Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Đạo văn: nhân và quả

(minh họa: Khều)
TBKTSG) - Việc phó giáo sư... “luộc” giáo trình của giáo sư…, xin miễn nêu tên, sẽ còn tái diễn dài dài khi nào mà hệ thống học thuật hiện hành chưa thay đổi tận gốc, khi mà xã hội vẫn còn xem việc “sao chép” như là đương nhiên, được phép, thậm chí khuyến khích.

Khi còn bé, đi học là gì nếu không phải là học thuộc lòng như vẹt. Cho đến khi lên đại học, lại tiếp tục là đọc chép. Sao chép từ bài vở đến cách thức và nội dung phát biểu. Hậu quả là hầu như mọi người đều viết, nói cùng một cách, với cùng những câu chữ, kể cả những điều sai trật hoặc không “hay ho”.
Như cụm từ một là, hai là, ba là… của văn nói không chỉ được sao chép trong khi nói, mà còn được bê vào văn viết, văn nghị quyết, trong khi ngữ pháp khuyến cáo bớt thì, là, mà… Có một dạo, trên truyền hình có cô phát thanh viên ấm ớ nào đó đọc từ ha (hecta - hectare) thành [ha], vậy mà cũng có khối anh đọc (bậy) theo: “… diện tích 100 ha”! Gần đây còn đọc theo kiểu ký hiệu toán: “tốc độ sáu mươi cây số trên giờ” thay vì đơn giản đọc là “tốc độ sáu mươi cây số một giờ”.
 
Chẳng qua, đó là kết (hậu) quả của quá trình “sao chép”, “văn mẫu”, đạo văn trong suốt hệ thống học tập, học để tập theo chớ không phải học để hành. Xin lỗi, cách học để tập theo đó, tiếng Pháp gọi là singerie (từ nguyên = singe: con khỉ). Còn tệ hơn cách học “Tử viết” (Đức Khổng Tử dạy rằng…) ngày xưa.
Đáng phiền là những “Tử viết” của thế kỷ 20 và nay là thế kỷ 21 lại mang tính “pháp lệnh”, được định chế hóa qua câu: “Sách giáo khoa là pháp lệnh”. Sách có sai nhưng các thầy cô cứ dạy theo, không được sửa!
Sẽ không quá lời khi nói rằng hầu như cái học ngày nay, từ tiểu học đến trên đại học là cả một quá trình tự nguyện sao chép văn mẫu, chứ không là một công cụ, một chìa khóa để tự tìm tòi, tự khai phóng, tự suy nghĩ, phát biểu.
Cách học “Tử viết” đó đồng nghĩa với độc đạo. Và khi độc đạo thì cho dù có là xa lộ cao tốc cũng chỉ dẫn đến… một “cái-gọi-là-La-Mã” nào đó, chứ không phải La Mã.
Lẽ ra, phải là cái Học (viết hoa), cái học minh triết, chữ triết như từ “triết” trong danh từ “triết học” (philosophy) trong cụm từ “Doctor of Philosophy” (viết tắt là học vị Ph.D. - tiến sĩ). Cái học để đi đến minh triết đó là gì, nếu không phải là để yêu thích (philo) đặt câu hỏi về bản chất, nguyên nhân, nguyên tắc của một thực tế, tri thức hay giá trị (sophos)? Với cái học minh triết đó, chẳng ai dám vỗ ngực tự nhận chỉ có mình mới đến La Mã. Tiếc là cái học minh triết ấy đã không được cổ võ, trong khi cái học “Tử viết” lại được hiểu như là cái lan can bảo đảm sự đỗ đạt, sự thăng quan tiến chức.
Thế cho nên, khi quy tất cả học thuật về một mối “Tử viết”, thì đó chính là sự kết thúc của cái học minh triết. Khi không học theo cái học minh triết, thì khả năng đặt câu hỏi, đặt vấn đề, tự tìm tòi, tự sáng tạo cứ thế mà bị thui chột. Chỉ còn sự sao chép, còn sự quan sát, phân tích, cân đong, đo đếm, tính toán, trừu tượng hóa… cứ thế mà “liệt” dần.
Chính sự sao chép không hề bị xử phạt đó, trái lại được đồng tình, cổ võ, đã biến hành vi sao chép của từng cá nhân thành một tập quán xã hội. Một khi từ tấm bé đã được “ban phép lành” khi sao chép trong nhà trường, lớn lên vô quan trường cũng thế, thì có rủ nhau “luộc” luận văn, giáo trình, bài vở, bài báo, văn bản, thơ văn… của người khác cũng là chuyện đương nhiên, như hít thở.
Văn hóa chính là gieo trồng (cultura: trồng trọt, văn hóa). Khi loài người thôi hái lượm như khỉ, biết gieo trồng để có hoa trái mà ăn, thì đó chính là khởi đầu của văn hóa. Khi hái lượm có sẵn, thì đó là trở về với sự nhái lại, singerie.

Danh Đức

Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, ngày 29/04/2010, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home/giaitri/tanvan/33620/Dao-van-nhan-va-qua.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét