Minh họa: Khều. |
(TBKTSG) - Tiếp theo các bài Học ăn, Học nói của cùng tác giả khởi đăng trên mục Góc Nhìn từ ngày 5-4-2011.
Ai đã thử đều thấy gói quà, gói hàng bằng lá rất khó, phải có kỹ năng nhất định mới làm được. Gói thế nào để quà không lòi ra, rơi ra ngoài, lá không bị rách.
Vì kỹ thuật gói luôn liên quan đến cuộc sống thường ngày, lại khó như thế nên sau “học ăn, học nói”, các bà mẹ thường dạy con học “gói”. Mẹ tôi phải cầm tay chỉ việc cho mấy cô em gái tôi từ thuở còn thơ, cách gói một nắm xôi, một cái nem hay một món đồ mua ở chợ bằng thứ lá nào đó. Lớn lên, không phải dạy gói theo nghĩa đen nữa, mẹ thường nhắc khéo những chiêm nghiệm sống của mình để truyền lại cho con. Ví như làm ăn phải biết gói ghém. Lúa chín ngoài đồng rồi mà vẫn có thể mất mùa vì không biết thu gom kịp thời, gói lại thành quả của mình trước một cơn bão. Chi tiêu trong nhà cũng phải biết gói cho khéo, “liệu cơm gắp mắm, không mang nợ”. Lời ăn tiếng nói lại càng phải biết gói cho khúc chiết, ngắn gọn.
Vào đời, dù đã viết được nhiều cuốn sách, tôi vẫn thường suy ngẫm lại những lời dạy gói xưa. Vua là ngôi cao nhất nước, quan thường ngồi trên nhiều người hay chỉ một số ít người, nhưng dân gian với ca dao, tục ngữ vẫn có thể dạy được nghệ thuật làm vua, làm quan. Dân gian nói: “Lá không gói được lửa”, ấy là để nhắc khéo vua quan rằng dân quan trọng như thế nào, nhất là khi dân đang phẫn nộ, lửa bất bình đang bùng cháy. Lúc đó mà “gói dân” thì lá có tươi đến đâu cũng thành tro. Lịch sử chứng minh điều đó tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Hay nhất là làm dân hài lòng, đừng làm dân phẫn nộ. Dân lại dạy: “Tay không che nổi mặt trời, thúng không úp được voi”. Lấy tay gói mặt trời cũng như lấy thúng gói con voi là chuyện không tưởng, nhất là trong thời đại Internet ngày nay. Cho nên sự thật thì không nên gói lại, nên minh bạch, quang minh chính đại. Nếu phải gói chuyện gì vì lợi ích chung hay của quốc gia thì cũng nên gói cho khéo, cần nhất là phải thành tâm, vì đại sự chứ không chỉ vì mình, phe cánh mình..
Vua quan là người được quyền ăn, quyền nói nhiều hơn người dân. Diễn đàn thường là của người lãnh đạo dùng để dạy dỗ, phê phán, khoe sắc khoe tài. Có nhiều ông quan khi nắm được micro là không chịu buông ra, coi người ngồi nghe mình là cái thùng không đáy chứa lời tâm sự hay giáo huấn. Trước hết là, thứ nhất, thứ hai, cuối cùng là, rồi trở lại thứ nhất, thứ hai... tóm lại... người nghe hoang mang vì bài nói không biết sắp bắt đầu hay sắp chấm dứt. Có lẽ chính bản thân người nói cũng không biết gói mớ lời vàng ý ngọc lại như thế nào để có thể rút lui.
Ngày nay có khái niệm “gói dữ liệu”. Thuật ngữ này là của công nghệ thông tin. Dữ liệu gồm những bit thông tin, trước khi được lưu lại hay chuyển đi đều phải “đóng gói” cho gọn gàng. Khi ta gửi một cái e-mail có nghĩa là chương trình chuyển thư phải chia ra rồi đóng lại thành từng gói nhỏ mới chuyển đi. Ở nơi nhận, máy tính mở ra, lắp ráp lại như nguyên bản. Tất cả chỉ trong một vài giây. Sở dĩ nhanh được thế là nhờ biết đóng gói. Thủ tục hành chính cũng vậy. Nếu có tổ chức “một cửa”, biết gói mọi thủ tục thành những quy tắc, mô đun ngắn gọn thì dân đỡ khổ, đỡ bị hành.
Có những người được học hành tử tế, có kinh nghiệm lãnh đạo lâu năm, đã từng “học gói” trong kinh doanh ở trường đại học hay trường đời. Không ai nghi ngờ các giám đốc điều hành của tập đoàn này, tập đoàn nọ là không biết việc. Họ đều là những người có học. Người giám đốc nào biết gói thì tập đoàn hay công ty phát đạt, có thể không “thiên lý mã” nhưng chí ít cũng vượt qua được khủng hoảng. Cái lạ là họ đều biết gói nhưng lại không muốn gói. Vụ Vinashin là một điển hình. Đáng lẽ chỉ tập trung vào công nghiệp đóng tàu và phủ sóng vùng phụ cận đóng tàu thì lại mở ra hàng trăm công ty con như vãi trấu. “Quả đấm thép”(!) bị chặt vụn, bị nấu chảy ra và ai cũng dễ thấy trước hậu quả cuối cùng. EVN mở khách sạn, PVN kinh doanh nhà chung cư, mới thanh tra sơ sơ cũng phát hiện ra sai phạm “không biết gói”. “Không biết gói” hay là “không muốn gói”?
Lại có người biết gói, gói rất giỏi. Nhưng họ biết gói ghém cho bản thân, cho gia đình, người cùng nhóm lợi ích, hơn là cho công ty, cho Nhà nước. Mẹ tôi kể chuyện trong xóm ở quê tôi hồi đó có vợ chồng ông Cháu Sáu. Họ cãi nhau quanh năm, ăn riêng, mỗi người một niêu, kể cả ngày Tết. Thế nhưng Tết đến thì dù nghèo, dù cãi nhau nhà nào cũng phải gói được cái bánh tét đặt lên bàn thờ, sau đó mới mang xuống chia nhau. Nhà nghèo, hai vợ chồng góp gạo chỉ đủ gói một cái bánh tét. Người gói là ông Cháu Sáu. Bỗng dưng cái bánh tét có đầu to đầu nhỏ. Ông Cháu Sáu phán: “Đầu ni của tau, đầu tê của mi!”. Chuyện vỡ ra, từ đó trong làng tôi có câu “bánh tét Cháu Sáu” để chỉ sự gói ghém khuất tất, đầu to đầu nhỏ không công bằng. Buồn thay, thời đại văn minh ngày nay vẫn còn khá phổ biến cái “bánh tét Cháu Sáu” do những nhà quản lý thiếu công tâm, không phải không biết gói mà lại gói rất giỏi, gói được cả những cái bánh tét đầu to đầu nhỏ!
Nguyễn Quang Thân
Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, ngày 20/04/2012, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home/giaitri/tanvan/75196/Hoc-goi.html.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét