard. Sau một thời gian dài làm việc cho công ty luật Donovan với tư cách là một luật sư thuế, ông gia nhập J. Aron & Co., một chi nhánh của Goldman Sachs và từng bước thăng dần lên ngôi vị CEO của tập đoàn. Năm 2007, tài sản của ông ước đạt 73 triệu USD.

Oprah Winfrey, hãng Harpo Productions

Oprah Winfrey được mệnh danh là "bà hoàng truyền thông" của Mỹ. Tuy nhiên, để có được vị trí như ngày nay, bà đã phải nỗ lực hết mình vượt khó vượt khổ. Sinh ra trong một khu ổ chuột ở Mississippi và lớn lên ở trong nghèo khổ ở Milwaukee. Oprah ở với người bà từ khi còn nhỏ và đến năm lên 6 mới được đến ở với mẹ. Từng bị lạm dụng tình dục khi mới 9 tuổi, từng mang thai ở tuổi 14, nhưng bà không gục ngã.

Sau khi chuyển tới Tennessee, bà bắt đầu bước chân vào thế giới truyền thông bằng một công việc ở đài phát thanh. Sự nghiệp của Oprah vươn tới đỉnh cao khi bà làm chủ chương trình “The Oprah Winfrey Show”. Với phong cách thân thiện và lôi cuốn khán giả, chương trình của Oprah đã được mở rộng ra khắp đất nước, được xếp hạng cao nhất trong số các chương trình trò chuyện trên truyền hình trong lịch sử nước Mỹ.

John Paul Dejoria, hãng mỹ phẩm tóc John Paul Mitchell Systems

John Paul Dejoria là đồng sáng lập viên kiêm CEO của công ty John Paul Mitchell Systems, nhà sản xuất các sản phẩm chăm sóc tóc. Cha mẹ ông đã ly dị từ khi ông mới được 2 tuổi. Dejoria đã phải ra đường làm việc từ năm lên 9 tuổi, để giúp đỡ gia đình. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông nhập ngũ và phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ.

Dejoria từng xuống tới tận đáy xã hội khi gia nhập đội quân vô gia cư. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là ông đã vượt qua những khó khăn đó và đồng sáng lập hãng sản xuất chăm sóc tóc cùng với người bạn là nhà tạo mẫu tóc Paul Mitchell vào năm 1980. Theo tạp chí Forbes, tài sản ròng của ông trong năm 2009 là 4 tỷ USD.

Howard Schultz, hãng cà phê cà phê Starbucks

Howard Schultz là người mang những cốc cà phê nóng hổi hiệu Starbucks tới hàng triệu người Mỹ vào mỗi buổi sáng. Ông lớn lên ở Canarsie, Brooklyn, một vùng ngoại ô nghèo nàn. Ông là thành viên đầu tiên trong gia đình học tới đại học. Sau khi tốt nghiệp, Schultz đầu quân cho Hammerpalast, một công ty sản xuất máy pha cà phê. Năm 1981, ông đã gặp Gerry Baldwin, một trong những ông chủ đầu tiên của Starbucks và lần gặp đó đã thay đổi cuộc đời của Schultz.

Schultz đã “phải lòng” Starbucks bởi hướng kinh doanh của nó. Ông rời bỏ Hammerplast và trở thành giám đốc kinh doanh của Starbucks. Nhưng không lâu sau đó, Schultz quyết định nghỉ việc ở Starbucks để thành lập công ty riêng. Năm 1984, ông mở quán cà phê Il Giornale ở Seattle. Với phong cách thân thiện, quán này nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Đúng lúc ông định nhân rộng mô hình Il Giornale, thì được tin một trong các chủ sở hữu của Starbucks muốn rút lui. Schultz đã tìm cách mua lại công ty.

Đến năm 1987, Schultz mua lại được toàn bộ Starbucks với số tiền 3,8 triệu USD và sáp nhập Il Giornale vào thành một nhãn hiệu duy nhất là Starbucks và lập ra Starbucks Corporation. Bằng tài năng quản trị và kinh doanh, Schultz đã đưa thương hiệu Starbucks trở nên sáng giá như ngày nay, với hàng loạt cửa hàng ở trong và ngoài nước Mỹ. Đến với Starbucks, khách hàng không chỉ được uống cà phê ngon mà còn được hưởng một bầu không khí thoải mái và thư giãn.

Sean Combs, hãng may mặc Sean John

Sean Combs vốn là một ca sỹ nhạc Rap, được biết đến với những cái tên như Puff Daddy, P.Diddy. Anh sinh ra ở Harlem và lớn lên trong vòng tay người mẹ là một nữ giáo viên. Cha của anh đã bị sát hại khi Combs mới được 3 tuổi. Sau đó, gia đình anh đã phải chuyển tới Mount Vernon, ngoại ô Bronx.

Combs theo học trường Đại học Howard, nhưng phải bỏ giữa chừng để tập trung cho hãng ghi âm Uptown, hỗ trợ cho các nghệ sỹ R&B như Mary J. Blige và Jodeci. Bên cạnh sự thành công với tư cách là một nhạc sỹ, anh còn nổi tiếng nhờ thiết kế thời trang kể từ khi sáng lập thương hiệu riêng mang tên Sean John vào năm 1998. Anh đảm nhiệm cương vị Giám đốc điều hành công ty này cho tới giờ.

Ursula M. Burns, tập đoàn Xerox

Ursula M. Burns là nữ Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Xerox. Bà cũng là người phụ nữ mang trong mình hai dòng máu Phi - Mỹ đầu tiên trở thành CEO của một công ty đứng trong bảng xếp hạng Fortune 500, đồng thời là người phụ nữ quyền lực thứ 20 trên thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes.

Ursula M. Burns sinh ra tại thành phố New York và lớn lên trong một căn hộ trợ cấp trong vòng tay người mẹ. Sau khi nhận được bằng thạc sỹ về lĩnh vực cơ khí, bà đầu quân cho Xerox và được bổ nhiệm vào chức trợ lý điều hành. Năm 1999, bà làm Phó chủ tịch hãng phụ trách sản xuất toàn cầu và 10 năm sau đó, bà thay thế người tiền nhiệm Anne Mulcahy, trở thành CEO của Xeros.

Steve Jobs, hãng công nghệ Apple

Steve Jobs sinh tại San Francisco. Ông được vợ chồng ông Paul và bà Clara Jobs nhận nuôi. Cha mẹ đẻ của ông, Abdulfattah Jandali và Joanne Simpson, khi đó vẫn còn là sinh viên và chưa kết hôn. Jobs bỏ khỏi trường đại học khi mới được có một học kỳ. Trong thời gian này, Steve Jobs đã mưu sinh bằng nghề thu lượm vỏ lon soda vứt đi, ngủ ở sàn phòng khách nhà bạn bè và đi bộ 11 km/ngày để tới nhận bữa ăn miễn phí ở đền Hare Krishna.

Sau khi đầu quân cho Apple, tới năm 1985, ông rời bỏ công ty này và mở một hãng máy tính mới mang tên NeXT Inc. Việc kinh doanh phần mềm rất thành công, tới nỗi Apple đã phải mua lại NeXT vào năm 1997 và mời Jobs quay trở lại với tư cách là một nhà cố vấn. Hiện Steve Jobs là CEO của Apple, giá trị tài sản ròng của ông ở mức 8,3 tỷ USD.

Chris Gardner, hãng chứng khoán Gardner Rich & Co.

Chris Gardner là CEO của công ty môi giới chứng khoán Gardner Rich & Co. ở Chicago. Công ty này do ông thành lập từ năm 1987. Thuở còn hàn vi, ông và cậu con trai đã phải trải qua những ngày tháng vất vưởng, lang thang không nhà cửa. Khi còn trú chân ở quận Tenderloin nghèo nàn thuộc San Francisco, có những lần cha con ông phải qua đêm ở những nhà tắm công cộng.

Cuộc đời chìm nổi của Chris Gardner đã trở thành đề tài thu hút các nhà làm phim Hollywood. Năm 2006, tác phẩm điện ảnh The Pursuit of Happyness (tạm dịch: Mưu cầu hạnh phúc) ra đời. Bộ phim đã đưa tên tuổi tài tử điện ảnh Will Smith lên đỉnh cao nhờ khả năng diễn xuất tài tình, và thu về hơn 307 triệu USD từ các phòng vé trên toàn cầu.

Sheldon Adelson, công ty sòng bạc Las Vegas Sands

Sheldon Adelson là Chủ tịch kiêm CEO của công ty kinh doanh sòng bạc Las Vegas Sands, có trụ sở ở thành phố Paradise ở Nevada. Cha mẹ ông là người Do Thái đến từ Đông Âu. Theo Irwin Chafetz, người bạn và đối tác kinh doanh của Adelson, "sự giàu có ở khu chúng tôi khi đó là có 3 USD trong túi". Ngay từ khi còn nhỏ, Adelson đã sớm nung nấu nghiệp kinh doanh.

Đồng USD đầu tiên mà Adelson kiếm được là nhờ việc bán báo dạo trên vỉa hè. Nhưng Adelson nhanh chóng thấy chán công việc này. Ông nhận ra “lĩnh vực kinh doanh” này không có hệ thống và sau đó đã tự thiết lập mạng lưới của mình. Khi ấy, Adelson thuê những đứa trẻ bằng tuổi mình đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để bán báo với điều kiện sẽ thu phần trăm trên từng tờ báo.

Qua các kinh nghiệm tích luỹ dần từ việc bán báo dạo, Adelson dần lấn qua mảng bất động sản, tư vấn tài chính… và tạo dựng cơ nghiệp tỷ phú như ngày nay. Ông từng theo học đại học nhưng phải bỏ ngang. Nhưng điều đó không ngăn cản ông vươn lên trong sự nghiệp. Năm 2008, sòng bạc do ông làm chủ đã thu lợi nhuận lớn thứ 2 tại Las Vegas. Hiện Adelson đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng các tỷ phú của tạp chí Forbes.

Curtis Jackson, hãng thu âm G-Unit

Ngôi sao nhạc Rap có tên thân mật là 50 Cent này vào năm 2003 đã lĩnh trọn những đề cử quan trọng nhất của giải thưởng Mobo trong đó có nghệ sĩ hip-hop xuất sắc nhất, album xuất sắc nhất cho Get Rich Or Die Tryin' và đĩa đơn xuất sắc cho In Da Club. Sau sự thành công của almbum Get Rich Or Die Tryin', anh đã ký hợp đồng với hãng đĩa G-Unit Records.

Jackson sinh ra ở nam Jamaica, và lớn lên nhờ bàn tay chăm sóc của ông bà sau khi mẹ anh bị ám hại lúc anh mới có 8 tuổi. Bản thân Jackson cũng từng rơi vào hiểm cảnh tương tự vào năm 25 tuổi, nhưng may mắn anh đã sống sót. Hai năm sau đó, anh ký hợp đồng với hãng đĩa Shady Records do ca sỹ nhạc Rap Eminem thành lập, và tạo dựng dần một sự nghiệp âm nhạc với những thành công mà trước đây anh chưa bao giờ có được.
HỒNG NGỌC
VnEconomy (Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam)

11:19 (GMT+7) - Thứ Bảy, 16/7/2011

Nguồn: http://vneconomy.vn/20110716110055166P0C5/nhung-ceo-dung-nghiep-tu-hai-ban-tay-trang.htm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét