Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Đâu người anh hùng thời nay?

SGTT.VN - Giải Sách hay 2012 trong lĩnh vực kinh tế đã được trao cho tác phẩm Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hoá Việt Nam của GS Trần Văn Thọ. Những đề xuất của ông nêu trong cuốn sách ra đời cách đây bảy năm đến nay vẫn nguyên giá trị.

Nhìn lại những vấn đề mà cuốn sách đặt ra cách đây bảy năm, ông có buồn nhiều không khi tình hình vẫn chưa có gì thay đổi?
 
Cuốn sách của tôi viết ra nhằm đề khởi những chiến lược, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hoá đất nước trước những biến động lớn tại Đông Á. Thông thường loại sách này chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định vì tình hình thay đổi thì chiến lược, chính sách cũng phải khác. Thế nhưng “rất tiếc” là phần lớn nội dung cuốn sách vẫn còn giá trị thời sự bởi nhiều chiến lược, chính sách đã không được thực hiện và thách thức của dòng thác công nghiệp tại Á châu thì vẫn như cũ, nếu không nói là ngày càng mạnh hơn.
Ông có thể cho biết thách thức của dòng thác ấy đối với Việt Nam và chiến lược, chính sách đáng lẽ phải thực hiện sớm hơn là gì?
 
Thứ nhất, cạnh tranh giữa các nước Đông Á trên thị trường thế giới ngày càng mạnh. Nước nào cũng tìm cách chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, trong cùng ngành thì tiến lên cao hơn trên chuỗi giá trị. Do đó, chiến lược, chính sách phải vừa củng cố lợi thế so sánh hiện tại và chuẩn bị tiền đề cho lợi thế so sánh trong tương lai năm – bảy năm hoặc mười năm tới (mà tôi gọi là lợi thế so sánh động). Các chính sách, chiến lược này phải được quyết định và thực thi nhanh chóng, đặc biệt tập trung đầu tư hạ tầng có trọng điểm và tranh thủ dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
 
Thứ hai, các ngành công nghiệp chủ đạo hiện nay tại Đông Á cũng như trên thế giới là những ngành liên quan đến máy móc như đồ điện gia dụng, máy tính cá nhân, máy in, điện thoại di động, xe hơi, xe máy... mà việc sản xuất mỗi sản phẩm ngày càng được phân công trên nhiều cứ điểm tại nhiều nước, tạo thành những mạng lưới cung ứng. Điều kiện để có mạng lưới cung ứng là, ngoài chi phí sản xuất khác nhau giữa các cứ điểm tương ứng với tính chất của mỗi linh kiện, bộ phận hoặc công đoạn sản xuất, phí tổn lưu thông giữa các cứ điểm (gọi là phí tổn nối kết dịch vụ) phải nhỏ. Trong thời đại này, các nước tăng sức cạnh tranh quốc gia bằng cách làm cho phí tổn nối kết dịch vụ ngày càng nhỏ, luôn cải thiện hạ tầng phần cứng (hệ thống giao thông, thông tin…) và nhất là chú ý cải thiện hạ tầng phần mềm (thủ tục hành chính, thuế quan, tác phong phục vụ của cán bộ quản lý). Việt Nam có cố gắng cải thiện hạ tầng cứng nhưng thiếu trọng điểm và chất lượng xây dựng còn thấp, lại chậm đưa ra các chính sách thích hợp và thiếu nỗ lực cải cách hệ thống quản lý hành chính, thiếu cán bộ quản lý có năng lực và trách nhiệm, nên đã không thu hút được nhiều FDI trong các ngành liên quan các loại máy móc. Chiến lược quan trọng để phát triển các ngành liên quan đến máy móc là phải phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng rất tiếc hiện nay các ngành này ở Việt Nam còn rất yếu.
 
Thứ ba, sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức lớn. Tác động của hàng công nghiệp xuất khẩu Trung Quốc ngày càng mạnh, có khuynh hướng đè bẹp các nước đi sau. Đặc biệt Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng, phản ảnh trong cơ cấu ngoại thương (chủ yếu xuất hàng nguyên liệu thô và nhập hàng công nghiệp các loại) và nhập siêu lớn đối với Trung Quốc.
GS Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam, năm 1967 sang Nhật du học. Sau khi lấy được bằng tiến sĩ kinh tế đại học Hitotsubashi, ông làm việc tại trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm phó giáo sư, rồi giáo sư đại học Obirin. Từ năm 2000 đến nay, ông giảng dạy tại đại học Waseda (Tokyo). GS Thọ là một trong ba người nước ngoài đầu tiên được mời làm thành viên chuyên môn trong hội đồng Tư vấn kinh tế của thủ tướng Nhật, ở cương vị này trong gần mười năm, qua nhiều đời thủ tướng Nhật.
 
Thứ tư, trào lưu mậu dịch tự do cũng là một thách thức ngày càng lớn đối với Việt Nam. Đặc biệt khi phải thực hiện đầy đủ các cam kết theo hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tràn vào nhiều hơn nữa, gây khó khăn cho con đường công nghiệp hoá của Việt Nam.
Triển khai nhanh chóng chiến lược, chính sách đối với hai thách thức đầu tiên sẽ đối phó được với thách thức thứ ba và thứ tư. Rất tiếc cho đến nay các chiến lược, chính sách ấy chưa được quan tâm đầy đủ.
Liên quan đến vốn đầu tư nước ngoài, ông nhận định thế nào về sự chuyển dịch của làn sóng đầu tư Nhật Bản vào châu Á?
Tình hình Đông Á hiện nay có một thay đổi lớn liên quan đến quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Cuộc tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư đã làm ngưng trệ các dự án đầu tư mới của Nhật tại Trung Quốc, nhất là sự thiệt hại ở các cơ sở sản xuất và kinh doanh do các nhóm biểu tình bạo động gây ra, đã làm Nhật thấy môi trường đầu tư tại Trung Quốc quá rủi ro. Nhân thời cơ này Việt Nam có thể nhanh chóng đón bắt làn sóng FDI từ Nhật. Tuy nhiên phải chủ động và tích cực tiến hành các chiến lược, chính sách đã phân tích ở trên. Nếu không, làn sóng đầu tư mới sẽ đi hướng khác. Trên thực tế Nhật đang tiếp tục đầu tư nhiều tại Thái Lan và Indonesia, và ngày càng quan tâm đến Philippines, Ấn Độ và Myanmar.
 
Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây – Việt Nam từ năm 2011: vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian (NXB Tri Thức), ông có viết về “hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển”.
Có phải là chúng ta đang thiếu anh hùng?
Theo tôi, hai điều kiện tiên quyết để phát triển là năng lực xã hội và thể chế. Các thành phần của năng lực xã hội gồm các tố chất cần thiết của lãnh đạo chính trị, của quan chức, của lãnh đạo doanh nghiệp, của giới lao động và trí thức, và thể chế chi phối hành động của các thành phần xã hội ấy. Trách nhiệm của lãnh đạo chính trị là xây dựng và hoàn thiện một thể chế đủ chất lượng để hướng các nguồn lực xã hội vào mục tiêu phát triển.
Trách nhiệm của lãnh đạo chính trị là xây dựng và hoàn thiện một thể chế đủ chất lượng để hướng các nguồn lực xã hội vào mục tiêu phát triển.
Trong các thành tố của năng lực xã hội, hiện nay quan trọng nhất là lãnh đạo chính trị và đội ngũ quan chức. Chúng ta có rất nhiều anh hùng dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm, trong thời đại phát triển hiện nay chúng ta cũng cần anh hùng. Anh hùng trong thời đại này cũng có những tố chất như anh hùng thời chống ngoại xâm dù nội dung cụ thể có thể khác. Chẳng hạn tài trí (có tri thức, có tầm nhìn xa, có năng lực lãnh đạo...), dũng cảm (dám nhận trách nhiệm, dám vì lợi ích đất nước mà đương đầu với mọi khó khăn, với các nhóm lợi ích cục bộ), quên mình vì dân vì nước (chí công vô tư, đặt quyền lợi đất nước lên trên hết), trọng dụng và thu phục được người giỏi để thực hiện sự nghiệp lớn (dùng người giỏi thật sự và lắng nghe trí thức) v.v. Tóm lại, anh hùng ngày nay có thể nói là những lãnh đạo chính trị, những quan chức có trách nhiệm cao luôn thao thức về cuộc sống của đại đa số dân chúng, về một đất nước giàu mạnh trong tương lai và lắng nghe chuyên gia, trí thức để tìm ra các biện pháp hữu hiệu cho các mục tiêu đó. Họ phải là những người ăn không ngon, ngủ không yên khi thấy nền công nghiệp yếu ớt, kinh tế bất ổn và đời sống của đa số dân chúng khó khăn.
 
Trong ý nghĩa đó, Việt Nam hiện nay có anh hùng không? Câu trả lời không dễ. Nhưng khi trở lại câu hỏi đầu tiên và câu trả lời của tôi thì ta thấy rõ ràng là Việt Nam thiếu anh hùng trong thời đại này. Nếu cần thêm, tôi có thể nói, những lãnh đạo quyết định những dự án đầu tư lớn không vì lợi ích của đất nước, của đại đa số dân chúng, mà vì các nhóm lợi ích riêng tư, thì rõ ràng còn xa mới tới tiêu chuẩn của anh hùng; những quan chức, những lãnh đạo không lo hết mình với công việc đang đảm trách mà bỏ thì giờ dự lễ hội liên miên, ngồi hội đồng chấm luận án tiến sĩ hoặc tìm mọi cách để được phong giáo sư thì không phải là anh hùng. Theo tôi, chừng nào quan chức, lãnh đạo trong bộ máy nhà nước chưa xem tiến sĩ, giáo sư là những học hàm, học vị chỉ dành cho những người nghiên cứu hoặc giảng dạy ở các viện nghiên cứu, ở các đại học thì kinh tế khó phát triển và giáo dục cũng bị ảnh hưởng xấu.
 
Một vấn đề bức xúc hiện nay là đời sống tinh thần và vật chất nghèo nàn của công nhân trong các khu công nghiệp. Họ bị vắt kiệt sức lao động với đồng lương ngày càng ít ỏi, những khu ổ chuột mới thì ngày một lan rộng. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?
Đúng là rất đau lòng. Ở đây không có nhiều thì giờ để phân tích nguyên nhân và đưa ra đối sách. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là trách nhiệm của lãnh đạo và quan chức rất lớn. Họ phải chăm lo đầu tư hạ tầng xã hội để cải thiện cuộc sống của công nhân, và phải cải thiện môi trường đầu tư, kể cả thủ tục hành chính, để doanh nghiệp tăng năng suất lao động và từ đó tăng lương cho công nhân. Ngoài ra phải có chính sách khuyến khích, tưởng thưởng những doanh nghiệp có chế độ phúc lợi tốt đối với lao động, đồng thời có biện pháp phát hiện, chế tài những doanh nghiệp không tôn trọng các cam kết hợp đồng lao động.
 
Một chuyện đau lòng tương tự là hình ảnh người đi lao động xuất khẩu phải vất vả trong hoàn cảnh khắc nghiệt về khí hậu, về điều kiện làm việc ở xứ người. Cần nhấn mạnh rằng một nước xuất khẩu nhiều lao động giản đơn thì hầu hết, nếu không nói tất cả, là những nước nghèo, do đó hình ảnh của những nước này không mấy sáng sủa trên vũ đài thế giới. Anh hùng trong thời đại phát triển là phải đau cái đau của người dân và có kế hoạch chấm dứt tình trạng này trong một thời gian càng ngắn càng tốt.
Tôi vẫn còn xúc động khi nhớ lại một đoạn trong cuốn tiểu thuyết đọc thời trung học ở Việt Nam, cũng đã trên 45 năm. Tác giả, một nhà văn Tự lực văn đoàn, đã để cho nhân vật chính của mình nghĩ thế này: “Biểu hiện cho đất nước không phải là những bậc vua chúa, danh nhân mà là đám dân nghèo không tên không tuổi. Dân là nước, yêu nước chính là yêu chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân”. Chúng ta cần những anh hùng, những nhà lãnh đạo suy nghĩ như vậy.
Ông nghĩ gì về khái niệm “lợi thế của nước đi sau”? Làm thế nào để chúng ta có được những nhà công nghiệp lớn?
Nước đi sau có thể học hỏi kinh nghiệm và du nhập vốn, công nghệ của nước đi trước nên rút ngắn được quá trình công nghiệp hoá. Dĩ nhiên điều kiện đủ là nước đi sau phải có các năng lực cần thiết và thể chế thích hợp. Nhưng cho đến nay các nước đi sau rút ra các kinh nghiệm thành công và thất bại của nước đi trước chủ yếu trên phương diện phát triển công nghiệp, phát triển lực lượng sản xuất, chứ không hoặc ít quan tâm đến phạm trù văn hoá, tính nhân văn của quá trình phát triển. Công nghiệp hoá không phải chỉ là làm sao để xây dựng những ngành công nghiệp hiện đại có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, và được thể hiện bởi những nhà doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận. Nhà doanh nghiệp có văn hoá thì có động cơ và mục tiêu phát triển cao cả hơn, đậm tính nhân văn hơn. Tôi xin nêu vài ví dụ lấy từ Nhật Bản. Năm 1946, giữa hoang tàn đổ nát sau thế chiến thứ hai, Ibuka Masaru, người sáng lập hãng Sony, tại buổi lễ thành lập công ty đã nói một câu làm xúc động lòng người: “Bổn phận hiện nay của chúng ta là phải đem công nghệ và trí tuệ đóng góp vào việc phục hưng tổ quốc”. Nghĩa là việc phục hưng tổ quốc, xây dựng đất nước là mục tiêu đầu tiên. Matsushita Konosuke, người sáng lập công ty bây giờ có tên Panasonic, cũng đưa ra triết lý kinh doanh vì cộng đồng, vì sự phồn vinh của xã hội, của đất nước. Ông lấy việc cải thiện đời sống của người lao động trong công ty làm mục tiêu đuổi kịp trình độ của các nước Âu – Mỹ. Không ít những nhà doanh nghiệp hàng đầu khác của Nhật bắt đầu sự nghiệp bằng động cơ cao cả ấy.
Còn nhiều mặt khác của quá trình công nghiệp hoá cũng cần được nói đến: Làm sao để mọi người trong xã hội tham gia vào quá trình công nghiệp hoá, quá trình phát triển một cách tự nguyện và ngày càng thấy yêu cuộc sống? Làm sao để đời sống và điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện nhanh? Làm sao để mọi người trong xã hội có ý thức cộng đồng ngày càng tăng và đối xử với nhau có văn hoá?...
Anh hùng ngày nay có thể nói là những lãnh đạo chính trị, những quan chức có trách nhiệm cao luôn thao thức về cuộc sống của đại đa số dân chúng, về một đất nước giàu mạnh trong tương lai và lắng nghe chuyên gia, trí thức để tìm ra các biện pháp hữu hiệu cho các mục tiêu đó. Họ phải là những người ăn không ngon, ngủ không yên khi thấy nền công nghiệp yếu ớt, kinh tế bất ổn và đời sống của đa số dân chúng khó khăn.
Đây là những vấn đề tôi nghĩ rất thiết thân ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Rút ngắn khoảng cách phát triển trên cơ sở ngày càng làm phong phú cuộc sống tinh thần của người dân mới đạt ý nghĩa đích thực của phát triển.
Xin hỏi một câu riêng tư: lý do nào ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam dù sinh sống ở nước ngoài đã hơn 40 năm?
Tôi cũng không hiểu sao cho đến nay tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đổi quốc tịch, mặc dù giữ quốc tịch Việt Nam khiến tôi gặp không ít khó khăn trong công việc vào những thập niên 80 – 90 thế kỷ trước, nhất là khi đi hội nghị ở nước ngoài. Rất mừng là hiện nay những khó khăn ấy không còn nữa. Người có quốc tịch Việt Nam đi các nước ASEAN trong vòng hai tuần thì không phải xin visa như trước.
Dấu ấn sâu đậm nào về quê hương mà ông xem là hành trang quý giá hình thành nên con người mình?
Tôi sang Nhật năm 19 tuổi. Dấu ấn về quê hương dĩ nhiên là nhiều. Nhưng có lẽ tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các sách báo về lịch sử Việt Nam, và từ các tác phẩm văn học, thơ ca thời trước năm 1945 mà ta gọi là văn thơ tiền chiến, nhạc tiền chiến. Hành trang mang đi nước ngoài có lẽ là tiếng Việt, tâm hồn và văn hoá Việt gói ghém trong các tác phẩm ấy.

Giáo sư Trần Văn Thọ

Thực hiện: Kim Yến
Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường

Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ SÀI GÒN TIẾP THỊ MEDIA ngày 22/10/2012 truy cập từ http://sgtt.vn/Loi-song/171470/Dau-nguoi-anh-hung-thoi-nay.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét