Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Từ cậu bé rửa bát đến ông chủ ngân hàng

Brian Moynihan có thể vực dậy Bank of America (BofA):

Những ai đã mất lòng tin vào BofA đừng đánh giá thấp khả năng của Brian Moynihan trong việc vực dậy ngân hàng này vì ông là người nói được làm được.
Thật khó để tưởng tượng về Bank of America (BofA), ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, thời hậu khủng hoảng tài chính: Danh tiếng bị sứt mẻ nghiêm trọng, các khoản thua lỗ trong mảng cho vay thế chấp ngày càng phình to. Nguyên nhân cho mọi vấn đề tại BofA xuất phát từ vụ mua lại Countrywide năm 2008. Thâu tóm Countrywide, BofA cũng gánh luôn khoản lỗ thế chấp kinh khủng nhất trong ngành ngân hàng Mỹ. Và thách thức của Brian Moynihan, Tổng Giám đốc BofA, cũng nằm ở đó.
Từ năm 2004-2008, Countrywide đã bán 424 tỉ USD giá trị các khoản cho vay thế chấp mua nhà cho các nhà đầu tư cá nhân. Khi bong bóng nhà đất Mỹ xì hơi, BofA trở thành tâm điểm của sự chỉ trích. Các nhà đầu tư cáo buộc Countrywide đã nói không đúng sự thật về chất lượng của các khoản cho vay mà Ngân hàng bán lại cho họ.
Để giải quyết dứt khoát mớ lộn xộn này, cuối tháng 6.2011, Moynihan tuyên bố BofA sẽ trả 8,5 tỉ USD cho 22 nhà đầu tư lớn trong đó có tập đoàn đầu tư BlackRock, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ). Động thái này đã gây sửng sốt cho Phố Wall vì đây là điều chưa có tiền lệ trong ngành tài chính. Mặc dù cái giá phải trả là khá đắt nhưng Moynihan đã giải quyết rốt ráo đám mây mù che phủ tương lai của Ngân hàng.
Chiến thắng này cho thấy một Moynihan hoàn toàn khác với những gì người ta đã suy nghĩ về ông trong 17 tháng đầu tiên ở cương vị Tổng Giám đốc BofA. Thực tế, không ít người đã nghi ngờ năng lực của Moynihan, một phần là vì ông không thích đánh bóng bản thân. Ông là một người kín kẽ, không giỏi ăn nói trước công chúng. Chỉ khi nhìn vào quá trình làm việc của ông mới thấy được ông là một chuyên gia quản lý khủng hoảng, một nhà đàm phán và một người có khả năng xây dựng tinh thần làm việc đội nhóm. Ông chính là người BofA cần vào lúc này để giải quyết mớ bòng bong tại Ngân hàng.
Từ cậu bé rửa bát đến ông chủ ngân hàng
Moynihan là con thứ 6 trong gia đình trung lưu gồm 8 người con tại Marietta, thị trấn ở phía Đông Nam bang Ohio. Thời niên thiếu, ông phụ dọn dẹp, rửa chén bát trong tiệm ăn, đào cống rãnh và làm ca chiều ở một nhà máy sản xuất nam châm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Brown năm 1981, ông tiếp tục theo học trường luật danh tiếng nhất nước Mỹ Notre Dame. Năm 1984, Moynihan gia nhập hãng luật Edwards & Angell. Không lâu sau đó, ông bắt đầu xử lý các vụ sáp nhập cho Fleet Financial. Fleet là một ngân hàng nhỏ ở Providence, bang Rhode Island. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Terry Murray của Fleet lại nuôi dưỡng tham vọng rất lớn: Đưa Fleet trở thành một thế lực lớn bằng cách thâu tóm các ngân hàng khác.
Moynihan, khi ấy vẫn là một luật sư, đã tạo được ấn tượng ban đầu sâu sắc nơi Murray trong thương vụ mua lại ngân hàng đã phá sản Bank of New England từ Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) vào năm 1991. Óc sáng tạo và tác phong làm việc của Moynihan đã làm Murray phải kinh ngạc. “Lúc 11h đêm, tôi nói với các nhà điều hành khác phải vẽ phác thảo những thay đổi về lợi nhuận nếu chúng ta trả những mức giá chào mua khác nhau. Lúc đó có Brian ở trong phòng. 8h sáng hôm sau, ông ấy đã có trong tay bản phác thảo, trước khi các nhà điều hành có mặt”, ông nói.
Năm 1993, Murray đã mời Moynihan về làm việc. Murray và Moynihan đã cùng nhau thâu tóm hầu hết các ngân hàng lớn trong khu vực và Moynihan là chuyên gia đàm phán chính của Murray.
Mike Lyons, hiện đứng đầu mảng chiến lược tại BofA và từng làm việc trong nhóm của Moynihan trong 2 năm vào giữa thập niên 1990, cho biết Brian sử dụng một chiến lược chào mua rất thông minh. Ban đầu, ông đưa ra mức giá chào mua thấp hơn 1 chút so với mức giá dự kiến từ người bán, nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn để người bán khó có thể từ chối. Sau đó, ông chờ đến khi tất cả những người mua tiềm năng khác từ bỏ cuộc chơi, chỉ còn mình ông “độc chiến” thì ông lại đưa ra một mức giá thấp hơn ban đầu. Trong tình thế đó, người bán chỉ còn cách đồng ý. Chiến lược này đã phát huy tác dụng trong việc mua lại bộ phận tại Mỹ của ngân hàng Anh NatWest vào cuối năm 1995.
Trong số các thương vụ ông và Murray cùng tiến hành, nổi bật nhất là vụ thâu tóm BankBoston trị giá 16 tỉ USD vào năm 1999. BankBoston là ngân hàng lâu đời (thành lập năm 1784) chiếm lĩnh thị trường tại New England đã nhiều thập kỷ. Một lần nữa, chính Moynihan là người đã xoay chuyển cục diện theo hướng có lợi cho Fleet. Khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Fleet phải bán 280 chi nhánh tại New England. Nhiều tổ chức tài chính lớn đã xếp hàng chờ mua trong đó có Chase và RBS Citizens. Nhưng Murray và Moynihan không muốn các đối thủ này lảng vảng trong địa phận làm ăn của mình. Moynihan đã hiến kế bằng cách dàn xếp bán các chi nhánh của Fleet cho một đối thủ làm ăn yếu kém là Sovereign Bank. Và FleetBoston (sau khi Fleet Financial sáp nhập với BankBoston) đã nhanh chóng giành lại được khách hàng cũ từ tay Sovereign.
Tuy nhiên, FleetBoston đã chính thức ngưng hoạt động vào năm 2004 khi ngân hàng này bị BofA thâu tóm. Moynihan là một trong số ít lãnh đạo cấp cao đã thực hiện việc chuyển giao FleetBoston sang cho BofA. Nhưng Ken Lewis, khi đó là Tổng Giám đốc BofA, dường như không muốn giao cho ông trọng trách lớn. Tuy nhiên, vào cuối năm 2007 khi BofA bị thua lỗ nghiêm trọng trong mảng giao dịch, Lewis đã chỉ định Moynihan là người giải quyết rắc rối này. Moynihan đã khôi phục lại lợi nhuận bằng cách cắt giảm 18% lực lượng lao động, bán đi một chi nhánh làm ăn không hiệu quả, chỉnh đốn lại hoạt động.
Vào tháng 9.2008, BofA mua lại ngân hàng Merrill Lynch và Lewis tuyên bố John Thain, Tổng Giám đốc của Merrill, là người điều hành cả mảng ngân hàng đầu tư và môi giới. Còn Moynihan thì Lewis giao một công việc khác: điều hành bộ phận thẻ tín dụng ở Wilmington, nhưng Moynihan đã từ chối. Đối với Lewis, việc từ chối nhiệm vụ được giao là điều không thể chấp nhận được, nên ông đã quyết định cho Moynihan nghỉ việc. Thế nhưng, các thành viên hội đồng quản trị từ FleetBoston ngày trước yêu cầu Lewis phải giữ Moynihan lại. Lewis, một phần vì lo ngại trước những khoản lỗ lớn tại Merrill, nên đã đồng ý. Lewis đã chỉ định Moynihan vào vị trí cố vấn chung.
Ngày 4.1.2009, khi Merrill Lynch rơi vào rắc rối to, Lewis đã sa thải Thain và đã chỉ định Moynihan dẫn dắt mảng môi giới và ngân hàng đầu tư của BofA. Khi đó, tin xấu và lời chỉ trích liên tục ập đến. Giá cổ phiếu của BofA đã rớt xuống còn 3 USD/cổ phiếu. Các lãnh đạo tại Merrill lo ngại BofA sẽ không thể tiếp tục trả khoản tiền thưởng hậu hĩnh và đó là nguyên nhân cho sự ra đi của nhiều nhân vật chủ chốt tại đây. Nhưng Moynihan đã cam đoan BofA sẽ xây dựng lại được bộ phận ngân hàng đầu tư vững mạnh và trả thưởng hấp dẫn trong năm 2009. Điều này đã củng cố lòng tin của nhân sự cấp cao và sự ra đi đã ít hơn. Và đúng như thế, đến quý II/2009, bộ phận ngân hàng đầu tư mà ông quản lý đã sinh lợi một cách ổn định.
Khi Ken Lewis từ chức, Moynihan đã được chọn vào vị trí lãnh đạo BofA với sự ủng hộ của những thành viên hội đồng quản trị của FleetBoston ngày trước. Và thế là Moynihan đã trở thành Tổng Giám đốc BofA vào đầu năm 2010.
Những chuyển biến mới tại BofA
Trong 17 tháng đầu tiên ở cương vị Tổng Giám đốc BofA, Brian Moynihan vẫn chưa xóa bỏ được hình ảnh thảm hại của Ngân hàng trong mắt nhiều nhà đầu tư cũng như lấy lại lòng tin của Phố Wall. Tuy nhiên, trên thực tế, những chuyển biến tích cực đang diễn ra trong lòng BofA.
Moynihan đang thay đổi BofA theo hướng tăng trưởng bền vững chứ không phải tăng trưởng bằng mọi giá. Ông đang nỗ lực để BofA tránh lao vào những mảng giúp Ngân hàng kiếm lợi nhuận lớn trong thời kỳ hoàng kim để rồi mất tất cả khi thị trường đi xuống. BofA vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc cho vay nhưng giảm cho vay ở những lĩnh vực rủi ro cao, đặc biệt là thẻ tín dụng. Moynihan đã giảm cho vay trong lĩnh vực thẻ tín dụng từ 250 tỉ USD xuống còn 170 tỉ USD và con số này đang ngày càng giảm xuống.
Nguyên tắc để tăng trưởng bền vững của ông là trở nên thân thiện hơn với khách hàng bằng cách tạo cho họ cảm giác dễ chịu khi giao dịch với Ngân hàng. Một động thái quan trọng và chưa có tiền lệ là ông quyết định bỏ hẳn việc tính phí chi trội đối với thẻ ghi nợ. Quyết định này đã khiến BofA mất đi 1 tỉ USD doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, nó là một phần trong chiến dịch nuôi dưỡng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. “Chúng tôi không thể là ngân hàng lớn nhất Mỹ mà để cho mọi người nghĩ rằng chúng tôi đang lợi dụng họ”, Moynihan nói.
Moynihan cam kết chiến lược này sẽ đưa BofA trở thành một trong những ngân hàng sinh lợi nhiều nhất thế giới. Tháng 3.2011, tại cuộc họp với nhà đầu tư ở khách sạn Plaza (New York), ông tuyên bố sẽ đạt lợi nhuận trước thuế 40 tỉ USD vào giữa thập niên này. Con số đó có nghĩa là BofA phải tạo ra 25 tỉ USD lãi ròng.
Bruce Berkowitz, một nhà đầu tư kỳ cựu ở Mỹ hiện nắm giữ cổ phần trị giá 1,2 tỉ USD trong BofA, đặt cược rằng Moynihan sẽ làm được điều đó. “Moynihan có chiến lược đúng đắn là tránh xa các khoản cho vay tiêu dùng có thể trở thành nợ xấu cho ngân hàng. Tôi tin rằng BofA sẽ tạo ra được lợi nhuận lớn và bền vững”, ông nói.
Niềm tin này cũng có cơ sở. BofA là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ với 2.270 tỉ USD giá trị tài sản tính đến cuối tháng 3.2011. BofA có mảng bán lẻ lớn nhất trong ngành với 410 tỉ USD tiền gửi và 5.800 chi nhánh phủ khắp từ California cho đến Maine. BofA cũng có thế mạnh trong mảng quản lý tài sản cá nhân và chỉ đứng sau JP Morgan Chase trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư xét trên phạm vi toàn cầu. Những bộ phận thế mạnh này sẽ có thể giúp BofA chống đỡ với các khoản lỗ cho vay mua nhà. Từ đầu năm 2008 đến quý I/2011, bộ phận cho vay mua nhà của BofA đã lỗ 46 tỉ USD. Dự kiến lỗ thêm 20,6 tỉ USD trong quý II năm nay chủ yếu do khoản dàn xếp 8,5 tỉ USD đã nói ở trên. Mức lỗ này sẽ khiến BofA lỗ tổng cộng khoảng 2 tỉ USD trong năm 2011. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng BofA sẽ lãi 15 tỉ USD trong năm tới.
Thế nhưng, BofA hiện “ôm” 408 tỉ USD giá trị cho vay thế chấp, chiếm tới 19% tổng giá trị các khoản cho vay mua nhà nắm giữ bởi các ngân hàng Mỹ. Hiện tại, 1,5 triệu khoản cho vay thế chấp này đã quá hạn thanh toán hơn 60 ngày. Để giải quyết hậu quả từ các vụ vỡ nợ, BofA đã thuê thêm 20.000 nhân viên chuyên lo xử lý giấy tờ và phát mãi nhà cửa. Moynihan cam kết sẽ giải quyết phân nửa số khoản vay quá hạn này trong vòng 2 năm. Đây là một mục tiêu tham vọng khác mà Phố Wall đang chờ xem Moynihan sẽ làm như thế nào.

(Theo Fortune)

Ngô Ngọc Châu 
   
Nguồn: Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, ngày 18/7/2011, truy cập từ http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?page=3&id=9430.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét