Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Con hư tại mẹ, trò dở tại thầy!

(TBKTSG) - Thuở còn là học sinh tiểu học, không hiểu sao tôi lại đắc ý với câu chuyện “anh hàng giày đòi làm nhà phê bình nghệ thuật”! Chuyện kể về một chàng họa sĩ vì quá cầu toàn nên đặt tranh vừa vẽ ở lề đường rồi núp phía sau để lén nghe tiếng bấc tiếng chì.

Có anh thợ giày đi ngang lớn tiếng chê bai vì chiếc giày trong tranh vẽ sai mấy chỗ. Họa sĩ nghe đúng lý nên đêm đó chong đèn sửa ngay. Hôm sau, thấy giày đã chỉnh, anh thợ giày được nước chỉ trích lung tung, từ màu nền đến nước bóng! “Thợ vẽ” chịu hết nổi nên nhảy ra phản pháo bằng câu “này anh hàng giày, xin anh đừng trèo cao hơn chỗ của chiếc giày!”.
Câu chuyện rất đơn giản, rất đời thường mà càng đọc càng thấm thía với nỗi khổ của nghệ nhân có tài “họa long điểm nhãn” nhưng lại quên kích thước của... chiếc giày!, với niềm vui của anh thợ đóng giày rất khéo nhưng nói leo qua chuyện mỹ thuật thì chỉ được nước... ba hoa chích chòe!
Vị trí đặt quảng cáoTừ câu chuyện nằm lòng tôi chỉ xin lạm bàn về hai tiếng “thực học” dưới lăng kính của người theo nghề làm thuốc. Nếu vào mấy thập niên trước đây, thầy nào tệ lắm cũng có vài trò xuất sắc để thầy yên tâm nhắm mắt thì nay các thầy liệu đang có bao nhiêu học trò tâm đắc về y đức? Có bao nhiêu học trò giỏi hơn thầy về chuyên môn?
Đáng tiếc, đáng buồn, thậm chí rất đáng lo vì nếu trò không khá hơn thầy thì y khoa không thể tiến bộ, thì bệnh nhân không thể được phục vụ với hiệu năng như người người mong đợi, cho dù ngành y có tự hào thế nào về tiến bộ kỹ thuật.
Nghề y làm sao có thể xứng đáng với hai tiếng y thuật nếu thầy thuốc trẻ xứ mình không thể thay thế đàn anh vì quá non tay ấn?! Thế thì tại sao trò hiện nay khó giỏi hơn thầy, mặc dầu trò bây giờ có thừa phương tiện học tập hơn thầy ngày xưa?
Ông bà dạy “có học phải có hành”. Điều đó không chỉ có nghĩa là muốn học cho nhập tâm phải thực hành, mà còn là học sao để khi hết học có thể hành... nghề giúp ích cho mình, rồi cho người, cho đời! Tôi đã bỏ giờ tham dự nhiều buổi giảng ở đại học y dược, tôi đã quan sát sinh viên thực tập ở các bệnh viện. Tội nghiệp cho các bạn trẻ! Họ khó giỏi hơn thầy, hơn người đi trước, cho dù họ không thiếu khả năng chuyên môn.
Lý do rất đơn giản, đó là vì họ không có nhiều cơ hội để thực tập trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, nếu so với thời tôi còn là sinh viên trường thuốc. Một mặt, nhiều điều kiện ràng buộc về trách nhiệm, về cơ chế... khiến các bậc đàn anh dù muốn cũng khó lòng mạnh dạn giao công việc cho đàn em. Nếu ngày xưa nhiều sinh viên mới năm thứ hai đã có thể đảm nhiệm một số thao tác quan trọng trong cấp cứu, tiểu phẫu... thì hiện nay không thiếu sinh viên năm cuối chưa biết tiêm thuốc!
Mặt khác, chương trình thực tập không đi sát với nhu cầu thực tế đủ để người theo học vừa hứng thú thâu thập kinh nghiệm thực tiễn qua công việc cụ thể, vừa gắn bó với tinh thần trách nhiệm. Ngày xưa, tuy mới đến năm thứ ba nhưng không có gì lạ nếu anh bạn này sành về kỹ thuật thông khí quản, chị kia mát tay khi đỡ đẻ... trong khi sinh viên năm cuối bây giờ có thể nói dông dài cả giờ về một chuyên đề nặng phần lý thuyết, nhưng không biết đo... huyết áp!
Bên cạnh đó, chương trình lý thuyết lại quá nặng nề khiến sinh viên kiệt lực vì nhiều đề tài xa rời tính thực dụng! Phải khen sinh viên nước mình mới đúng lẽ công bằng vì họ phải nuốt cho trôi một chương trình học trong đó tối thiểu một phần ba thuộc về tu nghiệp hậu đại học, nếu so sánh với các nước khác. Tội cho học trò, tội luôn cho người bệnh, vì sinh viên y khoa nước ta dường như không được huấn luyện để phục vụ bệnh nhân Việt Nam trong bối cảnh đặc thù của xứ mình, với phương tiện thật gần trong tầm tay. Trái lại, họ đang “bị” giảng dạy cứ như để sau này chữa trị cho người... nước ngoài!
Ngay cả mô hình thi cử cũng thế. Nếu mục tiêu của khảo hạch là để gián tiếp tổng kết và nhắc nhở học trò về các điểm quan trọng nhất trong những điều họ đã được học thì tiêu chí này rõ ràng hãy còn rất xa lạ với nội dung của nhiều bài thi cuối năm hay tốt nghiệp. Tôi đã đọc nhiều đề thi. Tôi có cảm tưởng nhiều thầy dường như mượn kỳ thi để trả thù học trò! Đôi khi tôi không tránh được cảm nghĩ là dường như thầy ra đề ác đến thế vì thầy thậm chí hãnh diện nếu trò thi... rớt! Thầy chỉ quên là trò dại khờ chẳng qua vì thầy quá... vụng!, vì trò chính là “tác phẩm” của thầy!
Với một mô hình giáo dục như thế thì không lạ gì nếu đa số thầy thuốc trẻ bơ vơ khi bước xuống cuộc đời. Thực tài không là chuyện trời cho mà là kết quả đổ mồ hôi sôi nước mắt sau nhiều ngày khổ học. Với nghề nào cũng thế. Điều đó càng rõ nét gấp trăm lần với nghề thầy thuốc. Đòi thầy thuốc trẻ giữ cho được cái tâm nhưng lại không trang bị cho họ đủ cái trí thì thầy thuốc sớm muộn cũng khó lòng giữ nổi chữ tín với bệnh nhân, với chính mình, với lương tâm của thầy thuốc.
Tuy có thừa thực tâm lúc mới ra trường nhưng thiếu thực tài khi va chạm với đời thì đồng tiền sớm muộn cũng đâm toạc tờ giấy. Không ai đòi hỏi trò nào cũng giỏi hơn thầy, nhưng dạy học trò mà không giỏi được gần bằng thầy quả thật chẳng khác nào đẩy người chưa biết lội xuống sông sâu. Tất nhiên cũng có người sống sót nhưng không thể đánh giá chuyện đó như thành quả, vì cho dù có hay thì chẳng qua chỉ là cái hay bùi ngùi như trong truyện Kiều, cái hay nghe ngậm đắng nuốt cay thế nào!
Hiểu biết là động từ kép. Học trò không thể biết nếu chưa hiểu. Áp dụng cũng là động từ kép. Không “dụng” cho xong thì chỉ còn nước “áp” đặt kiến thức, nghĩa là bức tử óc sáng tạo. Mục tiêu thực học của ngành giáo dục hoàn toàn bất khả thi, chỉ là bóng ảo cuối đường, chỉ là tiếng kêu não nùng của cánh nhạn lạc bầy, nếu tiếp tục đơn phương đòi hỏi trò phải tự xoay trở để học sao cho giỏi. Muốn được như thế thì thầy trước tiên phải chứng tỏ khả năng “thế thiên hành đạo”, thay vì bỏ rơi học trò trong cảnh “vạn lý độc hành”! Ngày nào học trò chưa giỏi thì lỗi là do thầy thiếu thực học, là do thầy có bằng thật nhưng học giả, do thầy cố học chỉ để có học vị nhằm mục tiêu tiến thân.
Lời thật khó tránh mất lòng! Nhưng nhiều khi thuốc đắng, thuốc thật đắng mới mong dã tật. Không dễ để tái thiết kế một nền giáo dục trọn nghĩa thực học. Nhưng con đường nào, nói theo Lão Tử, dù chông gai cách mấy, cũng phải bắt đầu bằng một bước, bước đầu tiên! Hay hơn nhiều là mạnh dạn bước tới theo lời khuyên của Lỗ Tấn, vì “cứ đi rồi sẽ thành đường”.
Thương biết mấy, học trò nước tôi!

Bs. Lương Lễ Hoàng

Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, ngày 29/07/2010, truy cập từ
http://www.thesaigontimes.vn/Home/giaitri/tanvan/38265/Con-hu-tai-me-tro-do-tai-thay!.html.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét