Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Paulson, một trong những tên tuổi lớn nhất tại phố Wall, từng là CEO của Goldman Sachs. Ảnh: osmoothe |
"Khi được là một nhân viên của Goldman, bạn chắc chắn sẽ trở thành chủ nhân của vũ trụ", ông Ed Yardeni, Giám đốc một hãng tư vấn đầu tư, và cũng là một nhà kinh tế có tiếng tại phố Wall, nhận xét. Bản thân ông từng nộp đơn xin vào làm tại Goldman, nhưng bị từ chối.
Goldman tìm kiếm nhân tài từ những sinh viên giỏi nhất của các trường đại học hàng đầu và trường chuyên ngành kinh doanh. Trước khi được tạo cơ hội khởi nghiệp tại tập đoàn này và thế chân các nhân viên đương nhiệm của Goldman, ứng viên phải trải qua nhiều cuộc phỏng vấn. Họ không chỉ được hỏi về tài chính, mà cả về lý do tại sao họ nghĩ rằng mình xứng đáng được là một thành viên của Goldman.
Và khi được đặt chân vào Goldman, họ được hưởng mức lương xứng đáng. 30.000 nhân viên của hãng trung bình mỗi năm nhận 355.000 USD, gồm lương, thưởng và các phúc lợi khác. Trong khi đó, mức thu nhập trung bình của nhân viên tại đối thủ Morgan Stanley là 250.000 USD.
Goldman có một loạt nhân sự cấp cao tham gia điều hành chính phủ sau khi rời tập đoàn. Trong đó, Sydney Weinberg, lãnh đạo cao cấp trong những năm 1930-1969, trở thành cố vấn cho các đời tổng thống. John Whitehead trở thành thành viên Bộ Ngoại giao, rồi tham gia Cục Dự trữ liên bang tại New York. Cựu lãnh đạo Goldman - Jon Corzine - sau này trở thành thống đốc bang New Jersey.
Tinh thần đồng đội, khả năng làm việc nhóm, sự chính trực và minh bạch là những giá trị đạo đức của Goldman, và điều này nuôi dưỡng sự trung thành, một điều ít thấy tại các tập đoàn khác tại phố Wall. Các hãng khác thường sử dụng hệ thống đánh giá nhân viên, trong đó mỗi người được các đồng nghiệp đánh giá.
Nhưng bước đi sai lầm của những nhân tài xuất thân từ Goldman trong thời gian gần đây khiến nhiều người nghĩ rằng, người của Goldman chỉ đứng về phía kẻ thắng cuộc. Trong khủng hoảng tài chính, những tên tuổi lừng lẫy một thời này lại trở thành vết nhơ đối với tập đoàn từng được mệnh danh là người Mỹ đích thực của phố Wall.
Cựu bộ trưởng tài chính Henry Paulson, người bị chỉ trích vì đã sử dụng gói 700 tỷ USD sai cách, khi ông dành nó cho các ngân hàng, là một cựu lãnh đạo của Goldman. John Thain, người gây ra scandal tiền thưởng trên phố Wall, cũng từng là nhân sự cấp cao của Goldman.
Một nhân vật khác: Robert Rubin. Ông từng là bộ trưởng tài chính dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton, và mới đây đã phải từ chức cố vấn cao cấp của Citigoup sau khi bị chỉ trích vì đã bỏ qua các cảnh báo về cuộc khủng hoảng tài chính. Trong năm 2008, Citi đã thua lỗ và phải sử dụng tiền cứu trợ từ Chính phủ Mỹ.
Khi Rubin tham gia Citigroup vào năm 1999 sau nhiều năm làm việc cho Goldman và Bộ Tài chính Mỹ, đây được coi là việc làm táo bạo của Citi. Nhưng cuối cùng, ông Rubin ra đi và viết trong đơn từ chức: "Nỗi hối tiếc lớn của tôi là đã sống trong ngành này quá lâu và không nhận ra rủi ro trong những tình huống đang xảy ra trên thị trường tài chính".
Trong khi đó, John Thain trở thành biểu tượng cho lòng tham tại phố Wall sau một scandal tiền thưởng. Sau khi Lehman phá sản vào tháng 9/2008, chủ tịch Merrill Lynch - John Thain - đã thu xếp để tập đoàn này được Bank of America mua lại và cứu nó khỏi nguy cơ phá sản. Ông được coi là một trong những lãnh đạo sáng suốt nhất trong thời điểm đó.
Nhưng ông này đã vội vã chi hàng trăm triệu USD cho các sếp của Merrill Lynch, trong đó có mình, ngay trước khi Merrill bị bán lại cho Bank of America. Tệ hơn nữa, người ta phát hiện ông đã nhanh chóng dùng hơn 1 triệu USD tiền thưởng đó để trang hoàng lại văn phòng của mình tại Merrill Lynch. Trước đó, ông Thain từng làm chủ tịch và giám đốc điều hành của Goldman.
Goldman đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất của thị trường tài chính vào tháng 9-10 năm ngoái. Song hãng này vẫn phải nhờ đến 10 tỷ USD từ gói hỗ trợ của chính phủ. Ngoài ra, Goldman cũng có được sự hỗ trợ lớn từ khoản đầu tư 5 tỷ USD của tỷ phú Warren Buffett khi ông mua cổ phần của tập đoàn này. Nhưng dù sau, sự tồn tại của Goldman cũng đã là đáng nể, bởi những đại gia cùng thời, như Lehman Brothers, Bear Stearns và Merrill Lynch hoặc phá sản, hoặc chấp nhận để mất quyền hoạt động độc lập.
Và quan trọng hơn cả, những sự việc liên quan đến những tên tuổi một thời không làm ảnh hưởng đến vị trí của Goldman trên thị trường phố Wall. Hãng này còn là điểm đến đáng mơ ước hơn hết trong bối cảnh ngân hàng nào cũng khó khăn và có nguy cơ phá sản như hiện nay.
"Sau rất nhiều sự việc, những người xuất thân từ Goldman vẫn không mất mát gì. Họ vẫn luôn thắng. Đây chính là kiểu nhân viên mà Goldman muốn tuyển dụng", nhà kinh tế Ed Yardeni bình luận.
Thu Nga (theo AP)
Nguồn: VN Express, ngày 18/02/2009, truy cập từ http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/kinh-nghiem/2009/02/3ba0b610/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét