Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Học mở

Minh họa: Khều.
(TBKTSG) - Bài viết cuối trong loạt bài luận bàn về phong thái và phẩm chất của người lãnh đạo của cùng tác giả khởi đăng trên mục Góc Nhìn từ ngày 5-4-2011.
Học ăn, học nói có thể chỉ là một kỹ năng, một thói quen cư xử (văn hóa) của bất kỳ ai. Nhưng học gói, học mở là duyên nghiệp của một đời người. Mẹ tôi chỉ dạy chúng tôi học mở với những bài học vỡ lòng đơn giản. Như phải hết sức cẩn thận khi mở một cánh cửa hay một gói quà vì mình chưa biết trong đó, phía sau đó là cái gì.
Mở một cánh cổng để vào nhà ai thì trước hết phải nghĩ là trong vườn, trong nhà có chó dữ hay không? Ai cho quà thì nên mở ra ngay để biểu lộ là mình rất vui mừng khi được cho quà. Nhưng cũng chớ quá chầm bập, hấp tấp vì như thế người cho quà dễ nghĩ là mình “vui mừng quá đáng”. Một người tử tế, luôn muốn con cái mình thành người tử tế. Bài học mở gói quà mặc nhiên chứa những ẩn ngôn minh triết tự nhiên.
Ví như, mẹ tôi nói, nhiều khi cũng phải biết mở đúng lúc. Có những cánh cửa đóng chặt, người ta không cho vào nhưng mình bị cướp đuổi chẳng hạn thì cũng phải mở mà vào. Không cần đắn đo, hãy tự tin mình là người tốt thì cái thất lễ ban đầu rất dễ được bỏ qua. Trong đường đời cũng vậy, gặp cảnh sức cùng, tài tận, người ta thường chán nản nói hai từ “hết cửa”. Nói thế là người chưa biết mở. Đừng tuyệt vọng, hãy nhận ra và biết mở những cánh cửa đang giấu kín khắp nơi, kể cả cổng chùa hay giáo đường. Lớn lên đọc được câu thơ của Ralph Emerson (Mỹ ): “Hãy tin là bức tường nào cũng có cửa”, tôi mới hay minh triết không chỉ là độc quyền của những người vĩ đại.
Mẹ tôi thường nói chớ gói chặt những chuyện giận dữ, bực mình. Không vừa lòng ai, thì hãy mở lòng với người ta. “Mất lòng trước, được lòng sau” là một thái độ sống của người biết mở. Hãy mở lòng mình như bóc cái bánh hay nói như một nhà thơ Nga “hãy trải lòng như trải những cành thông”. Sự cởi mở của mình sẽ khêu gợi người khác cởi mở, đời sẽ bớt thủ đoạn và âm mưu, thật dễ sống. Gói chặt chôn chặt hận thù vào lòng là tự giết mình, đầu độc những ngày sống đáng lẽ ra rất thanh thản, hạnh phúc. Tôi cũng nhớ mãi bài người đàn ông vứt hòn đá định ném người hàng xóm để trả thù xuống ao trong Quốc Văn giáo khoa thư. Hành động đơn giản mà ý nghĩa lớn ấy của người bình thường có thể làm gương cho cả vua.
Mẹ tôi là trực hệ đời thứ 23 của cụ tổ Lê Hối, anh ruột Lê Lợi. Trong nhà họ ngoại chúng tôi, Lê Lợi là Vua ta, hễ có dịp trà dư tửu hậu là mọi người lại ngồi nghe cô bác có tuổi kể chuyện nhà Lê, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vĩ đại của “Vua ta”. Mẹ tôi nói, sau khi đã “gói chặt” mười vạn tinh binh của Vương Thông trong thành Đông Quan, Vua ta tìm cách mở đường sống cho chúng. Trong bầu không khí hận giặc đến mức “trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”, chỉ một lệnh truyền là mười vạn quân giặc bị tiêu diệt. Nhưng Vua ta “thể lòng trời mở lượng hiếu sinh”, cho giặc cùng mở Hội Thề để được toàn mạng về nước, thực ra là cách để chúng “vẫy đuôi xin chết” trong danh dự mà thôi.
Hành động “mở đường hiếu sinh” cho mười vạn quân thù đang như cá nằm trên thớt là nghệ thuật ngoại giao của bậc vương giả trí dũng song toàn có trái tim “từ bi hỉ xả” của Đức Phật. Biết “mở” cửa thành cho quân giặc ra hàng, Lê Lợi đã mở được kỷ nguyên 365 năm hòa bình cho đất nước. Có triều vua nào làm được như thế không? Lê Quý Đôn viết: “Không, kỳ mưu này cổ kim chưa từng có”.
Nhà Trần từ thuở Nguyên Phong đã để lại nhiều bài học mở trong lịch sử dân tộc. Trần Liễu làm loạn không thành, đến hàng. Thủ Độ đang đứng cạnh vua trên thuyền muốn chém, vua liền lấy mình che chở kẻ từng đòi cướp ngôi. Thủ Độ đành hậm hực vứt gươm xuống sông. “Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người gườm mắt nhìn. Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi chỉ chống gậy không mà đi, còn nhiều việc đại loại như thế” (Toàn thư). Biết tháo cái đầu sắt nhọn đúng lúc là cởi mở hận thù hiềm khích vốn đang chia rẽ tôn thất nhà Trần.
Trong chiến tranh, kẻ bị giết luôn là người không biết giết kẻ thù. Căm thù giặc phải được nén lại thành sức mạnh dồn lên mũi lê, nòng súng. Nhưng tàn cuộc, trên đống tro tàn, đây là thời gian để mở chứ không phải để gói lại hận thù và nỗi đau. Cũng chuyện thời Trần, sau ba lần đánh thắng giặc Nguyên: “Giặc thua vua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc” (Toàn Thư). Làm yên lòng cả những kẻ phản trắc, từ bi hỉ xả bao nhiêu!
Mở là công khai, minh bạch, phẩm chất quý giá nhất của người lãnh đạo. Bởi vì, không phải ai cũng muốn vạch áo cho người xem lưng. Nhưng họ không biết rằng, cái nhọt hậu bối bị che giấu sẽ làm họ và có thể cả vương triều mất mạng. “Trần Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của Thủ Độ. Vì thế quyền ông át cả vua. Có người khóc, nói điều đó với Thái Tông. Vua lập tức bắt người ấy cùng mình đến báo cho Thủ Độ để trị tội gièm pha. Thủ Độ trả lời: “Đúng như những lời hắn nói”. Rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy” (Toàn Thư). Thưởng cho người “phản biện”, gièm pha có thể đưa mình tới cái họa chết người, không phải ai cũng làm được, dù Thủ Độ đã từng bị chê trách là nhà chính trị tàn ác giết nhiều tôn thất nhà Lý. Nhưng đó là chuyện khác, một hoàn cảnh khác. Gói hay mở đều phải đúng lúc.
Nghệ thuật mở cũng là nghệ thuật hòa giải. Kẻ thắng người thua sau một cuộc chiến tranh, lại đang cùng sống chung trên một mảnh đất, thở một bầu khí quyển. Nếu cả hai phía đều gói chặt hận thù mà không mở ra thì biết đến bao giờ mới thôi chia rẽ để xây dựng đất nước? Cởi mở là nét đẹp đặc trưng được nói đến nhiều trong thời đổi mới hôm nay. Mở là một chính sách nhưng cũng là đạo làm người. Có đạo làm người thì có dân, được dân tin, dân theo. Thượng Hoàng Trần Nhân Tông có mấy câu thơ tuyệt phẩm tức cảnh trong một lần kinh lý sau chiến tranh: “Trăng vô sự soi người vô sự. Nước vẻ thu ngậm trời vẻ thu. Bốn biển đã quang, trần đã lặng. Chuyến đi nay thắng chuyến đi xưa”. Là nhà cầm quân vĩ đại ba lần đuổi giặc khỏi cõi, Người vẫn thấy “chuyến đi nay thắng chuyến đi xưa”. Điều làm nức lòng đấng minh quân không phải là hào quang chiến thắng đã qua mà hôm nay, đất nước được thái bình, biển quang, trần lặng, để trăng vô sự soi người vô sự. Được thế, phải chăng là nhờ biết mở, điều huyền diệu của cõi người?

Nguyễn Quang Thân
Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, ngày 02/05/2012, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home/giaitri/tanvan/75671/Hoc-mo.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét