Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Mười năm thực hiện BTA Việt Nam - Hoa Kỳ


Việc thực hiện BTA đã gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước
(baodautu.vn) Qua 10 năm thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA: Bilateral Trade Agreement), quan hệ thương mại giữa hai nước đã đạt những kết quả tích cực, song đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam còn khá khiêm tốn.
BTA và phương án “BTA+”
Giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ được nối lại từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995. Tuy vậy, từ năm 1996 đến 2001, hoạt động thương mại hai chiều và đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chưa có chuyển động tích cực.
Chưa đầy một năm sau ngày hai nước bình thường hoá quan hệ, tháng 5/1996, Mỹ chủ động gửi Việt Nam Dự thảo Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ. Sau hơn 4 năm đàm phán và thông qua các thủ tục pháp lý, ngày 13/7/2000, tại Washington, BTA đã được ký kết và có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2001.
BTA Việt - Mỹ có phạm vi điều chỉnh rộng hơn nhiều so với các hiệp định thương mại mà nước ta đã ký với một số nước, quy định chi tiết cam kết mở cửa thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, thương mại liên quan đến đầu tư và thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của công dân và pháp nhân hai nước Việt Nam và Mỹ.
Sau khi BTA có hiệu lực, Mỹ đã áp dụng Quy chế Quan hệ thương mại bình thường và Quy chế Tối huệ quốc (MFN: Most Favored Nations), giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Tháng 12/2006, Tổng thống Mỹ G.W.Bush quyết định trao cho Việt Nam Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR: Permanent Normal Trade Relations ).
Trên cơ sở BTA, Việt Nam và Mỹ đã ký nhiều hiệp định và thoả thuận về ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, Hiệp định khung về thương mại và đầu tư song phương (TIFA: Trade and Investment Framework Agreements), đang cùng một số nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC: Asia-Pacific Economic Cooperation) đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP: Trans-Pacific Partnership).
Trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO: World Trade Organization), nước ta đồng thời phải tiến hành đàm phán đa phương và song phương với một số nước thành viên có yêu cầu. Mỹ là nước thành viên có tiếng nói quan trọng đối với sự tham gia của bất kỳ quốc gia nào vào tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này. Mặc dù đã có BTA, nhưng Mỹ vẫn yêu cầu nước ta đàm phán với Mỹ, bởi vì việc Việt Nam gia nhập WTO không những có quan hệ đến hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước, mà còn liên quan đến lợi ích của Mỹ về thương mại với Việt Nam và với các nước thành viên khác của WTO.
Xuất phát từ lợi ích quốc gia, khi đàm phán BTA, Mỹ đã hướng tới việc yêu cầu Việt Nam mở cửa thị trường đến mức cao nhất. Khi đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO, Mỹ tiếp tục tìm mọi cách để đạt được những gì chưa đạt được trong BTA, hay gọi là phương án “BTA+”.
Nước ta đã phối hợp các hoạt động chính trị, ngoại giao để hoàn thành các cuộc đàm phán song phương với 27 quốc gia và nền kinh tế thành viên WTO, trong đó có Mỹ. Ngày 31/5/2006, tại TP.HCM, Việt Nam và Mỹ đã ký Thoả thuận song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Thỏa thuận này là sự bổ sung cho BTA, là điều kiện có tính quyết định để ngày 11/1/2007 nước ta là thành viên thứ 150 của WTO.
Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết đối với BTA cũng như đối với các hiệp định đa phương và song phương khác về việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, cải cách nền hành chính quốc gia, thủ tục hành chính để phù hợp với các thể chế và thông lệ quốc tế, mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ theo đúng lộ trình đã cam kết, chủ động đẩy nhanh tiến độ giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu và dỡ bỏ hàng rào phi quan thuế, hài hoà hoá thủ tục hải quan.
Chuyển biến sau BTA
Việc thực hiện BTA đã gia tăng nhanh chóng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nước. Nếu như trước khi BTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2001 là 1,51 tỷ USD, thì năm 2002 đã tăng đột biến lên 2,89 tỷ USD; năm 2005 là 6,75 tỷ USD; năm 2010 là 18,10 tỷ USD và năm 2011 ước đạt 20 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2002 là 2,45 tỷ USD, năm 2005 là 5,93 tỷ USD; năm 2010 là 14,24 tỷ USD, bằng 19,5 lần năm 2001. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường khó tính này là do nước ta đã có sự điều chỉnh theo hướng đa dạng hóa hàng xuất khẩu.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng, năm 2010 là 10,47 tỷ USD, đã bù đắp khoản nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, năm 2010 là 12,71 tỷ USD.
Vụ kiện bán phá giá cá da trơn, hàng may mặc của Việt Nam xảy ra năm 2002 và các vụ kiện thương mại khác, việc thực hiện Hiệp định Hàng dệt may Việt Nam - Mỹ (được ký ngày 25/4/2003) đặt ra các hạn mức định lượng đối với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm vào khoảng 7% bắt đầu từ tháng 5/2003 đã làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 3 năm sau đó; năm 2004 là 16%; năm 2005 là 18,8% và năm 2006 là 32,8%. Từ tháng 1/2007, Mỹ xoá bỏ hạn ngạch đối với hàng may mặc của Việt Nam, đã tác động tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, góp phần quan trọng đưa dệt may chiếm vị thế “quán quân” trong xuất khẩu hàng hóa của nước ta, năm 2011 là 13,5 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng trên 30% so với năm trước, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu 96 tỷ USD.
Cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ đã được cải thiện rõ rệt; hàng chế tác đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong khi tỷ trọng hàng sơ chế và tài nguyên ngày càng giảm.
Năm 2001, khi chưa có BTA, 78% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là hàng sơ chế, chủ yếu là tôm và các sản phẩm dầu khí. Hai năm sau BTA, năm 2003 các mặt hàng chế tác đã chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu và hiện nay là 74-75%. Sự gia tăng trong hai năm 2002 và 2003 của hàng chế tác chủ yếu tập trung vào hàng may mặc, sau đó các hàng chế tác khác như điện tử, giày da, đồ gỗ đã tăng trưởng nhanh và chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu hàng chế tác năm 2010.
Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Việt Nam năm 2010 bằng 8,2 lần năm 2001. Các mặt hàng chủ yếu là phương tiện vận chuyển, máy móc, các sản phẩm chế tác khác, thực phẩm và sản phẩm sơ chế.
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam không liên tục; hai năm đầu thực hiện BTA đã tăng từ 460 triệu USD năm 2001 lên 1,32 tỷ USD năm 2003, gấp gần ba lần, chủ yếu do việc thực hiện hợp đồng mua máy bay Boeing; từ năm 2004 đến 2006 chỉ giữ mức xấp xỉ 1,1 tỷ USD và năm 2007 đạt 1,68 tỷ USD. Ba năm gần đây, xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam tăng nhanh hơn, năm 2008 là 2,85 tỷ USD, năm 2009 là 2,71 tỷ USD và năm 2010 là 3,77 tỷ USD.
Trước khi có BTA, thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và khu vực ASEAN. Sau khi ký kết BTA, từ năm 2005, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được phân phối khá đồng đều trên bốn thị trường chính là Mỹ, EU, ASEAN và Nhật Bản. Mỹ từ chỗ là thị trường nhỏ nhất đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; năm 2010 chiếm 19,72% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, cao hơn nhiều so với một số bạn hàng lớn khác như ASEAN là 10,35 tỷ USD, tương đương 14,3%; EU là 11,36 tỷ USD, chiếm 15,73%; Nhật Bản là 7,72 tỷ USD, chiếm 10,7%.
Đây là dấu hiệu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, do thị trường được mở rộng và đa dạng hơn, nên hạn chế được rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào một vài thị trường chính. Hơn nữa, trong môi trường thương mại được đa dạng hoá thì nước ta có thể thích nghi tốt hơn với những thay đổi về điều kiện thương mại của từng quốc gia trong trường hợp bị suy thoái kinh tế, hoặc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật, chế tài thương mại.
 
GS - TSKH Nguyễn Mại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét