Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Châu Á – thị trường lớn cho giáo dục trực truyến

Sự chuyển dịch từ giáo dục học đường sang giáo dục trực tuyến đang tạo ra một thị trường lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ.
(TBVTSG) - Tại cuộc hội thảo cấp cao về giáo dục trực tuyến lần thứ hai tổ chức ở Sydney (Úc) vào cuối tháng 2-2012, các nhà quản lý và hiệu trưởng các trường danh tiếng trên thế giới đã cho thấy bức tranh giáo dục có những chuyển biến đáng ngạc nhiên so với sáu năm trước. Sự chuyển dịch từ giáo dục học đường sang giáo dục trực tuyến vừa rõ nét vừa mang tính bổ trợ hữu hiệu cho nhau. Thị trường hóa giáo dục là một sự tất yếu, và châu Á đang vươn lên trở thành thị trường giáo dục trực tuyến đứng hàng thứ hai thế giới với cả những công ty giáo dục niêm yết trên sàn chứng khoán như ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các ý kiến đóng góp tại cuộc hội thảo về giáo dục trực tuyến cho thấy loại hình đào tạo này đang nhanh chóng đưa nền giáo dục tri thức, các kinh nghiệm cùng kỹ năng sống ra xã hội đến với các cộng đồng, tạo nên quá trình nhân vốn con người ngay giữa các tổ chức, doanh nghiệp và trong các ngành nghề. Giáo dục trực tuyến (e-study hay e-learning) đang tạo nên sự bình đẳng về trình độ giữa vùng nông thôn với thành thị, và về cơ hội cho học viên tại các nước đang phát triển cũng như đã phát triển.
Với sự bùng nổ các ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục hay đào tạo trực tuyến ngày nay phát triển rất mạnh trên quy mô toàn cầu, từ trường học đến xã hội, từ các cá nhân, nhà máy hay doanh nghiệp đến chính phủ. Việc trang bị vật chất và cung cấp phần mềm được chuẩn hóa vừa dễ cho người sử dụng, vừa rẻ tiền hơn lại triển khai công việc nhanh hơn, đặc biệt đối với các nhà cung cấp nổi tiếng như IBM hay Moodle.
Nhiều công ty và cả một số bộ phận quản lý của chính phủ nay tích hợp chương trình đào tạo trực tuyến vào hệ thống hạ tầng giúp cho các nhóm nhân viên có cùng mối liên hệ công tác nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng và làm tăng thêm khả năng cạnh tranh. Các trường và học viện danh tiếng nay mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra khỏi khuôn viên, đến cả những thành phố xa xôi nơi các nước khác nhau. Về mặt nào đó, giáo dục trực tuyến đang đóng góp vào mục tiêu phi vật thể hóa (de-materialisation) thông qua các lớp học không tường với một số lượng đông đảo học viên không tốn chi phí tập trung và các giảng viên cũng không mất thời gian qua lại giữa các lớp.

Từ giáo dục học đường sang giáo dục trực tuyến
Cần có quy định pháp lý công nhận bằng cấp giáo dục trực tuyến.
Quan niệm giáo dục trực tuyến bắt nguồn từ việc áp dụng các phương pháp học điện tử (e-learning) gồm các hình thức dạy và học có sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet cùng các phương tiện máy tính và các thiết bị di động đã giúp giáo dục trực tuyến phát triển rất nhanh mà về mặt kỹ thuật nó có thể áp dụng quy trình căn bản trên web hoặc trên máy tính hay một hình thức thích hợp nào khác.
Lịch sử giáo dục trực tuyến bắt đầu trong các năm 1960 khi các giáo sư Patrick Suppes và Richard C. Atkinson thử dùng máy tính để dạy toán và tập đọc cho các học sinh tiểu học tại East Palo Alto, California (Mỹ). Những kinh nghiệm này sau đó được trường Đại học Stanford dùng để thực hiện chương trình giáo dục cho các em học sinh có năng khiếu.
Việc triển khai giáo dục trực tuyến lúc đầu chỉ là sử dụng máy tính vào việc truyền đạt một chiều những kiến thức từ thầy giáo đến học trò, nhưng về sau nó phát triển thành lối học cộng tác đa chiều giữa thầy trò và các nhóm bạn, thậm chí ở nhiều trường khác nhau nhờ sự hỗ trợ của máy tính, gọi tắt là CSCL (Computer Supported Collaborative Learning). Ở các cấp học cao hơn, một hệ thống giáo dục trực tuyến gọi là e-learning 2.0 được phát triển trên căn bản những ứng dụng Web 2.0, tính cộng tác được nâng cao hơn với những phương tiện tương tác như blog, wiki và nền giáo dục trực tuyến sau đại học này thường mang tính xã hội (socially constructed).
Ưu điểm của phương pháp đào tạo này, bao gồm cả các khóa đào tạo ngắn hay dài ngày, các cuộc hội thảo ngành nghề và bồi dưỡng nghiệp vụ, là giảm thiểu chi phí đi lại và tiết kiệm thời gian. Về mặt căn bản giáo dục trực tuyến đòi hỏi đường truyền Internet chứ không phải xây dựng trường lớp tốn kém, và lẽ dĩ nhiên, mỗi học viên tùy theo khả năng của mình có thể chọn học ở những trường khác nhau, kể cả những trường danh tiếng trong nước hay ngoài nước. Các học viên có thể tiếp cận bài giảng và trao đổi nội dung với giảng viên cùng các bạn học thông qua một phòng quy mô lớn có trang bị màn hình giao tiếp, hay đơn giản chỉ qua màn hình nhỏ nơi các loại máy tính cá nhân và phương tiện di động.
Kinh nghiệm triển khai loại hình giáo dục này tại nhiều nền kinh tế khác nhau cho thấy việc đào tạo theo chế độ mọi lúc mọi nơi đang làm gia tăng đáng kể số lượng học viên. Bản thân mỗi người có thể tiết kiệm được khoảng 60% chi phí và 20-40% thời gian cần thiết cho một khóa học. Họ có thể chọn hình thức học có giảng viên hướng dẫn hay theo lối tự tương tác (interactive self-paced). Họ có thể điều chỉnh tốc độ học thích hợp hay nâng cao kiến thức thông qua việc tiếp cận thư viện trực tuyến.
Về phía nhà trường, việc tổ chức hệ thống đào tạo trực tuyến tạo điều kiện tối ưu hóa nội dung giáo trình cho các khóa học, trình độ học và cho các ngành nghề, các địa phương hay các nền văn hóa khác nhau. Thông qua nó, việc quản lý giáo dục thông qua việc theo dõi tiến độ và kết quả học tập trở nên chính xác hơn, giúp cho giảng viên sẵn sàng trợ giúp mỗi khi thấy cần thiết.

Một thị trường năng động
Các trường đại học danh tiếng nay vượt ra khỏi khuôn viên đến các thành phố xa xôi.
Ngay từ đầu giáo dục trực tuyến đã được xã hội hóa và mở ra một thị trường tăng trưởng theo các ứng dụng tương tác mỗi ngày một tinh tế của thế hệ Web 2.0. Thị trường đột ngột tăng nhanh trong mấy năm gần đây khi màn hình cảm ứng không chỉ được sử dụng trên điện thoại, các thiết bị di động và các máy tính cá nhân mà còn được lắp đặt thành các bức tường mua sắm hay các bức tường tương tác giữa các phòng học và phòng họp.
Thị trường giáo dục trực tuyến bao gồm nhiều hình thức và phân khúc khác nhau, từ cung ứng dịch vụ phần mềm và công cụ hỗ trợ đến sản xuất nội dung giảng dạy và khai thác lớp học, từ chế độ trực tuyến toàn thời đến trực tuyến từng phần hay từng môn nên con số doanh thu đưa ra bởi các hãng phân tích khác nhau cũng khác nhau.
Ambient Insight Research cho biết doanh thu giáo dục trực tuyến của thế giới trong năm 2010 là 56 tỉ đô la Mỹ, riêng tại Mỹ là 32,1 tỉ đô la với việc 98% các trường đại học và cao đẳng có tổ chức đào tạo trực tuyến. Trong thời gian này thị trường ở châu Á tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Global eLearning Market tiên đoán với đà tăng trưởng này thị trường giáo dục trực tuyến năm 2015 sẽ đạt mức 107,3 tỉ đô la.
Công ty Market Avenue có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết việc triển khai giáo dục trực tuyến từ mẫu giáo đến sau đại học vào năm ngoái ở Trung Quốc đã giúp đạt đến doanh thu 64 tỉ đô la. Tập đoàn ChinaEdu đăng ký trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) đang thống lĩnh thị trường giáo dục trực tuyến ở quốc gia có đông dân số nhất trên thế giới này, với thu nhập ròng trong quý 2-2011 lên đến 10,2 tỉ đô la và tỷ suất lợi nhuận lên cao đến 59,9%.
Ở Mỹ, hãng phân tích MarketData cho biết đã có 30% số người đăng ký sau tốt nghiệp trung học theo đường giáo dục trực tuyến, nâng số học viên lên 6,2 triệu và tạo nên thị trường đáng giá 60,5 tỉ đô la trong năm 2010. Đào tạo trực tuyến ở Mỹ tập trung chủ yếu vào các bậc sau đại học. Số học viên trực tuyến toàn thời chiếm đến 11% con số đăng ký trong năm 2010 và dự kiến lên mức 20% vào năm 2014, trong đó số người lớn hơn 25 tuổi sẽ tăng từ 20% lên 35-40% trong năm 2014. Các chương trình thạc sĩ có số tăng trưởng học viên toàn thời gian cao nhất, đặc biệt trong hai chuyên ngành kinh doanh và giáo dục.

Một chiến lược phát triển cho tương lai
Năm 1996, vị Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ tuyên bố “chúng ta không thể đuổi kịp tốc độ công nghiệp hóa của thế giới, nhưng chúng ta phải dẫn đầu về công nghệ thông tin”. Đó là một sách lược và các bộ ngành của quốc gia này đã hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, bao gồm cả việc phát triển giáo dục trực tuyến. Năm 1999, Bộ Lao động đưa ra Chương trình đào tạo trực tuyến và Chính sách bảo đảm việc làm, dẫn đến phong trào học trực tuyến nơi các tập đoàn (chaebol) như KT, Posco, LG, Samsung. Năm 2001, Bộ Nội vụ quy định việc đào tạo trực tuyến cho công chức, nhắm cùng một lúc vào hai mục tiêu là hình thành chính phủ điện tử và hình thành thị trường đào tạo trực tuyến trong nước. Kể từ 1998 đã có 40% cơ sở giáo dục cấp cao bắt đầu cung cấp các khóa học qua mạng Internet và đến năm 2006 thì hơn một nửa các trường đại học và cao đẳng tổ chức hệ thống đào tạo trực tuyến.
Năm 2001, Bộ Giáo dục Hàn Quốc ban hành Luật Thành lập đại học trực tuyến và đến năm 2004 đã có 17 trường đại học loại này đi vào hoạt động, hơn một nửa trong các trường đó theo chế độ liên doanh giữa công ty với học viện.
Ở hai cấp tiểu học và trung học, Bộ Giáo dục triển khai chương trình sáu năm từ 1997 đến 2002 tập trung vào việc trang bị phòng máy tính cho mỗi trường học, máy tính cá nhân cho mỗi thầy giáo, đưa hồ sơ và kết quả học tập của mỗi học sinh vào dữ liệu điện toán, và thực hành việc dạy trực tuyến với sự hỗ trợ của Trung tâm giáo dục đa phương tiện.
Năm 2000, công ty luyện thi trực tuyến Hagwon ra đời mà nay đổi tên thành Megastudy.com, một công ty công nghệ có tốc độ phát triển nhanh nhất Hàn Quốc với tỷ lệ gia tăng doanh số năm 2009 lên đến 22,5%, đạt mức 195 triệu đô la. Hiện nay, có đến tám trong 10 học sinh trung và tiểu học Hàn quốc tham gia các khóa luyện thi trực tuyến và Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu sử dụng sách điện tử kể từ năm 2015, đẩy nhanh việc hình thành nền giáo dục trực tuyến phổ quát và áp dụng phương pháp giáo dục sáng tạo.
Ở Việt Nam, việc triển khai phương thức đào tạo mới này cũng đã có những thử nghiệm ban đầu với sự tham gia của một số tổ chức và công ty. Nhưng để phát triển một nền giáo dục trực tuyến đúng nghĩa thì cần đến những quyết tâm đầu tư cả về phía tư nhân lẫn chính phủ. Đặc biệt cần có cơ chế quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo trực tuyến và sự công nhận giá trị bằng cấp tương xứng giữa đào tạo học đường và đào tạo trực tuyến.
_______________________________________________
Tài liệu tham khảo:
- e-learning in Asia- Conference 2006: http://www.cicc.or.jp/Prg/pdf_ppt/elearning061129.pdf
- The 2nd annual E-Learning Summit: http://www.informa.com.au/conferences/education/e-learning-summit
- The online higher education market in the USA:http://www.tonybates.ca/2010/02/08/the-online-higher-education-market-in-the-usa/
- e-Learning in South Korea: http://www.e-service-expert.com/e-Learning-Korea.html

Hoàng Việt


Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, ngày 28/03/2012, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home/congnghe/thitruong/73828/Chau-A-%e2%80%93-thi-truong-lon-cho-giao-duc-truc-truyen.html.

Không học thuộc lòng ở đại học

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua, ông David Johnston - Toàn quyền Canada, đã đến tham dự lễ trao bằng tốt nghiệp chương trình hợp tác giữa Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Học viện SIAST (Canada).

Dịp này, ông đã dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm về học tập đối với sinh viên.
Ông David Johnston cho biết: “Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo ở Canada. Sau khi lấy được học bổng ở Trường ĐH Harvard (Mỹ), tôi tiếp tục phát triển trên con đường học tập. Có một câu chuyện tôi nhớ nhất trong quá trình học ĐH. Khi thắc mắc về một vấn đề, tôi tìm trong sáu cuốn sách thì có đến sáu câu trả lời khác nhau. Vậy câu trả lời nào là đúng?


Ông David Johnston - Toàn quyền Canada, bắt tay với các sinh viên chương trình SIAST - Ảnh: Đ.Nguyên

Đem chuyện này hỏi giảng viên, ông mới nói rằng thực ra chẳng có cuốn sách nào là đúng tuyệt đối cả. Bởi vậy, học ở ĐH, không nên học thuộc lòng mà phải tìm hiểu và nghiên cứu để hiểu kỹ lưỡng. Đây là lý do mà cần phải có những nghiên cứu trong trường ĐH. Các bạn cần phải giải đáp cho mình các câu hỏi: Tại sao? Ở đâu?...”.
Toàn quyền Canada cũng đánh giá rất cao lực lượng lao động trẻ Việt Nam. Ông cho rằng trong xã hội năng động, người trẻ tuổi sẽ thích ứng nhanh hơn với công nghệ, cái mới. Lợi thế của sinh viên Việt Nam là tinh thần ham học, sống trong một xã hội trọng việc học. Ông cho biết rất ấn tượng khi ghé thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường ĐH đầu tiên của Việt Nam. Nó chứng tỏ tinh thần hiếu học đã tồn tại ở Việt Nam từ xưa và sinh viên nên phát huy truyền thống đó.
Trong bài phát biểu tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ông David Johnston cho rằng: “Tôi có một tình yêu sâu sắc về việc học và tôi tin rằng sức mạnh phổ quát của giáo dục là để thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn”. Trước khi là Toàn quyền Canada, ông David Johnston có 27 làm công việc liên quan đến giáo dục, ông cũng từng là phó hiệu trưởng của một trường ĐH.

Đăng Nguyên

Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày 23/11/2011 truy cập từ http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111123/khong-hoc-thuoc-long-o-dai-hoc.aspx.

Nữ sinh gốc Việt khám phá sao Hỏa cùng NASA

Ngô Mai Thy, sinh viên gốc Việt ngành Toán và Kỹ thuật tại Cao đẳng cộng đồng Portland, Mỹ, đã giành được một suất trong Chương trình Học giả không gian dành cho các trường cao đẳng của NASA.

Ngô Mai Thy.
Ngô Mai Thy, sinh viên trường Cao đẳng cộng đồng Portland, Mỹ. Ảnh: pcc.edu.
Theo chương trình này, cô được học tập, nghiên cứu và thiết kế các robot thăm dò trên vũ trụ. Đầu năm nay, cô đã tới dự hội thảo chuyên môn tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion Laboratory (JPL) của NASA tại Pasadena, bang California và được trang trải toàn bộ chi phí.
Theo trang web của trường Cao đẳng cộng đồng Portland, Mai Thy là một trong 80 sinh viên cao đẳng cộng đồng ở 28 bang tại Mỹ và Puerto Rico tham gia vào hai hội thảo của NASA ở Pasadena và Trung tâm vũ trụ Johnson ở Houston. Chương trình này của NASA nhằm khuyến khích sinh viên theo đuổi sự nghiệp trong ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Hơn 330 sinh viên trên toàn nước Mỹ đã đăng ký chương trình này.
"Tôi rất biết ơn khi nhận được cơ hội này", Ngô nói. "Điểm nổi bật của chuyến đi là tôi được dự hội thảo video với các kỹ sư và nhà khoa học tại NASA, xem qua những kết quả thu được từ robot Opportunity đang khám phá sao Hỏa. Chúng tôi được chứng kiến họ lên kế hoạch cho sứ mệnh như thế nào và ra lệnh cho robot ra sao để thực thi nhiệm vụ trong vài ngày tới. Mặc dù hầu hết chúng tôi không hiểu tường tận công nghệ kỹ thuật và 'ngôn ngữ không gian', nhưng tôi thực sự được mở rộng tầm mắt khi chứng kiến toàn bộ quá trình".
Ngô Mai Thy.
Ngô Mai Thy tham gia hội thảo của NASA. Ảnh: pcc.edu.
Ngô đang dự định chuyển tiếp lên Đại học bang Portland để lấy bằng cử nhân về toán học. Cô được chọn tham gia chương trình sau khi hoàn thành một bài tập trên mạng và một bài luận văn trong suốt năm học. Khi tham gia hội thảo, cô phải hoàn thành một bản tóm tắt các mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian, ngân quỹ và phác thảo sơ bộ cho robot thăm dò và các sứ mệnh trên sao Hỏa.
"Chúng tôi cũng có cơ hội liên lạc với các kỹ sư NASA qua chat trên mạng, để họ giúp chúng tôi trong các bài học trực tuyến", Ngô nói. "Ban đầu khi tới đó, chúng tôi được chia thành 4 nhóm khác nhau và cùng thực hiện một dự án xây dựng robot tưởng tượng. Mỗi đội có một kỹ sư NASA đồng hành để tư vấn. Điều này làm cho dự án trở nên thực tiễn hơn".
"Robot của chúng tôi được thiết kế để đi qua mọi loại địa hình và chướng ngại vật khác nhau trên sao Hỏa, rồi thu về các loại đất đá để xét nghiệm dấu hiệu của sự sống trên hành tinh đỏ", Ngô nói thêm. "Chúng tôi làm việc từ sáng sớm cho tới tối mịt. Tôi biết rất ít về sao Hỏa và các robot thăm dò. Giờ đây, tôi hiểu về sao Hỏa hơn bất cứ hành tinh nào, trừ trái đất".
Mục tiêu của NASA là tiếp tục đầu tư vào các chương trình giáo dục để thu hút và giữ chân sinh viên trong ngành STEM - điều sống còn trong các sứ mệnh tương lai của NASA.
"Trải nghiệm này giúp sinh viên hiểu được những gì họ học trên giảng đường và áp dụng vào các câu hỏi trong đời thực, mô phỏng lại những gì mà các kỹ sư và nhà khoa học NASA vẫn làm hằng ngày", Leland Melvin - cán bộ phụ trách giáo dục tại NASA phát biểu. "Nó sẽ giúp các em phát triển những kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề trong tương lai".

Diệu Minh
 

F, J, W, Z không thể nằm ngoài bảng chữ cái

Ông Quách Tuấn Ngọc - Ảnh: T.Hà

TT - Đó là khẳng định của ông Quách Tuấn Ngọc - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GĐ-ĐT) - xung quanh việc thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt đang xôn xao dư luận.

Thông tin về việc Bộ GD-ĐT sẽ có thông tư hướng dẫn về sử dụng tiếng Việt trong môi trường máy tính và hệ thống giáo dục (“Thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt”, Tuổi Trẻ ngày 9-8) đã khiến nhiều bạn đọc bày tỏ băn khoăn với cả trăm email gửi về tòa soạn.
Để cung cấp thêm thông tin, Tuổi Trẻ đã trao đổi với TS Quách Tuấn Ngọc - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), người được giao chủ trì việc soạn thảo thông tư trên. Ông Quách Tuấn Ngọc cho biết:
- Ban soạn thảo sẽ thảo luận để đưa ra những quy định phù hợp. Còn việc sắp xếp chữ cái sẽ theo quy luật của chữ Latin. Chủ trương soạn thảo thông tư này không phải bây giờ mới có. Trước đây, Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học - công nghệ) và Bộ Thông tin - truyền thông cũng từng đặt vấn đề soạn thảo thông tư chuẩn hóa một số vấn đề của tiếng Việt nhưng chưa làm được. Vì thế chúng tôi sẽ thận trọng, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn để việc này được khả thi.
Nếu được thông qua, học sinh sẽ được làm quen với bốn ký tự mới bên cạnh bảng chữ cái quen thuộc. Trong ảnh: học sinh Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, TP.HCM tập làm quen với mặt chữ cái - Ảnh: như hùng

* Dư luận rất quan tâm đến việc ban soạn thảo dự định đưa nhóm ký tự F, J, Z, W vào bảng chữ cái tiếng Việt. Họ cho rằng việc này không cần thiết và sẽ làm xáo trộn việc dạy tiếng Việt trong nhà trường, xáo trộn cách viết, phát âm tiếng Việt. Xin ông giải thích kỹ hơn về việc này?
- Về điều này, tôi cần khẳng định ngay là sẽ không có chuyện xáo trộn việc dạy tiếng Việt trong nhà trường, việc phát âm và chữ viết. Việc bổ sung nhóm ký tự trên là để quy định bảng chữ cái tiếng Việt đầy đủ sử dụng trong công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục. Vì trên thực tế, ở một số môn học trong nhà trường, nhóm ký tự trên cũng được sử dụng, nhất là môn toán. Trong nhiều văn bản, sách báo đều có sử dụng các ký tự trên. Ví dụ chữ viết tắt của từ “trung ương” (TW). Như vậy, không thể để nhóm ký tự đó nằm ngoài bảng chữ cái tiếng Việt và học sinh không biết gì về chúng.
Trong các nhà trường hiện nay đều dạy công nghệ thông tin, công nghệ thông tin được xem là kiến thức cần phải phổ cập trong thời đại hiện nay. Như vậy việc biết đến và chính thức công nhận nhóm ký tự trên trong bảng chữ cái càng cần thiết. Nhưng tôi nhấn mạnh, đưa nhóm chữ cái trên vào bảng chữ cái tiếng Việt không phải để sửa cách phát âm, chữ viết tiếng Việt. Đây không phải việc sáng tạo mà chỉ là sự thừa nhận những cái đã được sử dụng trên thực tế.
Hiện tại học sinh mầm non vẫn bắt đầu học bảng chữ cái không có F, J, W, Z - Ảnh: NHƯ HÙNG

* Ngoài việc bổ sung nhóm ký tự trên vào bảng chữ cái tiếng Việt đầy đủ, còn có những nội dung gì được thảo luận và đưa vào dự thảo?
- Có nhiều vấn đề cần được thống nhất, chuẩn hóa trong môi trường công nghệ thông tin và giáo dục. Đó là quy định về trật tự bảng chữ cái, trật tự các dấu trong tiếng Việt, cách sắp xếp thứ tự họ tên, từ điển, thống nhất cách viết trong một số trường hợp, ví dụ khi nào sử dụng chữ “i” khi nào sử dụng “y”, cách viết dấu thế nào, cách điền dấu thế nào, ví dụ viết “hòa” hay viết “hoà” (vị trí của dấu huyền) hay cách viết khi có dấu chấm phẩy (;), dấu hai chấm (:) và dấu chấm than (!) thì trước đó có để khoảng trắng (như quy định của một số nhà xuất bản) hay không có khoảng trắng...
Tuy nhiên đây là những vấn đề vẫn đang phải thảo luận. Đặc biệt là những vấn đề cần phải tham khảo ý kiến nhiều chiều của các nhà chuyên môn, như việc viết chữ “i” hay “y” cần phải nghe ý kiến của các nhà ngôn ngữ, còn các vấn đề thuộc phạm vi kỹ thuật trong môi trường công nghệ thông tin sẽ trao đổi với chuyên gia công nghệ thông tin.
* Mục đích của việc soạn thảo thông tư là gì? Sau khi thông tư ban hành, việc thực hiện thế nào, thưa ông?
- Trong thời đại hiện nay, chúng ta phải làm việc trên máy tính rất nhiều, nhiều cơ quan, cụ thể là ngành GD-ĐT phải sử dụng rất nhiều các phần mềm quản lý. Nếu không chuẩn hóa tiếng Việt, cụ thể là các vấn đề nêu trên, máy tính sẽ không thể xử lý được. Chỉ đơn cử việc nhập dữ liệu của các kỳ thi quốc gia (thông tin thí sinh, đề thi, kết quả chấm thi...) nếu không thống nhất sẽ bị trục trặc, không thể vận hành, cũng không thể tra cứu, ngoài ra còn rất nhiều việc khác phải quản lý, sử dụng, khai thác trên hệ thống dữ liệu được tin học hóa. Nếu thông tư có hiệu lực, trước hết sẽ áp dụng trong các cơ quan quản lý GD-ĐT, các nhà trường.

VĨNH HÀ thực hiện

Nguồn: Tuổi Trẻ Online, ngày 10/08/2011, truy cập từ http://tuoitre.vn/Giao-duc/450503/F-J-W-Z-khong-the-nam-ngoai-bang-chu-cai.html.
Sẽ công bố và tiếp thu ý kiến trong vòng 60 ngày
Hiện nay ban soạn thảo bao gồm các nhà ngôn ngữ học, chuyên gia công nghệ thông tin và các nhà giáo vẫn đang tiếp tục hoàn chỉnh bản dự thảo thông tư. Những thông tin ban đầu về nội dung dự thảo thông tư này chưa đầy đủ và không chính thức. Còn nhiều vấn đề ban soạn thảo vẫn đang phải tiếp tục thảo luận và tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn. Theo quy trình, sau khi hoàn thành dự thảo sẽ được công bố trên trang web của Bộ GD-ĐT để tiếp thu ý kiến góp ý trong 60 ngày. Sau đó chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo với các chuyên gia về ngôn ngữ và công nghệ thông tin. Vì vậy, khi thông tư còn đang trong quá trình soạn thảo, mọi sự đánh giá, góp ý đều không có cơ sở.

Thái độ đối với tiếng Việt

TT - Là một giáo viên dạy môn ngữ văn trung học phổ thông thường xuyên tiếp xúc với các bạn trẻ, chấm bài, đọc thư từ, giấy tờ ghi chép, sổ lưu bút... của các bạn, tôi nhận thấy một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ sử dụng tiếng Việt không chính xác.
Ở đây tôi không nói đến các lỗi chính tả, lỗi về ngôn ngữ mà các bạn mắc phải. Tôi muốn nói đến những điều các bạn biết là sai nhưng vẫn sử dụng. Tôi chỉ lấy một trong rất nhiều ví dụ mà tôi đã gặp và biết nhiều người khác cũng đã gặp.

Tôi đọc trong một cuốn sổ ghi chép có học sinh viết như sau: “you hỏi tôi thík làm j à? Tôi thík làm ca sĩ. Còn sở thík của tôi à? Tôi thík đi shopping, đi en hàng, xem fim, thík tém... nói chung thík nhiều lém. (Bạn hỏi tôi thích làm gì à? Tôi thích làm ca sĩ. Còn sở thích của tôi à? Tôi thích đi mua sắm, đi ăn hàng, xem phim, thích tám, nói chung thích nhiều lắm)”.
Thật sự khi đọc cách viết của các bạn như vậy, tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu! Ở đây tôi cũng chưa nói đến việc các bạn chêm tiếng Anh vào quá trình nói và viết của mình. Tôi muốn nói đến những từ như: thík (thích), j (gì), en (ăn), tém (tám), lém (lắm)... Những trường hợp này các bạn biết là sai nhưng vẫn sử dụng. Khi được hỏi thì các bạn nói là viết tắt cho nhanh, và một trong những lý do muốn viết cho nhanh là do nhắn tin qua điện thoại di động, nhất là việc nhắn tin, nói chuyện với nhau qua mạng mà các bạn vẫn gọi là “chat”, cùng lúc phải “chat” với nhiều người thì phải viết tắt cho kịp. Vẫn biết có những trường hợp các bạn muốn viết cho nhau theo cách riêng của mình, nhưng lâu dần thành thói quen, sử dụng trong mọi trường hợp là không thể chấp nhận.
Hơn nữa trong những trường hợp như: en (ăn), tém (tám), ăn pánh (ăn bánh), rùi (rồi), thui (thôi), Nhox (nhóc), bít (biết), pé ơi (bé ơi)... thì viết tắt được bao nhiêu và nhanh hơn được bao nhiêu!? Rõ ràng vấn đề ở đây là thái độ. Chúng ta chưa có thái độ nghiêm túc khi sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình.
Tôi mong các bạn hãy yêu và tôn trọng tiếng Việt. Yêu tiếng mẹ đẻ cũng là một trong những cách thể hiện lòng yêu nước của mình!

PHÙNG NGỌC TUẤN
(giáo viên Trường THPT Hùng Vương, TP Tân An, Long An)

Nguồn: Tuổi Trẻ Online, thứ Tư ngày 08/12/2010, truy cập từ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/414796/Thai-do-doi-voi-tieng-Viet.html.

“A, bê, xê” hay “a, bờ, cờ”?

TT - Trong khi ngành giáo dục vẫn giữ quan điểm phát âm hệ thống chữ cái theo “a, bờ, cờ” cho học sinh tiểu học dễ ghép vần thì nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng cần thống nhất cách phát âm “a, bê, xê” cho phù hợp với xu thế hội nhập. Xem ra, “a, bờ, cờ” hay “a, bê, xê” sẽ vẫn còn là chuyện... nói mãi.
“A, bờ, cờ” hay “a, bê, xê” dường như vẫn chưa quan trọng bằng gánh nặng học hành mà học sinh phải gánh chịu ngay từ khi mới bước vào lớp 1 - Ảnh: T.T.D.

Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Những chữ cái nhảy múa” (ngày 21-4) đề cập đến chuyện cùng tồn tại ba cách gọi xung quanh hệ thống chữ cái A, B, C, đã có nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề này.
Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Lê Tiến Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT. Ông Thành cho biết:
- Trong giáo dục có những lựa chọn phải trên cơ sở nguyên tắc sư phạm chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào khoa học thuần túy. Trường hợp sử dụng cách gọi a, bê, xê hay a, bờ, cờ cũng phải xem xét từ thực tiễn dạy học. Việc sử dụng hệ thống a, bê, xê (A, B, C) hiện nay vẫn được thống nhất trong nhà trường từ tiểu học lên các bậc học trên. Duy chỉ có việc dạy ghép vần cho học sinh lớp 1, để trẻ dễ hiểu, dễ học, các nhà giáo dục đã lựa chọn cách gọi tên “a, bờ, cờ”.
Nếu chỉ đứng từ ngoài nhìn thì thấy việc sử dụng này là lộn xộn, nhưng trong thực tế dạy học nếu máy móc sử dụng a, bê, xê cho thống nhất, trẻ sẽ rất khó ghép vần. Chẳng hạn trẻ ghép “bờ e be sắc bé” sẽ đơn giản hơn nhiều so với “bê e be sắc bé”, hay sẽ ghép vần “cờ o co huyền cò” chứ không thể “xê o co huyền cò”...
Nếu điều chỉnh theo cách thống nhất gọi là a, bê, xê tôi nghĩ sẽ lại có những xáo trộn lớn không có lợi cho việc học tiếng Việt của trẻ ở lớp 1. Việc sử dụng cách gọi tên để ghép vần này đã được nghiên cứu từ thực tiễn giáo dục chứ không tùy tiện. Cá nhân tôi ủng hộ vì đó là con đường nhanh nhất giúp trẻ ghép vần.
Ông Lê Tiến Thành - Ảnh: T.V.H.
*Việc học sinh ở bậc học dưới phải ghi nhớ cùng lúc nhiều cách phát âm hệ thống chữ cái, có ý kiến cho rằng điều đó làm tăng thêm gánh nặng tri thức cho học sinh và sự phát âm lẫn lộn phản ánh việc “quá tải” đó. Ông nghĩ thế nào?
- Nếu đặt câu chuyện này vào chương trình cụ thể của học sinh tiểu học sẽ thấy ngay không có chuyện đó. Học sinh lớp 1 chỉ sau học kỳ thứ nhất đã có khả năng ghép vần, đọc, viết. Các em có một năm đầu tiên tập trung nhiều cho việc đọc, viết tiếng Việt. Ở các lớp trên của bậc tiểu học, trẻ mới dần dần tiếp cận kiến thức phức tạp hơn.
Cách phát âm a, bờ, cờ chỉ sử dụng khi ghép vần để trẻ biết đọc tiếng Việt. Còn trong những trường hợp khác, kể cả ở lớp 1, vẫn sử dụng cách đọc a, bê, xê để đọc bảng chữ cái. Chúng tôi không thấy có sự phản ảnh về tình trạng “quá tải”. Nếu các trường, giáo viên làm đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT thì không có chuyện tạo gánh nặng cho trẻ.
* Nhưng thực tế có chuyện chỗ này sử dụng hệ thống a, bờ, cờ, chỗ kia lại sử dụng a, bê, xê trong các trường?
- Tôi khẳng định lại ngoài việc sử dụng phát âm a, bờ, cờ để ghép vần, trong việc giảng dạy, trong chương trình, sách giáo khoa các cấp đều thống nhất sử dụng cách phát âm a, bê, xê. Đâu đó cũng có người đọc lẫn lộn nhưng tôi cho rằng rất ít. Không phải bây giờ mà từ lâu chúng tôi đã yêu cầu các trường sử dụng đúng theo hệ thống a, bê, xê (trừ học ghép vần). Nếu học sinh đọc sai, giáo viên phải có trách nhiệm chỉnh sửa.
* Còn việc phát âm hệ chữ cái tiếng Anh đang được sử dụng rộng rãi, nhất là trong giới trẻ, quan điểm của ông về việc này?
- Tôi nghĩ là người Việt Nam, sống trên đất Việt thì cần sử dụng tiếng Việt. Cách phát âm tiếng Anh chỉ nên dùng trong những môi trường nói tiếng Anh. Trong các trường không sử dụng cách phát âm này, trừ những giờ học tiếng Anh. Chủ yếu do sự xâm nhập tiếng Anh ở ngoài cộng đồng tạo nên xu hướng phát âm đó.
* Vậy với tình trạng sử dụng nhiều cách đọc hệ chữ cái tiếng Việt ở khắp nơi, theo ông, cần làm gì để việc sử dụng tiếng Việt được thống nhất?
- Bắt đầu từ nhà trường, việc này phải được thống nhất. Từ nhỏ đến lớn học sinh quen với một cách phát âm thì ra cuộc sống sẽ không sử dụng lộn xộn. Tuy nhiên, việc này cần có vai trò của xã hội, của những người lớn. Không riêng chuyện phát âm chữ cái mà cả cách nói, viết tiếng Việt nói chung còn nhiều điều cần phải xem lại, điều chỉnh.
Trước hết là sử dụng tiếng Việt trên báo chí, sóng phát thanh, truyền hình, trong những chương trình, hoạt động chính thống cần có sự chuẩn mực. Trong các gia đình, cách sử dụng tiếng Việt của người lớn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ con. Đây là vấn đề không chỉ thuộc trách nhiệm của nhà trường.

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện

Nguồn: Tuổi Trẻ Online, thứ Hai, ngày 10/05/2010, truy cập từ http://tuoitre.vn/Giao-duc/377740/%E2%80%9CA-be-xe%E2%80%9D-hay-%E2%80%9Ca-bo-co%E2%80%9D.html.

Hai cách đọc cùng tồn tại cả trăm năm
Tôi xin cung cấp một thông tin: cách nay hơn 100 năm, năm 1909, ở Sài Gòn có xuất bản quyển Syllabaire quốc - ngữ (Sách vần quốc ngữ) của Diệp Văn Cương. Về tên và cách đọc các chữ cái, sách đó dạy thế này:
... B (thì đọc là bê - bờ), C (thì đọc là xê - cờ), D (thì đọc là dê - dờ), Đ (thì đọc là đê - đờ)...
Như vậy (theo sách này thì):
1) Cả trăm năm nay ở ta đã có hai cách đọc tên các chữ cái.
2) Bảng chữ cái đọc là a bê xê... không phải là “nét văn hóa của một miền Nam ôn hòa” như ý kiến của bạn Đ.T.L. (TT, 25-4-2010).
3) Chỉ cần bỏ đi cách đọc “Anh hóa” các chữ tắt tiếng Việt là mọi chuyện lại vẫn như cũ. Cố thống nhất chỉ có một cách đọc tên các chữ cái sẽ làm rối thêm tiếng Việt.
Nguyễn Đức Dân
Đọc chữ cái khác với đánh vần
Tôi đề nghị cách đọc bảng chữ cái tiếng Việt a, b, c, d, đ là “a, bê, xê, dê, đê...” theo cách đọc chữ quốc ngữ ban đầu của Việt Nam.
Về phát âm, khi học sinh học ghép vần tiếng Việt, bắt buộc phải phát âm (pronounce) các chữ a, b, c... là /a/, /bờ/, /cờ/... để dễ đọc chữ. Cách phát âm này được áp dụng từ phong trào Bình dân học vụ (1945) đến nay. Đây là cách phát âm rất hợp lý và rất đúng về ngôn ngữ học.
Chẳng hạn khi phát âm chữ “cá”, chúng ta phải đọc là “cờ-a-ca- sắc-cá”. Không thể đọc “xê-a-ca-sắc-cá”, vừa khó đọc và sai về phương diện phát âm (phonology), vì đang đọc “xê-a“ đáng lẽ phải đọc là “xê-a-xa”, không thể chuyển sang “xê-a-ca“ được.
Cũng xin nói thêm ngôn ngữ nói (spoken language) có trước ngôn ngữ viết (written language). Vì vậy phải ưu tiên cho phát âm, ghép vần tiếng Việt để học sinh đọc được dễ dàng. Tiếng Việt là một ngôn ngữ học rất nhanh. Chỉ sau vài tháng là học sinh lớp 1 đã ghép vần đúng các sự vật xung quanh mà các em nhìn thấy.
NGỌC MINH

Những chữ cái nhảy múa

TT - Trong bảng chữ cái của mỗi nước, từng chữ cái đều có một tên gọi duy nhất, được xếp theo thứ tự của một hệ thống nhất định để áp dụng thống nhất mọi lúc mọi nơi trong mọi trường hợp.

Ở bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành mỗi chữ cái cũng có tên được xếp theo một trình tự rõ ràng, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì tên của chúng lại được gọi khác nhau ở từng nơi từng lúc.
Thực trạng lộn xộn
Từ mấy thập kỷ nay khi được vào lớp 1 trường tiểu học (và có thể ở lớp mẫu giáo) các em học sinh đã được học đánh vần theo bảng chữ cái với các chữ được phát âm như sau: a, bờ, cờ, dờ, đờ (...), gờ, hờ, (...) lờ, mờ, nờ (...), pờ, quờ, rờ, sờ (nặng), tờ (...), vờ, xờ (nhẹ), y. Theo lệ thường, người ta coi đó là hệ thống tên gọi các chữ cái chính thức của bảng chữ cái tiếng Việt (tạm gọi là hệ thống “a-bờ-cờ”).
Song sau khi học sinh đã học đánh vần (hay ghép vần), tất cả các cấp học trong nhà trường vẫn dùng hệ thống tên chữ theo bảng chữ cái cũ do giám mục Alexandre de Rhodes xác lập (hệ thống “a-bê-xê”).
Như vậy trong nhà trường mặc nhiên tồn tại song song hai hệ thống tên chữ cái. Trên các phương tiện truyền thông việc sử dụng tên chữ cái còn lộn xộn hơn nữa.
Tên gọi tắt của các nhóm nước như G7, G8, G20... được các phát thanh viên Đài truyền hình trung ương (VTV) đọc là “gờ bảy”, “gờ tám”, “gờ hai mươi”; trong khi đồng nghiệp của họ ở Đài truyền hình TP.HCM (HTV) đọc là “giê bảy”, “giê tám”, “giê hai mươi”...
Đáng ngạc nhiên là khi gặp chữ GM (tên viết tắt của công ty Mỹ nổi tiếng General Motors), chính những người của VTV lại đọc là “giê em” chứ không phải “gờ mờ”! Tương tự, chữ GDP (viết tắt của tổng sản phẩm quốc nội) họ cũng đọc là “giê đê pê” (hoặc “gi đi pi”)!
Theo hệ thống “a-bờ-cờ”, nếu G là “gờ” thì V là “vờ” và T phải là “tờ”. Song chính các phát thanh viên của VTV lại đọc tên viết tắt đó của cơ quan mình là “vê tê vê”! Tên tắt của Đài truyền hình VTC2 cũng được đọc là “vê tê xê...”, nhưng bản tin thời sự ICT của chính đài này lại được đọc là “ai xi ti”!
Chữ tắt MC (người dẫn chương trình) đã trở nên quen thuộc với công chúng khi họ được nghe đọc là “em xi”; nhưng chữ MU (tên gọi tắt của đội bóng đá Anh nổi tiếng Manchester United) lại được các bình luận viên bóng đá đọc là “mờ u” chứ không phải “em iu”. Trong trò chơi đoán chữ Chiếc nón kỳ diệu trên truyền hình, một người chơi đoán được chữ X và tuyên bố: “Chữ xờ! Xờ nhẹ!”, người hướng dẫn liền khẳng định: “Đúng rồi, íchxì! Có một chữ íchxì!”.
Một số đài truyền hình và đài phát thanh khi hướng dẫn khán thính giả soạn tin nhắn với ký hiệu GPRS đã thản nhiên đọc ký hiệu đó là “gờ pê rờ étsì”, mà không biết rằng đọc như vậy là đã trộn lẫn hai hệ thống tên chữ cái khác nhau vào cùng một chỗ (“gờ” và “rờ” cùng hệ thống, còn “pê” và “étsì” thuộc hệ thống khác)...
Rõ ràng, việc các chữ trong cùng một bảng chữ cái luôn “nhảy múa” bằng những tên gọi khác nhau ở từng nơi từng lúc đã làm tiếng Việt trở nên thiếu chặt chẽ và kém chính xác. Đó chính là vấn đề của hệ thống tên chữ cái tiếng Việt.
Nguyên nhân “nhảy múa”
Thực tế cho thấy các chữ cái đã nhảy múa xoay quanh ba hệ thống: 1-Hệ thống “a-bờ-cờ”; 2-Hệ thống “a-bê-xê”; và 3-Hệ thống tên chữ cái tiếng Anh (“ây-bi-xi”). Vậy tại sao cùng một bảng chữ cái tiếng Việt người ta lại sử dụng (khi riêng biệt, lúc lẫn lộn) nhiều hệ thống tên chữ cái như vậy?
Hệ thống “a-bờ-cờ” hình thành từ phong trào bình dân học vụ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để cấp tốc đẩy lùi giặc dốt qua các lớp học “i tờ”. Thế nên khi áp dụng cho các môn khoa học ở nhà trường chính quy hoặc khi dùng để đọc những thông tin phức tạp có những chữ viết tắt theo mô thức quốc tế, hệ thống này đã trở nên bất cập và không thích hợp.
Thậm chí việc đọc bảng chữ cái từ A đến Y cũng không được trôi chảy nên nhiều người không thuộc bảng này.
Trong khi đó, hệ thống tên chữ cái cũ mặc dù có vài tên hơi khó đọc đã đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu khi áp dụng cho khoa học và thông tin, lại cũng dễ thuộc vì giữa các tên chữ có sự liên kết thành một dòng ngữ lưu trôi chảy. Chính vì vậy người ta vẫn phải sử dụng hệ thống tên chữ cái cũ.
Giữa lúc hai hệ thống tên chữ cái tiếng Việt song song tồn tại thì sự xâm nhập mạnh mẽ của tiếng Anh vào tiếng Việt đã làm vấn đề trở nên phức tạp thêm.
Cần một hệ thống tên chữ cái duy nhất
Từ các nguyên nhân trên, thiết nghĩ việc tìm ra giải pháp cho vấn đề không phải là quá khó. Tạm gác lại sự xâm nhập của tiếng Anh để xem xét ở một góc độ khác, câu hỏi được đặt ra là: làm cách nào để bảng chữ cái tiếng Việt chỉ còn một hệ thống tên chữ cái duy nhất áp dụng ở mọi lúc mọi nơi?
Từ năm 2003 các chuyên gia giáo dục tiểu học đã thực hiện một giải pháp cho vấn đề này. Theo đó hệ thống “a-bê-xê”được khẳng định là hệ thống tên chữ để sử dụng khi đọc từng chữ cái riêng biệt; còn hệ thống “a-bờ- cờ” là hệ thống âm của các chữ dùng để ghép vần. Thế là đã có một hệ thống chuẩn mực giúp ta đọc đúng tên chữ cái ở mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên, sự khác nhau giữa âm và tên chữ cái là rất trừu tượng, khó có thể phân biệt rạch ròi, nên nhiều người vẫn thản nhiên sử dụng lẫn lộn cả hai hệ thống như chưa hề có giải pháp này.
Bên cạnh đó giải pháp này làm việc học trở nên phức tạp và chất thêm gánh nặng tri thức cho học sinh. Bởi ngoài việc đánh vần bằng âm theo hệ thống “a-bờ-cờ”vốn đã có nhiều hệ lụy, giờ đây các em còn phải học thêm các tên chữ theo hệ thống “a-bê-xê”; lại phải biết sự khác biệt giữa âm và tên chữ, biết khi nào dùng âm, khi nào dùng tên...
Có lẽ nên chọn giải pháp đơn giản và có hiệu lực hơn là: áp dụng duy nhất hệ thống tên chữ cái “a-bê-xê” cho việc ghép vần và cho mọi trường hợp khác như ở nước ngoài người ta vẫn thực hiện, cũng như các thế hệ đồng bào ta trước đây vẫn dạy, học và áp dụng vào đời sống.

LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục)

Nguồn: Tuổi Trẻ Online, thứ Tư, ngày 21/04/2010, truy cập từ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/374522/Nhung-chu-cai-nhay-mua.html.

Uyên “chuối chiên” đậu á khoa

TT - Ngô Hoàng Phương Uyên, nhân vật trong bài “Uyên “chuối chiên” đi thi đại học” (Tuổi Trẻ ngày 8-7), đã đậu á khoa khối D trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011 vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM với 25 điểm. Trong đó, điểm thi các môn tiếng Anh, toán, ngữ văn của bạn lần lượt là 9,5, 8,5 và 7.
Á khoa Ngô Hoàng Phương Uyên cùng bố mẹ - Ảnh: Thuận Thắng

Chiều 21-7, chúng tôi trở lại nhà Uyên “chuối chiên” trong một con hẻm trên đường Lý Thường Kiệt (P.4, TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Lúc này, bà Văn Thị Hoàng (41 tuổi), mẹ Uyên, vẫn bán bánh chuối chiên ở góc chợ Hàng Còng gần nhà. Đang phụ cha lột chuối, mài bột mì để làm bánh chuối chiên, bánh nếp nhân chuối, bánh cay để chuẩn bị cho phiên chợ hôm sau, Uyên nghỉ tay tâm sự: “Nghe người bạn gọi điện báo tin vui cho Uyên, cả đêm 20-7 nhà Uyên không ngủ được vì vui mừng”.
Nhiều nơi “tiếp sức” cho Uyên
Sau khi Tuổi Trẻ giới thiệu Uyên “chuối chiên” trước kỳ thi đại học, nhiều bạn đọc đã đến tận nhà thăm hỏi, động viên và cho biết sẽ hỗ trợ để cô bé giàu nghị lực này học đại học nếu thi đậu. Uyên cho hay có hai bác lớn tuổi đi xe gắn máy từ TP.HCM xuống Tiền Giang chỉ để thăm hỏi, dặn dò và động viên Uyên học thật tốt, có khó khăn gì cứ báo với hai bác sẽ giúp. Hay như một cụ bà ở TP Mỹ Tho cũng tìm đến nhà Uyên để hỏi han, chuyện trò cùng gia đình bạn.



Thi xong quay về phụ gia đình
Uyên cho biết sau khi thi xong (do điều kiện không cho phép nên Uyên chỉ đăng ký thi vào một trường đại học), Uyên đoán số điểm môn tiếng Anh và toán của mình đúng như số điểm mà mình nhận được. Cha mẹ không có điều kiện đưa đi thi nên mọi việc giao hết cho cô Năm của Uyên đài thọ mọi chi phí và đưa bạn đi thi. Ngay sau khi tham dự kỳ thi đại học, Uyên trở về với công việc thường nhật của mình là làm bánh, bán bánh phụ mẹ và tự học thêm tiếng Anh để bổ sung kiến thức cho mình.
Trong căn nhà với những tờ giấy khen thành tích học tập của Uyên được treo trên tường, có lẽ vật đáng giá nhất là chiếc tivi Samsung 14 inch đời cũ, mọi việc vẫn diễn ra như mọi ngày nhưng không khí gia đình có phần vui tươi, phấn khởi hơn. Bữa cơm mừng con đậu đại học có cá kho và rau cải luộc.
“Tui khao thêm con ly chè đá đậu nữa. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ Uyên không đòi hỏi gì. Nhận giải thưởng được bao nhiêu tiền, Uyên đưa hết cho mẹ mua sách vở” - bà Hoàng cho hay.
Đã chạm một tay vào ước mơ
Nhận tin đậu á khoa, Uyên không chia sẻ nhiều lắm về niềm vui của mình mà chỉ “bật mí” những dự định sắp tới của bạn: “Lo nhất với Uyên bây giờ vẫn là vấn đề kinh phí để theo học đại học. Uyên đang tính cùng hai người bạn thuê một phòng trọ gần trường đại học để đi học cho tiện. Sau đó, Uyên sẽ tìm một công việc làm thêm ở thành phố để phụ cha mẹ trang trải việc học cho mình”.
Và cũng có lẽ với dự tính ấy, chiếc xe đạp cũ đã đồng hành cùng Uyên đến trường trong những năm học phổ thông cũng sẽ theo Uyên lên TP.HCM trong cuộc mưu sinh để thực hiện ước mơ ngồi trên giảng đường của mình.
Trong khi đó, với... nỗi lo con thi đậu đại học, ông Ngô Văn Tài (51 tuổi), cha Uyên, cho biết gia đình ông vừa được cấp sổ hộ nghèo đầu năm 2011 nên “vay tiền cho con đi học đại học chắc cũng được ưu tiên hơn”.
Trở lại câu chuyện của Uyên, Uyên hay đọc sách, nhân vật Uyên thích nhất là Scarlett O’Hara trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell) bởi sức sống mãnh liệt của nhân vật này. Tâm sự với chúng tôi, Uyên bảo đã chạm một tay vào ước mơ của mình. Ước mơ ấy cũng giản dị như chính con người, cuộc sống của bạn là có một việc làm ổn định, nuôi sống bản thân và đỡ đần cha mẹ. Sau đó sẽ giúp những học trò nghèo như mình có điều kiện tốt hơn để đến trường...
“Nhiều người hỏi Uyên hoàn cảnh gia đình thua thiệt so với bạn bè, có mặc cảm không? Với cuộc sống hiện tại, Uyên chỉ buồn khi thấy cha mẹ làm việc quá vất vả và lấy đó làm động lực vươn lên. Uyên chỉ nghĩ sau này mình làm được gì hay không mà thôi” - cô tân sinh viên bộc bạch.

HÀ BÌNH

Nguồn: Tuổi Trẻ Online, thứ Sáu, ngày 22/07/2011, truy cập từ http://tuoitre.vn/Giao-duc/447722/Uyen-%E2%80%9Cchuoi-chien%E2%80%9D-dau-a-khoa.html.