Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Đẳng cấp là đẳng cấp nào?

(TBKTSG) - Một bài báo gần đây viết về hiện tượng một số ca sĩ, diễn viên, người mẫu (được gọi chung là “sao Việt”) đua nhau mua nhà “triệu đô” với nhận định: “Họ tậu nhà không chỉ để ở mà còn muốn qua đây thể hiện đẳng cấp của mình”.
 
Một bài báo khác viết về một cô sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, một “tín đồ” của hãng thời trang cao cấp Gucci, con út trong một gia đình kinh doanh bất động sản, nổi tiếng là một “dân chơi” đất Hà thành, theo tác giả bài báo. Cô sinh viên tuyên bố: “Bình thường mình chỉ dùng túi xách hơn 1.000 đô la Mỹ nhưng ngày Tết ưu tiên hơn, khoảng 3.000 đô la Mỹ”, và giải thích: “Như vậy mới thể hiện được đẳng cấp”.
Không biết, trong câu chuyện thứ nhất, chuyện muốn “thể hiện đẳng cấp” có thực sự là suy nghĩ của tất cả các “sao Việt” hay chỉ là suy nghĩ của phóng viên gán cho họ theo cách nói, cách viết đã thành thói quen?
Còn trong câu chuyện thứ hai, nếu lời trích dẫn là đúng, chính cô sinh viên đã tự khẳng định ý muốn này. Như vậy là từ những người kiếm được nhiều tiền trong lĩnh vực hoạt động giải trí đến cô sinh viên còn sống dựa vào gia đình, ai cũng muốn “thể hiện”, nói thẳng ra là muốn khoe cái “đẳng cấp” của mình.
Có điều, cả người viết lẫn các nhân vật đều không xác định cái đẳng cấp mà họ muốn thể hiện là đẳng cấp gì? Đẳng cấp nghề nghiệp? Chắc không phải, vì đang nói tới chuyện tậu nhà tậu cửa, chuyện xài hàng hiệu chứ đâu phải chuyện nghề nghiệp, chuyện học hành, chuyện tri thức? Vậy chỉ có thể hiểu là “đẳng cấp” trong tiêu xài.
Tiêu xài thì có gì phải nói, phải bàn? Ai thích gì và có tiền để thỏa mãn ý thích của mình thì cứ việc. Nghèo thì ở nhà chật, có tiền hơn một chút thì đổi căn nhà rộng hơn, ở thoải mái hơn... Giàu thì sắm biệt thự, căn hộ cao cấp. Nghèo thì ba lô túi xách lèng xèng, có tiền thì mua thứ đẹp hơn một chút, giàu nứt đố đổ vách thì cứ mua hàng hiệu xài. Chẳng có gì phải nói, phải bàn. Nhưng muốn ở cho sướng thì cứ nói, cứ viết là muốn ở cho sướng; muốn xài túi xách mấy ngàn đô cho sang thì cứ nói, cứ viết là thích xài đồ sang chứ đừng lạm dụng các khái niệm.
“Đẳng cấp”, “bản lĩnh”, “phong cách”… là những khái niệm nói lên các giá trị thực nhưng bây giờ đã được dùng để chỉ những thứ không phải là giá trị. Nhiều khái niệm, nhiều từ ngữ gần đây đã bị ngành công nghiệp quảng cáo, truyền thông, tiếp thị lạm dụng, làm cho méo mó và mất hết tất cả nội hàm nguyên thủy của chúng. “Bản lĩnh” chỉ còn là bản lĩnh đàn ông biết uống bia, “phong cách” chỉ còn là kiểu khoe mẽ của dân chơi, và “đẳng cấp” đang dần trở thành chuyện khoe của.
Thật ra chúng ta đang rất cần đẳng cấp, bản lĩnh, phong cách trong nhiều lĩnh vực: đẳng cấp về khoa học công nghệ, về giáo dục đại học, về tổ chức giao thông; bản lĩnh trong ứng phó với thiên tai, với các “tay chơi” lớn trên trường quốc tế sao cho không để bị người ta ép; phong cách trong kiến trúc, xây dựng, trong văn hóa, đời sống cộng đồng…
Đó chỉ là một vài ví dụ về những thiếu thốn của chúng ta. Và truyền thông, thay vì tốn thời gian, công sức săn và gián tiếp cổ xúy cho những “giá trị” không thực sự là giá trị, có lẽ nên chú ý hơn tới những giá trị thực và những bức xúc rất thực của xã hội hôm nay.

Quỳnh Yên

Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, ngày 04/02/2010, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home/giaitri/tanvan/29609/Dang-cap-la-dang-cap-nao?.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét