"Xin các báo đừng cơi lên nữa, chúng tôi không muốn nói gì. Chúng tôi vẫn nói với nhau, nước mất thì nhà tan, hãy để chúng tôi được yên nghỉ”. Lời trần tình trên của một người nằm trong ban điều hành cũ của ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB). Sau khi HBB sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), vị này cũng bị thuyên chuyển từ ban điều hành xuống làm tại một phòng chức năng.
“Chúng tôi cũng xác định đối mặt với sự sắp xếp bố trí lại, mình có thể lên hay xuống, và bị quyết định thế nào mình phải chịu. Thuyền to sóng lớn, ai cũng vì miếng cơm manh áo, nếu đã làm thì phải chấp nhận”, vị này bộc bạch.
Không chỉ một mình tổng giám đốc HBB Bùi Thị Mai bị giáng chức. Ban điều hành của HBB, gồm một tổng giám đốc và 4 phó tổng giám đốc cùng ngày 31-10 đều nhận quyết định xuống làm chuyên viên bộ phận thu hồi nợ do Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển ký. Ngay cả những người bị điều chuyển cũng không được báo trước, đến khi công bố quyết định toàn ngân hàng họ mới hay.
Không chỉ Ban điều hành HBB, hàng nghìn nhân viên cũ của HBB khi sáp nhập vào SHB thời gian qua cũng đối mặt với nhiều thay đổi lớn với tâm lý bất an. Ở nhiều bộ phận sau khi gộp hai ngân hàng vào, dôi dư người nên phải điều chuyển sang các công việc không phù hợp, có khi vì tâm lý ma mới ma cũ nên các nhân viên ở nhiều vị trí cũng nói rằng họ bị đối xử không thoái mái. Nhân viên của HBB gửi đơn xin nghỉ việc hàng loạt. Nhưng nhiều vị trí không được Ban lãnh đạo SHB cho nghỉ vì cho rằng còn dính dáng trách nhiệm. Nhiều nhân viên sau khi nộp đơn 45 ngày tự động nghỉ việc, nhưng thủ tục thanh lý hợp đồng vẫn chưa được tiến hành.
“Việc sang tên đổi chủ dù không muốn những mình là người lao động phải chấp nhận. Vấn đề là hiện giờ tinh thần nhân viên sau nhiều biến cố đã giảm nhiệt huyết và chán nản”, một phó phòng cũ của HBB nói, “Tôi cũng xác định việc bị thuyên chuyển đến các vị trí thấp hơn là điều có thể. Môi trường làm việc, văn hóa thay đổi tất cả mọi thứ phải làm lại từ đầu. Ngã đâu đứng dậy đấy. Song, nhìn vào lãnh đạo cũ tôi cũng lo, không biết số phận mình thế nào, hay họ đánh giá văn hóa HBB là không dám chịu trách nhiệm. Nếu xin nghỉ mà không được duyệt, đi đâu không cầm cái Thanh lý hợp đồng lao động của SHB đi thì ngân hàng khác họ cũng không dám nhận”.
Một lãnh đạo cao cấp khác của HBB xin giấu tên cũng chia sẻ, “Thấy có nhân viên khóc, xin nghỉ việc, ngồi nhìn nhìn nhân viên ra đi, tôi cũng đau lòng lắm. Tôi vẫn nói với nhân viên, hãy cố chấp nhận thử thách vì đi chỗ nào cũng khó. Tất nhiên người ta cũng có cái lý của họ. Chúng tôi cũng cố gắng hợp tác với SHB nhưng nhiều cái rất khó không làm ngay được.”.
Đem những tâm sự này trao đổi với đại diện SHB, tôi nhận được câu trả lời rằng “Không phải tất cả 5 người trong ban điều hành HBB đều xin nghỉ việc nhưng tất cả đều liên quan đến nợ xấu hay các vấn đề rủi ro trong quá trình điều hành trước. Việc điều chuyển Ban điều hành HBB xuống chuyên viên có rất nhiều lý do tế nhị mà chúng tôi không thể nói với báo giới”.
Vị này nói rằng SHB có quy định rõ ràng rằng bất cứ ai trong qúa trình kinh doanh để nợ quá hạn ở các mức khác nhau đều phải chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả đó và bà Mai cùng Ban lãnh đạo của HBB cũng không phải ngoại lệ. Thậm chí, khi anh ở vị trí càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Các lãnh đạo của SHB đã cân nhắc rất kỹ khi quyết định việc này.
Vị này cũng cho biết, “Nhiều nhân viên của HBB xin nghỉ việc nhưng rất nhiều trường hợp SHB không thể cho nghỉ vì gánh quá nhiều trách nhiệm. Anh để lại một khoản nợ, anh đi thì ai xử lý. Anh phải ở đây giải quyết xong trách nhiệm của anh đã”.
Đây không còn là câu chuyện của SHB và HBB, tuần qua nó trở thành đề tài bàn luận của giới tài chính ngân hàng. Điều mà họ xôn xao không phải là việc ai đúng ai sai, bởi vì còn quá nhiều vấn đề chưa lộ ra hết trong mối quan hệ 1+1 không phải bằng 2 của SHB và HBB, mà là cách ứng xử trong văn hóa doanh nghiệp. Bà Bùi Thị Mai là người gắn với HBB và ngành ngân hàng gần 20 năm với gần 10 năm làm tổng giám đốc của HBB. HBB đã từng là ngân hàng lành mạnh, có văn hóa nội bộ êm ấm trước khi vướng vào hợp đồng tín dụng với Vinashin mà ở thời điểm đó, được cho Vinashin vay là mơ ước và cuộc đua của tất cả các nhà băng.
Cái logic “anh gây nên hậu quả anh phải gánh không vô lý, nhưng có nhiều cách để xử lý vấn đề. Dân trong nghề chúng tôi đều biết, đó là hậu quả của cả bộ máy làm bừa, làm ẩu, không minh bạch, bị can thiệp vô lối, nên tôi thấy sự trừng phạt với Ban điều hành HBB, nếu có thì không hợp lý”, một tổng giám đốc ngân hàng cổ phần chia sẻ với TBKTSG, “Quy tắc nào đi nữa cũng ở con người mà ra”.
Tất nhiên ông cũng cho rằng đã qua rồi cái thời làm ngân hàng là nằm trong chăn ấm, nay thì “hơi nhiều rận”. Ông nói rằng ta cũng phải quen với việc nay anh làm CEO, mai thất nghiệp hay đi làm ở những vị trí thấp nhất. Bởi anh chỉ là kẻ làm thuê. Kinh tế thị trường ngày càng chuyên nghiệp hóa trong hoạt động thì con người cũng nên thay đổi theo, lãnh đạo ngân hàng cũng là một nghề làm thuê, thay đổi là bình thường.
“Tôi cũng biết việc nhân sự cấp cao của ngân hàng xuống làm nhân viên không phải chưa có tiền lệ ở các ngân hàng, ngay cả ở SHB, nhưng thường việc này được thực hiện rất tế nhị, đặc biệt không làm mất danh dự người lãnh đạo đó, không ảnh hưởng đến tinh thần các nhân viên khác và thương hiệu, văn hóa ứng xử của ngân hàng”, ông tiếp, “Bởi với tình hình này, thị trường còn có rất nhiều cuộc kết hôn, gả bán giữa các ngân hàng với nhau. Sẽ có rất nhiều xung đột xảy ra sau các đám cưới đó, nhưng hành xử với nhau thế nào mới là điều quan trọng. Nó cũng thể hiện văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu của người lãnh đạo mới”.
Một tổng giám đốc nhiều năm ở một ngân hàng có vốn nhà nước lớn cũng chia sẻ rằng theo ông xử lý các mối quan hệ đặc biệt rất quan trọng và nhạy cảm trong ngân hàng. Nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị doanh nghiệp. Bởi anh phải xác định đây là những mối quan hệ mang tính chất xã hội chứ không riêng gì một vài cá nhân với nhau. Nó là văn hóa quản trị, xử lý xung đột khi sáp nhập công ty.
“Xung đột là điều hiển nhiên, cách anh ứng xử với xung đột mới là điều quan trọng. Người điều hành cần cân nhắc hậu quả của nó sẽ như thế nào. Thị trường nhìn vào, cấp dưới nhìn lên, khách hàng đối tác trông sang, hành vi đó sẽ không còn là việc riêng của doanh nghiệp. Văn hóa đó lan tỏa sẽ ảnh hưởng cả thương hiệu và giá trị của ngân hàng”, ông nói.
Ông kết luận, tất nhiên người lao động không hoàn thành nhiệm vụ phải có biện pháp để họ có trách nhiệm nhưng thiếu gì cách, thiếu gì chỗ để thuyên chuyển. Nếu không khéo anh sẽ biến vấn đề từ đơn giản thành phức tạp trong khi người quản lý chuyên nghiệp phải biết biến vấn đề phức tạp thành đơn giản, để không triệt tiêu động lực phấn đấu và sự đoàn kết, năng lượng phát triển trong doanh nghiệp.
Hồng Phúc
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 15/11/2012 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét