(TBKTSG) - Ở Việt Nam, cứ bốn người trưởng thành (25-64 tuổi) có một người mắc bệnh cao huyết áp và con số này đang tiếp tục tăng lên. Bài viết dưới đây mang lại vài lời khuyên nhằm giảm tác hại của “căn bệnh quốc gia” này.
“Người ta thật dễ lâm vào mê hồn trận được gây ra bởi tin tức hàng ngày về sức khỏe và dược phẩm. Hôm nay báo này viết cà phê có lợi thế này, nhưng ngày mai báo nọ lại nói nó làm mất ngủ rồi gây bệnh”.
Bên trên là câu mở đầu của một bài viết gần đây đăng trên tạp chí mạng Slate của TS. Marc Siegel, giáo sư y khoa thuộc Trung tâm Langone, Đại học New York, Mỹ.
Ông viết rằng mới hôm nay bệnh dịch nguy hiểm nhất được khẳng định không gì khác hơn là Ebola, thì hôm sau đã chuyển qua vi khuẩn West Nile. Đó là vì tin tức về sức khỏe đến rồi đi dưới góc nhìn phiến diện của truyền thông, ông giải thích.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng lại có vài công bố y học khiến ông và nhiều đồng nghiệp phải thay đổi cách thức hành nghề. Điển hình, theo TS. Siegel, là một công trình về cao huyết áp vừa được công bố.
Ông cho rằng lâu nay các bác sĩ và bệnh nhân của họ cứ tự hỏi con số huyết áp lý tưởng là bao nhiêu đối với người có nguy cơ nhồi máu cơ tim và xuất huyết não. Các lý thuyết lẫn hướng dẫn thực hành đều nói rõ rằng phải giữ huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) của người bệnh dưới 140mm thủy ngân.
Siegel cho biết cứ ba người Mỹ thì có một người cao huyết áp, và người Mỹ nào cũng có [ít nhất] một người thân bị bệnh này. Thành ra, đây là bệnh của cả xứ (giống Việt Nam ghê!). Tuy nhiên, chỉ phân nửa số bệnh nhân bị chẩn đoán cao huyết áp được theo dõi điều trị (lại giống y chang Việt Nam). Theo số liệu của CDC (Trung tâm Phòng chống bệnh), mỗi năm có khoảng 800.000 người Mỹ bị xuất huyết não.
Công trình làm vị bác sĩ thay đổi cách nhìn như đề cập ở trên do Sprint, một cơ quan chuyên nghiên cứu các can thiệp vào huyết áp, thực hiện. Kết quả nghiên cứu trên 9.000 bệnh nhân cao huyết áp khắp nước Mỹ từ năm 2010-2013 cho thấy khi huyết áp được kéo xuống 120mm thay vì 140mm (mức được xem là bệnh cao huyết áp), thì bệnh nhân có ít hơn 30% nguy cơ suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, và giảm 25% nguy cơ mất mạng. Nghiên cứu được tiến hành ở các bệnh nhân có tuổi trung bình 68.
Theo kinh nghiệm của chính TS. Siegel, bệnh nhân cao huyết áp thường e ngại khi phải dùng thuốc vì các tác dụng phụ như choáng váng, bất lực và mệt mỏi kéo dài, khiến các phương án điều trị không phát huy được tác dụng tối đa. Tuy việc thay đổi thói quen ăn uống, tập thể dục và ngăn ngừa tăng cân là những biện pháp hàng đầu, nhưng sử dụng thuốc là điều không thể tránh khỏi với nhiều người.
“Giờ đây khi biết rằng có sự khác biệt đáng kể giữa hai số đo huyết áp tâm trương 140mm và 120mm trong các bệnh nhân của tôi, tôi sẽ chủ động hơn nhiều khi thuyết phục họ phải tìm cách hạ thấp số đo huyết áp”, TS. Siegel viết.
Huyết áp hơi cao cũng có thể trở thành vấn đề
Một công trình tổng hợp các nghiên cứu đã thực hiện cũng cho thấy người có huyết áp cao hơn mức bình thường - dù chưa phải cao huyết áp - vẫn có nguy cơ bị đột quỵ do chảy máu não (stroke) nhiều hơn, một bài báo của Reuters cho biết.
Huyết áp được thể hiện qua hai con số, huyết áp tâm thu (khi tim co bóp) và huyết áp tâm trương (khi tim dãn ra). Hai chỉ số này ở người bình thường là 120mm và 80mm. Nếu trên 140mm và 90mm thì bị xem là cao huyết áp. Các số đo ở giữa các ngưỡng này được xem là tiền cao huyết áp (prehypertension).
Reuters dẫn một bài viết trên Journal of Neurology (tạp chí Thần kinh học) của TS. Yuli Huang thuộc Đai học Y khoa Miền Nam, Quảng Đông, Trung Quốc, cho biết các nghiên cứu trước đây thường chú ý đến các trường hợp đột quỵ với các số đo tiệm cận với cao huyết áp, chứ ít chú ý đến trường hợp chỉ cao hơn mức an toàn chút ít. Tuy nhiên, sau khi tổng hợp 19 nghiên cứu với hơn 762.000 người khắp thế giới, nhóm của TS. Huang thấy rằng người thuộc nhóm tiền cao huyết áp vẫn có 66% nguy cơ đột quỵ cao hơn so với người bình thường.
Ông phân biệt hai nhóm gồm “tiền cao huyết áp thấp” (có số đo từ 120/80mm đến 129/84mm) và “tiền cao huyết áp cao” (từ 130/85mm đến 139/89mm) và nhận thấy nhóm đầu có 44% nguy cơ đột quỵ cao hơn so với người bình thường trong khi nhóm thứ hai có nguy cơ cao hơn đến 95%.
Theo số liệu của bệnh viện Cleveland Clinic ở bang Ohio, Mỹ, đàn ông ở khoảng tuổi 60 có xác suất 11% bị đột quỵ trong vòng 10 năm. Có 44% nguy cơ cao hơn có nghĩa là xác suất sẽ tăng lên 16%.
Như vậy, ngay cả trong giai đoạn tiền cao huyết áp, các bác sĩ cũng cần khuyến khích bệnh nhân của mình thay đổi lối sống, bao gồm thay đổi thói quen ăn uống và siêng năng luyện tập thể dục, thể thao.
Nên tự theo dõi huyết áp của mình
Theo một bài báo khác của Reuters, nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy bệnh nhân cao huyết áp chủ động theo dõi huyết áp và điều chỉnh thuốc của mình theo chỉ dẫn can thiệp chi tiết của bác sĩ có thể làm giảm các số đo huyết áp tốt hơn so với người chỉ dựa vào nhân viên y tế đo huyết áp và cho thuốc định kỳ.
Biện pháp can thiệp bao gồm lập ra kế hoạch chi tiết với bác sĩ, trong đó bệnh nhân tự đo huyết áp hàng ngày và điều chỉnh thuốc của mình theo như chỉ dẫn. Sau một năm, biện pháp mới này đã giúp bệnh nhân quản lý tốt hơn huyết áp của mình, đồng thời hạ thấp các số đo huyết áp.
Nghiên cứu nói trên được khảo sát từ 552 bệnh nhân cao huyết áp với tiền sử đã có bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tiểu đường và thận. Phân nửa số bệnh nhân tham gia được hướng dẫn can thiệp chi tiết, trong khi nửa còn lại giữ như cũ, nghĩa là đo huyết áp và lấy thuốc định kỳ tại cơ sở điều trị.
Vào đầu cuộc nghiên cứu, huyết áp trung bình của tất cả bệnh nhân là 144/80mm. Một năm sau đó, những người tự theo dõi huyết áp và điều chỉnh thuốc dùng liều thuốc cao hơn, trung bình cần 3,3 liều mỗi ngày so với 2,6 liều của nhóm đối chứng không tự theo dõi huyết áp. Cả hai nhóm đều có huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) thấp hơn sau một năm thử nghiệm. Tuy nhiên, số đo của nhóm đầu (nhóm tự theo dõi huyết áp) thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng, trung bình là 128mm so với 138mm của nhóm sau.
“Sự khác biệt quan sát được trong nghiên cứu này rất có ý nghĩa”, TS. Steven Nissen, thuộc Bệnh viện Cleveland Clinic, nhận đinh. Theo ông, bất kỳ sự tụt giảm từ 2 hay 3mm trở lên đã là đáng kể. Vì thế, dù rằng kết quả nghiên cứu không thể kết luận ngay rằng nhóm theo dõi tích cực có tránh được đột quỵ tốt hơn hay không, huyết áp thấp hơn thường dẫn đến kết quả tốt hơn về lâu về dài.
Tuy nhiên, TS. Nissen cảnh báo rằng không phải ai cao huyết áp cũng có thể tự theo dõi huyết áp và điều chỉnh thuốc cho mình. Bệnh nhân cần trao đổi cẩn thận với bác sĩ điều trị về vấn đề này và không nên “tự làm bác sĩ cho mình”.
Quỳnh Thư
Nguồn: Thời Báo Kinh tế Sài Gòn ngày 22/10/2015 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/137038/Hay-de-y-den-huyet-ap-cua-minh.html.