Sự chuyển dịch từ giáo dục học đường sang giáo dục trực tuyến đang tạo ra một thị trường lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ.
|
(TBVTSG) - Tại cuộc hội thảo cấp cao về giáo dục trực tuyến lần thứ hai tổ chức ở Sydney (Úc) vào cuối tháng 2-2012, các nhà quản lý và hiệu trưởng các trường danh tiếng trên thế giới đã cho thấy bức tranh giáo dục có những chuyển biến đáng ngạc nhiên so với sáu năm trước. Sự chuyển dịch từ giáo dục học đường sang giáo dục trực tuyến vừa rõ nét vừa mang tính bổ trợ hữu hiệu cho nhau. Thị trường hóa giáo dục là một sự tất yếu, và châu Á đang vươn lên trở thành thị trường giáo dục trực tuyến đứng hàng thứ hai thế giới với cả những công ty giáo dục niêm yết trên sàn chứng khoán như ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các ý kiến đóng góp tại cuộc hội thảo về giáo dục trực tuyến cho thấy loại hình đào tạo này đang nhanh chóng đưa nền giáo dục tri thức, các kinh nghiệm cùng kỹ năng sống ra xã hội đến với các cộng đồng, tạo nên quá trình nhân vốn con người ngay giữa các tổ chức, doanh nghiệp và trong các ngành nghề. Giáo dục trực tuyến (e-study hay e-learning) đang tạo nên sự bình đẳng về trình độ giữa vùng nông thôn với thành thị, và về cơ hội cho học viên tại các nước đang phát triển cũng như đã phát triển.Với sự bùng nổ các ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục hay đào tạo trực tuyến ngày nay phát triển rất mạnh trên quy mô toàn cầu, từ trường học đến xã hội, từ các cá nhân, nhà máy hay doanh nghiệp đến chính phủ. Việc trang bị vật chất và cung cấp phần mềm được chuẩn hóa vừa dễ cho người sử dụng, vừa rẻ tiền hơn lại triển khai công việc nhanh hơn, đặc biệt đối với các nhà cung cấp nổi tiếng như IBM hay Moodle.
Nhiều công ty và cả một số bộ phận quản lý của chính phủ nay tích hợp chương trình đào tạo trực tuyến vào hệ thống hạ tầng giúp cho các nhóm nhân viên có cùng mối liên hệ công tác nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng và làm tăng thêm khả năng cạnh tranh. Các trường và học viện danh tiếng nay mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra khỏi khuôn viên, đến cả những thành phố xa xôi nơi các nước khác nhau. Về mặt nào đó, giáo dục trực tuyến đang đóng góp vào mục tiêu phi vật thể hóa (de-materialisation) thông qua các lớp học không tường với một số lượng đông đảo học viên không tốn chi phí tập trung và các giảng viên cũng không mất thời gian qua lại giữa các lớp.
Từ giáo dục học đường sang giáo dục trực tuyến
Cần có quy định pháp lý công nhận bằng cấp giáo dục trực tuyến. |
Lịch sử giáo dục trực tuyến bắt đầu trong các năm 1960 khi các giáo sư Patrick Suppes và Richard C. Atkinson thử dùng máy tính để dạy toán và tập đọc cho các học sinh tiểu học tại East Palo Alto, California (Mỹ). Những kinh nghiệm này sau đó được trường Đại học Stanford dùng để thực hiện chương trình giáo dục cho các em học sinh có năng khiếu.
Việc triển khai giáo dục trực tuyến lúc đầu chỉ là sử dụng máy tính vào việc truyền đạt một chiều những kiến thức từ thầy giáo đến học trò, nhưng về sau nó phát triển thành lối học cộng tác đa chiều giữa thầy trò và các nhóm bạn, thậm chí ở nhiều trường khác nhau nhờ sự hỗ trợ của máy tính, gọi tắt là CSCL (Computer Supported Collaborative Learning). Ở các cấp học cao hơn, một hệ thống giáo dục trực tuyến gọi là e-learning 2.0 được phát triển trên căn bản những ứng dụng Web 2.0, tính cộng tác được nâng cao hơn với những phương tiện tương tác như blog, wiki và nền giáo dục trực tuyến sau đại học này thường mang tính xã hội (socially constructed).
Ưu điểm của phương pháp đào tạo này, bao gồm cả các khóa đào tạo ngắn hay dài ngày, các cuộc hội thảo ngành nghề và bồi dưỡng nghiệp vụ, là giảm thiểu chi phí đi lại và tiết kiệm thời gian. Về mặt căn bản giáo dục trực tuyến đòi hỏi đường truyền Internet chứ không phải xây dựng trường lớp tốn kém, và lẽ dĩ nhiên, mỗi học viên tùy theo khả năng của mình có thể chọn học ở những trường khác nhau, kể cả những trường danh tiếng trong nước hay ngoài nước. Các học viên có thể tiếp cận bài giảng và trao đổi nội dung với giảng viên cùng các bạn học thông qua một phòng quy mô lớn có trang bị màn hình giao tiếp, hay đơn giản chỉ qua màn hình nhỏ nơi các loại máy tính cá nhân và phương tiện di động.
Kinh nghiệm triển khai loại hình giáo dục này tại nhiều nền kinh tế khác nhau cho thấy việc đào tạo theo chế độ mọi lúc mọi nơi đang làm gia tăng đáng kể số lượng học viên. Bản thân mỗi người có thể tiết kiệm được khoảng 60% chi phí và 20-40% thời gian cần thiết cho một khóa học. Họ có thể chọn hình thức học có giảng viên hướng dẫn hay theo lối tự tương tác (interactive self-paced). Họ có thể điều chỉnh tốc độ học thích hợp hay nâng cao kiến thức thông qua việc tiếp cận thư viện trực tuyến.
Về phía nhà trường, việc tổ chức hệ thống đào tạo trực tuyến tạo điều kiện tối ưu hóa nội dung giáo trình cho các khóa học, trình độ học và cho các ngành nghề, các địa phương hay các nền văn hóa khác nhau. Thông qua nó, việc quản lý giáo dục thông qua việc theo dõi tiến độ và kết quả học tập trở nên chính xác hơn, giúp cho giảng viên sẵn sàng trợ giúp mỗi khi thấy cần thiết.
Một thị trường năng động
Các trường đại học danh tiếng nay vượt ra khỏi khuôn viên đến các thành phố xa xôi. |
Thị trường giáo dục trực tuyến bao gồm nhiều hình thức và phân khúc khác nhau, từ cung ứng dịch vụ phần mềm và công cụ hỗ trợ đến sản xuất nội dung giảng dạy và khai thác lớp học, từ chế độ trực tuyến toàn thời đến trực tuyến từng phần hay từng môn nên con số doanh thu đưa ra bởi các hãng phân tích khác nhau cũng khác nhau.
Ambient Insight Research cho biết doanh thu giáo dục trực tuyến của thế giới trong năm 2010 là 56 tỉ đô la Mỹ, riêng tại Mỹ là 32,1 tỉ đô la với việc 98% các trường đại học và cao đẳng có tổ chức đào tạo trực tuyến. Trong thời gian này thị trường ở châu Á tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Global eLearning Market tiên đoán với đà tăng trưởng này thị trường giáo dục trực tuyến năm 2015 sẽ đạt mức 107,3 tỉ đô la.
Công ty Market Avenue có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết việc triển khai giáo dục trực tuyến từ mẫu giáo đến sau đại học vào năm ngoái ở Trung Quốc đã giúp đạt đến doanh thu 64 tỉ đô la. Tập đoàn ChinaEdu đăng ký trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) đang thống lĩnh thị trường giáo dục trực tuyến ở quốc gia có đông dân số nhất trên thế giới này, với thu nhập ròng trong quý 2-2011 lên đến 10,2 tỉ đô la và tỷ suất lợi nhuận lên cao đến 59,9%.
Ở Mỹ, hãng phân tích MarketData cho biết đã có 30% số người đăng ký sau tốt nghiệp trung học theo đường giáo dục trực tuyến, nâng số học viên lên 6,2 triệu và tạo nên thị trường đáng giá 60,5 tỉ đô la trong năm 2010. Đào tạo trực tuyến ở Mỹ tập trung chủ yếu vào các bậc sau đại học. Số học viên trực tuyến toàn thời chiếm đến 11% con số đăng ký trong năm 2010 và dự kiến lên mức 20% vào năm 2014, trong đó số người lớn hơn 25 tuổi sẽ tăng từ 20% lên 35-40% trong năm 2014. Các chương trình thạc sĩ có số tăng trưởng học viên toàn thời gian cao nhất, đặc biệt trong hai chuyên ngành kinh doanh và giáo dục.
Một chiến lược phát triển cho tương lai
Năm 1996, vị Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ tuyên bố “chúng ta không thể đuổi kịp tốc độ công nghiệp hóa của thế giới, nhưng chúng ta phải dẫn đầu về công nghệ thông tin”. Đó là một sách lược và các bộ ngành của quốc gia này đã hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, bao gồm cả việc phát triển giáo dục trực tuyến. Năm 1999, Bộ Lao động đưa ra Chương trình đào tạo trực tuyến và Chính sách bảo đảm việc làm, dẫn đến phong trào học trực tuyến nơi các tập đoàn (chaebol) như KT, Posco, LG, Samsung. Năm 2001, Bộ Nội vụ quy định việc đào tạo trực tuyến cho công chức, nhắm cùng một lúc vào hai mục tiêu là hình thành chính phủ điện tử và hình thành thị trường đào tạo trực tuyến trong nước. Kể từ 1998 đã có 40% cơ sở giáo dục cấp cao bắt đầu cung cấp các khóa học qua mạng Internet và đến năm 2006 thì hơn một nửa các trường đại học và cao đẳng tổ chức hệ thống đào tạo trực tuyến.Năm 2001, Bộ Giáo dục Hàn Quốc ban hành Luật Thành lập đại học trực tuyến và đến năm 2004 đã có 17 trường đại học loại này đi vào hoạt động, hơn một nửa trong các trường đó theo chế độ liên doanh giữa công ty với học viện.
Ở hai cấp tiểu học và trung học, Bộ Giáo dục triển khai chương trình sáu năm từ 1997 đến 2002 tập trung vào việc trang bị phòng máy tính cho mỗi trường học, máy tính cá nhân cho mỗi thầy giáo, đưa hồ sơ và kết quả học tập của mỗi học sinh vào dữ liệu điện toán, và thực hành việc dạy trực tuyến với sự hỗ trợ của Trung tâm giáo dục đa phương tiện.
Năm 2000, công ty luyện thi trực tuyến Hagwon ra đời mà nay đổi tên thành Megastudy.com, một công ty công nghệ có tốc độ phát triển nhanh nhất Hàn Quốc với tỷ lệ gia tăng doanh số năm 2009 lên đến 22,5%, đạt mức 195 triệu đô la. Hiện nay, có đến tám trong 10 học sinh trung và tiểu học Hàn quốc tham gia các khóa luyện thi trực tuyến và Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu sử dụng sách điện tử kể từ năm 2015, đẩy nhanh việc hình thành nền giáo dục trực tuyến phổ quát và áp dụng phương pháp giáo dục sáng tạo.
Ở Việt Nam, việc triển khai phương thức đào tạo mới này cũng đã có những thử nghiệm ban đầu với sự tham gia của một số tổ chức và công ty. Nhưng để phát triển một nền giáo dục trực tuyến đúng nghĩa thì cần đến những quyết tâm đầu tư cả về phía tư nhân lẫn chính phủ. Đặc biệt cần có cơ chế quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo trực tuyến và sự công nhận giá trị bằng cấp tương xứng giữa đào tạo học đường và đào tạo trực tuyến.
_______________________________________________
Tài liệu tham khảo:
- e-learning in Asia- Conference 2006: http://www.cicc.or.jp/Prg/pdf_ppt/elearning061129.pdf
- The 2nd annual E-Learning Summit: http://www.informa.com.au/conferences/education/e-learning-summit
- The online higher education market in the USA:http://www.tonybates.ca/2010/02/08/the-online-higher-education-market-in-the-usa/
- e-Learning in South Korea: http://www.e-service-expert.com/e-Learning-Korea.html
Hoàng Việt
Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, ngày 28/03/2012, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home/congnghe/thitruong/73828/Chau-A-%e2%80%93-thi-truong-lon-cho-giao-duc-truc-truyen.html.