Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Cổ tích và GDP





minh họa: Khều.

(TBKTSG) - GDP (Gross Domestic Product) là tổng các sản phẩm và dịch vụ được mua và bán, không phân biệt là những giao dịch đó làm cho cuộc sống tốt đẹp lên hay tồi tệ đi. Nói cách khác, GDP chỉ đo duy nhất một thứ là dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế.
Thay vì bóc tách những hoạt động tạo ra lợi ích và những hoạt động mang tính hủy hoại, GDP cho rằng mọi giao dịch tiền tệ đều tốt cho nền kinh tế và vì vậy tốt cho cuộc sống. Có đúng vậy không?
Chuyện cổ tích kể rằng có một nàng tiên là chim Hạc trên trời bị đày xuống trần gian làm người, và vì ơn cứu tử mà nàng lấy phải một người chồng nghiện rượu. Nhà nghèo túng, mỗi lần chồng đòi tiền uống rượu, nàng phải kín đáo hóa thành chim Hạc và nhổ vài cọng lông để dệt lụa bán lấy tiền.
Ngày tháng qua, chàng cứ ngày ngày tiêu tiền, uống rượu, còn nàng thì ngày càng hao gầy. Đến một ngày nàng kiệt sức, không còn hóa lại kiếp tiên được nữa, nàng chết, chàng khóc than thì đã muộn màng.
Nếu một nhà kinh tế học ngày nay cộng tiền bán lụa của nàng và tiền mua rượu của chàng thì sẽ ra con số GDP của gia đình này, và nếu đọc “báo cáo kinh tế” của gia đình, có khi thấy sự tăng trưởng - tháng sau cao hơn tháng trước, nhưng rõ ràng đây không phải là sự phát triển bền vững. Như vậy, cần phân biệt sự “tăng trưởng” - đo bằng GDP - với sự phát triển bền vững.
Mặt khác của tăng trưởng GDP
Ở một làng nọ, nạn trộm cắp hoành hành làm người dân khốn khổ. Nhà nào cũng phải xây hàng rào cao, gắn miểng chai, mua thêm ổ khóa, nuôi chó giữ nhà... Tất cả các khoản chi tiêu ấy sẽ được tính vào GDP của làng.
Các con đường làng thì đầy ổ gà, ổ voi, người dân lại thiếu ý thức giao thông nên tai nạn xảy ra thường xuyên, nhiều người bị thương và phải nhập viện. Các chi phí chữa trị cũng được tính vào GDP của làng. Như vậy, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông giúp tăng GDP!
Trong làng có một gia đình, người cha già yếu lo lắng cho con cái bằng cách vay tiền hàng xóm để mở cho con một cửa hàng. Sau đó cha mất. Tiền cha vay được tính vào GDP. Cửa hàng buôn bán phát đạt, tăng thêm GDP.
Trong khi đó, ở một gia đình khác, người cha đi vay tiền để xây căn nhà to cho nở mặt nở mày với hàng xóm. Cha giao cho người anh cả ước lượng chi phí xây nhà. Người anh cả tham lam báo với cha con số chi phí cao hơn để lấy tiền đi ăn nhậu, cha phải đi vay thêm. Lại chẳng may cha thuê nhằm một nhóm thợ gian dối, xây nhà kém chất lượng. Sau vài năm thì căn nhà mục nát và người con út phải gồng lưng trả món nợ xây nhà của cha lẫn tiền vay thêm để xây lại căn nhà mới. Toàn bộ các khoản tiền người cha đi vay và người con út đi vay đều được tính vào GDP của gia đình.
Như vậy, GDP tăng nhờ vay tiền đầu tư và tiêu xài.
Rồi cả làng, ai cũng muốn tăng trưởng GDP nên từ chối việc tự chăm sóc con cái và cha mẹ già (vì những công việc tự làm không có giao dịch tiền tệ, nên không được tính vào GDP, không giúp tăng trưởng GDP). Thay vào đó, người này thuê người kia quét nhà cho mình, còn mình thì đi trông con cho nhà khác, nhà khác thì đi làm thuê cho nhà khác nữa. Cuối cùng, GDP của làng tăng vượt bậc!
Ở một làng khác, thiên nhiên còn tốt tươi, cá dưới sông nhiều vô kể, nhà nhà cứ việc đến bữa cơm là quăng chài, giăng lưới, đem cá về rồi tự nấu ăn (vì bán cũng không ai mua). Quanh năm suốt tháng và có khi là cả đời người, người dân trong làng không phải tốn đồng nào để mua cá ăn, vì vậy, lợi ích về cá không được tính vào GDP. Một kinh tế gia từ xa đến đọc “báo cáo kinh tế” của làng và lắc đầu buồn bã bảo rằng, làng này nghèo quá, không tăng trưởng GDP gì cả! Sau đó, có một nhà máy mọc lên gây ô nhiễm dòng sông, cá chết hết, nhưng sự mất mát này không được tính vào GDP.
Như vậy, GDP không tính những thứ không qua mua bán và không tính sự cạn kiệt tài nguyên.
Nhà máy gây ô nhiễm do vài gia đình hùn vốn đầu tư nên thu nhập của nhà máy chủ yếu là cho các gia đình có hùn vốn. Những gia đình khác được hưởng lợi từ việc đi làm thuê cho nhà máy nhưng không còn được hưởng nguồn cá dưới sông.
Các hoạt động gây ô nhiễm dòng sông của nhà máy được tính vào GDP. Sau đó, làng không còn nước sạch nên lập ra một quỹ với số tiền lớn để xử lý ô nhiễm. Số tiền này lại được tính vào GDP của làng. Tại cuộc họp làng, có người kêu lên: “Nhờ có nhà máy gây ô nhiễm, GDP làng ta tăng lên!”. Ô nhiễm tăng, GDP cũng tăng!
Thước đo mới: GPI
GPI (Genuine Progress Indicator), tạm dịch là chỉ số tiến bộ thực, là một khái niệm mới để đo sức khỏe kinh tế của một quốc gia, được đưa ra vào những năm 1990 và được những người thuộc trường phái “kinh tế xanh” cổ vũ.
Không hoàn toàn loại bỏ GDP, GPI là sự mở rộng, cho thấy bức tranh toàn diện hơn của sự phát triển. GPI tính thêm khoảng 50 khía cạnh của đời sống mà GDP bỏ qua, bao gồm những yếu tố xã hội và môi trường. Ngoài ra, nó còn tách bạch những giao dịch kinh tế làm tăng chất lượng cuộc sống và những giao dịch làm suy giảm chất lượng cuộc sống. GPI lồng ghép tất cả các yếu tố này vào một chỉ số tổng hợp, đặt lên bàn cân để so sánh lợi ích và chi phí.
Trong câu chuyện về làng có nạn trộm cắp và tai nạn giao thông nói trên, GDP sẽ tính tất cả chi phí bệnh viện, chi phí kiện cáo, tiền mua ổ khóa, làm thêm hàng rào..., trong khi GPI sẽ trừ các con số này ra. GPI vì vậy là công cụ đo sức khỏe của nền kinh tế tốt hơn, giúp né tránh con đường phát triển mà sự tổn thất cho thế hệ hôm nay và mai sau (không được nhìn thấy trong GDP) lớn hơn lợi ích.
Nếu một hoạt động kinh tế ngày nay làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, chức năng sinh thái, hủy hoại môi trường, thì nó không thực sự cải thiện cuộc sống, nó vay của các thế hệ mai sau. GDP xem sự vay mượn này là thu nhập cho thế hệ hiện tại, còn GPI sẽ tính sự suy thoái hệ sinh thái, đất đai như là chi phí.
Vào năm 1994, Clifford Cobb, Ted Halstead, và Jonathan Rowe đã cho ra kết quả GPI của Mỹ và tạo ra sự “giật mình” vì nó rất khác biệt với kết quả tăng trưởng đo bằng GDP. Kết quả GPI đó cho thấy tình trạng thực sự của nguồn vốn tự nhiên, xã hội, con người, và vật chất của Mỹ không phải tốt như người ta tưởng.
* * *
Hiện nay, vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các quốc gia ở vùng hạ lưu sông Mêkông dự kiến xây các đập thủy điện trên dòng chính, tạo ra một danh sách dài những rủi ro tổn thất to lớn. Thu nhập từ các dự án thủy điện được tính vào tăng trưởng GDP rất dễ dàng, nhưng muôn vàn những “chi phí” khác đối với hàng chục triệu người sống trong lưu vực - ở thế hệ hôm nay và những thế hệ mai sau, sẽ không hiện diện trong cách thống kê kinh tế thông thường bằng GDP.
Vẫn biết sự tăng trưởng là cần thiết và để phát triển đôi khi phải chấp nhận thay đổi hoặc đánh đổi. Nhưng nếu “tổng cái lợi” nhỏ hơn “tổng cái thiệt hại” thì chẳng nên đánh đổi. Và một khi còn những rủi ro chưa được hiểu rõ hoặc chưa chắc chắn có biện pháp khắc phục thì nguyên tắc cẩn trọng là nguyên tắc vàng trong việc ra quyết định để không phải hối tiếc về sau.
________________________________________
Tài liệu tham khảo: The Genuine Progress Indicator: Summary of Data and Methodology, Redefining Progress (1995).
 
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 24/5/2011, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home/giaitri/tanvan/53682/Co-tich-va-GDP.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét