SGTT.VN - Đang là giảng viên đại học Konkuk (Hàn Quốc), chủ tịch hiệp hội Công nghệ sinh học sinh sản châu Á, là một trong những nhà khoa học đầu ngành công nghệ sinh học, vậy mà GS Nguyễn Văn Thuận quyết định rời bỏ tất cả để về nước. “Đầu quân” cho đại học Quốc tế – đại học Quốc gia TP.HCM và trung tâm Điều trị vô sinh bệnh viện Tân Tạo – đại học Tân Tạo, ông cùng đồng sự đeo đuổi một dự án kỳ lạ: tạo ra một con bò trị giá 200 triệu USD.
Trò chuyện với ông, chúng tôi không chỉ nhìn thấy sự khắc khoải của một người xa xứ muốn quay về cội nguồn, mà còn là niềm khao khát cống hiến của một trí thức và nỗi ưu tư về nền khoa học Việt Nam.
Điều gì thôi thúc giáo sư về Việt Nam, quay lưng lại với công danh, đãi ngộ có được bấy lâu ở nước ngoài?
Đơn giản là tôi đã đi 19 năm rồi và đến lúc phải quay về. Ở nước ngoài, nhiều người tiếc về quyết định này của tôi, vì như thế tôi sẽ mất đi khoản trợ cấp sau khi về hưu. Nhưng tôi nghĩ, nếu làm đến 65 tuổi nhận được lương hưu thì cũng tốt, thế nhưng sau đó tôi cũng chỉ sống đến 70 – 80 tuổi, có sống mãi để nhận lương hưu đâu. Hơn nữa, khi còn trẻ, ai cũng nhìn về tương lai nhưng khi về già, người ta lại thích nói về quá khứ vì tương lai còn đâu để mà nói. Tôi về nước là muốn làm những gì để khi về già có chuyện mà nói với bạn bè. Chứ nếu đi làm chỉ để mong khi về già nhận được lương hưu, rồi cũng chỉ để ăn, ngủ, tận hưởng và chết đi thì thật tiếc.
Giáo sư từng mơ ước tạo ra cho Việt Nam một con bò 200 triệu USD từ nhân bản vô tính. Công việc ấy đang được tiến hành như thế nào?
Hiện nay trên thế giới để sản xuất dược phẩm, người ta có hai hướng đi khác nhau. Hướng đầu tiên ai cũng biết đó là dựa trên hoá chất, hay còn gọi là hoá dược. Hướng đi thứ hai là dựa trên kỹ thuật công nghệ sinh học. Hướng đi này mới xuất hiện, nhưng có ưu điểm là không cần đầu tư những nhà máy to lớn, đắt tiền, chỉ cần những phòng thí nghiệm nhỏ.
Có thể giải thích nôm na thế này: nhiều bệnh nan y sinh ra do thiếu một enzyme nào đó. Thí dụ, đối với bệnh tiểu đường là thiếu insulin, bản chất là một protein. Như thế, nếu là protein thì người ta có thể giải trình tự DNA của nó. Nếu biết được trình tự DNA thì việc tổng hợp DNA không khó khăn mấy. Lúc này, người ta đưa đoạn DNA của người vào tế bào động vật, ở đây là con bò. Từ tế bào này, chỉ có một con đường duy nhất để tạo nên một con bò sữa hoàn chỉnh là nhân bản vô tính. Kết quả là con bò sữa này sẽ mang gen sản xuất insulin người. Người ta sẽ áp dụng một vài kỹ thuật để chuyển insulin vào trong sữa bò. Chỉ cần vắt sữa bò, ly trích insulin là người ta sẽ có được “thuốc” trị bệnh tiểu đường. Với quy trình trên đây, khoa học sẽ làm ra được những con bò có giá vài triệu hay vài trăm triệu USD vì chúng có thể tạo ra dược phẩm chữa bệnh cho con người. Khi về nước, tôi ước mơ làm được câu chuyện này, rất phù hợp với những nước đang phát triển, không cần đầu tư nhiều.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay, giáo sư có tin sẽ nhân bản vô tính thành công trên động vật vào năm 2015 như đã khẳng định?
Không có gì khó cả, vì hàng chục năm nay chúng tôi chỉ làm công việc này. Không những nhân bản vô tính một cá thể từ một tế bào, chúng tôi có thể nhân bản để tạo nên 25 thế hệ từ một tế bào. Kết quả đã được công bố trên tập san Cell Stem Cell tháng 3 vừa rồi và được chọn làm trang bìa của tập san. Thực ra để nhân bản vô tính, đòi hỏi đầu tư không nhiều lắm, nhưng nhân bản để làm gì mới quan trọng. Từ nay đến cuối năm, tôi hy vọng sẽ có những thiết bị tối thiểu để thực hiện được công việc nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu sinh và cùng với họ bắt tay vào làm.
Nhưng nếu mọi chuyện đơn giản như thế, tại sao các nước không đi theo con đường này để làm giàu?
Đúng là đơn giản, vì trong khoa học nếu biết tường tận thì không có gì khó cả. Đối với nền khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay, cái khó có chăng là chuyện tréo ngoe khi người học A lại được phân công làm chuyện B và ngược lại, cuối cùng không làm được chuyện gì cả. Nếu sử dụng người theo cách này thì trong khoa học nước ta, người ta không cần phải làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Bởi tiến sĩ cũng chỉ là một nghề trong xã hội và phải làm một việc thôi đó là nghiên cứu, và làm suốt đời cho đến chết thì mới ra được vấn đề. Theo tôi, mọi chuyện phụ thuộc tầm nhìn của những người lãnh đạo.
Trong thời đại ngày nay, một quốc gia chỉ cần giỏi vài nghề là đủ giàu, chứ không phải phát triển tràn lan, thấy ai làm được cũng bắt chước làm theo. Người Việt chúng ta có những câu rất hay: “Trăm hay không bằng tay quen”, “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Cả Nhật Bản chỉ cần có vài công ty nổi tiếng là đủ giàu rồi. Cách đây hơn chục năm, Chính phủ Nhật đã tự hỏi 50 năm sau họ phải nuôi dân bằng gì, vì máy tính và xe hơi không thể nuôi dân họ được nữa. Và họ nghĩ đến chuyện 50 năm sau phải phát triển hướng bán nội tạng và tế bào. Để mua một cái xe hơi, người ta có thể đắn đo nhưng để chữa bệnh, dù có phải bán hết gia sản, người ta vẫn chấp nhận.
Hiện nay ở nước ta có nghịch lý là dù có nhiều tiến sĩ, nhưng khoa học vẫn chưa cất cánh được. Giáo sư nhìn vấn đề này như thế nào?
Đi làm chỉ để mong khi về già nhận được lương hưu, rồi cũng chỉ để ăn, ngủ, tận hưởng và chết đi thì thật tiếc.
|
Trong khoa học, tốt nghiệp tiến sĩ thật ra chỉ mới là anh học trò. Để mở cánh cửa khoa học, người ta cần phải có ít nhất 5 – 7 năm hậu tiến sĩ và vài năm nữa để được công nhận là giáo sư, vì khi đó anh mới có thể đứng một mình được. Dĩ nhiên, thực tế cũng có một số tiến sĩ rất xuất sắc, tự đi được bằng đôi chân của mình. Nhưng thường thì trong 100 tiến sĩ chỉ có một người đạt đến học vị giáo sư. Ở nước ta hiện nay, một số người đi học tiến sĩ chỉ nhằm có được vị trí nào đó trong cơ quan để thăng tiến trong quản lý. Một thực trạng nữa là một số người rất giỏi học ở nước ngoài khi về nước thì được giao làm công chuyện chẳng dính dáng đến chuyên môn đã học, làm sao phát triển được, rất uổng. Hy vọng trong tương lai mọi chuyện sẽ thay đổi. Hiện nay ở ta quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) có cách làm khá hay: trong vòng hai năm, nếu một người làm khoa học không công bố một đề tài nghiên cứu nào thì người đó không thể chen chân vào NAFOSTED. Nếu trong một trường đại học hay viện nghiên cứu, ai cũng làm như thế thì trong một thời gian thôi cơ quan này sẽ phát triển.
Trong khoa học, nếu làm thuần về nghiên cứu cơ bản thì rất khó quay về Việt Nam làm việc vì không có đất ứng dụng và đòi hỏi tiền bạc đầu tư rất nhiều. Nhưng nếu làm khoa học cơ bản mà có ứng dụng thì Việt Nam là nơi có thể ứng dụng nhiều nhất. Tôi có may mắn là khi về Việt Nam có thể tham gia dự án phát triển trung tâm Điều trị vô sinh của bệnh viện Tân Tạo, lĩnh vực mà tôi hiểu biết trước đây. Có thể xem đây là chuyện “lấy ngắn nuôi dài”, giúp tôi có điều kiện làm được những chuyện dài hơi sau này.
Nhân nói đến trung tâm Điều trị vô sinh bệnh viện Tân Tạo, như chúng tôi biết lĩnh vực hỗ trợ sinh sản đã phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Vậy giáo sư và trung tâm sẽ đi theo hướng nào, kỹ thuật mới gì sẽ phục vụ cộng đồng?
Khi xem qua một số hướng nghiên cứu trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam, tôi thấy một số hướng đi chúng tôi đã làm được rất lâu ở Hàn Quốc và thế giới cũng đã làm lâu lắm rồi, như chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD – Preimplantation Genetic Diagnosis).
Hiện nay, ở một số bệnh viện Việt Nam, để chẩn đoán bệnh lý di truyền cho con, người ta áp dụng phương pháp chẩn đoán tiền sản, nếu có bất thường bác sĩ sẽ khuyến cáo người mẹ bỏ thai. Nhưng bắt mẹ bỏ con thì quả là điều đau lòng, còn về mặt đạo đức chung thì chuyện này hoàn toàn không hay gì. Còn trong kỹ thuật PGD, sau khi tinh trùng thụ tinh xong với trứng, ngày thứ nhất sẽ tạo ra phôi hai tế bào, ngày thứ hai ra phôi bốn tế bào và ngày sau đó ra phôi tám tế bào. Chúng tôi mới lấy ra một tế bào, tế bào này được nuôi tiếp thành 4 – 6 tế bào, chúng tôi sẽ sử dụng tế bào này để chẩn đoán sớm các bệnh liên quan đến di truyền như hội chứng Down, Turner... Trong tương lai, số tế bào còn lại sẽ được sử dụng để làm tế bào gốc và sẽ được dùng nếu em bé bị bệnh trong quá trình trưởng thành hoặc khi về già.
Hiện nay, ở một số bệnh viện Việt Nam, để chẩn đoán bệnh lý di truyền cho con, người ta áp dụng phương pháp chẩn đoán tiền sản, nếu có bất thường bác sĩ sẽ khuyến cáo người mẹ bỏ thai. Nhưng bắt mẹ bỏ con thì quả là điều đau lòng, còn về mặt đạo đức chung thì chuyện này hoàn toàn không hay gì. Còn trong kỹ thuật PGD, sau khi tinh trùng thụ tinh xong với trứng, ngày thứ nhất sẽ tạo ra phôi hai tế bào, ngày thứ hai ra phôi bốn tế bào và ngày sau đó ra phôi tám tế bào. Chúng tôi mới lấy ra một tế bào, tế bào này được nuôi tiếp thành 4 – 6 tế bào, chúng tôi sẽ sử dụng tế bào này để chẩn đoán sớm các bệnh liên quan đến di truyền như hội chứng Down, Turner... Trong tương lai, số tế bào còn lại sẽ được sử dụng để làm tế bào gốc và sẽ được dùng nếu em bé bị bệnh trong quá trình trưởng thành hoặc khi về già.
Về phía trung tâm Điều trị vô sinh bệnh viện Tân Tạo, khi triển khai chúng tôi sẽ áp dụng những kỹ thuật mới như PGD đã nói, hay một kỹ thuật mà hiện Việt Nam chưa làm được, là giúp người nam không tinh trùng có con.
Kỹ thuật này gọi là ROSI (Round Spermatid Injection), chúng tôi công bố vào năm 2006, dựa trên việc lấy tinh tử trong tinh hoàn người nam, hoạt hoá lên, rồi bơm vào trứng để thụ tinh. Kỹ thuật này đã triển khai thành công ở nước ngoài. Nếu làm ở Việt Nam, đây sẽ là tin vui cho những người nam bị biến chứng vô sinh do mắc quai bị từ nhỏ.
Kỹ thuật này gọi là ROSI (Round Spermatid Injection), chúng tôi công bố vào năm 2006, dựa trên việc lấy tinh tử trong tinh hoàn người nam, hoạt hoá lên, rồi bơm vào trứng để thụ tinh. Kỹ thuật này đã triển khai thành công ở nước ngoài. Nếu làm ở Việt Nam, đây sẽ là tin vui cho những người nam bị biến chứng vô sinh do mắc quai bị từ nhỏ.
Ở nhiều cuộc nói chuyện, giáo sư cho rằng khoa học Việt Nam tụt hậu so với Hàn Quốc 50 năm, vậy cơ sở nào để thu hẹp khoảng cách đó trong khi khoa học nước nhà còn khá nhiều bất cập?
Chỉ có hy sinh thôi. Thay vì làm việc 8 giờ/ngày như hiện nay, các nhà nghiên cứu phải làm việc 15 – 20 giờ/ngày. Các trường đại học Việt Nam đang hô hào làm đại học nghiên cứu, nhưng cứ đến 4 giờ chiều tôi thấy ai cũng chuẩn bị lấy xe về nhà thì làm sao thu hẹp khoảng cách đó được. Không bỏ thói quen này thì 100 năm sau chúng ta cũng không mơ thấy đại học nghiên cứu. Nghề nghiên cứu là phải ở trong phòng thí nghiệm, có vậy mới làm ra chuyện. Cuộc sống bình thường của một nhà khoa học nước ngoài là buổi sáng đi dạy, buổi chiều nói chuyện với sinh viên sau đại học, và sau 4 giờ chiều mới bắt đầu làm nghiên cứu. Khi ở Hàn Quốc, tôi không bao giờ về nhà trước 8 – 9 giờ tối. Tôi và vợ chưa bao giờ đi ngủ trước 1 giờ khuya, đến 6 giờ sáng lại phải dậy đi làm.
Vậy nếu trong vai một nhà quản lý, giáo sư phát triển khoa học Việt Nam theo hướng nào?
Chúng ta chỉ nên tập trung một vài mũi nhọn thôi và làm quyết liệt đến cùng. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, vậy chúng ta hãy cố gắng làm ra những trái cây, sản vật thật ngon, thật chất lượng. Nên chú trọng vào chất lượng, chứ đừng chạy theo số lượng, có ai làm nhiều nghề mà giàu đâu. Khi về nước, tôi có nghe một số người định làm những giống lúa biến đổi gen để tăng năng suất. Theo tôi, nếu làm như thế thì chẳng bán được cho ai, vì ở những quốc gia phát triển hiện nay, mỗi bữa người ta ăn rất ít cơm.
Vợ giáo sư cũng là nhà khoa học và với cường độ làm việc như giáo sư miêu tả, liệu trong gia đình giáo sư có phải kêu gọi sự hy sinh của người thân?
Đúng vậy, vì thế mới khổ cho con cái. Tôi có lỗi với đứa con nhỏ nhiều nhất vì cháu nói tiếng Việt không rành. Do không có thời gian, mỗi khi nói chuyện với cháu, chúng tôi phải nói tiếng Nhật cho nhanh. Tôi hy vọng khi đưa cháu về nước ở luôn lần này, tôi sẽ nhờ người dạy cho cháu tiếng Việt nhiều hơn ở trường học và cháu sẽ nói được tiếng Việt. Còn về chuyện kêu gọi hy sinh của người thân, cái đó là phải có. Dĩ nhiên, muốn làm được như thế thì xã hội cũng phải lo cho nhà khoa học đủ sống. Rồi người thân yêu cũng thế, họ cần trở thành một chỗ dựa chắc chắn để người làm khoa học an tâm làm việc.
Theo chúng tôi biết, nhiều học trò của giáo sư ở nước ngoài cũng mong giáo sư về để tạo động lực và cảm hứng cho họ phát triển trong nước sau này?
Đúng, đây chính là điểm mấu chốt làm thay đổi suy nghĩ của tôi và tôi đã quyết định trở về quê hương làm việc, nhưng tôi có lời khuyên với họ: nếu học tiến sĩ về nước ngay thì rất uổng vì không có nhiều đất phát triển. Thay vào đó, họ hãy đi tiếp, đi nhiều nơi khác nhau để tích luỹ nhiều hành trang, rồi muốn về nước làm việc cũng không muộn.
Khi giáo sư chia sẻ ý tưởng về nước trên một số tờ báo, không ít bạn đọc cho rằng rồi đây giáo sư sẽ phải hối hận về quyết định này. Giáo sư sẽ trấn an họ như thế nào?
Đúng là nếu về nước mà không có ai hậu thuẫn tài trợ xây dựng một phòng thí nghiệm chuẩn mực để nghiên cứu thì rất chông chênh. Nhưng tôi may mắn được ông Nguyễn Quân, bộ trưởng bộ Khoa học và công nghệ, hứa hỗ trợ chuyện này. Tôi không yêu cầu gì nhiều, chỉ xin như thế. Tôi mong rằng từ đây đến cuối năm tôi có thể bắt đầu công việc. Nếu chưa kịp, tôi có thể sang chỗ thầy Phan Kim Ngọc của đại học Khoa học tự nhiên để làm việc. Thầy Ngọc hứa tạo điều kiện cho tôi sử dụng phòng thí nghiệm của thầy để nghiên cứu. Khi về đây tôi cũng nghĩ đến câu “Một cánh én không làm nổi mùa xuân”, làm sao để đội ngũ cùng chuyên ngành cùng ngồi lại với nhau, cùng nhau hợp tác mới thành công được.
Ở một người làm khoa học, giá trị nào mà giáo sư đánh giá cao nhất?
Đó là sự trung thực, yếu tố quan trọng nhất để khoa học thành công. Làm khoa học cũng như xây một cái nhà, phải có nền móng, đó là công bố ra quốc tế nghiên cứu của mình. Quá trình này như một chiếc thang, công bố thứ hai dựa trên công bố thứ nhất, công bố thứ ba dựa trên công bố thứ hai, cứ tuần tự như thế. Như vậy, đã không trung thực một nghiên cứu thì tất cả những nghiên cứu sau sai hết, hướng mình đi theo một con đường khác, điều đó rất nguy hiểm.
Chính sự trung thực đã làm nên thành công của Nhật Bản, một đất nước vốn chịu đựng biết bao tai ương trong suốt lịch sử. Ở các trường học Nhật, từ lớp 1 tới lớp 6, thầy cô không bao giờ chấm điểm cho học sinh. Họ ra bài tập về nhà để học sinh tự làm, sau đó lật ra phía sau để tự chấm điểm. Có lần con trai tôi làm xong bài, lật qua tự chấm 9 điểm vì sai một lỗi. Tôi thử hỏi “Sao con không cho 10 vì thầy cô có biết đâu”, con tôi phản ứng: “Con biết sai là đúng rồi, cần gì phải cho 10 nữa”.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, vậy chúng ta hãy cố gắng làm ra những trái cây, sản vật thật ngon, thật chất lượng. Nên chú trọng vào chất lượng, chứ đừng chạy theo số lượng, có ai làm nhiều nghề mà giàu đâu.
|
Thực hiện: Phan Sơn – Trung Dũng
Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ SÀI GÒN TIẾP THỊ MEDIA ngày 15/04/2013 truy cập từ http://sgtt.vn/Khoa-giao/176760/Co-trung-thuc-moi-thanh-cong-trong-khoa-hoc.html.