Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Rượu và sức khỏe


Rượu là một thức uống được loài người phát hiện từ thời hồng hoang, từ sự lên men tự nhiên của một số trái cây chín và sau đó là các loại đường và tinh bột ngũ cốc. Ngày nay, rượu và bia trở thành một thức uống phổ biến trên thế giới, đặc biệt trong các dịp lễ Tết, các tiệc vui. Nhưng nếu lạm dụng, rượu chẳng những có những tác hại cho sức khỏe của người uống, mà còn có thể đem lại nhiều chuyện đáng buồn cho gia đình và xã hội.Rượu và sức khoẻ
Trong Y học, đặc biệt là y học dân gian hay y học cổ truyền, rượu đôi khi được xem là một dược phẩm: Rượu thuốc, rượu bổ, cồn dược dụng, cồn thuốc, thuốc rượu, (elixir hay extrait alcoolique), v..v... Theo đông y thì rượu có tác dụng dẫn thuốc. Còn tây y thì xem rượu hay cồn ( tức là rượu cao độ, tính theo hàm lượng ethanol nguyên chất chứa trong một thể tích rượu nhất định) chỉ là một chất sát trùng hoặc dùng như một dung môi giúp hòa tan các dược chất khi ngâm chung với rượu. Nhiều dược chất không tan trong nước nên không thể dùng nước để ly trích (như ta sắc thuốc), nhưng nếu ngâm với rượu thì có thể hòa tan dễ dàng hơn.
Nhưng rượu cũng được xem như là một độc chất nếu dùng quá liều lượng. Khi uống vào, tùy nồng độ và liều lượng, rượu sẽ tác dụng trên rất nhiều cơ quan của cơ thể. Dưới đây chỉ nêu một số tác dụng đặc trưng của rượu:
- Rượu là một chất cho năng lượng, lại được hấp thu nhanh, làm giãn mạch ngoại vi, nên khi mới uống vào ta thấy ấm người, toát mồ hôi, da mặt trở nên hồng hào, … nhưng khi uống nhiều rượu, cơ thể sẽ dễ bị lạnh vì sự mất nhiệt qua da, nhất là khi nhiệt độ bên ngoài xuống thấp. Hơn nữa, năng lượng do rượu mang lại là năng lượng rỗng, nên không có giá trị về mặt dinh dưỡng.
- Rượu làm tăng lưu thông máu đến dạ dày, nên nếu uống với liều nhỏ trước hoặc trong bữa ăn, rượu là một chất kiện vị, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Nhưng nếu dùng rượu có nồng độ cao, hoặc quá nhiều, thì có thể gây sung huyết, dễ dẫn đến loét dạ dày.
Gần đây, một số công trình nghiên cứu cho thấy: nếu uống rượu điều độ, mỗi ngày không quá một đơn vị rượu (= 1đv: xem bảng 1) thì có thể có lợi cho tim mạch, do rượu với lượng nhỏ có tác dụng làm tăng hàm lượng cholesterol tốt (HDL-c) và giảm hàm lượng cholesterol xấu (LDL-c) trong máu. Nhưng uống rượu với lượng nhiều hơn thì sẽ có tác dụng không tốt..
Rượu là chất gây hưng phấn?
Từ xưa, nhiều người thường cho rằng rượu là một chất gây hưng phấn, vì sau khi uống một vài chung rượu hay vài ly bia, ta thường cảm thấy dạn dĩ, tự tin, ăn nói hoạt bát hơn ngày thường.
Trên thực tế, với liều nhỏ, hoặc lúc mới uống, rượu có tác dụng gây hưng phấn thần kinh, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, thì tác dụng này chủ yếu là do rượu làm suy giảm hoạt động của hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là làm suy giảm khả năng kiểm soát sự ức chế ở não, khiến cho người uống rượu vào sẽ bớt ngại ngùng, không còn để tâm đến những ràng buộc của xã hội; vì vậy trong giao tiếp hằng ngày, họ cảm thấy dạn dĩ hơn, cởi mở hơn, ăn nói tự do, thoải mái hơn, và dễ có những cử chỉ buông thả hơn. Nhưng cũng chính sự buông thả đó đã làm người uống nhiều rượu sẽ không còn kiểm soát được mình, nên dễ bị cám dỗ bởi những thú vui hấp dẫn khác, kể cả tiếp tục uống thêm bia rượu mà không thể dừng lại đúng lúc.
Nồng độ rượu hay cồn tạo ra những biểu hiện về thần kinh đầu tiên này rất khác biệt, tùy thuộc vào cơ địa, cũng như vào trạng thái tinh thần và thể chất của người uống rượu.
Bảng dưới đây cho thấy các phản ứng cấp thời do rượu gây ra trên người tùy theo lượng tiêu thụ và nồng độ cồn trong máu:







Rượu và Dược phẩm:
Có những người bình thường uống rượu thì không thấy có phản ứng gì, nhưng đôi khi chỉ uống vài chung rượu hay vài ly bia thì đã bắt đầu đỏ mặt, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, ói mữa, hoặc buồn ngủ và ngủ li bì không biết trời trăng gì hết. Nhiều trường hợp bị các triệu chứng nặng hơn phải đưa đi bệnh viện mà cũng chẳng biết tại sao! Nhưng nếu người bệnh bình tĩnh nhớ lại xem trước hoặc sau khi uống rượu, mình đã có uống một loại dược phẩm nào chăng, thì cũng có thể đó chính là nguyên nhân đã gây ra các tai biến.
Một số dược phẩm cũng có thể ảnh hưởng trên sự chuyển hóa, làm tăng tác dụng của rượu, gây ra chứng ngộ độc rượu, hoặc gây các triệu chứng khó chịu như khi dùng một số thuốc để cai rượu (từ chuyên môn gọi là phản ứng antabuse: khi uống rượu vào sẽ bị phản ứng gây nhức đầu, nôn mửa, đau bụng dữ dội .v.v… làm cho bệnh nhân sợ phải chừa rượu).
Những phản ứng rất thường gặp trên đây được gọi là sự tương tác của rượu và dược phẩm. Sau đây là một vài sự tương tác có hại thường gặp cần được chú ý:
-Rượu làm tăng độc tính trên gan của thuốc giảm đau hạ nhiệt rất thường dùng là paracetamol (trên thị trường có rất nhiều tên đặc chế khác nhau như Tylenol, Dolodol, Efferalgan, Acemol, Cetamol, ….). Y văn có nêu ba trường hợp nghiện rượu chỉ uống paracetamol với liều hơi cao hơn bình thường cũng bị ngộ độc, gây tổn thương gan rất nặng.
-Người uống thuốc trị cảm, sổ mũi, hay trị chứng ngứa, nổi mề đay có các chất kháng histamin thông thường như promethazin, chlorpheniramin, diphenhydramin… mà lại uống rượu, thì dễ bị ngầy ngật, buồn ngủ, đặc biệt nguy hiểm hơn đối với người cần vận hành máy móc hay lái xe, tàu.
Tuy nhiên, những loại thuốc kháng histamin thế hệ mới hơn như astemizole, cetirizine, ebastine, loratidine, terfenadine… thì ít hoặc không có tương tác với rượu
- Người uống thuốc trị lao isoniazid sau khi uống rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng lái tàu xe. Hơn nữa rượu còn làm tăng độc tính của isoniazid trên gan. Ngoài ra, người nghiện rượu mạn tính mà dùng isoniazid thì cũng bị giảm hiệu lực trị lao của thuốc.
- Người bị đau tim dùng thuốc giãn mạch vành glycerin trinitrate mà trước đó đã có uống rượu, thì có thể bị tụt huyết áp, gây chóng mặt, xây xẩm.
- Các thuốc uống để trị bệnh nấm ngoài da như ketoconazole (NIZORAL) thì phải cữ uống rượu, bia và các thức uống có rượu ít nhất cho đến 3 ngày sau khi ngưng uống thuốc, nếu không, có thể bị nhức đầu, nôn mửa, đau bụng… Một số bệnh nhân uống rượu với thuốc kháng nấm griseofulvin (GRISEOVIN), cũng có thể bị phản ứng tương tự.
- Các thuốc kháng ký sinh trùng như metronidazole (FLAGYL. KLION..), tinidazole (FASIGYNE)... hoặcmột số thuốc kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin như cephamandole, cefmenoxime, cefoperazone, cefotetan, latamoxef.., cũng thường có thể tương tác với rượu gây hiện tượng khó chịu như trên.
- Rượu làm tăng tác dụng ức chế trung khu thần kinh của hầu hết các thuốc có tác dụng an thần, gây ngủ, làm dịu hoặc giảm đau trung ương, giảm ho, chống nôn mửa, cầm tiêu chảy, ngừa say tàu xe, chống trầm cảm, chống động kinh, chống co giật,... như benzodiazepines, meprobamates, barbiturates, opioids, metoclopramide, chlopromazine, fluoxetine (PROZAC), dextropropoxyphene… nên nếu dùng chung có thể giảm sự tỉnh táo khi lái tàu xe hay vận hành máy móc, thậm chí có thể gây ngộ độc.
- Người nghiện rượu khi cần phẫu thuật phải dùng thuốc mê nhóm propofol (DIPRIVAN) với liều cao hơn bình thường mới có tác dụng. Ngược lại, rượu lại làm tăng độc tính đối với gan của các thuốc mê elflurane (ETHRANE) và helothane (FLUOTHANE).
- Người bị viêm nhiễm hay đau nhức dùng thuốc aspirin hoặc các thuốc kháng viêm, giảm đau thuộc nhóm không có nhân steroids hay nhóm corticoids đều có khả năng dễ bị xuất huyết dạ dày hơn khi có uống rượu. Tuy nhiên, loại aspirin tantrong ruột (như pH 8) thì không bị tương tác với rượu.
- Rượu với Café:
Trái với quan niệm thông thường là uống café sẽ làm tỉnh rượu, nhưng nghiên cứu trên số đông dùng 300mg cafein cho người uống rượu (có độ cồn 0,75mg/kg sức nặng) cũng như người không uống rượu thì thấy caféin không có tác dụng gì trên việc làm tỉnh rượu, nhưng một số nghiên cứu khác thì cho thấy caféin làm tăng những sai sót của người có uống rượu khi phải thực hiện những trắc nghiệm cần có phản xạ khéo léo.
- Amphetamin, và các chất cùng loại là những chất kích thích thần kinh có tính gây nghiện (có trong thuốc lắc), được cho là có tác dụng làm tỉnh rượu, nhưng những nghiên cứu đã chứng minh, những dược chất trong nhóm amphetamin có thể làm cho người say rượu mất cảnh giác nên khi lái xe dễ bị tai nạn hơn.
Truyền thuyết
Truyền thuyết từ kinh Hebrew kể rằng: Trái đất từng trải qua một cơn Đại Hồng Thủy. Người và vật sống sót được là nhờ con thuyền của ông Noê. Khi ấy ông Noê đã được 600 tuổi.
Sau khi nước rút, các loài vật trên con thuyền Noê tản ra khắp mặt đất và sinh sôi nẩy nở. Khi buồn, Noê rất thích ngắm nhìn những con dê chạy nhảy, nô đùa trên sườn núi. Một hôm, Noê thấy một con dê có những hành động nô đùa khá kỳ cục. Noê đâm tò mò bèn đi theo chân nó, thì thấy nó thường nhặt các quả rụng của một loài dây leo và ăn một cách thích thú. Sau khi ăn, con vật có những hành động nô đùa, nhảy cởn lung tung. Nóng và khát nước, Noê nhặt những quả mọng đã chín rục ăn thử. Càng ăn, Noê càng thấy thích thú. Chỉ một lát sau, Noê rơi vào trạng thái khoái cảm và bắt đầu hát... Trên đường về nhà, Noê đánh tụt hết quần áo và nằm lăn ra ngủ ngoài sân mà chẳng còn biết trời trăng gì hết. Sáng hôm sau, Noê tỉnh dậy, kể chuyện cho các con trai mình nghe và sai đi bứng loài dây leo ấy về trồng trong vườn. Loài cây ấy sau này được đặt tên là cây Nho.
Quả của nó để chín, ủ lại sẽ lên men tự nhiên và cho ta một chất dịch có mùi vị đặc biệt: đó là rượu nho. Từ đó loài người mới biết cách làm rượu và uống rượu. Chuyện của người La Mã thì thêm rằng: Khi Noê bắt đầu trồng nho, có quỷ Satăng xuất hiện và giúp ông ta. Satăng giết con dê, lấy máu tưới vào gốc cây để ghi nhớ sự phát hiện của Noê. Lần sau, Satăng lại tưới cây bằng máu sư tử, và lần kế tiếp là máu của heo rừng. Chính vì vậy, khi ta uống rượu, ta sẽ có những hành động thích nô đùa như một đứa trẻ hay như loài dê. Nếu ta uống thêm chút nữa, mặt sẽ đỏ bừng và sẽ rống lên như sư tử. Còn nếu ta tiếp tục uống một cách buông thả, ta sẽ đắm mình vào vũng sình như loài heo!
Chắc hẳn câu chuyện trên đây, như là một ngụ ngôn, để nhắc nhở chúng ta rằng: Rượu là thức uống có thể biến con người thành loài vật. Từ thời Trung cổ, người Ả Rập đã truyền kỹ thuật chưng cất rượu sang châu Âu, rồi được các nhà giả kim thuật đón nhận một cách hồ hởi và xem rượu như là một loại thuốc quý nhất trên đời để trị bá bệnh, nên được đặt tên là whiskey hay whisky, scotch... từ nguyên ngữ của người Gealic (tức người Scotland cổ) là usquebaugh = một thứ nước của sự sống (water of life).

DS. HUỲNH VĂN NHIỆM
Nguồn: Báo Khoa Học Phổ Thông, ngày 02/10/2010 truy cập từ http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/5835/ruou-va-suc-khoe.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét