Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Ý nghĩa lễ Vu Lan báo hiếu

Vào độ trăng tròn tháng Bảy âm lịch, là ngày lễ Vu Lan. Ngày này các chùa thường thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ.
Dâng hoa cúng dường chư Phật trong lễ Vu Lan
Vào ngày này các chùa Việt Nam và Trung Hoa thường thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ, cùng là được nghe các thầy giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan và đạo hiếu của người con đối với các bậc sinh thành.

Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa "Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn", do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, năm 750-801 sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam.
Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit: Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”. Giải có nghĩa là gỡ ra cho khỏi vướng mắc, cởi trói buộc, giải mê lầm.
Ngài Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ nhưng bà không nhận được (ảnh Internet)
Kinh Vu Lan kể rằng: sau khi đắc quả A La Hán, đạt được tâm bất sinh, Bồ Tát Mục Kiền Liên muốn độ cho mẹ là bà Thanh Ðề, bèn dùng thần thông kiếm tìm mẫu thân, thì thấy bà đang ở cõi ngạ quỷ vô cùng đói khổ.

Ngài đem cơm đến dâng mẹ, nhưng mẹ ngài khi được cơm thì lòng tham nổi lên, sợ người khác trông thấy mà đến giành giựt hay xin bớt, cho nên bà một tay che bát cơm lại, một tay bốc ăn. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp nổi bừng lên, nên cơm đưa vào miệng liền biến thành than hồng không ăn được.
Ngài vô cùng thương xót mà không biết làm sao cứu, bèn trở về thưa với Phật, xin ngài từ bi chỉ dạy phương pháp cứu độ mẹ. Phật dạy rằng vào ngày trăng tròn tháng bảy, tức là ngày lễ Tự Tứ của chư Tăng, sau ba tháng an cư kết hạ thanh tịnh, hãy sắm lễ vật và thỉnh chúng Tăng để cúng dường, nhờ sự chú nguyện của chúng Tăng thì mẹ Ngài sẽ được giải thoát. Ngài Mục Kiền Liên tuân theo lời Phật dạy, thỉnh chúng Tăng chú nguyện và nhờ đó mẹ ngài, bà Thanh Ðề đã được sanh về cõi trời.
Phật tử cúng dường chư tăng để tăng phước đức trong quá trình tu tập (ảnh Internet)
Ngày xá tội vong nhân được dân gian gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn. Lễ cúng cô hồn được truyền từ Ấn Độ vào Trung Hoa vào thời Đường và được truyền sang nước Việt từ năm 1302, sau đó lễ này rất thịnh hành vào thời đại Phật Giáo nhà Trần qua việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là “diệm khẩu phổ thí pháp hội” có nghĩa là những đại hội về Phật Pháp để bố thí thức ăn cho loài quỷ đói.

Lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.
Dần dà về sau tại miền Nam Việt Nam, tập tục cúng cô hồn này biến thể từ hình thức đến nội dung, chuyển từ khuôn viên chùa ra ngoài dân gian và được lan rộng tổ chức tại các xí nghiệp thương mại và tại các công ty tư lập theo truyền tụng rằng, ngày này cửa địa ngục rộng mở, ngạ quỷ được phóng thích, nên cúng tế chúng để được buôn may bán đắt, tai qua nạn khỏi.
Ngày xưa cúng cháo hoa và vàng mã cho cô hồn, canh ốc nhồi nấu với chuối xanh cho người sống; ngày nay giết gà, mổ bò, mổ heo làm cỗ linh đình gọi là cúng cô hồn nhưng thực là cúng cho người sống. Là Phật tử chúng ta không nên đi theo vết mòn xưa cũ, chỉ nên cúng chay theo truyền thống mà không nên giết hại súc vật và nên phát tâm bố thí đến những người nghèo khổ cùng là phóng sinh để báo hiếu cho cha mẹ ông bà quá vãng.

Theo Tu viện Huệ Quang
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức ngày 15/08/2012 truy cập từ
http://kienthuc.net.vn/channel/5423/201208/y-nghia-le-Vu-Lan-bao-hieu-1845052/.

Ý nghĩa của bông hồng cài áo dịp lễ Vu Lan

Lễ cài bông hồng trong dịp Vu Lan được xem là một buổi lễ báo hiếu quan trọng đối với những người con Phật. Tuy nhiên buổi lễ này không phải chỉ dành cho Phật tử mà tất cả mọi người không theo đạo vẫn có thể tham dự.

Điều này có từ lúc nào? Tại sao lại là bông hoa hồng mà không phải là loại hoa khác? Để hiểu về điều này Sư cô Thích nữ Huệ Đức (tu học tại Quan Âm Tu Viện - TPHCM) đã chia sẻ với Kienthuc.net.vn.
Những người con Phật cài lên ngực những bông hoa hồng dịp lễ Vu Lan, nhằm nhắc nhở nhau cần ghi nhớ công ơn dưỡng dục, cũng như phải kính trọng và sống thật tốt với cha mẹ
Những người con Phật cài lên ngực bông hoa hồng dịp lễ Vu Lan, nhằm nhắc nhở nhau cần ghi nhớ công ơn dưỡng dục, cũng như phải kính trọng và sống thật tốt với cha mẹ.
Buổi lễ Bông hồng cài áo trong mùa Vu Lan báo hiếu được khởi xướng từ Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, tác giả của ấn phẩm Bông Hồng Cài Áo.
Trong một lần sang Nhật Bản đúng ngày Mother Day (ngày của mẹ), Hòa thượng Thích Nhất Hạnh được một số thanh niên lại gần hỏi thầy còn mẹ không và cài lên áo 1 bông hồng rồi nói “Hôm nay là ngày tưởng nhớ đến mẹ”.
Hòa thượng nhận thấy truyền thống của Phật giáo cũng có lễ Vu Lan báo hiếu là dịp tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ với mỗi người, vậy tại sao chúng ta không phát huy truyền thống tốt đẹp này như những bạn trẻ nước Nhật làm trong ngày Mother Day.
Theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, bông hoa hồng trong cách nhìn của người Việt là loài hoa thông dụng và dễ thương, được nhiều người yêu thích nhất. Loài hoa này còn mang quy ước biểu hiện của tình yêu thương của loài người. Chính vì thế Hòa thượng đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào tháng 8 năm 1962.
Để làm mọi người hiểu hơn về điều này, chính bản thân Hòa thượng đã làm lễ cài Bông hồng đầu tiên cho Tăng Ni và Phật tử ở chùa Pháp Hội, Sài Gòn. Từ đó các chùa và các tổ chức Gia đình Phật tử đã nhân rộng thành lễ cài Bông hồng trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu như hiện nay.
Người nào muốn nhớ đến công ơn của các bậc sinh thành đều có thể tới chùa dịp Vu Lan để được cài hoa hồng (ảnh minh họa)
Người nào muốn nhớ đến công ơn của các bậc sinh thành đều có thể tới chùa dịp Vu Lan để được cài hoa hồng (ảnh minh họa)
Ý nghĩa của việc cài bông hoa hồng, đã được Hòa thượng Thích Nhất Hạnh giải thích ngay trong ấn phẩm Bồng Hồng Cài Áo: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ.
Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhờ thương không quên mẹ, dù đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi sẽ khóc than cũng không còn kịp nữa”.
Cùng thời điểm đó, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác nhạc phẩm “Bồng Hồng Cài Áo”. Đến nay bài hát đó được coi như “bài hát chính trong các dịp lễ Bông hồng cái áo ở các chùa vào mùa Vu Lan báo hiếu”.
Cũng từ đó nghi thức cài bông hồng trong ngày Vu Lan được phổ thông hóa và trở thành ngày lễ trong Phật giáo.
Cho nên hằng năm, cứ đến mùa Vu Lan Báo Hiếu, hầu hết người Việt Nam là Phật tử, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng đều đến chùa tham dự lễ “Bông Hồng Cài Áo”, để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của các đấng song thân, dù còn hiện tiền hay không còn trên cõi đời này.
Hiện nay ở các chùa thường có quy định chung cho những người tham dự lễ cài hoa hồng, đó là người còn cha mẹ thì chọn hoa hồng lá xanh, còn nếu mẹ đã mất nhưng cha vẫn đang ở với con cháu thì hoa trắng cành xanh, ngược lại thì chọn hoa đỏ cành trắng. Riêng đối với các bậc Chư Tôn Đức Tăng/Ni thì được cài hoa màu vàng trong dịp lễ này.

Hoài Lương
(ghi lại)
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức ngày 19/08/2012 truy cập từ
http://kienthuc.net.vn/channel/5423/201208/y-nghia-cua-bong-hong-cai-ao-dip-le-Vu-Lan-1845682/.

Thắp 3 nén nhang theo giáo lý nhà Phật

- Việc thắp nhang (hương) trong gia đình, ở đền, chùa... là tập quán từ lâu đời bởi ai cũng tin rằng nén nhang khi đốt lên như một nhịp cầu nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình. Thế nhưng ít người hiểu được việc vì sao thắp và cắm lên bàn thờ 3 nén nhang.

Xuất phát từ văn hóa dân gian


Thắp nhang được xem là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu của người dân Á Đông. Chính vì thế mỗi khi trong nhà có giỗ chạp, ngày tuần rằm hay tết đến xuân về, người chủ gia đình thường thắp nhang lên trên bàn thờ. Những lúc đó, mọi người cảm thấy rất ấm lòng.
Việc thắp nhang là một nét đẹp văn hóa của người dân Á Đông để nhớ đến người thân đã khuất hay gửi lên các đấng thần linh
Việc thắp nhang là một nét đẹp văn hóa của người Á Đông.

Việc thắp nhang là để mỗi người khẩn thiết cúi đầu mong tấm lòng thành kính của mình sẽ quyện theo làn khói thơm hướng về cõi thiêng liêng hoặc xông lên tận các vị Thần, tổ tiên hoặc một đấng nào khác.

Theo tài liệu lịch sử, việc đốt nhang bắt nguồn từ khoảng năm 3700 BC (cách đây khoảng 5700 năm), từ nước Ấn Độ. Đến năm 618 AD vào đời nhà Tần mới có một vị Tăng đem hương trầm qua Trung Quốc, từ đó hình thức đốt nhang được phát triển mạnh mẽ và hưng thịnh nhất vào đời nhà Minh, sau đó được phổ biến đến khắp các nước láng giềng.

Nhiều tài liệu cho thấy việc đốt nhang đã có từ thời sơ khai. Trong các đền thờ của vua chúa Ai Cập (Ancient Egypt) có rất nhiều những hình vẽ hoặc hình chạm trên tường mô tả nghi thức này.

Nhà Phật chỉ chú trọng đến tâm hương

Trong các buổi lễ của Phật giáo, nhang là một trong sáu lễ vật dâng cúng, gồm có: Nhang, Bông, Đèn, Trà, Trái, Thức ăn.

Tuy nhiên quan điểm của nhà Phật, việc cúng Phật chỉ nên dùng hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái tốt, nước trong là đủ chứ không phải cần mâm cao cổ đầy. Phật không phải ở trên bàn thờ, trong những pho tượng, mà là ở trong tâm của tất cả con người.

Vì thế ngoài những nén nhang dùng ngọn lửa nóng để đốt cháy lên, mỗi người còn có thể dùng đức tin của mình thắp lên những nén Tâm hương (hương từ trong tâm - PV) để dâng lên chư Phật.
Nhà Phật chú trọng đến tâm hương là chính chứ không chú ý đến số lượng nhang được thắp lên bàn thờ (ảnh minh họa)
Nhà Phật chú trọng đến tâm hương là chính chứ không chú ý đến số lượng nhang được thắp lên bàn thờ (ảnh minh họa)

Chính điều này, trong kinh điển mới nhắc tới năm thứ hương chính dùng để cúng dường chư Phật: Giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương.

Năm loại hương này được Phật giáo gọi là Ngũ phần hương. Trong đó Giới hương tức là trong tự tâm của mỗi người chẳng quấy, chẳng ác, chẳng ganh tỵ, chẳng tham sân, chẳng cướp hại. Còn Định hương tức là thấy những cảnh tướng thiện ác, tự tâm chẳng loạn.

Tuệ hương là tự tâm vô ngại, thường dùng trí tuệ chiếu soi tự tánh, chẳng tạo điều ác, dù tu nhiều thiện mà tâm chẳng chấp trước, kính trên mến dưới, thương xót kẻ cô đơn nghèo nàn. Giải thoát hương là tự tâm chẳng phan duyên, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại.

Cuối cùng là Giải thoát Tri kiến hương tức là tự tâm đã chẳng phan duyên thiện ác, chớ nên trầm không trệ tịch, phải tu học pháp tối thượng thừa, nhận tự bản tâm, thông đạt lý Phật, hạ mình để tiếp người, vô nhơn vô ngã, thẳng đến Bồ đề, chơn tánh chẳng đổi. Những loại hương này chỉ có thể có trong tâm chứ không thể kiếm ở bên ngoài.

Lý giải thêm về điều này, Đại đức Thích Như Bình (chùa Khánh Hỷ, Đạ Huoai, Lâm Đồng) cho rằng: Việc đốt hương của người dân Việt lâu nay xuất phát từ tín ngưỡng dân gian chứ không phải của đạo Phật đưa ra. Đối với đạo Phật việc đốt hương chỉ mang tính biểu tượng là chính chứ không có kinh sách nào nói về việc phải làm điều này trong các buổi lễ.

Còn việc người dân hay quý thầy thường thắp ba nén hương trong mỗi buổi lễ có thể xuất phát từ con số 3 của Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng), Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), Tam thời (Quá khứ - Hiện tại - Vị lai), Tam vô lậu học (Giới - Định - Tuệ)...

Trong đó Tam vô lậu học là ba môn học rất hệ trọng trong giáo lý đạo Phật. Có thể nói, toàn bộ hệ thống giáo điển của Phật giáo đều được xây dựng trên ba môn học giải thoát này.

"Còn việc các chùa hiện nay khuyến khích Phật tử chỉ nên thắp 1 nén nhang đó là nhằm tránh hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường với những người xung quanh. Việc thắp nhiều hay ít nhang không quan trọng mà chủ yếu là ở tấm lòng của người hướng đến chư Phật mà thôi", Thầy Thích Như Bình chia sẻ
Minh Thiện

Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức, ngày 17/09/2012 truy cập từ
http://kienthuc.net.vn/channel/5640/201209/Thap-3-nen-nhang-theo-giao-ly-nha-Phat-1850301/.

Cây nêu ngày Tết...

Cây nêu chùa Long Sơn ở Nha Trang. Ảnh Phạm Xuân Nguyên
(TBKTSG Online) - Tết này về thăm quê, hẳn nhiều người sẽ thấy thiếu vắng khi không còn thấy những ngọn nêu phất phơ trong gió xuân trên đường đi lễ chùa…
Cây nêu là gì, và vì sao nó là một phần không thể thiếu trong hương vị tết của nông thôn nước Việt?
Truyền thuyết về cây nêu và tục dựng nêu ngày Tết phản ánh cuộc đấu tranh lâu dài của Người nhằm bảo vệ bờ cõi, làm chủ cuộc sống trước loài ma Quỷ. Cây nêu được dựng lên ở những nơi linh thiêng, trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng, còn nhằm khẳng định thắng lợi của cái Thiện đối với cái Ác, vì cuộc sống bình yên của con người.
Theo giáo sư Nguyễn Đổng Chi trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, truyền thuyết về cây nêu có thể tóm tắt như sau:
Ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước và con người chỉ làm thuê, phải nộp hoa màu cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay. Người quá khổ cực nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Sau vài lần Người (được Phật chỉ dẫn) đánh lừa Quỷ khi trồng khoai, lúa, ngô để lấy phần thu hoạch về mình, Quỷ đòi lại đất, không cho Người làm thuê nữa.
Phật bàn với Người điều đình với Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông.
Do mất đất sống nên Quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên Người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột... và Quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.
Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày Quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên ngọn nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.
Người xưa còn cho rằng, từ đêm 23 tháng Chạp, sau khi ông Táo về trời thì trên dương thế không còn ai cai quản, ma quỷ sẽ lộng hành. Vì thế, người ta tổ chức lễ dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp và sẽ hạ nêu vào ngày mùng Bảy tháng Giêng, để cảnh báo ma quỷ phải tránh những nơi con người sinh sống, giữ trật tự, an toàn cho những ngày vui Tết.
Cây nêu có nhiều hình thức khác nhau, tùy từng dân tộc, từng vùng miền. Với người Kinh, cây nêu làm từ một thân tre già và thẳng, cao đến 7, 8 mét, được tỉa hết cành nhánh, chỉ còn giữ lại một ít lá trên ngọn. Từ trên ngọn nêu buông xuống một dải cờ màu đỏ hay vàng, gọi là lá phướn, có viết câu kinh Phật để trừ ma quỷ. Trong gió xuân, cờ phướn tung bay tạo nên một nét đẹp của miền thôn dã.
Không đơn giản là một vật phẩm trang trí ngày tết, cây nêu còn là điểm tập trung hoạt động của làng trong những ngày xuân. Ðối với cư dân nông nghiệp, thời điểm cuối năm là lúc nông nhàn, chuẩn bị bước vào các hoạt động vui chơi. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại. Nó tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành thay đổi giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ. Chính vì thế, ở thôn quê, Tết thật sự bắt đầu khi cây nêu được dựng lên; sân đình sân chùa trở thành nơi diễn ra các hoạt động tế lễ, vui chơi của cả cộng đồng.
Ngày nay, việc dựng nêu, trồng nêu dường như không còn được quan tâm nữa, một phần do sự suy yếu của tinh thần cộng đồng, làng xã trong công cuộc đô thị hóa. Chỉ ở một số lễ hội lớn của quốc gia, của địa phương người ta mới thấy lại hình ảnh cây nêu như lời nhắc nhở về một nét văn hóa tết cổ truyền.
Trong hoàn cảnh đó, một số địa phương như thành phố Hội An đang nỗ lực phục hồi hình ảnh cây nêu: cây nêu không chỉ được dựng trong sân đình, sân chùa mà cả ở những ngôi nhà thờ tộc, những hội quán của người Minh Hương. Một cuộc thi “dựng cây nêu ngày tết” sẽ diễn ra tại Hội An từ ngày 28 tháng Chạp, quy tụ nhiều nghệ nhân và những người thiết tha với văn hóa truyền thống.
Hy vọng những nỗ lực như vậy sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác và làm sống lại một nét đẹp văn hóa của cha ông ta ngày trước.
 
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn Online, ngày 15/01/2012 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/tetxuanay/69843.

Mua kim cương loại nào tốt nhất?


Trong các loại ngọc quý, kim cương được xem như đứng hàng đầu. Người tiêu dùng cũng đã quen thuộc với cụm từ ”Kim cương là vĩnh cửu” . Nhẫn cưới bằng kim cương cũng được xem như là một cách thể hiện tình yêu vĩnh cữu với thời gian, vì thế nên không có một loại ngọc quý nào có thể sánh được với kim cương. Có 4 yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của kim cương gọi tắt là tiêu chuẩn 4C đó là trọng lượng (Carat), màu sắc (Color), độ sạch (Clarity) và tỷ lệ cắt mài (Cut).
MÀU SẮC (color)
Màu sắc của kim cương cũng đa dạng, tùy theo màu sắc người ta chia kim cương thành hai nhóm không màu và có màu. Nhóm không màu gồm những viên kim cương hoàn toàn không mang màu cho đến màu vàng rất nhạt.
Ở loại không màu ( Cape ), màu được phân cấp và được biểu diễn bằng các mẫu tự bắt đầu bằng chữ D (hoàn toàn không màu, thường gọi là nước D) cho đến Z (màu sậm dần, có màu vàng nhạt), giá trị của kim cương cũng giảm theo độ tăng của màu vàng. Dưới tác dụng của tia cực tím UV, thường có nhiều trong ánh nắng ban mai, một số kim cương (loại mà trong cấu trúc của kim cương có Nitrogen tập trung lại thành nhóm) có hiện tượng phát huỳnh quang màu lam nhẹ sẽ hòa với màu vàng của viên đá để trở thành trắng hơn và làm cho viên đá có thể nhận định sai, tăng lên vài “nước”.

Nhóm kim cương màu (fancy) có thể gặp các màu khác như lam, vàng, hồng, lục, tím, đỏ, đen . . .

ĐỘ SẠCH (clarity)
Độ sạch cũng là một trong các tiêu chuẩn phân cấp kim cương. Độ sạch dùng phân cấp viên đá qua sự hiện diện, số lượng và kích thước của những tạp chất (bên trong) cũng như những khiếm khuyết bề mặt (bên ngoài). Rất hiếm kim cương không có khuyết điểm nào, nghĩa là không tìm thấy một tạp chất hay khuyết điểm bề mặt nào cho dù quan sát dưới loupe 10X bởi một người giàu kinh nghiệm. Nếu các tiêu chuẩn đánh giá khác cũng tốt như vậy, viên đá sẽ đạt giá trị cao nhất.
- F (hay FL) Flawless: Không tạp chất. Quan sát dưới loupe 10X.
- IF (Internally Flawless): Không tạp chất bên trong. Quan sát dưới loupe 10X.
- VVS1-2(Very very slightly included): Tạp chất cực nhỏ, rất khó thấy.
- VS1-2 (Very slightly included): Tạp chất rất nhỏ, khó thấy.
- SI1-2 (Slightly included): Tạp chất nhỏ, dễ thấy.
- I1 (Included): Tạp chất lớn, dễ thấy (bằng loupe 10X và mắt trần).
- I2-3(Included): Tạp chất lớn, dễ thấy (bằng mắt trần).

TRỌNG LƯỢNG – (Carat)
Carat là đơn vị đo trọng lượng. Có 5 carat trong một gam. Trọng lượng của kim cương được tính bằng carat. Một carat được chia thành 100 points.
Cùng một trọng lượng, cùng một chất lượng về màu sắc và độ sạch, thí dụ một viên 5ct có giá đắt hơn một lô 5 viên 1ct cùng chất lượng.

DẠNG CẮT (cut).
Kim cương khi mài giác phải bảo đảm độ chiếu sáng và độ tán sắc tối đa, nhờ đó ánh sáng vào viên đá tách thành đơn sắc khi trở ra đến mắt người quan sát thấy lấp lánh gọi là “lửa”. Ở dạng mài tròn chiếu (round brilliant cut), bằng phép tính toán đã xác định chính xác công thức mài theo tỷ lệ % của các phần của viên đá.
Tỷ lệ cắt mài cũng là một tiêu chuẩn đánh giá giá trị của kim cương. Trong thị trường, kim cương được bán tính theo trọng lượng của viên đá, thế nhưng một viên nước “D”, không tạp chất, cắt không chuẩn (quá cạn hay quá sâu) sẽ trông như bị “chết”, không chiếu, không có “lửa” sẽ kém bắt mắt hơn một viên mài đúng chuẩn cho dù màu thấp hơn, chứa tạp chất nhiều hơn. Mài đúng tỷ lệ tuy hao tốn đá thô nhiều nhưng thành phẩm có được một viên mài giác chiếu sáng sinh động và giá trị viên đá đạt đến mức cao nhất.
Khi kim cương cắt dạng viên tròn chiếu theo đúng tỷ lệ hoàn hảo ta có một sự liên quan giữa trọng lượng (ct) và kích cỡ viên đá (đường kính mm).
DẠNG CẮT MŨI TÊN VÀ TRÁI TIM
Vào thập niên 80 một nhà chế tác người Nhật lần đầu tiên cắt một viên kim cương đạt đến độ các giác phản chiếu của viên đá phủ giáp mí nhau tạo thành kính vạn hoa khi nhìn qua ống quan sát phản chiếu. Kỹ thuật này nhanh chóng lan truyền và phát triển đến các nhà chế tác khắp nơi. Kim cương cắt dạng Trái tim & mũi tên (gọi tắt H&A – heart & arrow) du nhập vào Hoa Kỳ vào giữa thập niên 90. Những viên kim cương chất lượng tốt cắt dạng Trái tim & Mũi tên đều có giá trị vì tính đồng nhất và chất lượng tối ưu với cách cắt mài cực kỳ tinh tế. Đôi khi nó được mệnh danh là kiểu cắt siêu lý tưởng (superideals).
Khi nhìn qua ống quan sát phản chiếu (một dụng cụ quang học để xem kim cương cắt mài dạng Trái tim & Mũi tên) ta sẽ thấy các mũi tên tỏa tia ra ở mặt bàn của phần trên (crown) viên đá. Nếu xoay ngược viên đá, từ chóp đáy các trái tim quy tụ về đây.
Các phòng giám định Hoa Kỳ vẫn chưa có chuẩn phân cấp về độ cân đối quang học của loại Trái tim & Mũi tên này. Kim cương cắt dạng Trái tim & Mũi tên có tính cân đối, nhưng không phải bất kỳ viên kim cương nào cũng đạt được những thông số cắt lý tưởng cho nên lượng ánh sáng dội trở lại trong viên đá cũng không đạt được mức tối đa.
M.N - Theo SJC
Nguồn: Báo Khoa Học Phổ Thông, ngày 06/09/2010 truy cập từ http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/5453/mua-kim-cuong-loai-nao-tot-nhat%20?.html.

Xung quanh “sự cố nước tương”: 3-MCPD có mặt ở khắp nơi

Doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận không thay đổi công nghệ, cộng với ràng buộc về chỉ tiêu độ đạm trong quản lý mặt hàng này đã khiến hàm lượng 3-MCPD ở nhiều nhãn hiệu nước tương vượt ngưỡng cho phép. Nhưng ngoài nước tương, 3-MCPD còn có thể hiện diện ở nhiều loại thực phẩm khác mà chưa được nhận diện.
 
Nước tương từ lông heo
Hiện nay ở Việt Nam, nước tương được sản xuất từ một số nguồn nguyên liệu như xương động vật (chủ yếu là trâu, bò, heo), bánh dầu đậu nành, đậu phộng. Cá biệt có nơi còn sản xuất từ lông gà, vịt, lông heo để có giá thành rẻ.
Cách đây vài năm trong một lần có dịp tham quan nhà máy chế biến thực phẩm Vissan tại TP.HCM, chúng tôi đã nhìn thấy một kho nằm phía sau rất xa khu nhà chính, bên trong chất đống lông heo, gà, vịt cao như núi. Khi hỏi để làm gì, một cán bộ của công ty cho biết để bán cho các cơ sở làm nước tương! Lúc đó vừa bán tín bán nghi, bây giờ khi nghe chính chủ một doanh nghiệp sản xuất nước tương nói mới thật sự giật mình.
Cũng chủ doanh nghiệp này cho biết, lợi dụng thành phần đạm trong các loại lông gà, vịt, heo, cao hơn cả đạm có trong lúa mì, đậu nành, nên một số cơ sở đã thu gom và dùng acid chlorhydric để thủy phân, cho ra amino acid. Sau đó, trung hòa bằng sodium hydroxid và dùng mật đường để tạo màu, sản phẩm có 3-MCPD và 1,3-CDP là điều hiển nhiên. Trong lông động vật này thường chứa nhiều chất thạch tín (arsenic) và chì - là những chất cực độc với hệ tiêu hóa, hệ thần kinh. Lông khi thu gom về rất dơ bẩn cũng chẳng ai lại đi rửa. Nước tương làm từ lông gà, vịt, heo có giá thành rất rẻ, chỉ từ 1.000 - 1.500 đ/lít, hoặc thậm chí có đóng vào chai dán nhãn mác rồi bày trên các kệ hàng ngoài chợ hay thậm chí siêu thị với giá bán chỉ 3.000 đ/chai cũng vẫn rất rẻ và được người tiêu dùng chọn mua.
Một doanh nghiệp cho biết, cứ thử tưởng tượng mà xem, để bán một chai nước tương trên nhãn ghi 3.000 đ thì riêng chi phí cho chai nắp, nhãn mác đã lên tới 1.200 đ, chưa kể chi phí quảng cáo, chiết khấu cho đại lý… phần ruột bên trong chai chỉ còn 800 đ. Với số tiền như vậy thì làm sao có được loại nước tương an toàn.
Ngoại trừ các nhà hàng, tiệm ăn lớn sử dụng nước tương của những hãng nổi tiếng (mà bây giờ mới vỡ lẽ ra rằng sản phẩm của nhiều hãng nổi tiếng cũng có chứa 3-MCPD vượt mức cho phép), còn thì đa số hàng quán ăn bình dân, vỉa hè đều sử dụng loại nước tương bán từng can nhựa 5, 10 hoặc 20 lít và chiết vào chai của các cơ sở này, xí nghiệp kia, đánh lừa người tiêu dùng. Trong các loại nước tương ấy hàm lượng 3-MCPD cao gấp cả trăm, nghìn lần tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, một số chợ ở TP.HCM còn bán một thứ gọi là “nước cốt xì dầu”. Cứ mua 1 lít “nước cốt” này về, rồi pha với 10 lít nước, thêm muối là sẽ trở thành nước tương chính hiệu!

Đạt độ đạm, vi phạm 3-MCPD
Theo ông Phan Bảo Tâm - giám đốc Công ty Mê Kông: nước tương, nước mắm không phải để bổ sung đạm mà chỉ là một loại nước chấm làm tăng khẩu vị chứ không có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, vả lại cũng không thể ăn nhiều. Ở nước ngoài và ngay những sản phẩm nước tương nhập khẩu vào Việt Nam đều không ghi độ đạm. Thế nhưng ở trong nước hiện nay có sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với nước ngoài hay liên doanh trong sản xuất nước tương. Các sản phẩm Chinsu (Công ty VitecFood) và Maggi (Công ty Nestlé) do Cục an toàn vệ sinh thực phẩm cấp phép không đòi hỏi hàm lượng đạm trong khi đó, nước tương của các doanh nghiệp trong nước phải ghi độ đạm lên nhãn, thấp nhất là 10 độ đạm. Đạt độ đạm càng cao sẽ kéo theo hàm lượng 3-MCPD tăng theo. Trong khi đó, theo BS. Nguyễn Lân Đính, mỗi ngày cơ thể con người cần khoảng 60 g chất đạm. Nước tương không phải là chất cung cấp đạm chính mà chỉ là một món gia vị. Người bình thường, tối đa mỗi ngày ăn khoảng 10 ml nước tương thì chất đạm do nó đem lại (nếu có) là không đáng kể.
Cũng theo BS. Nguyễn Lân Đính, trong sản xuất nước tương, quá trình thủy phân các chất đạm thực vật bằng acid chlohydric ở nhiệt độ cao, chất béo (dầu) sẽ tạo ra chất gây ung thư (3-MCPD). Hàm lượng đạm càng cao thì chất 3-MCPD càng cao. Phương pháp lên men truyền thống giữ lại được chất đạm, chất béo và do không bị đun sôi với acid ở nhiệt độ cao nên không sinh ra chất 3-MCPD. Nhưng do lên men phải mất nhiều thời gian, vòng quay vốn chậm, kém hiệu quả kinh tế. Sở dĩ vẫn tồn tại công nghệ cũ chủ yếu là do vấn đề lợi nhuận: thủy phân bằng acid chlohydric chỉ tốn 3 - 5 ngày, trong khi các phương pháp mới như công nghệ lên men tốn tới 28 - 30 ngày, còn enzym cũng tốn 1 tuần.
Rõ ràng là chỉ tiêu về độ đạm cũng góp phần cản trở doanh nghiệp đạt được chỉ tiêu an toàn về 3-MCPD. Và quy định đó đã tạo thành cái vòng luẩn quẩn cũng như sự bất bình đẳng này kéo dài đã rất lâu mà không có hướng giải quyết.
Đến lúc này, khi sự cố xảy ra, các nhà sản xuất nước tương đã đồng kiến nghị nhà nước nên bỏ quy định hàm lượng đạm trong nước tương.

3-MCPD có mặt ở khắp nơi
Không thủy phân bằng acid clorhydric nhưng sản phẩm của cơ sở Tâm Ký vẫn có 3- MCPD trong khi thành phần nguyên liệu chỉ có đậu nành, muối, bột mì, đây là điều bức xúc của ông Quách Huy Toàn, chủ cơ sở.
BS. Nguyễn Xuân Mai - viện phó Viện vệ sinh y tế công cộng - Bộ y tế cho biết, 3-MCPD có mặt ở khắp nơi. Cục kiểm nghiệm thực phẩm Anh Quốc đã tiến hành một số các đánh giá cho thấy nước tương là sản phẩm phổ biến nhất có chứa hàm lượng 3-MCPD cao nhất. Các thực phẩm khác cũng tìm thấy phổ biến có chứa 3-MCPD là bánh mì và bánh bích quy (chủ yếu là loại nướng hoặc rang) và thịt cá có ướp. Thức ăn nấu nướng trong gia đình cũng tìm thấy có chứa 3-MCPD, nhất là những món nướng lò điện, nướng điện.
Một số thực phẩm có thể bị nhiễm 3-MCPD do tiếp xúc với màng bao có nước chứa epichlorhyrin như xúc xích, trà túi lọc, lọc cà phê. Tuy nhiên, với công nghệ cải tiến các màng bao bọc, việc tiếp xúc với chất liệu có thể gây nhiễm 3-MCPD có thể coi như ít gây hại cho người.
Ở Anh, người ta cũng tìm thấy trong nước uống có 3-MCPD. Sở dĩ như vậy là do trong nước có chlor, nếu trong nước có chlor lại nhiễm thêm chút dầu béo sẽ hình thành 3-MCPD. Không có chất béo tiếp xúc với chlor thì không có 3-MCPD.

Nguồn: Khoa Học Phổ Thông ngày 08/6/2007, truy cập từ http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/2209/xung-quanh-%E2%80%9Csu-co-nuoc-tuong%E2%80%9D:-3-mcpd-co-mat-o-khap-noi.html.

Thang bão Saffir-Simpson

Thang bão Saffir-Simpson là thang phân loại bão được sử dụng nhiều nhất cho các xoáy thuận nhiệt đớiTây bán cầu có cường độ vượt quá cường độ của các áp thấp nhiệt đới và các trận bão nhiệt đới. Thang này chia các cơn bão thành 5 cấp được phân biệt theo cường độ sức gió kéo dài của nó. Để phân loại như là một cơn bão, một xoáy thuận nhiệt đới phải có sức gió kéo dài tối đa ít nhất là 74 dặm trên giờ (33 mét trên giây; 64 knot hay 119 kilômét trên giờ). Cao nhất trong thang bão này là cấp 5 là các cơn bão có sức gió trên 155 mph (69 m/s; 136 kt; 249 km/h).

Sự phân loại này được sử dụng để đo khả năng gây thiệt hại và ngập lụt do bão gây nên khi đổ bộ vào đất liền, mặc dù nó bị phê phán là quá đơn giản. Về mặt chính thức, thang bão Saffir-Simpson được sử dụng để mô tả các cơn bão hình thành ở Đại Tây Dương và bắc Thái Bình Dương về phía đông đường đổi ngày quốc tế. Các khu vực hay quốc gia khác sử dụng sơ đồ phân loại của họ, chủ yếu dựa theo thang sức gió Beaufort, chẳng hạn như Nha khí tượng học Úc sử dụng thang độ 1-5 gọi là tropical cyclone severity categories (các cấp dữ dội của bão). Không giống như thang Saffir-Simpson, các cấp dữ dội dựa trên gió giật mạnh nhất mà không phải là gió kéo dài. Các cấp dữ dội được chia độ thấp hơn so với thang Saffir-Simpson, với cấp dữ dội 2 của bão chỉ gần bằng cấp 1 của thang bão Saffir-Simpson.

Thang bão Saffir-Simpson
Cấp
Sức gió
Sóng cồn
mph
(km/h)
ft
(m)
5
≥156
(≥250)
>18
(>5.5)
4
131–155
(210–249)
13–18
(4.0–5.5)
3
111–130
(178–209)
9–12
(2.7–3.7)
2
96–110
(154–177)
6–8
(1.8–2.4)
1
74–95
(119–153)
4–5
(1.2–1.5)
Phân loại bổ sung
Bão nhiệt đới
39–73
(63–117)
0–3
(0–0.9)
Áp thấp nhiệt đới
0–38
(0–62)
0
(0)

Lịch sử

Thang bão Saffir-Simpson là thang phân loại bão theo cường độ gió kéo dài, được kỹ sư dân dụng Herbert Saffir và nhà khí tượng học Bob Simpson, giám đốc Trung tâm dự báo bão quốc gia Hoa Kỳ (NHC) phát triển năm 1971[1]. Thang bão này được giới thiệu với công chúng năm 1973,[2] và sử dụng phổ biến sau khi Neil Frank thay thế Simpson lãnh đạo NHC năm 1974.[3].
Thang ban đầu được Saffir, một kỹ sư kết cấu, xây dựng năm 1969 khi thực hiện công việc do Liên hiệp quốc ủy nhiệm để nghiên cứu xây dựng nhà ở giá rẻ trong các khu vực nhiều bão.[4] Trong khi nghiên cứu, Saffir nhận ra rằng không có một thang đơn giản để miêu tả các tác động có thể xảy ra của một cơn bão. Biết được lợi ích của thang Richter trong việc mô tả các trận động đất, ông nghĩ ra thang từ 1 đến 5 dựa trên vận tốc gió có thể gây hư hại dự kiến cho các kiến trúc xây dựng. Saffir cung cấp thang này cho NHC, và Simpson bổ sung thêm các hiệu ứng sóng cồn của bão (chiều cao sóng) và ngập lụt. Tuy nhiên, năm 2009, NHC đã loại bỏ các khoảng khí áp và sóng cồn ra khỏi các cấp, biến đổi nó thành thang sức gió thuần túy.[5] Thang bão này không tính tới lượng mưa hay vị trí, nghĩa là một cơn bão cấp 2 nếu đi qua một thành phố lớn sẽ có thể gây thiệt hại lớn hơn cơn bão cấp 5 đi qua khu vực nông thôn.[6]
NHC quyết định rằng cho mùa bão 2009 người ta sẽ dùng thang gió bão Saffir-Simpson thử nghiệm (SSHWS), vẫn dựa trên thang SSHS, nhưng loại trừ mức độ ngập lụt và các ước tính sóng cồn. Trung tâm này trích dẫn một loạt các trận bão làm các lý do để loại bỏ thông tin "không chính xác về mặt khoa học", như bão Katrina và bão Ike với cả hai đều có sóng cồn cao hơn so với ước tính và bão Charley với sóng cồn thấp hơn mức dự báo.[7]

Các cấp

Thang bão này chia tách các cơn bão biển thành 5 cấp khác biệt, dựa trên sức gió, khí áp trung tâmsóng cồn. Trung tâm dự báo bão quốc gia Hoa Kỳ phân loại bão cấp 3 trở lên là các trận bão lớn. Phần lớn các tổ chức dự báo thời tiết sử dụng định nghĩa cho sức gió kéo dài do Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) khuyến cáo, trong đó định rõ các sức gió đo đạc tại độ cao 10 m (33 ft) trong 10 phút và sau đó lấy số liệu trung bình. Ngược lại, Cục dự báo thời tiết quốc gia Hoa Kỳ định nghĩa sức gió kéo dài như là tốc độ gió trung bình trong thời gian 1 phút tại độ cao 10 m (33 ft).[8][9] Các giá trị khí áp tâm bão và sóng cồn là xấp xỉ và thường phụ thuộc các yếu tố khác, như quy mô của cơn bão và vị trí của nó. Cường độ của các cơn bão ví dụ tính theo cả thời gian đổ bộ vào đất liền và cường độ tối đa.[10]
Thang bão này là gần đúng với logarit của sức gió, và tốc độ gió tối đa cho cấp "c" (c=1, 2, 3) có thể biểu diễn như sau: 81\times 10^{c/15} dặm trên giờ, làm tròn tới bội số gần nhất của 5.
Năm cấp được sắp xếp trong bảng sau theo trật tự tăng dần lên:
1
Gió kéo dài
33-42 m/s
74-95 mph
64-82 kt
119-153 km/h
4-5 ft
1,2-1,5 m
Áp suất tâm bão
28,94 inch Hg
735 mm Hg
Khả năng gây thiệt hại
Không có thiệt hại thực sự cho các cấu trúcxây dựng. Thiệt hại chủ yếu cho nhà cửa di động không néo chặt, cây cối và bụi rậm. Thiệt hại nhỏ cho cầu cảng và có thể gây ngập lụt.
Mẫu bão
Cấp 2
Gió kéo dài
43-49 m/s
96-110 mph
83-95 kt
154-177 km/h
Sóng cồn
6-8 ft
1,8-2,4 m
Áp suất tâm bão
28,50-28,91 inch Hg
724-734 mm Hg
Khả năng gây thiệt hại
Làm hư hỏng một số mái nhà, cửa và cửa sổ. Thiệt hại đáng kể cho cây trồng, nhà cửa có cấu trúc kém. Có thể gây ngập lụt cầu cảng và những tàu thuyền nhỏ không cột bảo vệ có thể bị gẫy.
Mẫu bão
Cấp 3
Gió kéo dài
50–58 m/s
111–130 mph
96–113 kt
178–209 km/h
Sóng cồn
9-12 ft
2,7-3,7 m
Áp suất tâm bão
27,91-28,47 inch Hg
709-723 mm Hg
Khả năng gây thiệt hại
Một số thiệt hại cấu trúc của nhà cửa nhỏ và các công trình xây dựng khác, một số màn cửa (bằng nhôm) bị gẫy. Nhà cửa di động bị phá sập. Ngập lụt ven biển phá hủy các kết cấu xây dựng nhỏ, các công trình xây dựng lớn bị hư hại bởi các mảnh vụn do ngập lụt tạo ra. Có thể ngập lụt trong đất liền.
Mẫu bão
Cấp 4
Gió kéo dài
59–69 m/s
131–155 mph
114–135 kt
210–249 km/h
Sóng cồn
13–18 ft
4,0–5,5 m
Áp suất tâm bão
27.17-27.88 inHg
690-708 mm Hg
Khả năng gây thiệt hại
Các màn cửa gẫy đổ nhiều hơn, các mái của các ngôi nhà nhỏ bị phá hỏng. Xói mòn mạnh ven biển. Ngập lụt trong đất liền.
Mẫu bão
Cấp 5
Gió kéo dài
≥70 m/s
≥156 mph
≥136 kt
≥250 km/h
Sóng cồn
≥19 ft
≥5,5 m
Áp suất tâm bão
<27,17 inch Hg
<690 mm Hg
Khả năng gây thiệt hại
Các ngôi nhà nhỏ và công trình xây dựng công nghiệp bị cuốn bay mái. Các công trình nhỏ bị cuốn bay, thiệt hại nặng nề cho các công trình lớn. Ngập lụt gây thiệt hại cho các tầng thấp của mọi công trình ven biển. Có thể phải tản cư dân chúng.
Mẫu bão

Mọi vận tốc gió dựa trên cơ sởtrung bình một phút. Giá trị của áp suất tâm bão là xấp xỉ. Cường độ các cơn bão ví dụ là đo theo thời gian đổ bộ vào đất liền.
Phê phán
Một số nhà khoa học, như Kerry Emanuel và Lakshmi Kantha, đã phê phán thang này là quá đơn giản hóa, chỉ ra rằng thang này không tính đến quy mô tự nhiên của cơn bão mà cũng không tính tới lượng giáng thủy do nó sinh ra.[6] Ngoài ra, họ và một số người khác chỉ ra rằng thang Saffir-Simpson, không giống như thang Richter được dùng để đo động đất, là không bỏ ngỏ, và được lượng tử hóa thành một lượng nhỏ các cấp. Các phân loại thay thế được đề xuất bao gồm Chỉ số cường độ bão, dựa trên áp suất động lực do gió bão gây ra, và Chỉ số nguy hiểm bão, dựa trên tốc độ gió bề mặt, bán kính sức gió tối đa của cơn bão và tốc độ dịch chuyển của nó.[11][12] Cả hai thang này đều liên tục và hơi giống thang Richter[13]. Tuy nhiên, chưa có thang nào được các tổ chức chính thức sử dụng.

Cấp 6

Sau một loạt các trận bão mạnh của mùa bão Đại Tây Dương 2005, một vài nhà bình luận báo chí và một số nhà khoa học đã đề xuất việc đưa vào cấp 6, và họ gợi ý rằng cấp 6 là bão với sức gió trên 174 hoặc 180 mph (78–80 m/s; 150–155 knot; 280–290 km/h).[6][14] Chỉ một số ít trận bão trong lịch sử đạt tới cấp giả thuyết này. Phần lớn trong số chúng là các trận siêu bão Tây Thái Bình Dương, đáng chú ý như bão Tip năm 1979 với sức gió kéo dài 190 mph.
Theo Robert Simpson, không có lý do để có cấp 6 trên thang Saffir-Simpson là do nó được thiết kế để đo đạc thiệt hại tiềm năng của một cơn bão đối với các kết cấu nhân tạo. Nếu tốc độ gió của cơn bão là trên 155 mph (250 km/h) thì thiệt hại đối với một công trình xây dựng sẽ là "nghiêm trọng không phụ thuộc vào việc nó được xây dựng tốt như thế nào".[3]

Ghi chú

  1. ^ Williams, Jack, “Hurricane scale invented to communicate storm danger”, USA Today, 17 tháng 5 năm 2005. Truy cập 25 tháng 2 năm 2007.
  2. ^ Staff writer (9 tháng 5 năm 1973). “'73 Hurricanes to be Graded”. The Associated Press. Truy cập 8 tháng 12 năm 2007.
  3. ^ a b Debi Iacovelli (tháng 7 năm 2001). “The Saffir/Simpson Hurricane Scale: An Interview with Dr. Robert Simpson”. South Florida Sun-Sentinel. Truy cập 10 tháng 9 năm 2006.
  4. ^ Associated Press, “Hurricanes shaped life of scale inventor Saffir”, 13 tháng 8 năm 2001. Truy cập 21 tháng 12 năm 2007.
  5. ^ The Saffir-Simpson Hurricane Wind Scale (Experimental) Trung tâm dự báo bão quốc gia Hoa Kỳ. Truy cập 15-5-2009.
  6. ^ a b c Ker Than, “Wilma's Rage Suggests New Hurricane Categories Needed”, LiveScience, 20 tháng 10 năm 2005. Truy cập 20 tháng 10 năm 2005.
  7. ^ “Experimental Saffir-Simpson Hurricane Wind Scale”. Trung tâm dự báo bão quốc gia Hoa Kỳ (2 tháng 4 năm 2009).
  8. ^ Tropical Cyclone Weather Services Program (1 tháng 6 năm 2006). “Tropical cyclone definitions” định dạng (PDF). Cục dự báo thời tiết quốc gia Hoa Kỳ. Truy cập 30 tháng 11 năm 2006.
  9. ^ Cục quản lý tình huống khẩn cấp liên bang (2004). “Hurricane Glossary of Terms”. Truy cập 24 tháng 3 năm 2006..
  10. ^ Trung tâm dự báo bão quốc gia Hoa Kỳ (22 tháng 6 năm 2006). “Saffir–Simpson Hurricane Scale Information”. Cục Hải dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NOAA). Truy cập 25 tháng 2 năm 2007.
  11. ^ Kantha L. (January 2006). "Time to Replace the Saffir–Simpson Hurricane Scale?" (PDF). Eos 87 (1): 3,6. http://www.ametro.net/~spongey/images/2006EO010003.pdf. Truy cập 8-12-2007.
  12. ^ Kantha, Lakshmi (February 2008). "Tropical Cyclone Destructive Potential by Integrated Kinetic Energy" (PDF). Tập san của Hiệp hội khí tượng học Hoa Kỳ (Boston: Hiệp hội khí tượng học Hoa Kỳ) 89 (2): 219–221. doi:10.1175/BAMS-89-2-219. http://ams.allenpress.com/archive/1520-0477/89/2/pdf/i1520-0477-89-2-219.pdf. Truy cập 19-8-2008.
  13. ^ Benfield Hazard Research Centre (2006). “Atmospheric Hazards”. Hazard & Risk Science Review 2006. Viện Đại học London. Truy cập 8 tháng 12 năm 2007.
  14. ^ Bill Blakemore, “Category 6 Hurricanes? They've Happened: Global Warming Winds Up Hurricane Scientists as NOAA Issues Its Atlantic Hurricane Predictions for Summer 2006”, ABC News, 21 tháng 5 năm 2006. Truy cập 10 tháng 9 năm 2006.

Liên kết ngoài


Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ngày 04/04/2012, truy cập từ http://vi.wikipedia.org/wiki/Thang_b%C3%A3o_Saffir-Simpson.