Trang

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Tồn tại bằng cách mang lại lợi ích cho người khác

SGTT - Là “thủ lĩnh” của nhóm Thứ Sáu – nhóm chuyên viên kinh tế đã tham gia một cách dũng cảm và hiệu quả vào công cuộc đổi mới kinh tế, ở ông hội đủ phẩm chất của một doanh nhân, tầm nhìn và sự quyết đoán của nhà nghiên cứu kinh tế, sự điềm tĩnh và kiên nhẫn cùng nỗ lực không ngừng nghỉ với trách nhiệm sâu sắc của một công dân.


Từng tham gia viết báo trong vai trò một chuyên gia kinh tế với những ý kiến phản biện sắc sảo, ông có đặt ra nguyên tắc cho riêng mình mỗi lần xuất hiện?
Tôi tự đặt ra cho mình ba nguyên tắc, đó là không xuất hiện trên tờ báo có những tin tức kiểu “xe cán chó, chó cán xe”; không nhảy theo đánh hội đồng, đánh hùa; không nhảy xổ “vỗ tay” ngay trước mỗi chính sách đề ra, mà phải phân tích khách quan, có chiều sâu sau một thời gian thực hiện. Tôi nghĩ báo chí rất cần có một chỗ để những luồng gió mới đi ngang qua, nhằm xây dựng một nhân sinh quan, quan điểm lành mạnh về mọi vấn đề, nhất là những vấn đề về con người, chứ không chỉ nói chuyện kinh tế.
Nhóm chuyên gia Thứ Sáu (*) từng tham gia hiệu quả nhiều chương trình nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp và phát triển TP.HCM, theo ông cơ chế nào giúp cho ý kiến của nhóm được lắng nghe như thế?
Tôi suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để giữ cho người lãnh đạo tiếp tục sáng suốt. Người xưa có câu “Thời thế tạo anh hùng, anh hùng tạo thời thế”, giai đoạn “thời thế tạo anh hùng” có trước, môi trường sản sinh ra nhân vật xuất chúng, người đó gắn bó với cộng đồng của mình xuyên suốt qua những giai đoạn gian nan nhất trong cuộc đấu tranh sinh tồn, hấp thu toàn bộ ảnh hưởng của cộng đồng. Đó là một con đường vô cùng dữ dội. Nhưng khi bước qua giai đoạn “anh hùng tạo thời thế” thì nỗi lo lớn nhất của cộng đồng là làm thế nào để người anh hùng còn đủ sáng suốt trong giai đoạn mới, để lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo xã hội, tạo ra thời thế mới phù hợp với yêu cầu nguyện vọng của cộng đồng?
Bài toán này không phải mới đây, mà hàng ngàn năm nay người ta tìm cách xử lý nó. Cách thứ nhất mà những vị vua anh minh thường dùng là cơ chế giám quan, người có thể chỉ mặt nói vua sai, bởi hơn ai hết, vua biết sự anh minh của mình có giới hạn, và người tự nguyện nói thật những sai sót của vua rất hiếm; không ít người còn bị giam hãm trong bốn bức tường của xu nịnh khiến cho sự sáng suốt trong tư duy tắt dần. Cơ chế thứ hai là nhiệm kỳ, và cách thứ ba là bầu cử, để có thể chọn người thay thế. Nhưng so sánh ba cơ chế, tôi thấy chưa có cách tốt nhất. Lãnh đạo có nghĩa là dẫn đường, người dẫn đường đương nhiên phải biết rõ đường đi nước bước hơn người khác, nhưng còn những vấn đề không thuộc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, cần đến trường lớp để học, lấy kinh nghiệm đã qua để soi rọi, và cần nhất là lòng bao dung, tính nhẫn nại, chịu lắng nghe người khác, nhất là ý kiến ngược với mình. Muốn thế, phải tạo một môi trường không gian đủ rộng để tiếp thu ý kiến phản biện, tạo một “không gian sáng suốt mở” nuôi dưỡng sinh lực mới, trí tuệ và sự sáng suốt của mình…
Công cuộc đổi mới của chúng ta vừa qua là một hiện tượng của lịch sử, bởi các nhà lãnh đạo đã biết chuyển hướng kịp thời khi thấy sai lầm. Nếu nói một cách sâu sắc thì những nhà lãnh đạo của mình thời đó đã dám làm một việc: lắng nghe giám quan!
Làm thế nào ông có thể bước sang những lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn khác nhau như xuất nhập khẩu, xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới…?
Tôi nghĩ báo chí rất cần có một chỗ để những luồng gió mới đi ngang qua, nhằm xây dựng một nhân sinh quan, quan điểm lành mạnh về tất cả mọi vấn đề, nhất là những vấn đề về con người, chứ không chỉ nói chuyện kinh tế.

Không ai hiểu mình bằng chính mình. Khi Nhà nước điều tôi làm kinh tế, tôi biết khả năng kinh doanh của mình từ trước tới đó chỉ là buôn bán tìm kế sinh nhai như bao người khác, không phải là làm kinh tế. Kinh tế khác với kinh doanh, kinh doanh là thảy đồng vốn vào đâu sinh ra hiệu quả nhanh nhất cho doanh nghiệp mình, còn kinh tế bao trùm lên mọi ngành nghề, để đặt đồng tiền của mình vào đâu cho mọi người cùng có ăn, không phải cho bây giờ, mà cho cả tương lai. “Ăn hôm nay, biết hôm mai”, làm thế nào để dành dụm tài nguyên cho đời sau cũng còn có cái để ăn mới là tầm nhìn của người làm kinh tế. Do vậy không thể đưa một người giỏi kinh doanh điều hành kinh tế.
Người làm kinh tế phải biết rất nhiều lĩnh vực. Tôi không học ở trường lớp như mọi người, mà ý thức ngay rằng chỉ có thể làm việc được thông qua sử dụng những tài năng, để giữ cho tai mình thính, óc mình sáng. Bắt đầu từ tháng 10.1986, tại Cholimex, tôi kêu gọi anh em chuyên viên nghiên cứu kinh tế, hình thành nhóm Thứ Sáu, làm việc xung quanh tôi theo từng nội dung chuyên đề, độ lớn của vấn đề. Về ngân hàng tôi chọn anh Huỳnh Bửu Sơn làm chủ đề tài, vì anh rành lĩnh vực này lắm, lại có sức khoẻ và sẵn sàng cống hiến. Về nông thôn, tôi giao cho anh Nguyễn Văn Sơn, về kinh tế vùng anh Nguyễn Ngọc Hồ, ngoại thương là anh Trần Bá Tước… Đó là những người thầy của tôi, nhờ họ mà tôi trưởng thành. Nhiều người hỏi tôi tại sao tập hợp được nhiều người giỏi, tôi nghĩ chưa bao giờ tôi trả đúng giá của họ, nhưng tôi tôn trọng họ thực sự, coi đó là những người bạn tri kỷ, đó mới là điều quyết định.
Nhóm Thứ Sáu có nhiều cái “không”: không biên chế, không điều lệ, không chủ quản, không tiền lương, không ai làm lãnh dạo. Tôi coi mình như người liên lạc, ai muốn nghe thì mình triệu tập anh em, gửi báo cáo đến cho ai… Mãi sau này, anh Võ Trần Chí, nguyên bí thư Thành uỷ TP.HCM nói chúng tôi có một cái “có”, đó là tấm lòng. Mà thực sự mình đâu có được hưởng gì, chúng tôi chỉ muốn nói về những gì mình hiểu biết, một cách vô tư, nghiêm túc, nếu ai cần nghe thì biến nó thành đề tài nghiên cứu, nếu ai hỏi xã giao thì mình cũng trả lời xã giao thôi.
Là tổng giám đốc công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận, phó tổng giám đốc công ty liên doanh của khu chế xuất đầu tiên ở Việt Nam: khu chế xuất Tân Thuận, ông đã phải trải qua những gian nan nào của người mở đường khi xây dựng một mô hình kinh tế mới trong điều kiện không tiền, không người?

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn:
“Một người nhạy bén, thông minh, tầm nhìn xa và quyết đoán. Đóng góp đáng kể cho công cuộc đổi mới kinh tế, cải cách hành chính, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang thị trường. Một nhà giáo mẫu mực, giản dị, nghiêm túc. Chơi với bạn rất chân tình, thẳng thắn”.

Chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước:
“Một người dễ gần, dễ mến, rất chịu khó học hỏi, thành thật về mình. Là người nâng đỡ thành phần trí thức cũ, gầy dựng nên nhóm Thứ Sáu, suốt mấy chục năm gắn bó, chúng tôi dựa vào nhau để cùng suy nghĩ, cống hiến. Được giao nhiệm vụ lớn thời gian đầu mở cửa, cơ may đã đưa anh gặp được đối tác tốt, cùng sự hỗ trợ của anh em, để tạo nên sự thay da đổi thịt cho vùng đất Nam Sài Gòn, hình thành khung pháp lý cơ bản để sau này Nhà nước đưa ra một số luật lệ. Có những bài viết phản biện sắc sảo đối với các thành phần kinh tế trong xã hội, đóng góp nhiều cho quá trình phát triển của đất nước”.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích:
“Đối với tôi, ông Dưỡng là một người kinh bang tế thế. Ở Cholimex ông biến ít thành nhiều, ở khu chế xuất Tân Thuận ông biến nhỏ thành lớn, và ở Phú Mỹ Hưng ông biến đầm lầy và nước đục thành cao ốc và thương xá. Tất cả đều ở trong thời kỳ đất nước vừa mới mở cửa. Từ bùn và nước làm sao nặn ra những con số cho một kế hoạch tài chính chính xác và hợp lý để thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền và làm an lòng chính quyền khi chấp thuận?
Trong một buổi tâm tình với anh em nhóm Thứ Sáu, ông kể chuyện “tính ngược”, từ sự hình dung về thành quả của một dự án tương lai đem áp vào các công trình mới vẽ trên giấy để lập nên giá trị cho “hiện trạng dự án”! Tưởng tượng cao, nhưng tìm ra biện pháp khả thi. Sở dĩ làm được bởi ông ấy là người có lòng. Nhóm Thứ Sáu xuất hiện và tồn tại được là nhờ ông ấy. Ông đã thực hiện câu “muốn làm đầu phải làm đầy tớ”. Và ông đã làm đầy tớ. Còn chúng tôi quý mến ông như người cầm đầu.
Tinh thần ấy cũng được ông áp dụng với các nhà đầu tư nước ngoài, chinh phục họ với tài năng, làm họ an tâm về sự liêm chính. Phú Mỹ Hưng to như thế, đẹp như vậy, nhưng ông không có một thước vuông nào! Mỗi lần sang nhà ông chơi, chúng tôi hay hỏi: “Anh thấy mình khôn hay dại?”. Ông cười tít mắt giống như bị một phản ứng… vật lý!”





Lúc ấy tôi 41 tuổi, quả tình là liều mạng, trong tay chỉ có một tấm giấy, một con dấu, một quyết định. Có lúc lo lắng, mất ăn mất ngủ, vì không biết nhà đầu tư nào chịu nhảy vô vùng đất đầm lầy hoang dại này. Cũng may những người đến với mình toàn là mang tính từ thiện, nhưng quyết tâm và liều mạng giống mình!
Từ một nhà giáo dạy vật lý chuyển sang làm kinh tế, bây giờ lại đứng trên giảng đường nhưng trong vai trò hoàn toàn khác, những bước ngoặt trong đời để lại cho ông điều gì thú vị?
Cuộc đời tôi nó uốn khúc lắm, nên nhiều khi tôi chỉ muốn giữ cho riêng mình, không muốn nói ra. Chuyện thời thế tôi nghiệm lâu rồi: tại sao cùng một môi trường, hoàn cảnh, lại tạo ra hai con người khác nhau? Nó phụ thuộc vào bản chất bẩm sinh của mỗi người, vào văn hoá gia đình. Tôi gốc người Hoa, gia đình quá nghèo nên gửi tôi đến nhà bác ruột. Dù bác tôi rất tốt, nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác mình là con nuôi, ăn thì chọn trái nhỏ nhất, làm cũng chọn việc nặng nhất. Ý thức đó ăn sâu trong tôi, khiến tôi dễ dàng cân bằng, chấp nhận mọi thử thách, trưởng thành sớm hơn bạn bè cùng lứa. Tôi hiểu sâu sắc rằng sự tồn tại của mình được quyết định bởi việc mình mang lại lợi ích thế nào cho người khác. Từ đó tôi hình thành triết lý sống: lúc nào cũng sẵn sàng giúp người khác.
Đến tuổi này, tôi thấy đây là phương pháp đúng, nhưng vô cùng gian nan, đòi hỏi phải có bản lĩnh lớn, vì vậy mình phải không ngừng trau dồi để tiếp tục có ích cho người khác. Có lẽ vì thế mà tôi học một cách điên cuồng. Từ quê lên Sài Gòn, tôi đã làm đủ mọi nghề, làm bồi rửa chén, quét nhà suốt chín năm, tự học hết đại học. Bằng cấp chỉ là chiếc vé vào cửa, tôi học tiếp bằng nhiều cách khác, kể cả việc xin nghỉ hưu sớm tham gia chương trình nghiên cứu của đại học Harvard tại Hoa Kỳ… để có kiến thức tổng hợp. Có lẽ vì vậy mà trường Fulbright đã mời tôi giảng dạy. Xác định nhân sinh quan như thế nên trong mọi môi trường, dù gian nan mấy cũng phải vượt lên. Nhờ thế, tôi có nhiều bạn lắm, từ anh xe ôm, bà bán hủ tiếu, đến những người có vai vế trong xã hội.
Nhìn lại bước phát triển của thế hệ doanh nhân hiện nay, ông thấy có những điểm nào cần phải xem xét lại, để đánh giá đúng về giá trị thực của họ trong xã hội?
Tôi nghĩ nhiều người trong số họ vẫn còn trong xu thế marketing chính mình, tạo ra một bề ngoài để dễ tích tụ tài sản hơn. Thước đo giá trị của họ chủ yếu dựa trên tài sản tích tụ được. Rất hiếm người quan tâm đến chất lượng sống của người dân mình trong tương lai. Trong thời đại này, khả năng kiếm tiền của họ càng tinh vi, họ làm giàu càng nhanh, nhưng văn hoá sống không tỷ lệ thuận với đồng tiền mà họ kiếm được.
Văn hoá là cái chung nhất, chứa đựng tư tưởng, kết tinh từ hành vi con người, chứ không phải là điều anh nói, cái anh học. Tôi không nghĩ cứu cánh biện minh được cho phương tiện. Nếu họ tiến thân bằng những phương tiện phi nhân đạo, càn lướt người khác để đạt đến đích thì trở thành ác quỷ rồi, làm gì có Phật ở đó. Đây là một vấn đề rất lớn không chỉ trong giới doanh nhân, mà trong cả xã hội, tạo ra một lớp người hủ hoá, tham lam.
Có bao giờ ông rơi vào tâm trạng khủng hoảng?
Có chứ, nhưng bây giờ tôi nhìn rõ vấn đề rồi, đó là một chuỗi của sự sai, nên không còn cách nào là sống chung với lũ, nhưng tôi vẫn chủ trương đỡ gạt được cái gì, chuyển hoá được cái gì thì làm hết sức, để tự an ủi mình, để sống, mong có một kỳ tích mới, những con người mới. Bỏ mặc hết đâu có được, vì nó sờ sờ ra đó. Lau chùi được cái gì thì cố gắng lau. Cách suy nghĩ đó khiến tôi muốn dành phần đời còn lại của mình cho sự nghiệp giáo dục.
Ở tuổi này, liệu ông còn giữ được sự dũng cảm của một trí thức trước những vấn nạn của xã hội như thời sung sức nhất của mình?
Nếu người ta đến hỏi tôi, tôi vẫn nói thẳng thắn, không tránh né, còn nghe hay không là chuyện của họ.
Ông từng viết những bài đề cao nhân lễ nghĩa trí tín, triết lý sống của ông chịu ảnh hưởng từ những tư tưởng nào?
Tôi không thiên về một đạo giáo nào, mà thấy cái gì hay thì bắt chước. Tìm hiểu kỹ về Phật giáo, tôi thấy Phật tổ từ ngai vàng bước xuống làm thường dân, giải thoát con người bằng triết lý mọi người sinh ra đều bình đẳng thật vĩ đại và khoa học. Chúng ta cứ lên án Nho giáo phong kiến là sai, nhưng toàn bộ tư tưởng của Nho giáo là mối quan hệ hài hoà giữa một người với nhiều người, tạo ra giá đỡ luân lý cơ bản cho một xã hội, và có thể thay đổi, mở rộng theo từng thời kỳ. Chữ đại hiếu của Nho giáo có ba tiêu chuẩn, trước tiên để rạng rỡ tông đường, thứ hai không làm nhục gia tông, thứ ba mới là nuôi cha mẹ. Đó là những cái hay mà tôi muốn bảo vệ, học tập theo, và hình thành nên mục đích sống của mình: sự tồn tại của mình chính là có ích cho người xung quanh, vì vậy bất cứ lúc nào cũng cố gắng làm cho bản lĩnh, khả năng của mình không ngừng gia tăng.

Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Fulbright

Thực hiện: Kim Yến
Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường

(*) Tên chính thức của nhóm là “Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành uỷ”, do họp mặt vào chiều thứ sáu hàng tuần nên có tên gọi Thứ Sáu. Nhóm gồm 24 nhân sĩ, trí thức, chuyên gia ngân hàng – tài chính chế độ cũ, chính thức khai sinh từ tháng 10.1986.

Nguồn: Sài Gòn Tiếp thị Online, ngày 18/6/2010, truy cập từ http://sgtt.vn/Loi-song/124345/Ton-tai-bang-cach-mang-lai-loi-ich-cho-nguoi-khac.html.

Kiếm tiền ở đâu “sướng” nhất thế giới?

Thuế thu nhập cá nhân là một nguồn thu nhập chính của các chính phủ. Nhưng ở nhiều quốc gia, loại thuế này là thứ không hề tồn tại.

Theo hãng tin CNBC, những nước không đánh thuế thu nhập cá nhân đa phần là các quốc gia giàu có, sở hữu nhiều tài nguyên dầu lửa thuộc khu vực Trung Đông. Một số khác là những “thiên đường thuế” nổi tiếng.

Dựa trên một báo cáo năm 2011 của hãng kiểm toán KPMG, CNBC đã đưa ra danh sách những quốc gia không đánh thuế thu nhập
:
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)

UAE là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, ở mức 48.200 USD. Nước này không đánh thuế thu nhập cá nhân lẫn thuế tài sản gia tăng. Bù lại cho việc không đánh thuế thu nhập cá nhân, UAE có nguồn thu thuế đánh vào các công ty dầu lửa nhờ vị trí nước xuất khẩu dẩu lửa lớn thứ ba thế giới. Ở UAE, các công ty dầu lửa đóng góp 55% thuế thu nhập doanh nghiệp, các ngân hàng đóng góp 20%.

Theo số liệu của Chính phủ UAE, doanh thu từ dầu lửa chiếm 80% tổng nguồn thu của Chính phủ nước này trong năm 2010, trong khi các nguồn thuế và phí chỉ đóng góp chưa đầy 12%. Người dân UAE mỗi tháng phải đóng 5% tổng thu nhập vào quỹ an sinh xã hội. Trong khi đó, các công ty sử dụng lao động bản xứ ở nước này phải đóng góp 12,5% lương cơ bản hàng tháng của nhân viên vào quỹ an sinh xã hội và lương hưu.

Qatar


Sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ ba thế giới, Qatar có thu nhập bình quân đầu người 88.000 USD, cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Do phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt, Chính phủ Qatar đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng của lĩnh vực này. Qatar không đánh thuế thu nhập cá nhân, cổ tức, tiền bản quyền, lợi nhuận, tài sản gia tăng và bất động sản. Tuy nhiên, người dân nước này phải đóng góp 5% thu nhập vào quỹ an sinh xã hội, trong khi các doanh nghiệp phải đóng 10%.

Oman


Cũng giống như các nước láng giềng khác ở khu vực Trung Đông, Oman dựa vào nguồn thu từ dầu lửa. Trong tháng 4 năm 2011, nguồn thu từ dầu lửa của Oman đạt mức 8,49 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời chiếm 71% tổng thu nhập của Chính phủ nước này. Mức đóng góp vào quỹ an sinh xã hội mà người dân Oman phải thực hiện là 6,5% thu nhập hàng tháng. Thuế tem đánh vào giao dịch bất động sản là 3%.

Dù là một quốc gia giàu có, ở Oman gần đây vẫn diễn ra hàng loạt cuộc biểu tình của người dân đòi việc làm và phúc lợi. Người dân Oman bất bình một phần vì có tới 800.000 người nước ngoài làm việc ở nước này, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của người bản xứ vào năm 2010 đã lên tới 24,4% và vẫn tiếp tục tăng.

Kuwait


Là nước xuất khẩu dầu lửa lớn thứ 6 thế giới, Kuwait đạt doanh thu 63,5 tỷ USD từ xuất khẩu dầu lửa trong thời gian từ tháng 4-11/2011, chiếm 95% tổng nguồn thu của Chính phủ nước này. Tuy không phải đóng thuế thu nhập nhưng người dân Kuwait phải đóng góp 7,5% tiền lương và quỹ an sinh xã hội, còn chủ sử dụng lao động đóng 11%. Kuwait là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, nhưng các cuộc biểu tình và đình công của người lao động thuộc khu vực quốc doanh vẫn thường xuyên diễn ra, buộc Chính phủ phải tăng lương 25% trong năm ngoái. Chỉ có 7% người Kuwait làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân.

Cayman Islands


Được biết đến với tư cách một “thiên đường thuế” của thế giới, Cayman Islands có sức hút lớn với những người giàu có trên thế giới nhờ không đánh thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản gia tăng hay yêu cầu đóng góp vào quỹ an sinh xã hội. Tuy nhiên, các công ty đăng ký kinh doanh ở đây được yêu cầu phải có kế hoạch lương hưu cho người lao động. Một số loại thuế gián thu, chẳng hạn thuế nhập khẩu, có thể lên tới 25%. Do mức sống cao, giá nhà ở Cayman cũng cao ngất ngưởng. Vào tháng 4 năm ngoái, giá trung bình của một căn hộ chung cư ở đây là 550.000 USD, trong khi giá trung bình của một căn nhà là hơn 736.000 USD.

Bahrain


Không đánh thuế thu nhập cá nhân, Bahrain phụ thuộc vào nguồn thư từ mỏ dầu Abu Safa mà nước này “dùng chung” với Saudi Arabia. Mỏ dầu này đóng góp 70% nguồn thu của Chính phủ Bahrain. Công dân Bahrain phải đóng góp 7% thu nhập vào quỹ an sinh xã hội, người nước ngoài đóng 3%, còn các công ty đóng 12% thu nhập của người lao động. Ngoài ra còn có thuế tem 3% đánh vào giao dịch bất động sản. Người nước ngoài thuê nhà phải đóng thuế 10%.

Bermuda


Được xem là một trong những nước giàu có nhất thế giới, Bermuda cũng nằm trong danh sách những quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất. Dù không có thuế thu nhập cá nhân, người dân nước này phải chịu 5,75% trong mức thuế sử dụng lao động 16% mà các công ty phải nộp cho chính phủ. Ngoài ra, người lao động phải nộp 30,4 USD mỗi tuần tiền bảo hiểm an sinh xã hội, bằng với mức mà doanh nghiệp phải đóng, bên cạnh thuế giao dịch bất động sản 19%, thuế đánh vào tài sản thừa kế 5-20%.

Thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu là một nguồn thu chính của Chính phủ Bermuda. Các cá nhân nước ngoài chuyển tới nước này bị đánh thuế 25% đối với hàng hóa mà họ mang theo. Tuy nhiên, với thuế suất tương đối thấp, Bermuda vẫn có sức hút lớn đối với các công ty nước ngoài. 20% dân số ở đây là người nước ngoài. Tuy nhiên, để nhận được giấy phép làm việc 10 năm ở Bermuda, người lao động phải bỏ ra 20.000 USD.

Bahamas

Nằm trong số những nước giàu nhất vùng Caribbean, Bahamas phụ thuộc vào nguồn thu từ du lịch và hoạt động của các ngân hàng nước ngoài. Khoảng 70% nguồn thu của Chính phủ nước này đến từ thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu. Không phải nộp thuế nhu nhập cá nhân nhưng người lao động nước này phải nộp 3,9% tiền lương, tối đa là 26.000 USD mỗi năm, vào quỹ an sinh xã hội. Thuế giao dịch bất động sản ở nước này là 1%. Tuy được xem là một trung tâm tài chính, nhưng Bahamas có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 15%. Các đảng phái chính trị ở nước này đang tranh cãi gay gắt về việc có nên khoan tìm dầu ở những vùng nước mà hậu quả có thể dẫn tới sự suy giảm của ngành du lịch.
AN HUY
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam (VNECONOMY) ngày 16/07/2012 truy cập từ http://vneconomy.vn/20120716123229210P0C99/kiem-tien-o-dau-suong-nhat-the-gioi.htm.

10 sản phẩm bán chạy nhất mọi thời đại

picture
Trải qua nhiều năm tích lũy cái mới, thế hệ sau vượt trội hơn thế hệ trước và khiến người tiêu dùng khó cưỡng được ham muốn sở hữu chúng.
Trang 24/7 Wall St. mới đây đã công bố 10 sản phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Trong số này, ngoài một số sản phẩm công nghệ mới như iPhone, còn có những mặt hàng ra đời cách đây nhiều thập niên nhưng tới giờ vẫn thu hút được người dùng.
Đáng chú ý, theo trang tin trên, những sản phẩm này còn phản ánh được một phần đặc sắc của văn hóa Mỹ cũng như thế giới. Người đọc chỉ cần liếc qua bản danh sách cũng sẽ cảm nhận được sự yêu thích của nhân loại đối với nền văn hóa thế giới ra sao.

24/7 Wall St. cho biết, phần lớn những loại hàng bán chạy nhất chỉ thành công khi nằm trong một chuỗi sản phẩm. Trải qua nhiều năm tích lũy cái mới, thế hệ sau vượt trội hơn thế hệ trước và khiến người tiêu dùng khó cưỡng được ham muốn sở hữu chúng.

Một yếu tố khác làm nên sự thành công của các mặt hàng này là mức độ hấp dẫn của chúng khá phổ quát. Ví dụ như khối rubik hiện được sản xuất ở khắp nơi trên thế giới, hay như bộ truyện Harry Potter lôi cuốn độc giả ở mọi lứa tuổi và trên khắp thế giới.

1. Khối Rubik

Lĩnh vực: Đồ chơi
Doanh số bán: 350 triệu sản phẩm
Công ty "cha đẻ": Seven Towns Ltd.

Ernő Rubik đã sáng tạo ra món đồ chơi này vào năm 1974 ở quê nhà Budapest, Hungary. Sản phẩm khi đó được đặt tên là "Magic Cube" (khối lập phương kỳ diệu). Ý định ban đầu của ông Rubik là làm một mô hình để hỗ trợ việc giảng dạy hình học ba chiều và kết quả là ông đã sáng tạo ra món đồ chơi bán chạy nhất thế giới. Sau đó, một hãng đồ chơi Mỹ đã mua bản quyền sản phẩm này và đổi tên nó thành Khối Rubik vào năm 1980. Sản phẩm này cho tới nay vẫn là một món đồ chơi hấp dẫn và có thể thấy ở mọi nơi trên thế giới.

2. iPhone

Lĩnh vực: Điện thoại di động
Doanh số bán: 250 triệu chiếc
Công ty sản xuất: Apple

Hôm 29/6 vừa qua, iPhone đã mừng sinh nhật 5 tuổi. Kể từ khi ra mắt tới nay, iPhone luôn làm mưa làm gió trên thị trường di động thông minh thế giới. Sản phẩm này không chỉ được người Mỹ ưa chuộng mà còn là món đồ được săn lùng khắp thế giới. Theo ước tính của các chuyên gia, iPhone đã mang lại thu nhập 150 tỷ USD cho Apple kể từ phiên bản đầu tiên ra mắt hồi tháng 6/2007 cho tới nay. Hiện iPhone đã trải qua 5 phiên bản sản phẩm và thế hệ tiếp theo đang trở thành tâm điểm chú ý của giới công nghệ toàn cầu.

3. Harry Potter

Lĩnh vực: Bộ truyện
Doanh số bán: 450 triệu cuốn
Công ty xuất bản: Scholastic

Tập 1 của bộ sách này được xuất bản vào những năm 1990 và ngay lập tức gây tiếng vang trên toàn thế giới. Người đọc ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em, đã mê thích bộ sách này. Harry Potter đã trở thành bộ sách bán chạy nhất mọi thời đại và thu về 7,7 tỷ USD. Cũng từ bộ sách này, hàng loạt tác phẩm văn học về đề tài phù thủy ồ ạt được tung ra. Các bộ phim nói về phù thủy, trong đó đặc biệt là bộ phim được chuyển thể từ sách Harry Potter, đã liên tục làm "cháy" các phòng vé trên toàn thế giới.

4. Michael Jackson Thriller

Lĩnh vực: Album ca nhạc
Doanh số bán: 110 triệu đĩa
Công ty ấn hành: Epic Records

Đến tháng 11 này, album bán chạy nhất mọi thời đại "Thriller" của ông hoàng nhạc Pop quá cố Michael Jackson sẽ kỷ niệm 30 năm ngày phát hành. Là một trong những album đầu tiên sử dụng các video âm nhạc như một công cụ quảng cáo, chỉ 1 năm sau khi ra mắt, Thriller đã trở thành album bán chạy nhất mọi thời đại. Với album này, Michael Jackson đã giành được 8 giải thưởng Grammy vào năm 1984, trong đó có giải “Album của năm”. Bảy trong số bài hát trong album này nằm top 10 Billboard.

5. Mario

Lĩnh vực: Game
Doanh số bán: 262 triệu sản phẩm
Công ty sản xuất: Nintendo

Trò chơi Mario được ra mắt lần đầu vào năm 1981 và đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người dùng thế giới. Cho tới nay, trò chơi về chàng sửa ống nước người Italy này đã có tới 31 phiên bản, trong đó Super Mario đã bán được hơn 262 triệu bản. Nếu so với con số 1 tỷ lượt download của trò chơi trên điện thoại di động Angry Birds, con số của Mario không hề thấm vào đâu, nhưng trong số các trò video game thì đây là một kỷ lục thế giới.

6. iPad

Lĩnh vực: Máy tính bảng
Doanh số bán: 67 triệu chiếc
Công ty sản xuất: Apple

Chiếc iPad đầu tiên ra mắt vào tháng 4/2010 và gần như ngay lập tức trở thành một cơn sốt trên toàn cầu. Mặc dù trước đó, thế giới từng được chứng kiến sự chào đời của một số mẫu máy tính bảng, nhưng chỉ tới khi iPad được Apple công bố, một cuộc cách mạng công nghệ mới chính thức bùng nổ. Và sau iPad, nhà nhà hãng hãng công nghệ đua nhau làm máy tính bảng. Tuy nhiên, dù phải cạnh tranh với cả rừng sản phẩm như vậy, iPad vẫn dẫn đầu thị trường máy tính bảng thế giới và sản phẩm này vẫn đang là hàng hot.

7. Star Wars (Chiến tranh các vì sao)

Lĩnh vực: Điện ảnh
Doanh số: 4,54 tỷ USD tiền vé
Công ty sản xuất: 20th Century Fox

Năm 2009, siêu phẩm "Avatar" của đạo diễn James Cameron đã trở thành bộ phim Mỹ có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Còn nếu điều chỉnh theo lạm phát, bộ phim "Cuốn theo chiều gió" phát hành năm 1939 mới là tác phẩm điện ảnh có doanh thu cao nhất. Tuy nhiên, nếu xem xét ở dạng phim dài tập, thì chưa có tác phẩm nào vượt qua được bộ "Chiến tranh các vì sao" của George Lucas. Tập đầu tiên được ra mắt năm 1977 đã thu được hơn 1,4 tỷ USD. Sau 5 phần, bộ phim này đã mang về 4,54 tỷ USD tiền vé.

8. Toyota Corolla

Lĩnh vực: Xe hơi
Doanh số bán: 39 triệu chiếc
Công ty sản xuất: Toyota

Trải qua hơn 4 thập niên cùng 11 phiên bản khác nhau, Corolla đã trở thành dòng xe bán chạy nhất trong lịch sử ngành sản xuất xe hơi thế giới. Tính trung bình, cứ 40 giây, hãng xe hơi Nhật Bản lại bán được 1 chiếc Corolla. Đây cũng là dòng xe đầu tiên được Toyota chọn để sản xuất ở Mỹ và việc kinh doanh tại đây bắt đầu từ năm 1968. Phiên bản hiện tại của dòng xe này có giá thấp nhất là 16.130 USD. Chiếc xe bán chạy thứ hai thế giới là chiếc Ford F-150.

9. Lipitor

Lĩnh vực: Dược phẩm
Doanh số bán: 125 tỷ USD thu nhập
Công ty sản xuất: Pfizer

Lipitor thuộc nhóm thuốc có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu. Loại thuốc này được phát triển bởi hãng Warner-Lambert (về sau sáp nhập vào Pfizer) và được Cơ quan Quản lý thực - dược phẩm Mỹ cấp phép năm 1997. Mặc dù Lipitor không phải là dược phẩm đầu tiên có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, nhưng nhờ quảng cáo mạnh mẽ nên nó đã trở thành loại thuốc bán chạy hàng đầu ở Mỹ cũng như trên thế giới. Tính đến nay, việc kinh doanh Lipitor đã mang về cho Pfizer 125 triệu USD, chiếm 20 - 25% tổng doanh số của hãng từ năm 1997.

10. PlayStation

Lĩnh vực: Máy chơi game
Doanh số bán: Hơn 300 triệu chiếc
Công ty sản xuất: Sony

Phiên bản đầu tiên của loại máy chơi game này được tung ra thị trường vào năm 1995 và được coi là một đột phá khẩu của hãng điện tử Nhật Bản tiến vào lĩnh vực video game. 5 năm sau đó, Sony bắt đầu bán PlayStation 2. Thế hệ thứ hai đã trở thành một trong những máy chơi game phổ biến nhất mọi thời đại, với hơn 150 triệu máy được bán ra. Thế hệ thứ ba được tung ra vào năm 2006 thu được thành công ít hơn. Tuy nhiên, tính chung cả ba thế hệ PlayStation, thì dòng máy chơi game này là phổ biến nhất trên toàn cầu.
HOÀI AN

Nguồn: VnEconomy (Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam)
ngày 05/07/2012 truy cập từ
http://vneconomy.vn/20120705123357999P0C5/10-san-pham-ban-chay-nhat-moi-thoi-dai.htm.

10 đại công ty gia đình lớn nhất ở Mỹ

picture
Nhà Kock là chủ sở hữu tập đoàn năng lượng hàng đầu ở Mỹ, Kock Industries - Ảnh: BI.
Theo trang Business Insider, các công ty gia đình hiện đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế Mỹ. Số liệu thực tế cho thấy, khoảng 1/3 doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 là công ty gia đình.

Cũng như các công ty gia đình ở châu Á, các doanh nghiệp thuộc loại hình này ở Mỹ đều có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Các công ty này thực sự là những “đế chế” có ảnh hưởng lớn tới bộ mặt kinh tế quốc gia.

Tạp chí Family Business mới đây đã đưa ra danh sách 100 công ty gia đình lớn nhất ở Mỹ. Trong đó nhiều tên tuổi lớn đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như hãng kẹo sô-cô-la Mars, chuỗi siêu thị Wal-Mart…
Dưới đây là 10 công ty lớn nhất thuộc danh sách này, do trang Business Insider trích dẫn và giới thiệu:

10. Mars


Chủ sở hữu: Gia đình Mars
Trụ sở: McLean, bang Virginia
Doanh thu hàng năm: 30 tỷ USD
Website: www.mars.com

Mars là một trong những công ty gia đình chuyên kinh doanh thực phẩm lớn nhất thế giới. Các mặt hàng chính của Mars là sô-cô-la, kẹo cao su, thức ăn… Frank C. Mars là người đã sáng lập nên công ty này vào năm 1911, ban đầu chỉ là một cửa hàng bán kẹo do người nhà tự làm. Hiện công ty này có hơn 65.000 nhân viên trên toàn cầu. Mars hiện vẫn là công ty tư nhân với thành phần ban giám đốc là người nhà Mars.

9. Bechtel


Chủ sở hữu: Gia đình Bechtel
Trụ sở: San Francisco, bang California
Doanh thu hàng năm: 30,8 tỷ USD
Website: www.bechtel.com

Bechtel là một công ty về xây dựng, quản lý dự án, với hơn 100 năm kinh nghiệm. 4 thế hệ trong gia đình Bechtel đã tham gia quản lý công ty này. Cho tới nay, Bechtel đã có 23.000 dự án trên 140 nước. Ngày nay, 49.000 nhân viên đang phục vụ cho Bechtel. Riley Bechtel, “cháu đích tôn” của nhà sáng lập Warren Bechtel, hiện là Giám đốc điều hành của công ty này.

8. HCA Holdings


Chủ sở hữu: Gia đình Frist
Trụ sở: Nashville, bang Tennessee
Doanh thu hàng năm: 31,5 tỷ USD
Website: www.hcahealthcare.com

Công ty quản lý chuỗi bệnh viện tư nhân này được cha con ông Thomas Frist sáng lập. Đầu năm nay, công ty này đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Hiện nhà Frist có hai người nằm trong ban lãnh đạo của công ty này, trong đó một người là cựu Thượng nghị sỹ Bill Frist.

7. News Corp.



Chủ sở hữu: Nhà Murdoch
Trụ sở: New York, bang New York
Doanh thu hàng năm: 33,4 tỷ USD
Website: www.newscorp.com

Bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ một tờ báo nhỏ do cha để lại, sau hơn 50 năm miệt mài với hàng loạt các chương trình kinh doanh tầm cỡ, Rupert Murdoch đã xây dựng thành công News Corporation - tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới. Hồi giữa năm nay, “đế chế” truyền thông News Corp. “gặp hạn” với vụ tai tiếng của tờ lá cải News of the World.

6. Comcast


Chủ sở hữu: Nhà Roberts
Trụ sở: Philadelphia, bang Pennsylvania
Doanh thu hàng năm: 37,94 tỷ USD
Website: www.comcast.com

Theo công bố hồi tháng 7 về chỉ số hài lòng của khách hàng Mỹ (ACSI) trên trang Business Insider, nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng với công ty truyền hình cáp này bởi những thông báo thiếu rõ ràng về kế hoạch thay đổi, nâng cấp hay thanh toán. Khách hàng không nâng cấp lên tivi kỹ thuật số thì còn bị mất một số kênh, thời gian chờ đợi các chuyên viên kỹ thuật lâu và giá tăng đột xuất.

5. Carlson Companies


Chủ sở hữu: Nhà Carlson
Trụ sở: Minnetonka, bang Minnesota
Doanh thu hàng năm: 38 tỷ USD
Website: www.carlson.com

Công ty chuyên về du lịch và tiếp thị này được thành lập vào những năm 1930. Carlson Companies từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những nơi làm việc tốt nhất ở Mỹ. Sau sự kiện 11/9/2001, Carlson bị tác động nặng nề. Giám đốc điều hành công ty khi đó là bà Marilyn Carlson Nelson đã bằng tài năng của mình đưa công ty tăng trưởng trở lại. Hiện bà Marilyn nằm trong ban giám đốc công ty.

4. Koch Industries


Chủ sở hữu: Koch Family
Trụ sở: Wichita, bang Kansas
Doanh thu hàng năm: 100 tỷ USD
Website: www.kochind.com

Koch Industries là một tập đoàn năng lượng hàng đầu nước Mỹ. Tập đoàn này được xây dựng vào đầu những năm 1940. Tới nay, Koch có tới 50.000 nhân viên. Công ty này từng phải đối mặt với những chỉ trích về việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ tài chính cho các ứng cử viên chính trị Đảng Cộng hòa. Hiện Charles và David Koch đang lãnh đạo công ty này.

3. Cargill


Chủ sở hữu: Nhà Cargill/ MacMillan
Trụ sở: Wayzata, bang Minnesota
Doanh thu hàng năm: 107,88 tỷ USD
Website: www.cargill.com

Cargill là công ty chưa niêm yết lớn nhất ở Mỹ, được thành lập vào cuối giai đoạn nội chiến 1865. Đây là nhà sản xuất lớn thực phẩm, các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp cùng nhiều loại hình dịch vụ. Giám đốc điều hành hiện tại của công ty, Gregory Page, là lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử công ty này không phải từ gia đình Cargill hay MacMillan.

2. Ford Motor Co.


Chủ sở hữu: Nhà Ford
Trụ sở: Dearborn, bang Michigan
Doanh thu hàng năm: 128,95 tỷ USD
Website: www.ford.com

Cái tên Ford đã quá quen thuộc với nhiều người ham thích xe hơi. Đây là một trong ba “đại gia” sản xuất ôtô của nước Mỹ. Hiện nhà Ford có ba người đang nằm trong ban lãnh đạo tập đoàn, trong đó William Clay Ford là Chủ tịch điều hành.

1. Wal-Mart


Chủ sở hữu: Nhà Walton
Trụ sở: Bentonville, bang Arkansas
Doanh thu hàng năm: 421,85 tỷ USD
Website: www.walmart.com

Chuỗi siêu thị bán lẻ hàng đầu nước Mỹ này bắt đầu khởi nghiệp vào năm 1962 và hiện đã có chi nhánh ở hầu khắp thế giới. Gia đình Walton, chủ sở hữu Wal-Mart, nhiều năm liền được tạp chí Forbes đưa vào danh sách các tỷ phú thế giới. Rob Walton, con trai người sáng lập công ty, hiện đang giữ chức Chủ tịch Ban giám đốc công ty.

CHÂU ANH
Nguồn: Vn Economy, ngày 18/11/2011, truy cập từ http://vneconomy.vn/20111118103657248P0C5/10-dai-cong-ty-gia-dinh-lon-nhat-o-my.htm.

Thuở “hàn vi” của các hãng công nghệ nổi tiếng

Thông thường một công ty bắt đầu sự nghiệp của mình với ý tưởng kinh doanh mà họ cho là tốt nhất. Tuy nhiên, khi các điều kiện thị trường thay đổi, xu hướng tiêu dùng biến chuyển hoặc khi chính những nhà đầu tư nghĩ ra ý tưởng mới, công ty buộc phải chuyển hướng kinh doanh.

Đó gần như là tình trạng chung của các hãng công nghệ, bởi lẽ thế giới số luôn luôn thay đổi và có nhiều điểm ngoặt quan trọng. Việc bắt kịp và chuyển đổi xu hướng kinh doanh gần như là điều kiện sống còn của các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh này.

Những xu hướng kinh doanh hiện tại của các hãng công nghệ cũng không phải là bất biến và sẽ có một ngày chúng sẽ lại thay đổi, để khi các thế hệ sau nhìn lại sẽ cảm thấy ngạc nhiên vì sao các doanh nghiệp này từng làm những nghề kỳ lại tới vậy vào thuở ban đầu.

1. Nokia

Hãng điện thoại Phần Lan lúc mới khởi nghiệp năm 1865 vốn là một công ty chuyên bán các sản phẩm về giấy. Tới năm 1898, Nokia chuyển thành công ty chuyên bán ủng cao su. Trong ảnh là logo ban đầu của Nokia. Công ty này chỉ chính thức tham gia thị trường kinh doanh hàng điện tử vào năm 1912 và kết hợp với hãng sản xuất tivi Salora của Phần Lan ra mắt chiếc điện thoại radio vào năm 1979.

2. Samsung


Công ty Samsung ra đời vào năm 1938. Ban đầu, hãng chuyên bán đồ tạp hóa và làm mì. Sau chiến tranh Triều Tiên, Samsung chính thức chuyển đổi, thêm dây chuyền dệt vào những năm 1950 và cuối cùng tiến vào lĩnh vực điện tử tiêu dùng vào cuối những năm 1960. Năm 1983, Samsung sản xuất được chip điện tử đầu tiên.

3. Nintendo


Lịch sử của Nintendo bắt đầu từ năm 1887. Khi đó hãng chuyên sản xuất những bộ bài Hanafuda, một trò chơi của người Nhật. Nintendo đã "kiếm sống" bằng cách này cho tới tận những năm 1960 và sau đó trải qua vô số nghề từ công ty kinh doanh taxi, xây dựng "khách sạn tình nhân" cho tới bán máy hút bụi. Hãng chính thức bước vào ngành máy chơi game điện tử từ giữa thập niên 1970.

4. Sharp

Cái tên của hãng bắt nguồn từ chính sản phẩm đầu tiên, đó là những chiếc bút chì kim đầu nhọn. Vào năm 1915, người sáng lập hãng, ông Takuji Hayakawa đã phát minh ra chiếc bút chì kim này và lấy chữ "nhọn" - Sharp làm tên của công ty. Sharp chính thức gia nhập ngành công nghệ, khi hãng sản xuất chiếc máy tính điện tử bán dẫn đầu tiên vào năm 1964.

5. Skype

Skype vốn được xây dựng bởi một đội ngũ những người từng viết ra phần mềm chia sẻ dữ liệu Kazaa. Tuy nhiên, Kazaa nhanh chóng "chết" vì các vụ kiện tụng. Kazaa được đánh giá là một công nghệ rất hiệu quả dùng để truyền tải dữ liệu cực nhanh, nhưng nhiều người đã dùng công nghệ đó để chia sẻ nhạc bất hợp pháp. Nếu dùng công nghệ đó để mọi người thực hiện các cuộc điện thoại miễn phí trên Internet sẽ là điều tuyệt vời. Hai doanh nhân là Niklas Zennstrom và Janus Friis đã tận dụng ý tưởng từ Kazaa và chính thức ra mắt Skype vào năm 2003.

6. Panasonic

Ban đầu, Panasonic là một công ty chuyên sản xuất đui đèn. Người sáng lập công ty, ông Konosuke Matsushita đã thiết kế ra một chiếc đui đèn cho công ty đèn điện Osaka vào năm 1917. Tuy nhiên, công ty này chê không dùng, nên Matsushita đã tách ra mở công ty riêng. Sau đó ông đã nhận được một hợp đồng lớn sản xuất bộ cách điện. Ông đã dùng số tiền đó để tạo đui đèn đôi, thành công lớn đầu tiên của ông trước khi Panasonic chuyển sang lĩnh vực đồ điện tử.

7. Motorola


Motorola chính thức khởi nghiệp từ năm 1928 với tên gọi Galvin Manufacturing, chuyên sản xuất loại thiết bị cho phép đài radio chạy bằng nguồn điện thay vì chạy pin. Năm 1930, họ đã mua lại bằng sáng chế radio cho xe hơi và đăng ký thương hiệu của công ty là Motorola, kết hợp giữa "motor" (động cơ) với "Victrola" (một loại máy ghi âm).

8. HP

Dave Hewlett và Bill Packard đã bắt đầu cuộc cách mạng công nghệ từ trong một chiếc gara để xe. Tuy nhiên, ban đầu họ không sản xuất máy tính, mà là vô số loại thiết bị dùng để kiểm nghiệm các đồ công nghệ khác. Thương vụ đầu tiên của công ty là bán 8 thiết bị tạo dao động âm thanh cho hãng phim Walt Disney vào năm 1939. Disney đã dùng các thiết bị này để tạo ra bộ phim Fantasia đánh dấu cột mốc lịch sử của chính hãng.

9. Twitter

Twitter ra đời vào tháng 7/2006, là sự hợp tác của bộ ba Jack Dorsey, Evan Williams và Biz Stone. Evan Williams và Biz Stone cùng với nhau tạo nên Odeo, công ty chuyên về sản xuất và phát hành các podcast trên mạng. Ý kiến về việc tạo nên Twitter đến từ Jack Dorsey, 1 nhân viên bình thường trong công ty. Đến mãi tháng 3/2006, Twitter vẫn chỉ là 1 dạng giao tiếp vui với nhau giữa các nhân viên trong Odeo. Dịch vụ bắt đầu ra mắt người sử dụng vào tháng 7.

10. Apple

Apple ban đầu có tên Apple Computer với mục đích sản xuất máy tính cá nhân. Mặc dù hãng vẫn đang sản xuất những chiếc máy tính cá nhân với thiết kế nổi bật, nhưng sản phẩm gây được tiếng vang của Apple lại là các thiết bị di động như máy nghe nhạc iPod, điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad. Năm 2007, Apple đã chính thức loại bỏ chữ "Computer" (máy tính) ra khỏi tên công ty để chứng tỏ hãng đang tập trung sức vào lĩnh vực thiết bị di động.

HỒNG NGỌC

Nguồn: VN Economy, ngày 11/8/2011, truy cập từ http://vneconomy.vn/20110810115519402P0C16/thuo-han-vi-cua-cac-hang-cong-nghe-noi-tieng.htm.

Ai là người sáng lập Mercedes?

Mercedes-Benz là nhà sản xuất đặc biệt, bởi sinh nhật trùng đúng với tuổi đời của xe hơi, phương tiện giao thông hiệu quả, an toàn và thuận tiện bậc nhất thế giới.> Biểu tượng ngôi sao 3 cánh của Mercedes

Mừng sinh nhật 125 năm vào 2011 nhưng trong biên niên sử Mercedes đó không phải là năm thành lập. Hãng xe Đức lấy thời điểm bằng sáng chế của Karl Benz trình làng, ngày 29/1/1886, và được công nhận 10 tháng sau đó.
Mercedes cũng không gắn với một nhân vật cụ thể, mà là nơi hội tụ của những cá tính huyền thoại trong nền công nghiệp ôtô thế giới gồm Karl Benz, Bertha Benz, Gottlieb Daimler, Wilhelm Maybach và Mercedes Jellinek.
Những tên tuổi này được lưu giữ trong hệ thống quản trị. Tập đoàn mẹ mang tên Daimler, sở hữu các thương hiệu con gồm Mercedes-Benz và dòng siêu sang Maybach.
Karl Benz là người sáng tạo nên mẫu xe hơi đầu tiên trên thế giới với 3 bánh và sử dụng động cơ đốt trong, mang tên Patent Motor Car. Một số người cho rằng phát minh của Gottlieb Daimler và Maybach mới xứng đáng là mẫu xe đầu tiên bởi có 4 bánh, đăng ký sau Karl Benz 1 tháng 9 ngày.
Tuy nhiên, thiết kế và phương pháp ứng dụng động cơ đốt trong của Benz mới là điều khiến các nhà lịch sử công nhận. Khác với phần còn lại của thế giới, Benz không đơn thuần gắn động cơ đốt trong lên khung gầm xe ngựa mà tạo cho nó khả năng chuyển động tự do - nguồn gốc của từ "Automobile" (gồm "tự động - auto" và "chuyển động - mobile").
Bản mô phỏng của Benz Patent Motor Car cùng Hoa hậu Hương Giang tại Việt Nam.
Có công sáng chế, nhưng Karl Benz phải biết ơn Bertha Benz, người vợ luôn đứng sau ủng hộ chồng khi khó khăn. Vào một buổi sáng tháng 8/1888, tức hai năm sau khi Benz nhận bằng sáng chế, Bertha lái xe của chồng đưa hai cậu con trai đi từ Mannheim tới Pforzheim, cách nhau 100 km.
Đến đêm, bộ ba dũng cảm tới nơi an toàn. Họ gửi một bức điện cho Karl thông báo thành công trong cuộc hành trình dài đầu tiên với xe của ông. Sự kiện nóng bỏng này lan nhanh như gió. Hai bé trai và một phụ nữ trên chiếc xe không có ngựa kéo? Đó phải là việc làm của ma quỷ?
Bertha đã đạt được mục tiêu. Những người nghi ngờ tính hiện thực của dự án có câu trả lời quá rõ ràng. Nếu không có hành trình của người phụ nữ can đảm, con đường của ngành ôtô thế giới hẳn còn nhiều chông gai.
Karl Benz cùng công ty Benz&Cie thành công vang đội khi tung ra chiếc Velo năm 1894 trang bị đèn pha và thành hãng xe lớn nhất thế giới lúc đó.
Đối thủ đáng gờm của Benz trên nước Đức, không ai khác, chính là bộ đôi Daimler-Maybach, những người điều hành công ty Daimler Motoren. Dù không nhận được bằng sáng chế "xe hơi đầu tiên" nhưng Daimler và Maybach là những người tiên phong trong công nghệ với kiểu đánh lửa tối ưu, động cơ 4 xi-lanh đầu tiên...
Gottlieb Daimler và Karl Benz.
Gottlieb Daimler (trái) và Karl Benz, những người sáng tạo ra xe hơi.
Mercedes Jellinek.
Những chiếc Mercedes đầu tiên.
Daimler và Maybach vượt qua rất nhiều âm mưu của giới đầu tư. Có lúc, cả hai bị ép rời khỏi Daimler Motoren. Thế nhưng, thiếu tính quyết đoán, tài kinh doanh của Daimler và sức sáng tạo đặc biệt của Maybach, kết quả bán hàng ngày càng kém. Cuối những năm 1890, các nhà đầu tư đành phải mời hai ông trở lại.
Đôi bạn thân rất đam mê kỹ thuật và luôn hướng tới công nghệ mới. Ở Pháp, Maybach mệnh danh là "Ông vua thiết kế" với những giải pháp mang tính cách mạng cho bộ chế hòa khí, động cơ Phoenix hay hệ thống lái dây cua-roa. Daimler thì tham vọng chế tạo loại động cơ đốt trong dùng cả trên bộ, trên không và dưới nước. Đó là lý do ông vẽ ngôi sao 3 cánh trên tấm bưu thiếp gửi về cho vợ, cảm hứng cho logo Mercedes sau này.
Maybach cũng là người kết duyên thương hiệu Mercedes, tên của cô gái được người bố giàu có Emil Jellinek gắn trên động cơ những chiếc xe đặt hàng ở Daimler Motoren.
Năm 1900, Emil Jellinek yêu cầu Maybach sản xuất 36 xe thể thao với tổng giá trị 550.000 đồng tiền vàng Đức (tương đương 3 triệu euro ngày nay). Điều kiện là xe mang tên con gái ông. Những chiếc Mercedes 35hp đầu tiên giao năm 1901.
Công nghệ tiên tiến giúp Mercedes 35hp liên tiếp giành chiến thắng ở giải đua Tour de Nice. Nó dễ dàng vượt qua đối thủ khi đạt tốc độ tối đa 60 km/h. Câu nói "Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên Mercedes" của giám đốc câu lạc bộ xe hơi Pháp, Paul Meyan được cả thế giới biết đến.
Sang 1902, Daimler Motoren chính thức đăng ký thương hiệu Mercedes cho các dòng xe của mình. Còn Mercedes Jellinek chưa bao giờ mê xe, có năng khiếu chơi đàn và giọng nữ cao. Theo tiếng Tây Ban Nha, Mercedes có nghĩa "yêu kiều và duyên dáng".
Hai công ty Benz&Cie cùng Daimler Motoren vẫn cạnh tranh gay gắt cho đến khi bị cuốn vào Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914.
Để chống lại cuộc khủng hoảng hậu chiến, Daimler và Benz&Cie đồng ý sáp nhập vào 1926, lấy tên Daimler-Benz và sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz với logo 3 cánh.
Như vậy, 40 năm sau thời điểm Karl Benz phát minh ra xe hơi, Mercedes-Benz mới xuất hiện. Nhưng để tưởng nhớ người dành cả sự nghiệp cho việc nghiên cứu, biến ước mơ thành hiện thực, hãng xe Đức vẫn lấy sinh nhật là 1886.

Trọng Nghiệp
 
Nguồn: VN Express, ngày 18/03/2011, truy cập từ http://vnexpress.net/gl/oto-xe-may/2011/03/ai-la-nguoi-sang-lap-mercedes/.

20 CEO lương cao nhất Mỹ

Năm 2010, một số CEO có thu nhập cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với một năm trước đó.

Danh sách 20 giám đốc điều hành có lương cao nhất Mỹ được CNN xây dựng dựa trên số liệu của hãng tư vấn tiền lương Equilar Inc. Số liệu này dựa trên tổng tiền lương chính, tiền thưởng theo năng lực, lương bằng cổ phiếu và các khoản khác trong năm tài chính 2010.

1. Philippe P. Dauman: 84,5 triệu USD

Nơi làm việc: Viacom (VIAB)
Lương tiền mặt: 14 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 70,5 triệu USD
Biến động lương trong một năm: tăng 149%

2. Ray R.Irani: 76,1 triệu USD

Nơi làm việc: Occidental Petroleum (OXY)
Lương tiền mặt: 35,9 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 40,3 triệu USD
Biến động lương trong một năm: tăng 142%

3. Lawrence J.Ellision: 70,1 triệu USD

Nơi làm việc: Oracle (ORCL)
Lương tiền mặt: 8,2 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 61,9 triệu USD
Biến động lương trong một năm: giảm 17%

4. Michael D.White: 32,9 triệu USD

Nơi làm việc: DIRECTV (DTV)
Lương tiền mặt: 5,7 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 27,2 triệu USD
Biến động lương trong một năm: Michael D.White giữ chức CEO từ 1/1/2010, và chưa tại vị đủ 2 năm nên không thể đưa ra đánh giá.

5. John F.Lundgren: 32,6 triệu USD

Nơi làm việc: Stanley Black & Decker (SWK)
Lương tiền mặt: 6 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 26,6 triệu USD
Biến động lương trong một năm: tăng 253%

6. Brian L.Roberts: 28,2 triệu USD

Nơi làm việc: Comcast (CMCSA)
Lương tiền mặt: 16,9 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 11,2 triệu USD
Biến động lương trong một năm: tăng 13%

7. Robert A.Iger: 28 triệu USD

Nơi làm việc: Walt Disney (DIS)
Lương tiền mặt: 16,3 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 11,8 triệu USD
Biến động lương trong một năm: 30%

8. Alan Mulally: 26,5 triệu USD

Nơi làm việc: Ford Motor (F)
Lương tiền mặt:11,5 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 15 triệu USD
Biến động lương trong một năm: 48%

9. Samuel J.Palmisano: 25,2 triệu USD

Nơi làm việc: I.B.M (IBM)
Lương tiền mặt: 11,9 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 13,3 triệu USD
Biến động lương trong một năm: tăng 19%

10. David N.Farr: 22,9 triệu USD

Nơi làm việc: Emerson Electric (EMR)
Lương tiền mặt: 3,9 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 19,1 triệu USD
Biến động lương trong một năm: tăng 233%

11. Howard Schultz: 21,7 triệu USD


Nơi làm việc: Starbucks (SBUX)
Lương tiền mặt: 5 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 16,7 triệu USD
Biến động lương trong một năm: tăng 45%

12. William C.Weldon: 21,6 triệu USD


Nơi làm việc: Johnson & Johnson (JNJ)
Lương tiền mặt: 14,1 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 7,5 triệu USD
Biến động lương trong một năm: giảm 5%

13. Louis C.Camilleri: 20,6 triệu USD


Nơi làm việc: Philip Morris International (PM)
Lương tiền mặt: 10,1 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 10,6 triệu USD
Biến động lương trong một năm: giảm 16%

14. Randall L.Stephenson: 20,2 triệu USD


Nơi làm việc: AT&T (T)
Lương tiền mặt: 7 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 13,2 triệu USD
Biến động lương trong một năm: 0%

15. Mile D.White: 20 triệu USD


Nơi làm việc: Abbott Laboratories (ABT)
Lương tiền mặt: 6,4 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 13,6 triệu USD
Biến động lương trong một năm: giảm 9%

16. George W.Buckley: 19,7 triệu USD


Nơi làm việc: 3M (MMM)
Lương tiền mặt: 7,9 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 11,8 triệu USD
Biến động lương trong một năm: tăng 41%

17. Louis Chenevert: 19,5 triệu USD


Nơi làm việc: United Technologies (UTX)
Lương tiền mặt: 7,3 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 12,2 triệu USD
Biến động lương trong một năm: tăng 9%

18. Robert P.Kelly: 19,4 triệu USD


Nơi làm việc: Ngân hàng New York Mellon (BK)
Lương tiền mặt: 7 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 12,4 triệu USD
Biến động lương trong một năm: tăng 73%

19. Muhtar Kent: 19,2 triệu USD


Nơi làm việc: Coca-Cola (KO)
Lương tiền mặt: 8,4 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 10,8 triệu USD
Biến động lương trong một năm: tăng 30%
20. Robert J.Stevens: 19,1 triệu USD

Nơi làm việc: Lockheed Martin (LMT)
Lương tiền mặt: 12,1 triệu USD
Lương bằng cổ phiếu: 7,1 triệu USD
Biến động lương trong một năm: giảm 7%

An Lâm

Nguồn: VnExpress , Chủ nhật, 17/4/2011, truy cập từ http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/kinh-nghiem/2011/04/20-ceo-luong-cao-nhat-my/page_1.asp.