Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Apple giành ngôi thương hiệu giá trị nhất toàn cầu

Trong khi đó, BlackBerry bị loại hoàn toàn khỏi danh sách những thương hiệu giá trị nhất toàn cầu...

Apple giành ngôi thương hiệu giá trị nhất toàn cầu
Xếp hạng của Interbrand cho thấy sự vươn lên của nhiều tên tuổi công nghệ thế giới - Ảnh chụp màn hình.

Hãng nghiên cứu thị trường Interbrand vừa công bố bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất toàn cầu, trong đó đứng đầu là Apple, hãng công nghệ nổi tiếng với điện thoại thông minh iPhone, máy tính bảng iPad.

Báo cáo của Interbrand được đưa ra dựa trên một số yếu tố như hoạt động tài chính, lòng trung thành của khách hàng và vai trò của mỗi thương hiệu trong quyết định mua sắm của khách hàng. Theo trang công nghệ The Verge, tại lần xếp hạng này, các thương hiệu công nghệ tiếp tục thống trị báo cáo của Interbrand. Đặc biệt, có tới 6 tên tuổi công nghệ trong 10 thương hiệu giá trị nhất.

Cụ thể, theo Interbrand, giá trị thương hiệu của Apple hiện vào khoảng 98,3 tỷ USD, dẫn đầu thế giới.
 
"Người khổng lồ" tìm kiếm trực tuyến Google đứng thứ hai với giá trị thương hiệu là 93,29 tỷ USD.
 
Với sự vươn lên của Apple và Google, thương hiệu nước giải khát Coca-Cola, từng độc chiếm vị trí số một trong nhiều năm qua, đã bị đẩy xuống vị trí thứ ba, với 79,2 tỷ USD.

Đây không phải là lần đầu tiên, hai tên tuổi lớn trong làng công nghệ thông tin thế giới hiện nay là Apple và Google, chiếm lĩnh ngôi đầu trong các bảng xếp hạng giá trị thương hiệu các công ty lớn trên thế giới. Theo báo cáo từ trang BrandZ của hãng Millward Brown Optimor đưa ra hồi tháng 5, Apple và Google cũng được xếp hạng là hai thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, không chỉ có Apple và Google mới làm nên điều kỳ diệu. Trong danh sách lần này của Interbrand, còn có nhiều tên tuổi công nghệ khác, đặc biệt là trong top 10.


Chẳng hạn như hãng máy tính IBM đứng ở vị trí thứ 4 với giá trị thương hiệu đạt 78,8 tỷ USD.

Microsoft vươn lên ngôi vị số 5 với 59,5 tỷ USD.

Samsung giành vị trí thứ 8 với 39 tỷ USD, đẩy Intel xuống bậc 9.

Một tên tuổi khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin là Facebook cũng gây được chú ý, khi giá trị thương hiệu tăng tới 43% so với năm trước. Tuy nhiên, với con số dừng ở mức 7,73 tỷ USD, Facebook chỉ được xếp vị trí thứ 52 trong bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bảng xếp hạng mới nhất của Interbrand cũng cho thấy sự tụt hạng đáng kể của một vài đại gia công nghệ tên tuổi lừng lẫy một thời, như Nokia hay BlackBerry.


Theo đánh giá của Interbrand, giá trị thương hiệu của Nokia đã tụt từ thứ hạng 19 xuống 57, còn BlackBerry bị loại hoàn toàn khỏi danh sách những thương hiệu giá trị nhất toàn cầu.
 
THANH HẢI
 
Nguồn: VN Economy ngày 30/09/2013 truy cập từ http://vneconomy.vn/201309300508572P0C16/apple-gianh-ngoi-thuong-hieu-gia-tri-nhat-toan-cau.htm.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Học y ở Mỹ: dài lâu và vất vả

TT - Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, trở thành bác sĩ là một con đường rất gian khổ và tốn kém.
 

Sinh viên Trường ĐH Y Antiqua (AUA) nghe giáo sư giảng bài - Ảnh: AUA med blog

Thông thường các trường y tại Mỹ đòi hỏi sinh viên nộp đơn xin học phải hoàn thành chương trình dự bị (pre-med) tại các trường ĐH. Chương trình dự bị thường kéo dài ba năm, trong đó sinh viên phải học các môn khoa học cơ bản như sinh học, hóa học, hóa học hữu cơ, vật lý học... Sau đó sinh viên phải vượt qua kỳ thi MCAT (Medical College Admission Test) cực kỳ gắt gao mới có thể nộp đơn vào xin học tại các trường y.
 
Trên nguyên tắc, sinh viên không cần phải có bằng ĐH để nộp đơn xin vào trường y, tuy nhiên đa số sinh viên vào học trường y đều có bằng ĐH bốn năm do học chương trình pre-med song song với ngành học chính ở trường ĐH. Các trường y tại Mỹ đều đặt ra tiêu chuẩn rất cao để nhận sinh viên. Ngoài việc hoàn thành chương trình pre-med và đạt điểm MCAT cao, sinh viên còn phải viết luận văn, có thư giới thiệu từ một khoa chuyên ngành khoa học của trường ĐH họ đã học, và phải trải qua các vòng phỏng vấn ngặt nghèo.

Quá trình học tại trường y kéo dài bốn năm. Trong hai năm đầu, sinh viên dành phần lớn thời gian trong lớp học và phòng thí nghiệm. Đó là những khóa học cơ bản về ngành y.

Sau hai năm sinh viên phải thi USMLE-1 (kỳ thi bằng y tế Mỹ). Trong hai năm sau, sinh viên vẫn đến lớp học nhưng dành nhiều thời gian thực tập tại các bệnh viện, phòng khám.
 
Đầu năm thứ tư, sinh viên phải bắt đầu đăng ký chương trình nội trú. Cuối năm họ phải thi USMLE-2, kỳ thi đánh giá kiến thức và kỹ năng chẩn đoán, điều trị, để trở thành bác sĩ đa khoa. Giai đoạn tiếp theo là chương trình nội trú để học chuyên khoa. Chương trình này thường kéo dài ba năm đối với nội khoa, 5-7 năm đối với phẫu thuật và giải phẫu thần kinh. Trong giai đoạn nội trú các bác sĩ mới sẽ thi lấy bằng USMLE-3.
 
Ở giai đoạn nội trú, các bác sĩ đã được trả lương khoảng 40.000 USD/năm, được tài trợ kinh phí để đi dự các hội nghị y tế. Sau khi lấy bằng USMLE-3, các bác sĩ còn phải trải qua chương trình thực tập chuyên khoa (fellowship). Chương trình này thường kéo dài 1-3 năm. Sau khi hoàn thành chương trình nội trú, họ được công nhận là bác sĩ hành nghề. Tuy nhiên họ vẫn phải vượt qua các kỳ thi viết và vấn đáp về chuyên ngành của họ do các hiệp hội và tổ chức y tế đề ra để được cấp giấy phép hành nghề.
 
Như vậy, một sinh viên ngành y Mỹ phải học tập ròng rã trong 11-15 năm để trở thành một bác sĩ có giấy phép hành nghề. Do chương trình học rất nặng, các sinh viên hoàn toàn không có thời gian đi làm thêm để bù tiền học phí. Theo Hãng tin Bloomberg, ước tính học phí các trường y ở Mỹ trung bình lên tới 50.000 USD/năm trong năm 2012-2013. Do đó phần lớn sinh viên phải vay tiền từ chính phủ hoặc các tổ chức tư nhân. Trung bình mỗi sinh viên ngành y Mỹ nợ tới 170.000 USD, thậm chí nhiều sinh viên nợ tới 250.000 USD sau khi ra trường.
 
Tuy nhiên nghề bác sĩ là một nghề được trả lương rất cao tại Mỹ, do đó phần lớn bác sĩ có thể trả hết nợ sinh viên sau vài năm làm việc.
 
SƠN HÀ (Theo Hiệp hội Y tế Mỹ)

Nguồn: Tuổi Trẻ Online, ngày 20/09/2013 truy cập từ http://tuoitre.vn/Giao-duc/569993/hoc-y-o-my-dai-lau-va-vat-va.html.


Ghi chú: USMLE: United States Medical Licensing Examination.

Điểm số:

Với ngoại lệ của Bước 2 CS (được báo cáo là Đạt / Rớt), kết quả USMLE được báo cáo trên thang điểm 3 chữ số.

Điểm đậu tối thiểu hiện hành như sau:

Bước 1 : 188
Bước 2 CK : Đạt  (CK: Clinical Knowledge)
Bước 2 CS : 203  (CS: Clinical Skills)
Bước 3 : 190
 
Nguồn: USMLE, ngày 20/09/2013 truy cập từ http://www.usmle.org/.