Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Mở cuốn sách bí mật sự sống

TTCT - Cuộc đua tìm kiếm cấu trúc của ADN đầu những năm 1950 diễn ra ít nhất giữa bốn nhóm nghiên cứu tại các trường đại học nổi tiếng, đó là Linus Pauling ở Viện Công nghệ California, Maurice Wilkins và Rosalind Franklin ở Đại học King’s College London, James D. Watson cùng Francis Crick ở phòng thí nghiệm Cavendish, Đại học Cambridge.
 
Rất nhiều ứng dụng trong y sinh học xuất phát từ khám phá ADN - Ảnh: Science Daily

Đại cao thủ từ nước Mỹ
 
Trước đó, nhà hóa học danh tiếng Linus Pauling, giải Nobel hóa học năm 1954 và Nobel hòa bình năm 1962 (người duy nhất được hai giải Nobel nguyên vẹn cho đến nay), đã vượt lên nhóm các nhà khoa học ở Cambridge khi khám phá ra một số phân tử protein có cấu trúc xoắn.
 
Khi Pauling gửi đăng một bài báo khoa học để xuất bản vào đầu năm 1953, trong đó ông cho rằng cấu trúc của ADN là xoắn ba (có thể hình dung sơ bộ như kiểu bện thừng hay tóc tết đuôi sam) thì trưởng phòng thí nghiệm Cavendish đã thấy được sự cấp bách nên cho phép Watson và Crick được dành toàn thời gian để nghiên cứu cấu trúc ADN.
 
Trong giả thiết của Pauling, ADN không chỉ có cấu trúc xoắn ba, mà các bazơ còn hướng ra ngoài. Điều này không chính xác, như sẽ thấy sau này. Nhưng rõ ràng Pauling đã rất gần đích đến. Với trí tuệ siêu việt, chắc chắn Pauling sẽ nhìn ra sai sót của mình để hiệu chỉnh. Watson và Crick biết rất rõ điều này và ước tính Pauling sẽ chỉ cần sáu tuần để hoàn thành việc đó. Vì thế, họ phải chạy nếu muốn vượt lên, phần vì nhìn thấy sự quá gấp gáp của cuộc đua tranh, phần vì viễn cảnh chiến thắng nhà bác học nổi tiếng là vô cùng hấp dẫn.
 
Điều bất lợi lớn của Pauling là ông không có các dữ liệu về nhiễu xạ tia X để từ đó phán đoán cấu trúc của ADN. Những dữ liệu thực nghiệm này lúc đó nằm ở King’s College London. Tuy nhiên, năm 1952, Wilkins và trưởng phòng thí nghiệm ở King’s College đã từ chối cho Pauling xem các bức ảnh nhiễu xạ đó.
 
Sau đó, ông lên kế hoạch sang London dự một hội thảo khoa học, dường như để tiếp cận các bức ảnh nhiễu xạ này qua các trao đổi cá nhân, thì rủi thay Ủy ban điều tra về các hoạt động không trung thành với nước Mỹ của nghị viện (House Un-American Activities Committee) đã không cho phép ông đến London dự hội thảo, do trước đó ông đã tham gia các hoạt động phản đối chiến tranh.
Bức ảnh nhiễu xạ tia X số 51 nổi tiếng của Franklin cho biết cấu trúc của ADN

Câu chuyện ở King’s College
 
Trong khi đó, ở King’s College London, câu chuyện về việc đua tranh tìm ra cấu trúc của ADN đang diễn ra rất gay cấn giữa Wilkins và Franklin. Tuy là đồng nghiệp nhưng do không hòa hợp với nhau, xuất phát từ cá tính khác nhau và sự phân công công việc không rõ ràng của John Randall, giám đốc phòng nghiên cứu vật lý - y sinh, nên Wilkins và Franklin đã làm thực nghiệm về nhiễu xạ tia X của ADN độc lập với nhau.
 
Trước đó, từ tháng 5-1950, Wilkins và Raymond Gosling đã làm thực nghiệm về đo nhiễu xạ tia X với ADN và thu được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, sau khi Franklin chuyển đến, Randall lại phân công Franklin phụ trách việc này, đồng thời hướng dẫn Gosling tiếp tục công việc. Như vậy Randall đã chỉ định Franklin thay thế công việc của Wilkins mà không nói cho ông biết. Lý do vì Franklin được coi là chuyên gia duy nhất về nhiễu xạ tia X để nghiên cứu cấu trúc các phân tử sinh học trong nhóm vật lý - sinh học lúc đó.
 
Nhờ có kỹ năng tốt về thực nghiệm và cải thiện được kỹ thuật chuẩn bị mẫu nên Franklin thu được những kết quả rất tốt. Nhưng khi Wilkins hỏi về cách cải thiện kỹ thuật chuẩn bị mẫu, Franklin đã từ chối và tỏ ra mình mới là người giỏi hơn, tạo ra căng thẳng trong quan hệ cá nhân của hai người.
 
Với những kết quả thực nghiệm mới, Franklin phát hiện tùy theo mức độ ngậm nước, ADN tồn tại hai dạng A và B. Khi ướt, ADN ở dạng A, mỏng và dài. Còn khi khô, ADN ở dạng B, mập và ngắn. Do mâu thuẫn cá nhân giữa Wilkins và Franklin khá căng thẳng nên Randall đã phải phân chia lại công việc: Franklin chọn dạng A, dạng có vẻ như giàu dữ liệu hơn, còn Wilkins tập trung vào dạng B, vì trước đó ông đã làm các nghiên cứu về ADN ở dạng này.
 
Wilkins, xuất phát từ các kết quả mình nghiên cứu trước đó, luôn cho rằng ADN có cấu trúc xoắn. Đến cuối năm 1951, nhóm nghiên cứu ở King’s College đã gần như chắc chắn ADN có cấu trúc xoắn. Tuy nhiên, sau khi chụp một ảnh nhiễu xạ bất đối xứng vào tháng 5-1952, Franklin đã nghi ngờ cấu trúc xoắn này và trêu chọc Wilkins bằng cách viết một “cáo phó” về cấu trúc xoắn của ADN. Tuy nhiên, chính Franklin đã thay đổi quan điểm sau khi có các kết quả đo đạc tiếp theo.
Cấu trúc ADN từ các nghiên cứu hiện đại

Câu chuyện ở Cambridge
 
Trong khi đó ở Cambridge, Watson và Crick đang bận rộn với việc xây dựng mô hình về cấu trúc phân tử ADN, phần lớn dựa vào sự mò mẫm và suy luận từ các giả định, dữ liệu và kết quả của nhóm nghiên cứu khác. Đến Cambridge năm 1951 khi mới 23 tuổi, Watson đã gặp Crick, lúc đó 35 tuổi, đang nghiên cứu về cấu trúc của protein. Đây dường như là cuộc gặp mặt định mệnh của họ.
 
Gần như ngay lập tức, cả hai đều chia sẻ nhận định rằng chính cấu trúc của ADN là câu hỏi lớn nhất của ngành sinh học lúc bấy giờ. Họ thường xuyên thảo luận và phản biện, bổ sung cho nhau hầu tìm ra cấu trúc của ADN. Và tất nhiên là tích cực theo dõi các kết quả thực nghiệm và công bố của các nhà khoa học khác.
 
Một trong những mốc quan trọng là năm 1952, trong một lần đến Cambridge, Erwin Chargaff, nhà hóa sinh của Đại học Columbia, đã giải thích cho Watson và Crick về kết quả thực nghiệm của mình rằng dù có tỉ lệ khác nhau trong các ADN khác nhau, nhưng các cặp phân tử nucleotide luôn cặp đôi và có tỉ lệ bằng nhau, đó là: adenine với thymine (A-T) và guanine với cytosine (G-C) (còn gọi là cặp đôi G-X trong phiên âm của nhiều tài liệu tiếng Việt).
 
Ngày 30-1-1953, Watson đến King’s College, mang theo bản thảo của bài báo Pauling gửi đăng, trong đó có mô tả về cấu trúc xoắn ba của ADN. Vì Wilkins, một người bạn của Watson, đi vắng, nên Watson đã đến gặp Franklin và thuyết phục hợp tác trước khi Pauling tìm ra sai sót của mình. Nhưng Franklin không bị thuyết phục, thậm chí nổi giận khi Watson cho rằng bà không biết cách khai thác dữ liệu. Không còn cách nào khác, Watson đành trở lại gặp Wilkins. Thông cảm với bạn, Wilkins đã cho Watson xem tấm ảnh nhiễu xạ tia X (số 51) của Franklin mà không hỏi ý kiến của bà.
 
Khi nhìn thấy tấm ảnh thực nghiệm này, ngay lập tức Watson tìm thấy thứ mình cần như ông kể lại: “Ngay khi nhìn thấy phổ nhiễu xạ, tôi há hốc mồm và tim đập thình thình” (1).
 
Trong khi đó, đến khoảng cuối tháng 2-1953, Franklin, bằng việc phân tích các bức ảnh nhiễu xạ của mình, đã đến rất gần đích về một cấu trúc đúng của ADN. Tuy nhiên, ở King’s College lúc đó Franklin bị phân biệt đối xử rất mạnh, có thể do cá tính của bà hoặc do bà là phụ nữ trong một môi trường học thuật đỉnh cao nhưng không khích lệ nữ giới tham gia.
 
Lúc đó, phụ nữ ở đây không được tham gia một số thảo luận khoa học và không được vào phòng ăn chung. Do đó bà quyết định chuyển đến Đại học Birkbeck. Trước khi đi, bà đã bàn giao lại các tấm ảnh nhiễu xạ của mình cho Wilkins, vì Randall muốn các nghiên cứu về ADN phải ở lại King’s College.
 
Cũng trong tháng 2-1953, Watson và Crick bắt tay vào xây dựng mô hình cấu trúc của ADN. Trên cơ sở các dữ liệu nhiễu xạ tia X của Wilkins và Franklin mà ông đã thấy và tham chiếu ý tưởng của các nhà khoa học khác, cấu trúc của ADN ngày càng rõ dần. Với Watson, những chấm nhiễu xạ tạo thành hình chéo này có nghĩa rằng ADN phải có cấu trúc xoắn kép.
 
Và bằng kiến thức về cấu trúc tinh thể, khi phân tích dữ liệu về tính đối xứng của tinh thể ADN, Crick biết rằng hai chuỗi xoắn đơn của ADN phải chạy theo hai chiều ngược nhau. Kết hợp với kiến thức về sự cặp đôi của các phân tử A-T và G-C trước đó, họ đã xây dựng được mô hình hoàn chỉnh về cấu trúc của ADN và mô tả chính xác cách thức liên kết, góc xoắn của chuỗi xoắn kép này.
Tìm ra cấu trúc xoắn kép của ADN giúp mở cuốn sách bí mật sự sống cho nhân loại - Ảnh: Nature.com

Eureka: Bí mật hé lộ!
 
Ngày 28-2-1953, Crick thông báo trong một quán rượu nhỏ rằng họ đã tìm ra “bí mật của sự sống”, nhưng mô hình về cấu trúc của ADN chỉ thật sự được họ hoàn thiện vào ngày 7-3-1953. Tuy nhiên, trước đó một ngày, bản thảo bài báo của Franklin về cấu trúc của ADN dạng A đã kịp đến tòa soạn Acta Crystallographica, tức là Franklin đã viết trước khi mô hình về cấu trúc ADN của Watson và Crick được dựng lên.
 
Ngày 18-3-1953, khi nhận được bản thảo về bài báo của Watson và Crick, chính là bài báo nổi tiếng đăng trên Nature, Wilkins đã trả lời: “Tôi nghĩ hai cậu đúng là một cặp cáo già, nhưng rất có thể các cậu sẽ có thu hoạch tốt từ vụ này (2)”. Và phán đoán của Wilkins đã đúng, khi Watson và Crick đã được trao giải Nobel năm 1962 cho khám phá này.
 
Câu chuyện về cấu trúc ADN như vậy đã rõ ràng. Vấn đề còn lại là công bố chính thức ra sao. Dưới sự thỏa thuận của các lãnh đạo phòng thí nghiệm và các tác giả, ba bài báo của nhóm Watson và Crick, Wilkins, Franklin được công bố đồng thời trong số tạp chí ra ngày 25-4-1953 của Nature. Theo đó, dường như bài báo của Watson và Crick được bố trí như là bài về lý thuyết, còn bài của Wilkins và Franklin như là các bài có tích cách thực nghiệm minh họa cho bài lý thuyết của Watson và Crick.
 
Trong bài báo của mình, Watson và Crick đã viết rằng: “Chúng tôi đã thấy rằng cách thức cặp đôi mà chúng tôi đề xướng ngay lập tức gợi mở một cơ chế nhân bản trong các vật liệu di truyền (3)”.
Như vậy, cấu trúc chuỗi xoắn kép do Watson và Crick tìm ra đã giải thích được cơ chế truyền thông tin di truyền trong các cơ thể sống. Sự cặp đôi của các phân tử bazơ cho biết cách thức thông tin được copy, còn trình tự các bazơ lại là đặc trưng nhận biết của chuỗi các amino axit trong protein. Kỳ diệu hơn, các phân tử ADN này có thể tách ra thành hai chuỗi xoắn đơn riêng biệt và sau đó nhân bản thành hai ADN giống hệt nhau. Cơ chế truyền tin trong tế bào, tức cơ chế di truyền, đã trở nên rõ ràng.
 
Sự tìm ra cấu trúc xoắn kép của ADN được ví như việc tìm ra định luật II trong cơ học của Newton. Đó thật sự là một cuộc cách mạng trong khoa học. Cuốn sách về bí mật sự sống lần đầu tiên được mở ra cho nhân loại.
 
Để ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học, giải Nobel y học năm 1962 đã được trao cho Watson, Crick và Wilkins. Franklin đã mất trước đó bốn năm do bị ung thư nên không được xét trao giải, nhưng đóng góp của bà cho việc khám khá cấu trúc của ADN có lẽ không hề nhỏ hơn ba nhà khoa học đã được nhận giải Nobel năm 1962.
 
ADN ngoại truyện
 
Ngoại truyện thứ nhất là công trình khám phá cấu trúc của ADN - một lĩnh vực thuộc ngành sinh học - lại được tiến hành phần nhiều bởi các nhà vật lý. Điều này không phải ngẫu nhiên vì trước đó cuốn sách Sự sống là gì? của Erwin Schödinger đã tạo cảm hứng, và phần nào dẫn dắt các nhà vật lý tham gia khám phá những bí mật của sự sống, tạo tiền đề cho sự ra đời của một ngành khoa học rất phát triển sau này, đó là ngành vật lý - sinh học (Biophysics).
 
Truyền thống này được tiếp nối mãi về sau, chẳng hạn Walter Gilbert, người đã chuyển từ nghiên cứu vật lý lý thuyết sang sinh học phân tử và đã được trao giải Nobel hóa học năm 1980 cho công trình nghiên cứu về cấu trúc và xác định trình tự ADN của mình.
 
Ngoại truyện thứ hai là vai trò của John Randall, giám đốc trung tâm nghiên cứu vật lý - y sinh nơi Walkins và Franklin làm việc. Ông là người chỉ đạo các nghiên cứu về cấu trúc của ADN. Như vậy, rõ ràng ông là người có tầm nhìn dẫn dắt và có đóng góp to lớn cho các nghiên cứu tìm ra cấu trúc ADN. Nhưng dường như công trạng của ông đã không được ghi nhận đúng mức trong việc này.
 
Ngoại truyện thứ ba có thể được coi như một góc khuất trong cuộc chạy đua khám phá cấu trúc ADN, liên quan đến vai trò của Franklin, vì đóng góp của bà dường như đã không được ghi nhận đúng mức. Trong bài báo của mình, Watson và Crick đã phủ nhận việc tham khảo kết quả thực nghiệm của Wilkins và Franklin trong việc xây dựng mô hình cấu trúc ADN (4).
 
Điều này bị nhiều nhà khoa học cho là không trung thực và khó chấp nhận, và thường xuyên bị nêu ra như một trường hợp cần thảo luận trong các khóa học về đạo đức khoa học. Ngoài ra, việc Wilkins cho Watson xem tấm ảnh nhiễu xạ số 51 của Franklin mà không được phép của bà liệu có phải là vi phạm đạo đức khoa học? Tại sao Wilkins lại làm vậy? Và nếu không có tấm ảnh này, liệu Watson và Crick có tìm ra cấu trúc của ADN?
 
Những câu hỏi này đã làm đau đầu các nhà nghiên cứu trong hàng thập kỷ và sẽ tiếp tục bị mổ xẻ. Nhưng lịch sử không lặp lại và không có chữ nếu, nên mọi câu trả lời được đưa ra chỉ là giả định. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, cho đến đầu năm 1953, trong cuộc đua rất gay cấn, cả bốn nhóm nghiên cứu đã rất gần đích đến, và vì thế việc khám phá cấu trúc của ADN sớm hay muộn thì cũng là một điều chắc chắn.
 
GIÁP VĂN DƯƠNG
___________
(1) Nguyên văn: The instant I saw the picture my mouth fell open and my pulse began to race - James D. Watson (1968), The Double Helix, trang 167.
(2) Nguyên văn: I think you’re a couple of old rogues, but you may well have something.
(3) Nguyên văn: It has not escaped our notice that the specific pairing we have postulated immediately suggests a possible copying mechanism for the genetic material. Cụm từ “It has not escaped our notice” được coi là một trong những câu nói giảm lớn nhất trong khoa học.
(4) Nguyên văn: We were not aware of the details of the results presented there when we devised our structure, which rests mainly though not entirely on published experimental data and stereochemical arguments.

Nguồn: Tuoi Tre Online (Tuổi Trẻ Cuối Tuần) ngày 21/05/2013 truy cập từ http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Cuoc-song-muon-mau/548916/mo-cuon-sach-bi-mat-su-song.html#ad-image-0.  

Bí ẩn gen di truyền

TTCT - Ngày 25-4-1953, tạp chí Nature nổi tiếng của Anh công bố liền ba bài báo khoa học về cấu trúc của ADN (deoxyribonucleic acid) (1).
 
Sự kiện này là một cuộc cách mạng trong ngành sinh học và y học, và được ví như việc con người bắt đầu mở được cuốn sách về bí mật của sự sống.
Ảnh: reproductive-revolution.com

Để ghi nhận công lao của các nhà khoa học đã khám phá ra cấu trúc của ADN, giải Nobel y học năm 1962 được trao cho các tác giả của công trình này. Đó là: Maurice H.F. Wilkins, James D. Watson và Francis H. C. Crick.
 
Việc tìm ra cấu trúc của ADN được ví như việc tìm ra định luật II về chuyển động của Newton. Kể từ đó, cấu trúc xoắn kép của ADN đóng vai trò trung tâm trong các nghiên cứu của hai ngành sinh học phân tử và y học, không chỉ làm nền tảng cho các nghiên cứu mà còn định hướng cho các cuộc thám hiểm khoa học mới, đặc biệt là trong việc tìm ra các thuốc chữa bệnh mới cho con người.
 
Nếu điểm lại tất cả các thành tựu trong hai ngành khoa học và y học thời gian vừa rồi ta sẽ thấy chỗ nào cũng có bóng dáng của ADN, từ nhân bản vô tính đến liệu pháp gen, đến tế bào gốc, xác định nguồn gốc sinh học... Tất cả có được đều nhờ vào việc khám phá ra cấu trúc của ADN.
 
Về mặt triết học, sự khám phá ra ADN cũng là lần đầu tiên thuyết giản lược (reductionism) lật đổ được thuyết lực sống (vitalism) một cách thuyết phục. Vì thế theo Victor McElheny, sử gia của Viện Công nghệ Massachusetts, ngày 25-4-1953 - tức ngày khám phá ra cấu trúc của ADN - là một ngày lịch sử của ngành sinh học và do đó là một ngày lịch sử của khoa học.
 
Đây cũng là lần đầu tiên luận điểm cho rằng con người là sản phẩm của hoàn cảnh - một luận điểm phổ biến trong thuyết duy vật lịch sử, bị chứng minh là khiếm khuyết. Vì ngoài việc bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, sự di truyền sinh học là có thật, không chỉ chứng minh được bằng thực nghiệm mà còn được dùng để nhận dạng sinh học, chữa bệnh, thậm chí để truy nguyên tìm hiểu nguồn gốc của nhận thức và bản ngã của con người.
 
Sự khám phá cấu trúc ADN, được coi như cuốn sách về bí mật của sự sống, đã tạo ra một xung lượng mới cho các nhà khoa học từ đủ các chuyên ngành khác như vật lý, sinh học, hóa học, toán học, khoa học máy tính, triết học, tâm lý học, giáo dục học... tin tưởng và dấn thân vào con đường khám phá các bí mật của sự sống, và đặc biệt là khám phá những bí ẩn của chính con người thông qua khoa học.
 
Đến ngày 14-4-2003, tức 50 năm sau khi khám phá cấu trúc của ADN, con người đã giải mã được bộ gen của mình, lập ra một danh sách gồm 3 tỉ ký tự di truyền của bộ gen người, tạo cơ sở cho hàng loạt khám phá và phát triển của y học, dược học. Ngày nay, bất cứ ai cũng có thể đăng ký giải mã bộ gen của mình với giá vài nghìn đôla. Như vậy, về mặt sinh học, con người đã đọc hết được cuốn sách bí mật về sự sống của chính mình. Việc còn lại là hiểu nó như thế nào và sử dụng những kiến thức đó sao cho hiệu quả và nhân bản.
 
Tính từ ngày tìm ra cấu trúc ADN thì đến nay là chẵn 60 năm. Theo quan niệm của phương Đông, đây là vừa tròn một vòng hoa giáp, kết thúc một chu kỳ cũ và mở ra một chu kỳ mới. Vậy chúng ta cùng nhân cái mốc 60 năm này để đọc lại câu chuyện về cuộc khám phá khoa học thú vị này (2).
 
Một câu hỏi ám ảnh
 
Những câu hỏi cơ bản về sự sống đã ám ảnh con người ngay từ khi họ ý thức được sự tồn tại của mình. Sự sống rõ ràng là một điều kỳ diệu, khác hoàn toàn với thế giới vô tri. Nhưng sự sống cũng là một bí ẩn. Vì thế “Đâu là bí mật của sự sống?” là một câu hỏi đầy ám ảnh.
 
Tùy thuộc tôn giáo và văn hóa bản địa, các dân tộc có cách trả lời câu hỏi này, trước hết về bí mật xuất thân của dân tộc mình, rất khác nhau. Chẳng hạn dân tộc Việt cho rằng mình là con rồng cháu tiên, được sinh ra bởi mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, trong một bọc trăm trứng. Dân tộc Nhật lại cho rằng mình là con cháu của nữ thần Mặt trời... Do đó những truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc ít nhiều đều có thể coi như một cách trả lời câu hỏi về nguồn gốc và bí mật sự sống, xét ở quy mô dân tộc. Và ngược lại, chính việc trả lời câu hỏi dân tộc mình được sinh ra như thế nào lại có thể được coi là một trong những nguyên nhân sâu xa nhất tạo nên các đặc trưng văn hóa của các dân tộc này.
 
Ở mức độ cá nhân, câu trả lời về nguồn gốc và bí mật của sự sống phụ thuộc phần nhiều vào đức tin và nhận thức. Người theo đạo Thiên Chúa cho rằng vạn vật là do Thiên Chúa tạo ra, và chính Chúa là người thổi hồn vào các vật vô tri để tạo ra sự sống. Người theo đạo Phật cho rằng sự sống là những vòng luân hồi nối tiếp theo nghiệp quả, vạn vật bình đẳng, bất sinh bất diệt. Còn nhà khoa học thì không hài lòng với những điều mặc định đó mà tìm cách truy tìm những bí mật của sự sống thông qua các bằng chứng thực nghiệm.
 
Nhưng công việc tìm kiếm bí mật sự sống bằng khoa học này quả thật không dễ dàng gì. Đến tận đầu thế kỷ 20, tri thức của con người về sự sống vẫn không hơn tri thức thời cổ đại bao nhiêu. Những bằng chứng khoa học về nguồn gốc và cơ chế di truyền sự sống vẫn vô cùng ít ỏi.
 
Con người dường như chạm phải một bức tường vô hình trong hành trình tìm hiểu chính bản thân mình, đặc biệt là trong việc tìm hiểu một trong các cơ chế hiển nhiên nhất - cơ chế di truyền. Thậm chí đến tận giữa thế kỷ 20, thuyết lực sống (vitalism) - hay còn gọi là thuyết sức sống, bắt nguồn từ thời Aristotle (384-322 trước Công nguyên), cho rằng sự sống không thể giải thích được hoàn toàn bằng vật chất - vẫn còn thịnh hành.
 
Thuyết này còn được sự ủng hộ của các triết gia lớn như Nietzsche, H.Bergson và W.Dilthey để phản đối chủ nghĩa duy vật và thuyết duy tâm của Kant (3). Xét riêng trong ngành sinh học thì thuyết này xét sự sống như một tổng thể và cho rằng không thể hiểu thấu đáo cơ chế của sự sống bằng cách phân tích. Ngược lại, những người theo thuyết giản lược (reductionism) trong sinh học thì lại cho rằng các quá trình cơ bản của sự sống hoàn toàn có thể hiểu được thông qua việc chia nhỏ và phân tích khoa học.
 
Bí ẩn gen di truyền
 
Cơ chế di truyền, nói nôm na là cơ chế sinh sản, từ lâu đã là mối bận tâm lớn của các nhà khoa học và triết học. Trong số các lý thuyết về sinh sản trước khi ngành di truyền hình thành thì thuyết lồng vào nhau cho rằng thành viên của các thế hệ kế tiếp được lồng vào nhau như những vòng tròn móc nối vào nhau, nên mang đặc tính giống nhau, là có vẻ chặt chẽ hơn cả (4). Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của thuyết này là không thể giải thích được sự tiến hóa trong giới sinh vật.
 
Còn nhớ G.J.Mendel (1822-1884) là người đầu tiên đề xuất về một cơ chế di truyền qua thí nghiệm về sự lai giống đậu Hà Lan năm 1865. Tuy nhiên, công trình của ông bị rơi vào quên lãng và chỉ được phát hiện lại bởi ba nhà khoa học độc lập Hugo de Vries, Carl Correns và Erich von Tschermak 35 năm sau đó. Kể từ đây, ngành di truyền học có những bước phát triển mới.
 
Đến những năm 1930, ý niệm về gen di truyền đã hình thành rõ nét và được chấp nhận trong giới sinh học. Nhưng gen là gì vẫn còn là một bí ẩn, vẫn là một khái niệm trừu tượng, được sử dụng làm công cụ tiện dụng cho việc giải thích các kết quả nghiên cứu về di truyền, còn bản chất của nó vẫn là một điều còn bỏ ngỏ.
 
Cho đến những năm đầu 1940, các nhà khoa học tin rằng gen chính là các protein. Nói cách khác, các phân tử protein là vật liệu di truyền. Tuy nhiên, trong bài báo kinh điển của mình công bố năm 1944, nhóm ba nhà khoa học Avery, MacLeod và McCarty (5) đã lần đầu tiên chỉ ra rằng vật liệu di truyền chính là các ADN.
 
Nhưng làm thế nào mà ADN, một loại phân tử vẫn bị coi là trơ, lại trở thành gen di truyền và nắm giữ bí mật của sự sống? Để trả lời được câu hỏi này, cần thiết phải khám phá bằng được cấu trúc của ADN. Đó chính là nhiệm vụ mà các nhà khoa học tự đặt ra cho mình từ nửa cuối thập niên 1940. Và một cuộc đua tìm kiếm cấu trúc của ADN đã bắt đầu, âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt.


Giải Nobel y học năm 1962 được trao cho ba nhà khoa học Francis Harry Compton Crick, James Dewey Watson và Maurice Hugh Frederick Wilkins đã “khám phá ra cấu trúc phân tử của các axit nucleic và ý nghĩa của chúng trong việc truyền thông tin trong các sinh vật” (6).

GIÁP VĂN DƯƠNG
 
Kỳ 2: Mở cuốn sách bí mật sự sống
____________
(1): Watson J.D. and Crick F.H.C., A Structure for Deoxyribose Nucleic Acid, Nature 171, 737-738 (1953); Wilkins M.H.F., A.R. Stokes A.R. & Wilson, H.R, Molecular Structure of Deoxypentose Nucleic Acids, Nature 171, 738-740 (1953); Franklin R. and Gosling R.G, Molecular Configuration in Sodium Thymonucleate, Nature 171, 740-741 (1953)
(2): Từ phần này trở đi, bài viết có sử dụng và diễn giải các tư liệu của wikipedia.org, nobelprize.org và exploratorium.edu.
(3): Ted Hondrich, Hành trình cùng triết học, NXB Văn Hóa Thông Tin 2002, tr.1140.
(4): Albert Jacquard, Con người và gen, Nguyễn Ngọc Thuân dịch, NXB Tri Thức, 2010.
(5): J. Exp. Med. 79, 137-159 (1944)
(6): Nguyên văn: The Nobel Prize in Physiology or Medicine 1962 was awarded jointly to Francis Harry Compton Crick, James Dewey Watson and Maurice Hugh Frederick Wilkins ”for their discoveries concerning the molecular structure of nucleic acids and its significance for information transfer in living material”.
 

Nguồn: Tuoi Tre Online (Tuổi Trẻ Cuối Tuần) ngày 12/05/2013 truy cập từ http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Cuoc-song-muon-mau/547474/bi-an-gen-di-truyen.html.

Bạn nghiện Internet tới mức nào?

TTCT - Chứng nghiện Internet (1), một dạng cụ thể của chứng nghiện công nghệ mà một phiên bản dễ thấy nhất là cơn say lướt Facebook, là một trong những vấn đề thời sự ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng cảnh báo.
 
Tuy nhiên, nghiện Internet có tương tự các chứng nghiện đã được biết đến như nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện ma túy?
Nhiều quốc gia đã thừa nhận hội chứng nghiện Internet là nguy cơ tàn phá sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ - Ảnh: Tự Trung

Hội chứng nghiện Internet được đề xuất lần đầu tiên năm 1995 bởi Ivan Goldber khi ông mô tả chứng nghiện đánh bạc theo các tiêu chuẩn của Sổ tay thống kê và chẩn đoán các bệnh tâm thần (2), phiên bản 4 (DSM-4).
 
Có chăng chứng nghiện Internet?
 
Cùng với sự phát triển của công nghệ băng thông rộng và sự phổ cập của Internet, truyền thông đại chúng đề cập đến chứng nghiện Internet ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đó có phải là một chứng nghiện hay không thì đến nay vẫn chưa thống nhất.
 
Năm 2006, Hiệp hội Y khoa Mỹ (American Medical Association) đã từ chối việc khuyến nghị Hiệp hội Tâm thần Mỹ (American Psychiatric Association) đưa chứng nghiện Internet vào Sổ tay thống kê và chẩn đoán các bệnh tâm thần, phiên bản 5 (DSM-5).
 
Cuốn sổ tay này vừa được công bố ngày 22-5-2013. Trong đó, tuy bị từ chối là một bệnh nghiện chính thức, nhưng Hiệp hội Tâm thần Mỹ vẫn đưa chứng nghiện Internet vào phần phụ lục với hàm ý đây là vấn đề đáng quan tâm, cần nghiên cứu tiếp. Tuy nhiên, chứng nghiện Internet vẫn là một chủ đề được giới chuyên gia lưu ý bàn thảo (3).
 
Với một số nước châu Á như Hàn Quốc và Trung Quốc thì chứng nghiện Internet được coi là một hiện tượng thực tế đáng lo ngại, không cần phải bàn cãi, nhất là khi ngày càng có nhiều thanh thiếu niên vì mải mê chơi trò chơi trực tuyến (4) đến mức chết tại chỗ trong quán Internet. Với Hàn Quốc, chứng nghiện Internet thậm chí còn bị xếp thành một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất về sức khỏe cộng đồng (5).
 
Theo thống kê, ngay từ năm 2006, Hàn Quốc đã có 210.000 trẻ em tuổi từ 6-19 bị mắc chứng nghiện Internet và cần điều trị. Trong số đó, 20-24% số trẻ này cần phải được điều trị trong bệnh viện. Ngoài ra, do chơi điện tử nhiều, lên đến 23 giờ/tuần, nên 1,2 triệu học sinh Hàn Quốc cũng có nguy cơ bị nghiện Internet và cần được tư vấn ở cấp độ cơ bản. Đến tháng 6-2007, Hàn Quốc đã huấn luyện 1.043 chuyên gia tư vấn để làm việc trong 190 trung tâm và bệnh viện điều trị chứng nghiện Internet.
 
Tại Trung Quốc, tình hình cũng đáng lo ngại ở mức tương tự. Theo báo cáo, năm 2007 có khoảng 10 triệu thanh thiếu niên Trung Quốc mắc chứng nghiện Internet, ứng với khoảng 13,7% thanh thiếu niên sử dụng Internet.
 
Các nghiên cứu khác cho thấy với đại chúng, tỉ lệ người có dấu hiệu nghiện Internet vào khoảng 6-15%. Với học sinh sinh viên, tỉ lệ này lên đến 13-18,4% (6). Như vậy, có thể ước lượng sơ bộ tỉ lệ người nghiện Internet trung bình là khoảng 10% số người sử dụng.
 
Số người sử dụng Internet ở Việt Nam tính đến tháng 11-2012 lên đến hơn 31 triệu người (7). Tuy chưa có nghiên cứu thống kê nhưng nếu tỉ lệ người có triệu chứng nghiện Internet tính ở mức thấp nhất là 6% thì tỉ lệ người có triệu chứng nghiện Internet lên đến 1,8 triệu người. Một con số đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở Việt Nam có thể có tình trạng nhiều người dùng chung một máy tính nên tỉ lệ người nghiện Internet sẽ ít hơn. Để làm rõ tình trạng này cần thiết phải có một điều tra xã hội học nghiêm túc trước khi đưa ra những kết luận chắc chắn.
 
Mô hình bệnh lý
Các hình thức nghiện phổ biến
Chứng nghiện Internet biểu hiện ở rất nhiều hình thức khác nhau. Một trong số các hình thức đó có thể được liệt kê dưới đây:
- Nghiện trò chơi điện tử trực tuyến (game online).
- Nghiện các nội dung khiêu dâm, đồi trụy trên mạng.
- Nghiện đánh bạc, mua sắm trên mạng.
- Nghiện nhắn tin và tán gẫu trên mạng.
- Nghiện lang thang vô định trên mạng.
- Nghiện tìm kiếm và đọc những nội dung không cần thiết.

Để giải thích nguyên nhân gây ra chứng nghiện Internet, cần thiết phải đưa ra một mô hình bệnh lý. Về đại thể, mô hình này có thể chia thành ba loại chính như sau (8):
 
1. Mô hình nhận thức - hành vi
 
Theo mô hình này, việc lạm dụng Internet là do nhận thức lệch lạc dẫn đến hành vi cũng lệch lạc theo, như chơi game online (trò chơi trực tuyến) quá mức, đánh bạc, truy cập các nội dung đồi trụy quá nhiều… tạo ra chứng nghiện Internet. Vì thế, điều trị chứng nghiện Internet trong trường hợp này sử dụng lý thuyết nhận thức - hành vi, theo đó nhấn mạnh việc sử dụng Internet có kiểm soát, và cho rằng chính suy nghĩ, nhận thức sẽ tạo ra cảm xúc, vì thế cần phải xác lập nhận thức đúng trước hết.
 
Việc điều trị chứng nghiện Internet theo cách này có những đặc điểm rất gần với một số quan niệm của nhà Phật như chánh kiến, chánh niệm, chánh tư duy. Vì thế, có thể vận dụng những quan điểm gần gũi này của văn hóa Phật giáo truyền thống để giúp người nghiện Internet điều chỉnh hành vi của mình.
 
2. Lý thuyết bù trừ
 
Theo lý thuyết này, người dùng Internet cảm thấy được bù đắp những khiếm khuyết ở ngoài đời thực, đặc biệt là với giới trẻ. Chẳng hạn, áp lực học hành nặng nề và đặc biệt là hệ thống thi cử, đánh giá tài năng chỉ dựa trên điểm số đã làm giới trẻ mệt mỏi và tìm kiếm sự khẳng định mình trên thế giới ảo. Ngoài đời, một trẻ có thể nhút nhát, ít bạn, hay bị trêu chọc, điểm số kém, nhưng trên thế giới ảo, cậu ta có thể là một game thủ có tiếng và được vị nể.
 
Ngay cả người lớn cũng có xu hướng dùng thế giới ảo để tìm kiếm cảm giác bù đắp những thất bại hoặc trốn tránh các khó khăn thực ngoài đời. Việc kết bạn, giao lưu, khẳng định mình trên mạng cũng dễ dàng hơn so với ngoài đời thực. Vì thế, bên cạnh việc tìm kiếm sự thừa nhận mình trên mạng thì việc trốn tránh cuộc đời thực bằng cách sống trong thế giới ảo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng nghiện Internet.
 
Theo mô hình này, cách thức điều trị tốt nhất là khuyến khích các hoạt động thực ngoài đời, giao lưu thực, bình tĩnh giải quyết các khó khăn thực, đặc biệt phải cải tiến hệ thống đánh giá năng lực, thay vì chỉ sử dụng một tiêu chuẩn giản đơn như điểm thi hay tiền bạc. Cần hình thành một cách thức đánh giá năng lực cởi mở và toàn diện hơn cho xã hội.
 
3. Mô hình tâm lý thần kinh
 
Theo mô hình này thì chứng nghiện Internet liên quan trực tiếp đến các vấn đề về tâm lý và thần kinh. Cụ thể, động cơ nguyên thủy của con người là tìm kiếm hạnh phúc, khoái cảm và lảng tránh khổ đau. Động cơ nguyên thủy này có thể cùng với các động cơ phối kết khác, như mong muốn khẳng định mình, là một trong các thôi thúc người ta bước vào sử dụng Internet.
 
Khi sử dụng Internet thì hệ thần kinh được kích thích và người dùng có trải nghiệm khoái cảm. Nhưng khi nghiện, khoái cảm này sẽ trơ dần, dẫn đến thôi thúc tái sử dụng ở mức độ cao hơn. Dần dà, điều này gây ra cảm giác “vật vã” khi không được sử dụng Internet, với những biểu hiện cụ thể như: bồn chồn, mất ngủ, cảm xúc bất ổn định, dễ bực bội, cáu kỉnh... Những điều này sẽ tích tụ và chuyển thành các phản ứng tiêu cực của người nghiện Internet như nhận thức sai lệch, dữ tợn, thù nghịch, đổ lỗi...
 
Và để giải tỏa các phản ứng tiêu cực này cũng như hệ lụy của nó mang lại, người ta lại tăng cường sử dụng Internet để trốn tránh, để tìm lại cảm giác thỏa mãn, để xác lập giá trị của mình trong thế giới ảo. Vòng xoáy cứ như vậy tiếp tục làm người nghiện ngày càng khó bứt ra khỏi thế giới mạng.
 
Bạn có nghiện Internet không?
 
Sau khi đã đọc hết những nội dung trên thì đây là câu hỏi mà bạn phải đối diện một cách trung thực: bạn có nghiện Internet không?
 
Nếu có đầy đủ các biểu hiện sau thì bạn có thể bị coi là đã nghiện Internet:
 
1) Lạm dụng: thường gắn kèm với việc mất cảm thức về thời gian, thậm chí quên cả nhu cầu cơ bản như ăn, uống, vệ sinh…
 
2) Biểu hiện “vật vã”, như giận dữ, căng thẳng, thậm chí trầm cảm khi không được sử dụng Internet.
 
3) Mức độ sử dụng tăng, biểu hiện qua tăng thời gian dùng Internet, nhu cầu về máy tính mạnh hơn, cần phần mềm nhiều tính năng hơn.
 
4) Hậu quả tiêu cực như tranh cãi, nói dối, thành tích học tập/làm việc kém, tách rời xã hội, mệt mỏi thường xuyên…
 
Thay lời kết
 
Đến nay tuy chưa có một thống nhất chính xác giữa các nhà nghiên cứu về chứng nghiện Internet, nhưng những hậu quả của việc lạm dụng Internet đến sức khỏe sinh học và tâm thần, năng suất lao động, chất lượng công việc, cuộc sống gia đình, quan hệ xã hội… là có thực. Nhiều quốc gia đã hiển nhiên thừa nhận hội chứng nghiện Internet là một trong những nguy cơ tàn phá sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ.
 
Vì thế hãy sử dụng Internet một cách thông minh để nâng cao năng suất làm việc và chất lượng cuộc sống, thay vì bị nó nuốt chửng và tàn phá cuộc đời bạn.
 
GIÁP VĂN DƯƠNG
___________
(1): Internet addiction disorder
(2): Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders
(3): Issues for DSM-V: Internet Addiction. Am. J. Psychiatry 165:3, March 2008
(4): Game online
(5): Ahn DH: Korean policy on treatment and rehabilitation for adolescents’ Internet addiction, in 2007 International Symposium on the Counseling and Treatment of Youth Internet Addiction. Seoul, Korea, National Youth Commission, 2007, p 49.
(6): Kimberly S. Young, Cristiano Nabuco de Abreu, Internet Addiction: A Handbook and Guide to Evaluation and Treatment, JohnWiley & Sons, Inc. 2010.
(7):
http://www.thongkeInternet.vn
(8): Kimberly S. Young, Cristiano Nabuco de Abreu, A Handbook and Guide to Evaluation and Treatment, JohnWiley & Sons, Inc. 2011.

Nguồn: Tuoi Tre Online (Tuoi Tre Cuoi Tuan) ngày 02/06/2013 truy cập từ http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Cuoc-song-muon-mau/551581/ban-nghien-internet-toi-muc-nao.html.