Tiếng Việt có một thứ đặc sản đồng bào ta vẫn ưa dùng nhưng không phải ai cũng nhận ra đầy đủ sức mạnh của nó: khả năng ảo thuật với từ hai tiếng!
Có thể ai đó tranh cãi về số liệu cụ thể nhưng có một điều chắc chắn: từ hai tiếng trong tiếng ta (gồm từ ghép và từ láy) chiếm đại đa số, trở thành một “thói quen tiêu dùng hằng ngày” của dân ta. Bằng chứng là dù Bác Hồ viết tác phẩm mang tên Sửa đổi lối làm việc, nhưng đến nay vẫn có rất nhiều người tự động biên tập thành Sửa đổi lề lối làm việc. Còn những nhà giữ trẻ, hợp tác xã, sư đoàn trưởng, vô tuyến truyền hình... sau thời gian lưu hành thường bị rút gọn thành nhà trẻ, hợp tác, sư trưởng, truyền hình...
Xa nhưng không rời
Với một kho từ hai tiếng khổng lồ, từ AB, ông bà ta chỉ cần đảo vị thành BA là có thể tạo ra một kiểu nói thú vị, ấn tượng ngay: Càng đo đắn lắm càng già mất duyên (ca dao), Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời (Thép Mới), Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc/Nợ tang bồng vay trả, trả vay (Nguyễn Công Trứ), Nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng/Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng (Nguyễn Du)...
Câu đối ở đền thờ vua Hùng chính là theo phương thức đảo chữ này: Có tổ có tông, có tông có tổ, tổ tổ tông tông, tông tổ cũ/Còn non còn nước, còn nước còn non, non non nước nước, nước non nhà (Tản Đà)...
Hơn thế nữa, với một X/một Y/một XY và một AB, chúng ta sẽ tạo ra những “cặp đôi” mới như kiểu XAXB: Sợi nhớ sợi thương (Phan Huỳnh Điểu), Dù ai nói ngả nói nghiêng/Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân (ca dao), Lúc nghỉ ngơi ngồi dưới bóng cây/Rít mồi thuốc say ngây say ngất (Tú Mỡ)...
Và kiểu XAYB, XBYA: Buôn tảo bán tần (thành ngữ), Thân anh đi lẻ về loi (ca dao), Tình riêng trăm ngẩn mười ngơ (Tản Đà), Những là đắp nhớ đổi sầu/Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm (Nguyễn Du)...
Từ hai lát sandwich đến ổ bánh da lợn
Không rõ ai là người đầu tiên bày ra cách nói đến nay đã thành... kinh điển: “thủ tục hành chính - hành dân là chính”. Xem ra, người đời nay đã học tập cha ông và thêm một bước cách tân: tách rời hai tiếng ra xa như hai lát bánh mì sandwich rồi cho vào giữa, vào hai bên nào rau, nào thịt, thành một công thức “khoái khẩu”.
Chuyên gia phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh khi bàn về thói quen bố thí, xét về mặt cá nhân là việc tốt nhưng nhìn về phía xã hội có thể tạo ta một lực lượng ăn bám, trục lợi vào trẻ con, người già, người khuyết tật đã nói một câu rất đáng suy ngẫm: lối thương hại ấy, tuy thương mà có hại! Cây bút Nguyễn Ngọc Hùng khi bàn về xu hướng đời mới trong cưới hỏi ở Hà Nội hiện nay đã có bài viết mang tựa đề “Tân, nhưng mà... kỳ!” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 8-4-2012). Giám đốc Công ty Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ có bài giới thiệu trên tuần san Thanh Niên “Một vùng đất Phú trời Yên” (8-8-2012)...
Một giảng viên về nghệ thuật nói thuyết phục đã nói: Ông bà ta có một chữ rất hay, một từ mà nói được chính xác và khái quát phương pháp thuyết phục bằng lời ăn tiếng nói, đó là “lý sự” - nói lý phải kèm theo sự, tức lập luận phải đi cùng dẫn chứng! Có em học sinh cấp III trong một cuộc tọa đàm về dạy và học đã nêu lên nỗi lòng với các đại biểu và thầy cô: “Chúng cháu nghe rất nhiều về việc giảm tải, nhưng giảm tải chính là giảm của người lớn để tải hết xuống cho học trò!”. Còn đây là chuyện nghe được ở quán cà phê:
- Sao! Chuyện giấy tờ sổ hồng sổ đỏ cậu lo xong chưa? - Khổ lắm, vẫn chưa đâu ra đâu, nhà mình giấy thì đủ mà tờ thì vẫn còn thiếu, bạn hiền ơi!...
Nhưng có khi hai miếng sandwich vẫn chưa thấy đã, dân ta tiếp tục tách rời, lật qua, đảo lại, ghép thêm, pha chút sắc màu đồng âm, tạo thành ổ bánh da lợn nhiều lớp vừa ngon vừa lạ miệng:
Mẹ dặn con: Con ơi nhớ lấy câu này/Có vàng là vững, muốn vững cần vàng! Vợ dặn chồng: Làm ăn, nếu muốn hùn thì phải hạp, nếu không hạp thì đừng hùn! Tâm sự của người vừa về hưu: Lúc có chức có quyền thì đi xe hơi uống bia ôm, lúc nghỉ việc về vườn thì chỉ còn một nước... đi xe ôm uống bia hơi!
Nhưng độc đáo nhất có lẽ là lời của ông Ya Duck, người dân tộc K’Ho - phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng, được dẫn ra trong bài “Từ Phó thủ tướng Fulro đến phó chủ tịch Mặt trận” của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Xuân Nhâm Thìn 2012): “Mặt trận, nghĩa là trận nào cũng có mặt, mà mặt nào cũng chịu trận!”.
DUYÊN TRƯỜNG
Bộ sưu tập vài kiểu nói vui lạ với từ 2 tiếng
Lời người cha: Cha nói vui nhưng không có nói chơi
Lời cô giáo: Dạy nhưng cũng phải biết dỗ
Lời nhà báo: Viết thì phải lách
Lời bác sĩ: Đừng cố quá mà thành quá cố
Lời đạo diễn: Thà thô mà mộc còn hơn tinh nhưng lại xảo
Lời thực khách: Nhà hàng này có tiếng mà... không có tăm
Lời người ăn kiêng: Ăn uống đạm bạc, ít đạm nên đỡ tốn bạc
Lời người buôn bán: Khổ cho thân tôi! Khách đến thì ít mà khứa đến thì nhiều
Lời tên xã hội đen: Khám trước rồi phá sau
Lời một phụ nữ đang mắng chồng: “Ông chả bao giờ cương quyết, lúc cương thì không quyết, đến lúc quyết thì... hết cương!
|
Nguồn: Tuổi Trẻ Online ngày 22/10/2013 truy cập từ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/575766/ao-thuat-voi-tu-hai-tieng.html.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét