Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Mặt khác của kiều hối



 

 

 

 

Việt kiều về thăm quê hương. Ảnh: MINH KHUÊ

(TBKTSG Xuân) - Hồi giữa năm qua, Hội Xã hội học Hoa Kỳ đã trao giải thưởng “Sách hay nhất năm 2015 về châu Á” cho tác giả người Việt là Thái Cẩm Hưng, Giáo sư Đại học Pomona (California) về một tác phẩm giàu chất liệu thực tế liên quan đến kiều hối, một đề tài nóng bỏng không chỉ với cộng đồng người Việt ở Mỹ mà cả với người trong nước.
Sách có tựa đề Insufficient Funds (tạm dịch Thiếu tiền) là công trình nghiên cứu rất công phu và có ý nghĩa sâu sắc, mà theo thông cáo báo chí của Đại học Pomona đây là “một tường thuật về tài chính của người di dân, một đóng góp lớn lao cho sự hiểu biết của chúng ta về sinh hoạt kiều hối”.
Thái Cẩm Hưng là một trong số không nhiều giáo sư ngành xã hội học gốc Việt ở Hoa Kỳ.Insufficient Funds là công trình thứ ba của ông sau hai luận án tiến sĩ đề tài “Việt kiều về nước kết hôn trong bối cảnh toàn cầu hóa” và “Gia đình trong thời toàn cầu hóa”.
Để thực hiện các công trình nghiên cứu này, Giáo sư Thái Cẩm Hưng đã cùng nhóm 12 người cộng sự làm việc tích cực hơn 10 năm qua. Riêng ông đã về nước khoảng 80 lần, gặp gỡ phỏng vấn hàng trăm người để tìm chất liệu sống cho các công trình nghiên cứu. Insufficient Funds nói về những khoản tiền do một số người Việt có thu nhập thấp đang sống ở Mỹ gửi về cho thân nhân ở quê nhà, biểu lộ tình cảm thắm thiết đến mức làm cho mối quan hệ gia đình của người Việt bị “tài chính hóa”.
Đây là những khoản tiền chắt chiu được trả giá đắt, bất chấp những bấp bênh tài chính của những gia đình chỉ ở trên mức nghèo theo tiêu chuẩn Mỹ. Họ tằn tiện tiêu xài để gửi về nước những đồng đô la vượt ngoài khả năng kiếm được, khiến nhiều người phải mắc nợ, thậm chí nhiều gia đình rạn nứt vì chuyện “kiều hối”, một sự hy sinh mà thân nhân ở bên này nửa vòng trái đất không hề biết đến.
Đây chẳng phải là chuyện hãn hữu khi mà một gia đình trung lưu ở Mỹ mỗi năm dành dụm được 10.000 đô la là không hề đơn giản. Điều đó giải thích tại sao nhiều người nhớ nhà da diết mà vẫn không về nước khi chưa kiếm đủ tiền làm quà tặng, cả “hiện vật” lẫn “hiện kim”, cho người thân. Rất may là áp lực đó nay đã không còn nặng như hàng chục năm trước.
* * *
Nhớ lại vào cuối thập niên 1970 thế kỷ trước, lần đầu tiên người trong nước nhận được những thùng quà biếu với nhiều loại hàng tiêu dùng, thuốc trị bệnh chuyển thành tiền, đã giúp hàng vạn gia đình trong nước vượt qua đời sống khó khăn.
Nếu cứ mãi trông chờ vào những đồng tiền không do mình làm ra chính là dựa dẫm vào người khác, tức là đánh mất lòng tự trọng. Đây không chỉ là chuyện của gia đình dòng họ mà cũng là chuyện của đất nước.
Sau mấy năm tự phát, đến 1983 kiều hối được chính thức thừa nhận và trở thành nguồn tiền ngoại nhập đáng kể cho nền kinh tế nhờ vào thuần tuý là tình cảm của người xa xứ đối với thân nhân.
Những năm đầu của thập niên 1990, số kiều hối ít ỏi chỉ khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, mười năm sau tăng gấp đôi, vậy mà đến năm 2010 dù chịu ảnh hưởng cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu, tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cũng gần 7 tỉ đô la Mỹ. Lượng kiều hối tăng hàng năm với những hiệu ứng tích cực lẫn tiêu cực từ khi đồng tiền nghĩa tình chuyển hướng vào dòng chảy kinh doanh với không ít cạm bẫy và lọc lừa.
Năm 2015 vừa qua, kiều hối đã lên đến hơn 12 tỉ đô la Mỹ, trong đó khoảng 1,6 tỉ do 500.000 người đi lao động nước ngoài gửi về, trong phần còn lại thì một nửa xuất phát từ Mỹ - nơi số người Việt sinh sống nhiều nhất. Có điều gì đó trùng hợp khi lượng kiều hối đổ về tỷ lệ thuận với mức tăng các hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước, khiến một số chuyên gia có tâm huyết đặt vấn đề cần nhìn lại thực chất của kiều hối những năm gần đây.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia cao cấp của Liên hiệp quốc, bằng phương pháp thống kê và đối chiếu số liệu từ nhiều nguồn, trong năm nay đã đưa ra một nghiên cứu cho thấy có một sự liên quan giữa kiều hối tăng mạnh và dòng chảy ngoại tệ ra nước ngoài lên đến 33 tỉ đô la Mỹ chỉ trong vòng sáu năm từ 2008-2013 là có thật.
Dẫn chứng bằng những số liệu cụ thể, ông cho rằng số tiền do người Việt ở nước ngoài với mức sống thấp gửi về theo con đường kiều hối thông thường như thống kê lâu nay là không thể tin được trong khi số lượng tiền lớn chuyển ra nước ngoài bất hợp pháp được “rửa sạch” qua con đường kiều hối là không nhỏ.
Có hai lý do chính giải thích tình trạng chảy máu ngoại tệ, một là giới nhà giàu trong nước chuyển ngân lậu ra nước ngoài để cho con ăn học, chữa bệnh hoặc tậu nhà đất ở Mỹ như một động thái chuyển dịch tài sản, hai là những khoản tiền để chi trả hàng nhập lậu từ Trung Quốc.
Một doanh nhân Việt kiều thành đạt sống tại Mỹ, có lần trong câu chuyện trà dư tửu hậu bày tỏ thắc mắc với một quan chức trong ngành ngoại giao Mỹ rằng trong khi chính phủ nước này tiêu tốn hàng tỉ đô la hỗ trợ cho cộng đồng người Việt còn khó khăn, thì lượng tiền kiều hối cứ liên tục gửi về Việt Nam ngày càng nhiều. Câu trả lời của quan chức này là nước Mỹ chẳng phải chịu thiệt đâu, rồi đây với thời gian thì dòng tiền chảy ngược về Mỹ sẽ còn nhiều hơn. Phải chăng đây là một lời giải thích có tính thuyết phục trong tình hình hiện nay.
Thật ra thì các số liệu và dẫn chứng của Tiến sĩ Vũ Quang Việt chỉ cho chúng ta hiểu thêm cặn kẽ về những gì liên quan đến chuyện ngược xuôi của đồng tiền bẩn lẫn đồng tiền sạch, trong đó kiều hối, dù dưới hình thức nào đi nữa, chẳng những không có tội tình gì mà ngược lại đã góp phần đáng kể cho GDP, thêm đồng vốn cho đời sống kinh tế - xã hội, giúp dự trữ ngoại hối tăng cao. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để một chính phủ có được những khoản vay quốc tế dễ dàng hơn, lãi suất thấp hơn khi người ta nhìn vào khả năng trả nợ. Thế nhưng vấn đề là những khoản tiền ấy phải đến đúng người, đúng chỗ để nạp thêm năng lượng cho cơ thể kinh tế đang lúc phục hồi và làm ra của cải vật chất mà xã hội cần, nếu không như thế thì chẳng khác nào đưa thức ăn bổ dưỡng vào nuôi các tế bào ung thư trong cơ thể con người.
Cần nhìn thẳng vào thực tế là thế hệ thứ hai thứ ba của cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng nhạt nhòa tình cảm với quê hương cũng như thân nhân trong nước, để đừng ảo tưởng kiều hối là nguồn lợi bất tận, mà tùy thuộc vào những diễn biến tích cực mọi mặt từ trong nước.
Làm sao cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài “xa mặt mà không cách lòng” để còn gắn bó với quê nhà? Chỉ có một cách là tạo được niềm tự hào dân tộc và lòng tin vào tương lai của đất nước ngày mai sáng sủa hơn ngày hôm nay. Làm được điều này thì dòng kiều hối sẽ không ngừng chảy. Bằng không thì các thế hệ con cháu chúng ta rồi đây nếu về thăm quê hương cũng trong tâm thế của một du khách đến miền đất lạ. Và khi ấy nếu cứ mãi trông chờ vào những đồng tiền không do mình làm ra chính là dựa dẫm vào người khác, tức là đánh mất lòng tự trọng.
Đây không chỉ là chuyện của gia đình dòng họ mà cũng là chuyện của đất nước.

Trần Trọng Thức

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 05/02/2016 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/141398/Mat-khac-cua-kieu-hoi.html

“Tiền là tiên là Phật...?”

(TBKTSG XUAN) - Xin thưa: còn hơn thế nữa! Tiền là ông Trời, là “Thượng Đế của thời đại chúng ta” (G. Simmel); thời đại ấy “đã thay thế sự toàn năng của Thượng Đế bằng sự toàn năng của đồng tiền” (N. Luhmann).
Simmel còn minh họa dễ hiểu: ngày trước, tòa nhà cao nhất ở các đô thị là giáo đường, nay là... các ngân hàng! “Chúng khẩu đồng từ”, nếu ta nhớ rằng Georg Simmel thuộc thế hệ đầu tiên của những nhà xã hội học Đức, còn Niklas Luhmann sống đồng thời với chúng ta. Nhiều nhà thần học vốn không chịu “thờ hai chúa” (Thượng Đế và... Thần Tài/Mammon) cũng phải cay đắng thừa nhận một “chủ nghĩa phiếm thần thờ đồng tiền” và đồng tiền trở thành “thực tại tối cao, quy định tất cả”, một danh xưng chỉ được dành cho Thượng Đế trước đây! Một sự “soán ngôi” vô tiền khoán hậu? Một cách nói thậm xưng? Dù hiểu cách nào, đây là một thực tế cần nhận diện, cần suy tưởng từ nhiều giác độ: kinh tế học, xã hội học, nhân học và triết học.
Ngày xuân, thử bàn phiếm đôi điều về đồng tiền như một thực tại thường trực trong đời sống, một sản phẩm lâu đời nhưng tiêu biểu cho thời hiện đại. Nó mang lại cho cuộc đời nhịp điệu và vẻ hấp dẫn đặc thù, đồng thời cả cách nhìn nhận đặc thù về thế giới và chỗ đứng của ta trong đó. Tiền tạo ra vô số vấn đề khi ta thiếu nó, và càng nhiều vấn đề hơn khi ta có nó. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng ta có thể làm chủ được nó. Quyền lực của ta đối với đồng tiền có chăng chỉ là cố hiểu quyền lực của nó trên ta. “Chủ đề về tiền đã lôi cuốn bao nhà thông thái từ thời Aristoteles cổ đại cho đến ngày nay bởi nó đầy bí mật và nghịch lý” như The New Encyclopedia Britannica, 1985, nhìn nhận.
BẢN CHẤT CỦA ĐỒNG TIỀN?
Tìm hiểu bản chất của đồng tiền cực khó, bất chấp nỗ lực từ bao thế kỷ của các nhà kinh tế, nhà chính trị, nhà văn và cả... nhà thơ lẫn triết gia! Nó là thiện hay ác? Nó được ca tụng và mơ ước lẫn bị khinh bỉ và xa lánh. Nó sáng tạo và phá hủy, hợp nhất và phân ly, biến bạn thành thù và ngược lại. Nó ảnh hưởng quyết định đến sinh mệnh của từng cá nhân và quốc gia, mang lại sự tự do hay lệ thuộc. Nó gây nên bao cung bậc cảm xúc khác nhau. Nói ngắn, con người tạo ra tiền và tiền tạo ra con người, cả về cách sống lẫn cách suy nghĩ. Có hiện tượng xã hội nào kỳ lạ hơn thế không?
VAI TRÒ SONG ĐÔI
Là đối tượng của nhận thức, tiền thuộc lĩnh vực kinh tế học với mục tiêu và phương pháp riêng của nó. Dưới cái nhìn này, tiền là phương tiện trao đổi. Nhiệm vụ của kinh tế học là xem nền kinh tế cần bao nhiêu tiền và những yếu tố nào ảnh hưởng đến việc cung và cầu tiền. Phương pháp của nó chủ yếu là định lượng.
Nhưng, ta dễ thấy ngay rằng phương pháp định lượng hay “toán học hóa” là không đủ để khám phá bí mật của đồng tiền xét như một hiện tượng xã hội. Cần bổ sung vào đó những phân tích định tính. Từ đó, ta có quyền nói về một môn xã hội học, hay, hơn thế, một triết học về đồng tiền. Trong giác độ ấy, tiền không chỉ là phương tiện mà còn là mục đích của trao đổi. Là phương tiện, tiền góp phần phát triển thương mại, mở rộng sự vận động của hàng hóa, dịch vụ. Nhưng, là mục đích, tiền ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của chính con người, đến mục tiêu và thái độ hành động. Tiền thay đổi cả định hướng về giá trị, ý tưởng lẫn những tiêu chuẩn đạo đức.
Aristoteles sớm nhận ra vai trò song đôi này của đồng tiền, xem cái trước là “tự nhiên”, cái sau là “phản tự nhiên” và vô độ. K.Marx tìm hiểu bản chất của đồng tiền, cho thấy tiền - hiểu như mục đích của trao đổi - đã chuyển hóa thành tư bản như thế nào. Cũng thế, G. Simmel, mà ta sẽ trở lại, nhấn mạnh tác động kinh khủng của đồng tiền lên hành động của con người khi trở thành mục đích của trao đổi. “Tính phân cực nội tại trong bản chất của đồng tiền nằm ở chỗ nó là phương tiện tuyệt đối, nhưng qua đó, về tâm lý, trở thành mục đích tuyệt đối của vô số người, và lạ thay, thành biểu trưng khiến những định hướng quan trọng khác trong cuộc đời đều bị đông cứng lại”(1). “Sứ mệnh lịch sử” của tiền không chỉ tạo ra nền kinh tế thị trường, mà còn tạo ra “con người kinh tế” (có thật có không?) với tâm thế được Max Weber gọi là “tinh thần của chủ nghĩa tư bản” (dù tiền không phải là sản phẩm đặc thù của chủ nghĩa tư bản). Nói cách khác, tiền không chỉ thay đổi “thế giới sự vật” và “thế giới con người” mà cả thế giới nội tâm của con người: lợi ích, lý tưởng, cảm hứng, khát vọng, thước đo luân lý, đạo đức. Tiền thay đổi hệ giá trị bằng cách ban cho mình giá trị phổ biến.
Nhưng, “giá trị” lại là khái niệm bí hiểm nhất trong kinh tế học, có lẽ do nó là khái niệm mang tính “triết học” nhiều nhất! Georg Simmel, trong “Triết học về đồng tiền” (1900), là người đầu tiên tiếp cận vấn đề bằng con mắt triết học sâu sắc. Ông triết gia Kant vẫn còn cương quyết phân biệt giữa giá cả và giá trị: “Mọi vật đều có một giá cả. Nhưng, giá trị là vô giá,
Với tư cách là “giá trị phổ biến”, tiền hành động như là động lực cho mọi loại hoạt động, kể cả hoạt động phi nhân tính. Những gì không nên mua bán trở thành sản phẩm có thể mua bán. Trong chừng mực đó, tiền mang lại sự bất an và rối loạn xã hội, thách thức nền tảng giao tiếp và quan hệ đạo lý.
bởi nó là phẩm giá!”. Nhưng, từ khi trở thành vật ngang giá, tiền là giá cả tương đối của một món hàng, đồng thời bản thân tiền là một giá trị bởi có thể được sử dụng mọi lúc mọi nơi. Tiền cào bằng tất cả, bởi nó không đếm xỉa đến cái đặc thù. Lượng thắng chất. “Tiền diễn đạt mọi sự khác biệt về chất của sự vật bằng câu hỏi: “Bao nhiêu”? Tiền, với sự dửng dưng vô màu sắc, trở thành mẫu số chung của mọi giá trị. Nó làm rỗng cái cốt lõi của sự vật, tước bỏ tính cá biệt, giá trị riêng và tính vô ước (tức không thể so sánh được với nhau) của sự vật. Mọi thứ trôi tuột với cùng một trọng lượng riêng giống nhau trong dòng chảy không ngừng của đồng tiền. Mọi vật đều nằm trên cùng một cấp độ và chỉ khác nhau ở phạm vi tác động của chúng mà thôi”. Là cái ngang giá, tiền chuyển từ phương tiện thành mục đích tự thân tuyệt đối, một cách nói khác về phẩm giá của... Thượng Đế! Không cần mang hình thức giá trị “đích thực” của kim loại quý, tiền vẫn có giá trị danh nghĩa như một ký hiệu, biểu trưng có giá trị tối cao như phương tiện và mục đích trao đổi. Vậy, giá trị của tiền không ở hình thức của nó mà ở nội dung của tiến trình xã hội được nó vận hành. Là một vật, tiền đi từ túi người này sang túi người khác, và đó là “nguồn gốc cho sức mạnh vô biên của tiền đối với xã hội”. Cơ chế vận hành của nó được tóm lược trong hai hành động: chiếm hữu và xuất nhượng, căn cứ trên năng lực chi trả. Tiền là “thước đo của giá trị” và là “thước đo của vạn vật”. Bấy giờ, với tư cách là “giá trị phổ biến”, tiền hành động như là động lực cho mọi loại hoạt động, kể cả hoạt động phi nhân tính. Những gì không nên mua bán trở thành sản phẩm có thể mua bán. Trong chừng mực đó, tiền mang lại sự bất an và rối loạn xã hội, thách thức nền tảng giao tiếp và quan hệ đạo lý.
TỰ DO VÀ THA HÓA
Trong nền kinh tế tiền tệ, cá nhân cũng chuyển hóa tương tự như những hệ giá trị khi chúng được tác động bởi đồng tiền. Con người - giống như đồng tiền - trở nên “bình đẳng”, độc lập và năng động với cái giá phải trả là mất đi cái bản sắc cố định và riêng biệt. “Tiền thực chất là hình thức sở hữu hiệu quả nhất để giải phóng cá nhân ra khỏi những sợi dây ràng buộc so với các hình thức sở hữu khác”. Con người thoát khỏi sự ràng buộc vào một loại lao động và một lối sống nhất định, giống như giá trị của đồ vật từ nay chỉ cần thể hiện bằng tiền mặt một cách trung tính. Ở đây, G.Simmel có nhận xét tinh tế: trong nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, tưởng như chống lại sức mạnh của đồng tiền, thì “thật ra vẫn vận động theo cùng một hướng là biến cá nhân ngày càng phụ thuộc vào thành quả của người khác và càng ít phụ thuộc vào “những nhân cách” đứng sau lưng họ. Cả hai hiện tượng có cùng một nguồn gốc và tạo nên các mặt đối lập của một và cùng một tiến trình: sự phân công lao động hiện đại cho phép sự lệ thuộc tăng lên, đồng thời làm cho “nhân cách” tiêu biến đàng sau các chức năng của họ”. “Tiền và giao dịch tiền tệ càng tăng thì giá trị của cá nhân càng giảm, và câu hỏi trở thành: cá nhân có thể làm gì, thay vì cá nhân ấy là ai; mọi việc quy thành tiền thay vì giá trị của xúc cảm nhân loại”.
TIỀN VÀ LÝ TRÍ
Tiền, bằng sức mạnh vật chất, thỏa mãn ý muốn tự do của con người thông qua cơ chế thị trường. Nhưng, tiền, kỳ cùng, vẫn không thể quyết định mục đích của ý muốn ấy. May mắn là: lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của lý trí. Tất cả phụ thuộc vào sự đối ứng giữa hai lực lượng: lý trí và lợi ích tiền bạc trong hoạt động có mục đích của con người. Tiền là điều kiện cần để hợp lý hóa hành động. Nhưng, ta có thể đồng ý với Simmel khi tin rằng “trí tuệ xã hội” đồng hành với nền kinh tế tiền tệ, buộc xã hội phải thấu hiểu vị trí và vai trò của đồng tiền trong xã hội để “cầm cương” đứa con khủng khiếp (“enfant terrible”) của chính mình. Ngày càng thấy cần thiết kết hợp giữa kinh tế học hướng đến hành động thực tiễn và triết học hướng đến suy tưởng để nhận thức thế giới như một toàn bộ. Tìm hiểu đồng tiền không chỉ để điều tiết thị trường mà còn để phục vụ sự phát triển xã hội. Là sản phẩm của nền văn minh, đồng thời là công cụ cho sự phát triển xã hội, tiền là yếu tố then chốt xác định những giới hạn của tự do và bình đẳng trong nền kinh tế tiền tệ.
Tiền không mang lại hạnh phúc, hiểu theo nghĩa tuyệt đối? Tiền có thể “cứu khổ cứu nạn”, tức mang lại hạnh phúc theo nghĩa tương đối? Nhưng ranh giới đó ở đâu? Một câu hỏi thú vị cho điều tra xã hội học và tâm lý xã hội(2).
Con người là sinh vật hữu hạn, song lại không có giới hạn. Bao giờ con người cũng có cái gì đó trước mắt để vượt qua và sở dĩ nó “có đó” là để được vượt qua. Con người vượt qua chính mình là vượt thoát những ranh giới, ràng buộc đang đặt ra cho mình. Có những ông bà tỉ phú đang nơm nớp ở Trung Quốc. Lại có chàng tỉ phú trẻ măng ở Mỹ hớn hở dành hết tài sản khổng lồ cho an sinh xã hội. Nói theo kiểu Camus, ta “phải tưởng tượng” chàng này đang rất hạnh phúc vì chưa lúc nào chàng có quyền quyết định tự do đến như thế. Một tác giả nhận định: “Triết lý về đồng tiền có thể góp phần “giáo dục” nhân loại và giúp họ nhớ lại rằng “thước đo của vạn vật” bao giờ kỳ cùng cũng là chính con người” (Protagoras). Ít ra là... đối với đồng tiền!
--
(1)Các trích dẫn đều từ: Georg Simmel, Triết học về đồng tiền / Philosophie des Geldes, 1900.
(2)Kết quả thăm dò từ Princeton dựa trên 450.000 người cho thấy, ở Mỹ, “người ta có sức khỏe tinh thần tốt khi thu nhập ở mức 75.000 đô la/năm, không cao hơn”! Xem: BBC (25-6-2015): Tiền và hạnh phúc: Mối quan hệ bí mật.

Bùi Văn Nam Sơn

Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online ngày 08/02/2016 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/141780/Tien-la-tien-la-Phat.html

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Rolls-Royce bán xe siêu sang như thế nào?

Thay vì chỉ cần tới đại lý, khách hàng của Rolls-Royce có thể tới thẳng nhà máy ở Anh cùng những đãi ngộ hạng VIP.

Phần lớn người mua xe mới mỗi năm phải nghiên cứu, cân nhắc giữa những phiên bản cũng như tùy chọn để có được chiếc xe đạt tiêu chuẩn và quan trọng là hợp túi tiền. Và trong khi những khách hàng "tiêu chuẩn" này đang phải kỳ kèo về Bluetooth, lớp sơn ánh kim hay loại vành hợp kim lớn hơn, thì gần như tất cả 4.000 khách hàng của Rolls-Royce lại đưa ra những đặt hàng vượt quá mức tiêu chuẩn. Đó là những yêu cầu để tạo ra một chiếc xe cá tính hóa nhất có thể, không đụng hàng và thể hiện đẳng cấp.

Cũng chính vì thế, khi đặt xe và nhận một chiếc Rolls-Royce, đại gia nào đó không đơn thuần tới đại lý lấy xe và chìa khóa mà có thể được mời tới đại bản doanh của hãng ở Goodwood để nhận trọn bộ gói dịch vụ bán hàng kiểu Rolls-Royce, theo tờ This is Money (Anh).
rolls-royce-ban-xe-sieu-sang-nhu-the-nao
Từ việc vung tiền vào gắn kim cương, tạo màu nội thất theo ý, dường như không có giới hạn trong những gì mà khách hàng Rolls-Royce muốn. "Sự tưởng tượng là chướng ngại duy nhất", Gavin Hartley, quản lý đội thiết kế Bespoke cho biết khi cùng phóng viên xem chiếc giỏ picnic làm riêng với giá tới 28.000 USD.

Nhưng tưởng tượng lại là thứ mà nhiều khách hàng của Rolls-Royce thực sự có tài. Ví như việc ngồi hình dung ra màu sắc phù hợp, chọn trần xe với bầu trời sao, hoặc lấy gỗ từ chiếc cây yêu thích để trang trí nội thất. Thay vì ngồi dán mắt vào màn hình máy tính hay nghiền ngẫm cuốn catalogue dày cộp với vô số tùy chọn, khách hàng được khuyến khích tới thăm Goodwood, nơi họ được đối đãi ở đẳng cấp 5 sao.

Khi tới nơi, khách quý được chào đón ở 2 studio chuyên sản xuất các sản phẩm và tác phẩm nghệ thuật cao cấp, nơi ra đời từ các mẫu ghế sô-pha Fendi cho tới hình ảnh của Eleanor Thornton- cảm hứng cho biểu tượng Spirit of Ecstasy huyền thoại. Nếu điều đó chưa đủ để kích thích trí tưởng tượng về sự sang trọng, khách sẽ được trải nghiệm "the Study", tóm lược mọi điều về một trong những nhân vật quan trọng nhất của thương hiệu siêu sang, Charles Rolls.
rolls-royce-ban-xe-sieu-sang-nhu-the-nao-1
Rolls-Royce có những chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, từ gỗ, xăm hình, thậm chí là người từng làm ra những chiếc hộp màu đỏ mà các bộ trưởng Anh chuyên dùng để đựng tài liệu.
Từ những bộ đồ làm riêng cho tới cánh quạt máy bay bằng gỗ khách được tham quan, mọi thứ đều được làm ra để kích thích trí tưởng tượng trước khi họ đặt chân đến xưởng Bespoke. Nơi đây, đội thiết kế sẽ hỏi về cảm tưởng, mong muốn của khách hàng để chi tiết hóa mọi thứ về chiếc xe mà họ sẽ tạo ra.

Từ màu sơn được đặt tên theo khách hàng cho tới hình minh họa mà Rolls-Royce sẽ giao cho một nghệ sĩ hình xăm vẽ lên tựa đầu, mọi thứ đều không có giới hạn.
Thông thường các chuyến viếng thăm có thể được bố trí để quan sát chiếc xe ra đời tại nhà máy trong vòng từ 8-12 tháng, tùy thuộc vào mức độ yêu cầu cá nhân của mỗi khách hàng. Và sau khi xe đã qua tay khoảng 60 người tham gia quá trình sản xuất và lắp ráp với khoảng 400 giờ làm thủ công, là thời gian để nhận xe. Nhưng sẽ không có buổi giao xe một cách thông thường.

Thay vào đó, khách được mời uống rượu và ăn tối trước khi chiếc xe được giới thiệu trước mặt chủ nhân. Mọi thứ diễn ra giữa màn trình diễn ánh sáng và âm nhạc đầy cảm xúc, với khoảnh khắc đỉnh điểm là khi tấm rèm được kéo lên để lộ nhân vật chính xuất hiện trên sân khấu với mọi thứ như đã được yêu cầu.
rolls-royce-ban-xe-sieu-sang-nhu-the-nao-2
Mark Court, người duy nhất ở Rolls-Royce thực hiện những họa tiết vẽ tay trên các mẫu siêu sang và chỉ bằng những chiếc bút lông đặc biệt.

20 điều nên biết khi mua một chiếc Rolls-Royce:

1. Khách hàng có thể chọn từ bảng màu tiêu chuẩn với 44.000 màu ngoại thất. Nếu chưa hài lòng, đội thiết kế bespoke sẽ tạo ra một loại màu mới theo đúng ý khách hàng. Màu sắc này sau đó sẽ được đăng ký bản quyền, có nghĩa nếu ai đó muốn sử dụng cùng tông màu sẽ cần được khách hàng này đồng ý.
2. Một quý cô từng yêu cầu nội thất bọc da cho chiếc Rolls-Royce phải phù hợp với chú chó săn lông xù của mình. Các chuyên gia về sơn đã lấy vài sợi lông của con vật để tạo ra tông màu duy nhất.
3. Một võ sĩ sumo muốn một chiếc hộc để cốc trong xe phải kết đôi hoàn hảo với đồ uống yêu thích của anh. Để đảm bảo kích cỡ chính xác, đại lý ở Nhật đã gửi qua đường hàng không một chiếc vỏ lon soda mà anh này thích tới Goodwood.
4. Khách hàng trẻ nhất của Phantom là ở Đài Loan. Người này đặt chiếc Rolls-Royce đầu tiên khi mới 12 tuổi. Còn thiếu gia trẻ nhất mua Ghost khi mới 24 tuổi và đã vô cùng hài lòng khi sau đó đặt một chiếc khác y hệt làm quà tặng chị gái.
5. Để đảm bảo tuyệt đối không có bất cứ sự không hoàn hảo nào xảy ra trong việc bọc da nội thất, hãng siêu sang chỉ lấy các nguồn vật liệu từ những con bò tốt nhất (đảm bảo không có dấu hiệu mang thai trên da) được nuôi ở độ cao thích hợp để tránh bị côn trùng cắn.
6. Khách hàng của Rolls-Royce có thể sở hữu bầu trời sao, với 1.340 bóng đèn li ti gắn trên vải sợi quang. Nhưng người mua cũng có thể yêu cầu một chòm sao riêng theo ý thích, như đặt một bản sao của vị trí những vì sao thật sự trên bầu trời vào một thời điểm cụ thể nào đó.
7. Sau khi dìm mỗi xe trong 5.000 lít nước phun ra từ 73 vòi phun áp suất cao trong quá trình thử nghiệm "Monsoon Test", các kỹ sư kiểm tra để đảm bảo chiếc xe không bị rò rỉ bằng cách phân tích các rãnh trên xe với một chiếc đèn nội soi. Xe nào không đáp ứng thử nghiệm sẽ bị loại bỏ làm phế liệu.
8. Một khách hàng ở châu Á cho biết từng gặp rắc rối về giấc ngủ nhưng sau khi để tài xế lái xe chở đi suốt đêm thì đã có một đêm ngon giấc nhờ sự tiện nghi mà chiếc Phantom mang tới.
9. Chỉ một người duy nhất ở Rolls-Royce được tin tưởng giao phó thực hiện những họa tiết vẽ thủ công, đó là Mark Court. Mất tới 3 giờ để Court hoàn thiện đường coachline mỗi bên thân xe Phantom và ông chỉ sử dụng những chiếc bút lông đặc biệt làm từ lông bò đực và sóc để đảm bảo các đường kẻ đạt độ chính xác với chiều rộng đúng 3 mm. Court không sử dụng bất cứ dụng cụ đánh dấu hay thước kẻ nào.
10. Một khách hàng từng đặt thêm đồng hồ công-tơ-mét gắn ở khoang sau chiếc Phantom để có thể biết tài xế đang chạy nhanh tới mức nào.
11. Màu sơn xanh đậm trên một chiếc Phantom hàng "độc" được đặt tên Celestial được tạo ra bằng cách hòa mảnh vụn thủy tinh cao cấp vào loại sơn đặc biệt. Xà cừ cũng như bột vàng đều đã được sử dụng để làm ra đúng loại sơn theo yêu cầu.
12. Tuy nhiên, vàng không phải loại vật liệu xa xỉ duy nhất trong những sáng tạo của Rolls-Royce, mà kim cương, ngọc lục bảo, hồng ngọc và ngọc bích đều đã xuất hiện trong nội thất xe Rolls-Royce.
13. Không hài lòng với chiếc xe giống những chiếc khác, một khách hàng Mỹ đã thử thách đội ngũ thiết kế hãng siêu sang với yêu cầu kết hợp hoàn hảo màu bề mặt sợi carbon với màu sơn ngoại thất cá tính đỏ Candy Apple. Các kỹ sư đã phải tạo ra một quá trình hoàn toàn mới để đạt đúng yêu cầu và mất tới một năm hoàn thiện.
14. Khi Rolls-Royce mời khách hàng tới đại bản doanh ở Goodwood để thảo luận về những yêu cầu chính xác cho một chiếc xe, cảm hứng có thể đến từ bất cứ nơi nào. Một khách hàng từng đưa ra bông hoa mà người này nhặt được, kèm tuyên bố: "Đây là chủ đề cho chiếc Rolls-Royce tiếp theo của tôi".
15. Hơn 20.000 kiểu kết hợp gỗ và lớp ốp bề mặt dành cho khách hàng của Rolls-Royce, tất cả đều được lựa chọn bởi đội thiết kế trong quá trình nghiên cứu những sản phẩm chất lượng cao.
Tuy nhiên, một khách hàng có thể yêu cầu lấy chính gỗ từ chiếc cây trong vườn nhà vừa bị gió bão làm đổ để sử dụng trên chiếc xe. Quá trình để hoàn thiện yêu cầu đặc biệt này có thể mất tới một năm rưỡi.
16. Để đảm bảo khách hàng chọn được loại sơn hoàn hảo dựa vào nơi họ sinh sống, Rolls-Royce có một chiếc đèn đặc biệt có thể điều chỉnh để tạo ra điều kiện ánh sáng tự nhiên khác nhau giúp minh họa rõ ràng chiếc xe trông ra sao khi về tới nhà.
17. Ngoài những phụ kiện truyền thống như chiếc giỏ picnic hay tủ đựng đồ uống, những tùy chọn bespoke cho một chiếc Rolls-Royce còn có thể là hộp đừng xì gà, két đựng đồ trang sức hay thậm chí là chiếc hộc đặc biệt đựng các chai nước hoa.
Một khách hàng từng yêu cầu dành toàn bộ cốp của chiếc Phantom Drophead Coupe để làm tủ lạnh, đảm bảo các chai sâm panh ưa thích luôn ở nhiệt độ hoàn hảo.
18. Rolls-Royce bán xe ở 5 châu lục. Nhưng nếu một khách hàng sống ở một nơi không có đại lý của hãng, đặc biệt là không có các kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, hãng sẽ cử người tới tận nơi để làm dịch vụ cho chiếc xe. Nhóm nhỏ chuyên gia này được đặt tên "Flying Spanners".
19. Một trong số các chuyên gia về sơn của hãng từng bay từ London sang Macau - một hành trình 15 tiếng - để giới thiệu bản mẫu tới một khách hàng quan trọng. Tông màu được chọn và phê chuẩn chỉ 20 phút trước khi chuyên gia dành 15 tiếng tiếp theo để trở về Anh.
20. Một trong những khách hàng đến từ Trung Đông quyến luyến quãng thời gian làm sinh viên ở Scotland đến mức đặt một đôi giày kẻ ô đặc trưng đi đôi với chiếc gậy chống và một chỗ đặc biệt để đựng chiếc ống nhòm ưa thích trong số những yêu cầu để tạo ra chiếc Phantom riêng.

Mỹ Anh



















































































































































































































Nguồn: VN Express ngày 18/01/2016 truy cập từ http://vnexpress.net/tin-tuc/oto-xe-may/rolls-royce-ban-xe-sieu-sang-nhu-the-nao-3343695.html.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Cần nhìn nhận một cách biện chứng về chủ nghĩa tư bản

Một góc Silicon Valley. Những trung tâm kinh tế của Mỹ như Boston, New York và Silicon Valley chính là những cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế dựa trên tri thức hàng đầu thế giới. Ảnh: Internet

(TBKTSG) - Với những diễn biến phức tạp đang xảy ra trên thế giới, rất có thể, nhận xét tương tự hoặc gay gắt hơn về chủ nghĩa tư bản (CNTB) lại xuất hiện.

Trên thực tế, mô hình TBCN luôn tiến hóa và phát triển để tạo dựng cuộc sống giàu có cho nhiều cộng đồng và tiến bộ nhân loại. Nhìn vào hai thái cực là thị trường tự do ở Mỹ và xã hội thị trường ở các nước Bắc Âu cho thấy rất rõ điều này.

Mô hình thị trường tự do kiểu Mỹ
Hoa Kỳ là một hình mẫu của thị trường tự do với những trục trặc cứ lặp đi lặp lại (nhất là các cuộc khủng hoảng do sự vị kỷ của con người gây ra). Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là nước Mỹ liên tục phát triển và khẳng định vị trí siêu cường của mình.

Nhìn suốt chiều dài lịch sử nhân loại, nhất là trong ba thế kỷ trở lại đây, Acemoglu và Robinson (trong tác phẩm Tại sao các quốc gia thất bại) cho rằng: “Có rất ít nghi ngờ rằng trong 50 năm, thậm chí 100 năm nữa, Hoa Kỳ và Tây Âu, dựa trên các thể chế kinh tế và chính trị dung nạp, sẽ giàu hơn, khả năng giàu hơn rất nhiều các nước thuộc tiểu vùng Sahara, Trung Đông, Trung Mỹ và Đông Nam Á”.

Nền kinh tế Hoa Kỳ dựa trên bốn lợi thế cơ bản gồm: kinh tế, thể chế, nguồn nhân lực và địa chính trị. Thể chế đã được thiết kế để tạo ra những cuộc đua minh bạch để cuối cùng tài năng hay các nguồn lực xã hội được khai thác và sử dụng hợp lý.

Mô hình phi tập trung với quyền tự chủ rất cao đến từng thị trấn nhỏ đã phát huy tác dụng. Các địa phương ở Mỹ luôn phải cạnh tranh quyết liệt với nhau trong điều kiện không có rào cản và ngày nay còn phải cạnh tranh với các nơi khác trên thế giới nên những quyết định hợp lý có lợi cho nhiều người vẫn thường xuyên được đưa ra thay vì hầu hết là các quyết định chỉ có lợi cho những nhóm nhỏ.

Sức cạnh tranh hay sức hút của những trung tâm kinh tế của Mỹ như Boston, New York và Silicon Valley vẫn đang hết sức mãnh liệt. Đây chính là những cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế dựa trên tri thức hàng đầu thế giới này.

Một điểm rất quan trọng khác là các tổ chức xã hội được tự do phát triển và bắt rễ rất chắc ở Mỹ. Trụ cột này có vai trò hết sức quan trọng trong xã hội Mỹ. Các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng ở Mỹ rất đa dạng. Chỉ riêng số tiền đóng góp theo kiểu mạnh thường quân đã vào khoảng 2% GDP (gấp gần hai lần GDP của Việt Nam). Những nhà đại tư bản như Bill Gates, Warren Buffett và Mark Zuckerberg đã hiến phần lớn tài sản của mình cho xã hội.

Tư hữu là động lực phát triển của xã hội. Những nhà đại tư bản giàu có ở nước Mỹ hay trên thế giới có được những giá trị tài sản khổng lồ là nhờ việc tạo ra một giá trị lớn hơn rất nhiều cho nhân loại chứ không phải đi bóc lột của người khác. Hơn thế, họ đang dùng tài sản của mình để có những việc làm thiết thực cho sự phát triển của xã hội chứ không phải chỉ giữ khư khư cho mình.

Tuy nhiên, nền chính trị Hoa Kỳ hiện đang có vấn đề rất nghiêm trọng như Yasheng Huang đã phân tích: “Nền chính trị tiền bạc ở Mỹ là một vấn đề rất lớn và quả thật nó đang khiến cho chế độ như một cỗ máy hỏng nặng, không còn vận hành trơn tru... Nó hỏng hóc chính là vì về cơ bản nó đối nghịch với dân chủ. Nền chính trị tiền bạc là hình thái lệch lạc của dân chủ. Nó phá hoại và làm mất giá trị một trụ cột chuẩn mực của dân chủ - một người một phiếu”.

Thêm vào đó, bất bình đẳng gia tăng cũng là một vấn đề nghiêm trọng khác của Mỹ. Những người giàu đang có được phần nhiều hơn trong miếng bánh xã hội. 1% số người có thu nhập cao nhất của Mỹ chiếm đến 18,3% tổng thu nhập; và trong giai đoạn 2009-2012, thu nhập của nhóm này tăng đến 31%, trong khi 99% còn lại chỉ tăng 1% và 90% thu nhập bị giảm.

Sự giằng co trong các vấn đề liên quan đến luật bảo hiểm y tế mới của Mỹ mà nó có lợi cho hầu hết người nghèo hay sự cực đoan đến mức đề xuất cấm cửa những người theo đạo Hồi ở Mỹ của ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 sắp tới cho thấy những vấn đề của nước Mỹ.

Mô hình các nước Bắc Âu
Chỉ có khoảng 25 triệu người nằm ở các rẻo đất hẹp, nhưng mô hình nhà nước phúc lợi ở các nước Bắc Âu rất được chú ý. Trong gần như tất cả các xếp hạng về mức độ phát triển của các quốc gia trên thế giới, nhìn chung họ đều thuộc nhóm có vị thứ cao nhất.

Nghiên cứu vào năm 2007 của Viện Nghiên cứu kinh tế Phần Lan đã chỉ ra rằng: “So sánh một cách tổng thể với các nước khác, các nước Bắc Âu tốt hơn khi kết hợp hiệu quả kinh tế và tăng trưởng với thị trường lao động nhân bản, phân phối thu nhập công bằng và cố kết xã hội. Mô hình này tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều người tìm kiếm một hệ thống kinh tế - xã hội tốt hơn... Ở chiều ngược lại, điều làm cho nhiều người ngạc nhiên là tại sao các nước Bắc Âu có thể trở nên thịnh vượng và tăng trưởng tốt với các khuyến khích kinh tế được xem là yếu đi cùng với thuế suất rất cao, một hệ thống an sinh xã hội hào phóng và chế độ phân phối bình quân”.

Theo logic thông thường, sưu cao thuế nặng (khoảng 50%) sẽ làm giảm động cơ làm việc của người lao động và phúc lợi xã hội cao mà không phải làm gì khiến người ta lười hơn. Tuy nhiên, người dân ở các nước Bắc Âu vẫn chăm chỉ làm việc để đưa quốc gia của họ đi đến phồn vinh. Các khoản thuế đang được sử dụng rất hiệu quả tạo ra một hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội hào phóng. Dường như chủ nghĩa tư bản vị kỷ và chủ nghĩa xã hội vị tha đang tồn tại ở đó.

Chính sách mỗi nước là rất khác nhau, nhưng tựu trung, có năm yếu tố then chốt tao ra sự thành công của các nước Bắc Âu gồm:
Thứ nhất, tuân thủ các quy luật của thị trường tự do. Trường phái ủng hộ thị trường tự do luôn có những vị trí quan trọng trong chính phủ. Sự phân bổ nguồn lực theo các quy luật của thị trường được tận dụng tối đa, các doanh nghiệp tư nhân có quyền cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung cấp của chính phủ.

Thứ hai, trọng dụng nhân tài. Ví dụ, ngay từ năm 1840, Thụy Điển đã bãi bỏ các ưu tiên cho tầng lớp quý tộc vào các chức danh của nhà nước và tạo ra một dịch vụ dân sự trọng dụng người tài và không có tham nhũng. Rất nhiều người tài đã vào làm việc tại khu vực công ở các nước này và đây được xem là vinh hạnh của họ.

Thứ ba, tính thực tế và ý chí sắt đá là nền tảng tạo ra một chính phủ minh bạch và trung thực. Khi phát hiện ra trục trặc thì cả hệ thống chính trị đã được huy động để tìm giải pháp và điều chỉnh sao cho hợp lý hơn. Các đồng thuận mới có thể thay thế những nguyên tắc cũ kỹ, lỗi thời một cách dễ dàng. Kết quả, mô hình phát triển luôn được điều chỉnh và cập nhật.

Thứ tư, vốn xã hội làm giảm chi phí giao dịch. Sự kết hợp của địa lý và lịch sử đã tạo ra hai nguồn vốn cực kỳ quan trọng trong xã hội đó là sự tin tưởng vào người lạ và niềm tin vào các quyền tự do cá nhân. Đây là vốn xã hội rất quý mà nó giúp giảm thiểu đáng kể các chi phí giao dịch - một rào cản rất lớn làm giảm hiệu quả kinh tế.

Thứ năm, tự chủ cá nhân là một trong những yếu tố then chốt. Sự kết hợp của một quy mô nhà nước lớn với chủ nghĩa cá nhân có vẻ gì đó phi lý đối với nhiều người, nhưng ở các nước Bắc Âu lại không phải là vấn đề lớn. Người dân ở đó cho rằng vai trò của chính phủ là thúc đẩy quyền tự chủ cá nhân và sự vận động của xã hội. Mỗi người được đeo đuổi những mục tiêu ưa thích của mình và không bị ràng buộc hay phụ thuộc vào người khác.

Công thức thành công của các nước Bắc Âu không có gì là bí mật. Tôn trọng các quy luật của thị trường tự do, tôn trọng tự do của các cá nhân và một nhà nước hữu hiệu vì lợi ích của người dân là chìa khóa thành công. Tuy nhiên mô hình này rất khó bắt chước. Hơn thế, mô hình này hiện đang gặp nhiều thách thức với tiến trình toàn cầu hóa, người nhập cư gia tăng làm cho tính đồng nhất trong xã hội ở các nước này giảm đi.

Tóm lại, CNTB đang vận động và tiến hóa để tạo dựng những xã hội hay cộng đồng ngày một văn minh và nhân văn hơn. Tư hữu là động lực của sự phát triển và tiến bộ nhân loại. Do vậy, để có thể trở nên phát triển, Việt Nam cần nhìn nhận vấn đề này một cách biện chứng.

Huỳnh Thế Du

NguồnThời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 10/01/2016 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/140774/Can-nhin-nhan-mot-cach-bien-chung-ve-chu-nghia-tu-ban.html

4 cách tăng cường bảo mật cho iPhone và iPad

(PCWorldVN) Không cần cài đặt bất kỳ ứng dụng từ hãng thứ ba nào, bạn vẫn có thể tăng độ bảo mật cho chiếc điện thoại của mình bằng những tính năng có sẵn trong hệ điều hành iOS.

iPhone và iPad là những thiết bị di động nên rất dễ bị thất lạc hay thậm chí bị mất trộm. Điều này thực sự trở nên nguy hiểm khi một người nào đó thấy được dữ liệu cá nhân quan trọng trong thiết bị của bạn. Nhưng với các tính năng đặc biệt được tích hợp sẵn trên thiết bị di động iOS này, người dùng có thể tăng cường tính bảo mật mà không cần cài đặt thêm bất kỳ ứng dụng từ hãng thứ ba nào.
Sử dụng mật mã 6 chữ số
Trên phiên bản iOS 9, Apple đã cho phép người dùng đặt mật mã (passcode) có độ dài 6 chữ số để mở khóa một thiết bị, thay vì mặc định 4 chữ số như trước kia. Đây được xem là một giải pháp giúp người dùng có thể tăng mức độ bảo mật của thiết bị, tránh việc truy cập trái phép bởi người khác.
Để kích hoạt và sử dụng mật mã, bạn hãy truy cập vào mục Settings > Touch ID and Passcode, sau đó nhấn tiếp Turn Passcode On và nhập vào mật mã 6 chữ số tùy ý.
Tăng cường tính bảo mật cho iPhone
 Người dùng có thể nhập mật mã dạng chữ, dạng số hay dạng 4 chữ số thông thường.
Bên cạnh đó, người dùng còn có thể tăng độ mạnh của mật mã bằng cách thiết lập mật mã dạng chữ, hoặc mật mã dạng số nhưng dài hơn 6 chữ số hay thậm chí đưa về dạng mật mã 4 chữ số thông thường bằng cách nhấn vào mục Passcode Options.
Ngoài ra, nếu bạn đã kích hoạt chế độ Touch ID thì việc sử dụng mật mã 6 chữ số còn giúp bạn mở khóa thiết bị trong những trường hợp cảm biến vân tay không thể nhận dạng dấu vân tay của bạn.

Vô hiệu hóa Control Center trên màn hình khóa.
Chỉ cần kích hoạt chế độ máy bay (Airplane mode) thông qua Control Center ngay trên màn hình khóa, một hacker hay thậm chí một người dùng nào đó am hiểu về iOS cũng có thể truy cập vào iPhone của bạn hoặc thoải mái vô hiệu hóa mật mã trên thiết bị mà không lo bị phát hiện. Bởi vì, sau khi kích hoạt chế độ máy bay, bạn không thể theo dõi thiết bị của mình bằng tính năng Find my iPhone.
Do đó, để vô hiệu hóa Control Center trên màn hình khóa, bạn hãy truy cập Settings > Control Center, sau đó trượt thanh kích hoạt sang chế độ Off của mục Access on Lock Screen.
Tăng cường tính bảo mật cho iPhone
Trang thiết lập Control Center

Vô hiệu hóa tính năng theo dõi vị trí
Ít người dùng iOS biết rằng, tính năng theo dõi vị trí luôn được kích hoạt để xác định vị trí của họ thông qua GPS mỗi khi truy cập vào mạng Wi-Fi công cộng hay mạng 3G. Bằng cách này, hệ thống sẽ hiển thị thông tin khu vực xung quanh và nhanh chóng đưa ra những đề xuất có ích cho người dùng.
Tuy nhiên, để tăng tính bảo mật cũng như tránh bị lộ những thông tin riêng tư, bạn nên vô hiệu hóa tính năng này bằng cách truy cập Settings > Privacy > Location Services, sau đó bạn trượt thanhLocation Sevices sang chế độ Off.
Tăng tính bảo mật cho iPhone
Location Services sẽ "theo dõi" vị trí của bạn.
Việc này sẽ ngăn một số ứng dụng cần đến tính năng định vị như Google Maps hoạt động. Ngoài ra, bạn cũng có thể vô hiệu hóa tính năng này cho từng ứng dụng cụ thể bằng cách nhấn vào ứng dụng mình muốn rồi nhấn chọn Never.
Tăng tính bảo mật cho iPhone
Rất nguy hiểm nếu như một trong số ứng dụng được cài thêm vào thu thập thông tin vị trí của bạn.

Kích hoạt Find My iPhone
Cuối cùng, ngoài việc tăng cường bảo mật bằng những cách trên, bạn cũng nên kích hoạt tính năngFind My iPhone để có thể nhanh chóng xác định vị trí thiết bị iOS của mình trong trường hợp bị thất lạc hay thậm chí mất trộm. Điều này không chỉ để thu hồi điện thoại iPhone hay máy tính bảng iPad, mà còn giúp bạn bảo vệ cũng như lấy lại dữ liệu quan trọng của mình.
Để kích hoạt Find My iPhone, bạn chỉ cần truy cập Settings > iCloud, sau đó nhấn chọn Find My iPhone và trượt thanh kích hoạt sang chế độ On.
Find my iPhone
Kích hoạt Find My iPhone.

Đức Tiến

Nguồn: Tạp chí Thế Giới Vi Tính - PC World VN, ngày 11/01/2016 truy cập từ http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/lam-the-nao/2016/01/1245620/4-cach-tang-cuong-bao-mat-cho-iphone-va-ipad/

Cuộc chiến dầu lửa đang ở đâu?

Cuộc chiến hạ giá dầu giữa Arập Xê Út và Mỹ đã diễn ra được gần hai năm. Mặc dù chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhưng đôi bên đều đã “trọng thương”.
cuoc chien dau lua dang o dau

“Kẻ đi săn” bị thương

2015 là năm mà người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới hài lòng khi thấy giá xăng dầu giảm mạnh. Chỉ riêng tại Arập Xê Út, trong năm qua, giá xăng dầu đã tăng lên gần gấp đôi – đang từ 0,50 riyal nhảy vọt lên thành 0,90 riyal – tương đương với khoảng 0,29 USD một lít dầu diesel. Đơn giản là vì chính quyền Ryad đã buộc phải ngưng trợ cấp xăng dầu cho dân.

Không chỉ có xăng dầu, năm tới thần dân của nhà vua sẽ còn phải trả điện, nước, thuê nhà với cái giá đắt hơn, bởi vì thu nhập từ dầu hỏa của Riyad năm 2015 giảm đi mất 82 tỷ USD. Cũng năm 2015, ngân sách trợ giá năng lượng của vương quốc vùng Vịnh này lên tới 61 tỷ USD, trong đó gần một nửa là dành để giúp cho người dân thoải mái mua xăng, dầu.

Nhưng nếu như chính quyền của nhà vua Salman “hy sinh” chính sách trợ giá xăng dầu, thì ngược lại các khoản trợ cấp xã hội tại Arập Xê Út trong năm qua- ước tính khoảng từ 100 đến 150 tỷ USD- vẫn được duy trì, bởi vì Riyad không quên rằng, chính những khó khăn kinh tế đã dẫn tới các cuộc nổi dậy từ ở Tunisia tới Ai Cập, Syria, Libya hồi năm 2011.

Trong lúc nguồn thu nhập sụt giảm thì các khoản chi tiêu quân sự của Riyad lại không ngừng gia tăng trong bối cảnh Trung Đông đang “dầu sôi lửa bỏng”: theo thẩm định của một số chuyên gia quân sự, kể từ khi dẫn dầu liên minh Arập can thiệp tại Yemen, mỗi tháng Arập Xê Út phải tốn khoảng 1,5 tỷ USD. Ngân sách an ninh quốc phòng trong năm nay, chiếm 25,4 % các khoản chi tiêu công cộng của Arập Xê Út, tăng 17 % so với tài khóa 2015.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm trong năm 2015 cùng với Trung Quốc và Nga Arập Xê Út là một trong ba nước đã chi ra nhiều nhất để mua vũ khí và trang thiết bị quân sự.
Cái khó đặt ra với chính quyền Riyad là giá dầu trên thị trường quốc tế đang từ 110 USD/thùng vào tháng 6/2014 đã rơi xuống còn chưa đầy 40 USD vào những ngày cuối cùng tháng 12/2015. Cho dù vẫn còn làm chủ một khoản dự trữ ngoại tệ trên dưới 700 tỷ USD nhưng vua dầu hỏa bắt đầu phải trả giá cho những tính toán chiến lược do chính mình vạch ra. Riyad bắt đầu mệt mỏi vì chiến lược dầu hỏa do chính mình áp đặt.

“Con mồi” trúng đạn

Điều khó hiểu là cho dù đang phải đi vay và hai năm liên tiếp bị bội chi ngân sách Arập Xê Út vẫn không có ý định giảm lượng xuất khẩu dầu hỏa để đẩy giá vàng đen trên thị trường quốc tế lên cao theo luật cung cầu. Theo phân tích của chuyên gia về địa chính trị người Pháp Philippe Sébille Lopez, Riyad gồng mình hứng chịu hậu quả kinh tế do chính mình đặt ra để loại bớt một số các mối cạnh tranh- Mỹ, Canada, Nga, Iran. Luận điểm này được các vương quốc trong vùng Vịnh tán đồng.

Với giá dầu ở mức 36 USD một thùng, một số các nhà sản xuất phải giảm lượng cung cấp trên thị trường, thậm chí là phải đóng hẳn một số giếng dầu. Bởi vì giá thành quá cao so với giá dầu trên thị trường. Đó là trường hợp của những hãng dầu Mỹ vừa mới nhập cuộc trên thị trường dầu đá phiến. Như vậy có nghĩa là về lâu dài, chỉ có khai thác dầu hỏa của các nước vùng Vịnh là còn có lãi. Bởi vì các nước trong vùng Vịnh, đứng đầu là Arập Xê Út có giá thành rất thấp, chưa tới 10 USD một thùng. Điều đó có nghĩa là, nếu như giá dầu trên thế giới chỉ còn 20 USD/thùng, Riyad vẫn có thể sản xuất dầu và xuất khẩu dầu hỏa. Không một quốc gia nào có được giá thành thấp như Arập Xê Út.

Nói cách khác, dầu của Trung Đông vẫn sẽ tràn ngập thị trường và trong tương lai, vùng Vịnh vẫn đóng một vai trò trọng yếu. Ngược lại, dầu thô khai thác từ Bắc Hải chẳng hạn sẽ trở nên quá đắt đỏ (26 USD/thùng). Giá thành của một thùng dầu đá phiến ở Mỹ hay Canada là khoảng 65USD. Tựu trung, hiện tượng giá dầu giảm mạnh đang phác họa lại bản đồ của các nguồn cung cấp. Nhưng trong mọi trường hợp, dầu hỏa của Trung Đông vẫn còn áp đảo thị trường của thế giới.

Tính toán của Riyad loại bớt các đối thủ không phải là không có cơ sở: khi biết rằng để có lãi, dầu đá phiến sản xuất tại Mỹ phải được bán ra với giá tối thiểu là 50 USD/thùng. Dưới ngưỡng tối thiểu đó, các hãng dầu của Mỹ không thể đầu tư thêm để tìm kiếm hay khai thác thêm các giếng dầu mới.

Theo thẩm định của tập đoàn quản lý các dịch vụ liên quan đến ngành dầu khí Baker Hughes, trong năm 2015 đã có hơn 1000 giếng dầu ở Mỹ phải đóng cửa, sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ trong tháng 11/2015 đã giảm đi 93.000 thùng mỗi ngay, để chỉ còn 5,12 triệu thùng mà thôi. Theo Cơ quan Thông tin về Năng lượng Mỹ, đây là mức thấp nhất kể từ khi nước Mỹ bắt đầu phát triển công nghệ khai thái dầu đá phiến.
Giáo sư kinh tế Philippe Chalmin tại đại học Paris –Dauphine, nhấn mạnh tới những tính toán của Arập Xê Út trên bàn cờ năng lượng: “Sở dĩ mức cung đã tăng lên trên thị trường, do trong suốt thời gian từ năm 2006 đến 2014, giá dầu hỏa đã tăng cao. Trong chu kỳ đó, các nước sản xuất đã thi nhau đầu tư vào hạ tầng cơ sở, vào kỹ nghệ thăm dò, khai thác, lọc dầu. Nhiều giếng mới được đưa vào hoạt động. Từ đó dẫn tới hiện tượng đầu tư ồ ạt. Mà hậu quả tiếp theo là dư thừa sản xuất trong lúc sức mua vào của những nguồn tiêu thụ dầu thô lớn trên thế giới thì đã bão hòa hay nói đúng hơn là tăng không nhanh như mong đợi, do hoạt động kinh tế tại một số nơi,- chẳng hạn như của nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy lại bị chựng lại. Trên nguyên tắc trong trường hợp này, Arập Xê Út và các nước vùng Vịnh cần điều chỉnh lượng sản xuất để giữ giá dầu trên thị trường quốc tế. Nhưng Riyad đã không giảm mức sản xuất mà ngược lại còn cứ tiếp tục mở vòi dầu hỏa. Khi giá dầu xuống quá thấp, dầu của Mỹ hay Canada, của một số các nước châu Phi không đủ sức cạnh tranh với dầu của Arập Xê Út”.

Số phận của kẻ đi săn?

Dù vậy theo giáo sư Chalmin chiến lược của Riyad cũng đầy rẫy rủi ro. Trong báo cáo gần đây, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs chờ đợi giá dầu sẽ đụng đáy ở mức khoảng 18 USD/thùng. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự phóng nếu giá dầu tiếp tục giảm với nhịp độ như hiện tại thì từ nay tới năm 2020 gối dự trữ ngoại tệ của Arập Xê Út sẽ tiên tan. Chuyên gia Lopez cho biết thêm: “Tình huống này chẳng có lợi cho bất kỳ một ai. Arập Xê Út đã thất thu 100 tỷ USD, Kowait mất hơn 30 tỷ. Nếu như hai vương quốc này đủ sức chịu đựng thì ngược lại những nước như Venezuela, Nigeria, Angola và rất nhiều các nước châu Phi khác thực sự điêu đứng. Bởi vì những nước đó không có nhiều dự trữ ngoại tệ, và không có nguồn thu nhập nào khác ngoài dầu hỏa. Về phía các nước tiêu thụ dầu hỏa, như châu Âu chẳng hạn nếu giá dầu cứ tiếp tục giảm thì họ có lợi trong ngắn hạn, nhưng về lâu về dài, giá dầu sẽ tăng lại. Chừng đó các nước này phải tính sao đây?

Liệu chính quyền Riyad có thể giữ được chiến lược dầu hỏa đó tới khi nào. Arập Xê Út vừa thông báo tăng 70% giá điện nước trong năm 2016. Đây thực sự là một gánh nặng đối với một phần lớn dân chúng vốn có thói quen trông chờ vào các khoản trợ giúp của nhà vua. Lại cũng Riyad đang chuẩn bị đánh thuế trị giá gia tăng… để lấp đầy công quỹ.

Trong 40 năm qua, các thế hệ lãnh đạo ở Riyad liên tiếp đã dùng lá bài dầu hỏa để đổi lấy ổn định trong xã hội, bảo vệ ngai vàng. Giờ đây vương quốc này lại dùng dầu hỏa để triệt hạ bớt các mối đe dọa tiềm tàng.

Giới phân tích cho rằng, nếu không khéo, tính toán của Arập Xê Út để loại các đối thủ trên thị trường sản xuất dầu hỏa – mà đứng đầu là Iran, các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ và kể cả các đại gia dầu khí của Nga, lại có nguy cơ dẫn tới bất ổn xã hội ngay trên vương quốc vùng Vịnh này. 



















































































































Nh.Thạch
Nguồn:(Theo AFP. AP, Reuters)

Nguồn: Petrotimes, ngày 11/01/2016 truy cập từ http://petrotimes.vn/cuoc-chien-dau-lua-dang-o-dau-371291.html