Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Giới thiệu chung về Hiệp định TPP

Lịch sử hình thành Hiệp định TPP (tên tiếng Anh là Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) là Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương. Do lúc đầu chỉ có 4 nước tham gia nên còn được gọi là P4. Hiệp định này khởi nguồn là Hiệp định Đối tác kinh tế chặt chẽ hơn do nguyên thủ 3 nước Chi-lê, Niu Di-lân và Xinh-ga-po (P3) phát động đàm phán nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC 2002 tổ chức tại Mê-hi-cô. Tháng 4 năm 2005, Bru-nei xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập trước khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc, biến P3 thành P4.


Lịch sử hình thành
 
Hiệp định TPP (tên tiếng Anh là Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) là Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương. Do lúc đầu chỉ có 4 nước tham gia nên còn được gọi là P4.
 
Hiệp định này khởi nguồn là Hiệp định Đối tác kinh tế chặt chẽ hơn do nguyên thủ 3 nước Chi-lê, Niu Di-lân và Xinh-ga-po (P3) phát động đàm phán nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC 2002 tổ chức tại Mê-hi-cô. Tháng 4 năm 2005, Bru-nei xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập trước khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc, biến P3 thành P4.
 
Đây là Hiệp định mang tính "mở". Tuy không phải là chương trình hợp tác trong khuôn khổ APEC nhưng các thành viên APEC đều có thể gia nhập nếu quan tâm. Xinh-ga-po đã nhiều lần thể hiện mong muốn mở rộng TPP và sử dụng TPP như một công cụ để hiện thực hóa ý tưởng về Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Á-Thái Bình Dương của APEC (FTAAP).
 
 
Các nội dung chính của Hiệp định TPP – P4
 
Hiệp định TPP có phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ (chưa bao gồm dịch vụ tài chính do được đàm phán sau), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT), chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và minh bạch hóa. Ngoài ra, còn có một chương về hợp tác và 02 văn kiện đi kèm về Hợp tác Môi trường và Hợp tác Lao động.
 
Theo thỏa thuận, các bên tham gia P4 sẽ tiếp tục đàm phán và ký 02 văn kiện quan trọng về đầu tư và dịch vụ tài chính, chậm nhất là sau 02 năm kể từ khi P4 chính thức có hiệu lực (tức là từ tháng 3 năm 2008).
 
Điểm nổi bật nhất của P4 là tự do hóa rất mạnh về hàng hóa. Thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn và phần lớn là xóa bỏ ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực.
 
Về dịch vụ, P4 thực hiện tự do hóa mạnh theo phương thức chọn-bỏ. Theo đó, tất cả các ngành dịch vụ đều được mở, trừ những ngành nằm trong danh mục loại trừ.
 
 
Hiệp định TPP mở rộng và sự tham gia của Việt Nam
 
Tháng 9 năm 2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP. Tiếp theo đó, tháng 11 năm 2008, Úc và Pê-ru cũng tuyên bố tham gia TPP. Tại buổi họp báo công bố việc tham gia của Úc và Pê-ru, đại diện các bên khẳng định sẽ đàm phán để thiết lập một khuôn khổ mới cho TPP. Kể từ đó, các vòng đàm phán TPP được lên lịch và diễn ra cho đến nay.
 
Từ năm 2006, qua nhiều kênh, Xinh-ga-po đã rất tích cực mời Việt Nam tham gia TPP - P4. Trước những cân nhắc cả về khía cạnh kinh tế và chính trị, Việt Nam chưa nhận lời mời này của Xinh-ga-po.
 
Tuy nhiên, với việc Mỹ quyết định tham gia TPP, và trước khi tuyên bố tham gia TPP, Mỹ đã mời Việt Nam cùng tham gia Hiệp định này, Việt Nam đã cân nhắc lại việc tham gia hay không tham gia TPP.
 
Đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia Hiệp định TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11 năm 2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán TPP. Trước đó, tháng 10 năm 2010, Ma-lai-xia cũng chính thức tham gia vào TPP, nâng tổng số nước tham gia đàm phán lên thành 9 nước.
 
 
Hiệp định TPP và quá trình đàm phán
 
Hiệp định TPP hiện nay được kỳ vọng sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất lượng cao và là khuôn mẫu cho các Hiệp định thế kỷ 21. Phạm vi của Hiệp định sẽ bao gồm hầu hết các lĩnh vực có liên quan tới thương mại, trong đó có nhiều lĩnh vực mới như môi trường, lao động, các vấn đề xuyên suốt liên quan đến thương mại như chuỗi cung ứng, doanh nghiệp vừa và nhỏ v.v…
 
Cho tới nay, Hiệp định TPP đã trải qua 7 vòng đàm phán, lần lượt được tổ chức tại các quốc gia thành viên là Úc (vào tháng 3 năm 2010), Hoa Kỳ (tháng 6 năm 2010), Bru-nây (tháng 10 năm 2010), Niu-di-lân (tháng 12 năm 2010), Chi-lê (tháng 2 năm 2011), Xinh-ga-po (tháng 3 năm 2011) và Việt Nam (tháng 6 năm 2011).
 
Về nội dung đàm phán, hiện hơn 20 nhóm đàm phán đã bước vào giai đoạn thảo luận thực chất trên cơ sở các đề xuất và văn bản thể hiện quan điểm của mỗi quốc gia thành viên trong từng lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi của Hiệp định. Một số nhóm đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc thu hẹp khoảng cách về quan điểm trong các lĩnh vực như mở cửa thị trường đối với hàng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đầu tư,v.v...
 
 
Ngoài các nội dung đàm phán mang tính truyền thống trong các FTA trên, các quốc gia thành viên còn tập trung thảo luận nhiều đề xuất và biện pháp để thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề liên quan tới hoạch định chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phát triển chuỗi cung cấp và sản xuất giữa các nước thành viên, nâng cao sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào quá trình lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia thành viên TPP, cũng như thúc đẩy sự phát triển chung của các quốc gia thành viên.
 
 
Với mục tiêu duy trì tính “mở” của Hiệp định TPP, tức là có cơ chế kết nạp thêm thành viên mới trong tương lai và các bên có thể tiếp tục đàm phán những vấn đề phát sinh sau khi Hiệp định có hiệu lực, các nhóm đàm phán cũng đang nỗ lực đưa ra nhiều đề xuất và biện pháp liên quan để bảo đảm Hiệp định sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho tất cả những nước đang và sẽ tham gia Hiệp định.
Nét mới trong đàm phán Hiệp định TPP so với các FTA truyền thống trước đây là sự tham gia của các đối tượng liên quan như doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội. Tại mỗi phiên đàm phán, các đối tượng trên luôn được tạo cơ hội để trao đổi thông tin cũng như bày tỏ quan điểm và nguyện vọng đối với các nội dung đàm phán của Hiệp định thông qua các buổi hội thảo và diễn đàn dành cho các đối tượng liên quan được tổ chức bên lề các phiên đàm phán.
 
 
Những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP
 
 
Những cơ hội khi tham gia Hiệp định TPP
 
- Hội nhập khu vực đang nổi lên đóng vai trò chủ đạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Xu thế này không chỉ phản ánh sự mưu cầu lợi ích kinh tế mà còn phản ánh cục diện chính trị quốc tế mới, sau sự nổi lên nhanh chóng của một số nước đang phát triển hàng đầu. Tham gia vào Hiệp định TPP, một cấu trúc quan trọng của khu vực, sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại.
 
- Tham gia Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
- Thông qua Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán để Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, tạo cú hích mạnh để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Hoa Kỳ và các nước vào Việt Nam.
 
Những thách thức khi tham gia Hiệp định TPP
 
- Việc cam kết và thực hiện các cam kết sâu và rộng trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, vốn còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là con đường mà sớm hay muộn Việt Nam cũng phải đi qua để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
 
- Tham gia Hiệp định TPP có thể gây ra một số hệ quả xã hội tiêu cực như tình trạng phá sản và thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu. Ngoài ra, kết quả đàm phán nội dung lao động trong Hiệp định TPP có thể sẽ có tác động tới môi trường lao động ở Việt Nam.
 
- Để thực thi cam kết trong Hiệp định TPP, Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ… Với những kinh nghiệm có được từ quá trình đàm phán gia nhập WTO, đây có thể không phải là một thách thức quá lớn đối với Việt Nam.
 


Theo NCIEC, MUTRAP
 

Nguồn: Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao truy cập ngày 31/07/2014 từ http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/nr091019080134/nr091019083649/ns110923115344.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét