Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

“Chưa thấy rõ một giai tầng trung lưu ở Việt Nam”

SGTT - “Việt Nam là một xã hội vừa mới hé mở và một nền kinh tế thị trường còn định hướng cho nên việc định hình một “giai tầng trung lưu” có ý nghĩa tích cực cho xã hội hiện đại sẽ là một quá trình khá lâu dài – một quá trình phát triển – thay đổi cộng hưởng của kinh tế và xã hội”, đây là ý then chốt của nhà tài chính Lê Trọng Nhi, và ông sẽ phân tích, làm sáng tỏ trong cuộc trò chuyện này.

Là một chuyên gia kinh tế, tài chính nhiều năm làm giám đốc điều hành ngân hàng lớn quốc tế, tư vấn và cố vấn cho các định chế tài chính trong và ngoài nước, anh nghĩ gì về giai tầng trung lưu ở Việt Nam?

Thật thích thú và cũng khá gay go khi được đặt vấn đề “giai tầng trung lưu” ngay tại Việt Nam. Thích thú, vì ngay sau thời gian đầu làm việc tại Việt Nam, tôi đã luôn tìm và mong ước được nghe và thấy đề tài này. Rất gay go vì dường như đây vẫn còn là đề tài “nhạy cảm”, chưa được phân định rõ ràng và được đồng thuận rộng rãi, không chỉ ở phần khái niệm mà còn có những rối bời ở phần đời sống thực tế, cụ thể hiện nay. Vì vậy, thiết nghĩ phải có một sự đồng thuận chung và rộng về “giai tầng trung lưu” đề cập ở đây.
Để đơn giản vấn đề, đề nghị chúng ta tạm đồng thuận rằng “giai tầng trung lưu” trong khái niệm phân tầng xã hội gồm hai nhóm người: nhóm trung lưu chuyên nghiệp và chuyên môn, và nhóm trung lưu giàu có tài sản.
Nhóm thứ nhất là nhóm có trình độ học vấn (trường lớp, hoặc tự học) chuyên môn cấp đại học và sau đại học, có thu nhập khá cao và ổn định từ công việc chuyên môn, đồng thời nhu cầu văn hoá có nhiều tương đồng và đồng đều về chất lượng.
Về nhóm thứ hai, người thuộc nhóm này không nhất thiết có trình độ học vấn đại học nhưng có thu nhập cao và rất cao, có nhiều nhu cầu về đời sống vật chất nhưng khác nhau về chất lượng, riêng nhu cầu về đời sống văn hoá thường ít tương đồng.
Giữa hai nhóm này có những vùng giao thoa, nhưng hiểu theo tinh thần của vấn đề đặt ra, chúng ta sẽ quan tâm và đề cập về nhóm thứ nhất nhiều hơn nhóm thứ hai. Không biết là tôi có khó tính quá hoặc chủ quan quá với vấn đề này không? Mặc dù tự nhận là người tích cực nhưng tôi vẫn chưa thấy rõ ràng một “giai tầng trung lưu” có ý nghĩa về lượng và chất trong xã hội Việt Nam.
Có điều kiện làm việc với các nhà doanh nghiệp trẻ, cũng như những nhà quản lý, điều hành bộ máy kinh tế, ngân hàng… anh nghĩ có vướng mắc gì không để từ họ, bắc nhịp cầu hình thành một giai tầng trung lưu?
Vâng, có và còn nhiều vướng mắc lắm. Nói một cách khác, vướng mắc cũng là nhầm lẫn và tôi nhận thấy có ít nhất hai nhầm lẫn thông thường nhưng rất tai hại.
Thứ nhất, đó là ở ngay từ “trung lưu”. Tại Nga, Trung Quốc, và gần đây tại Việt Nam, chúng ta thường nghe thấy những mẩu chuyện sôi nổi và đình đám về các “đại gia” (thượng lưu), và chừng mực nào đó xã hội cho rằng cách sống và đời sống các “đại gia” cũng là tiền đề của đời sống và cách sống của giới “trung lưu”. Vướng mắc này rất dễ gây phản cảm đối với những giai tầng khác trong một xã hội đang còn đầy dẫy cảnh đời nghèo khó như xã hội Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ vướng mắc này sẽ không khó lắm để vượt qua và cũng không quá lâu.
Trong những xã hội mở, với nền kinh tế thị trường đã được định hướng, “giai tầng trung lưu” có những đóng góp rất tích cực trong sự hình thành những mặt bằng văn hoá hiện đại chung của thế giới, đồng thời họ cũng tích cực củng cố những nét văn hoá truyền thống riêng trong xã hội của họ

Kế tiếp là những câu chuyện về văn hoá – tính cách và hành vi văn hoá. Đã khá lâu và hiện nay, vẫn còn có sự nhầm lẫn rất tai hại giữa “học vấn” và “văn hoá”. Có thể chính nhầm lẫn này đã khiến cho sự hình thành và quá trình phát triển “giai tầng trung lưu” tại Việt Nam bị khập khễnh và trì trệ nhiều hơn dự tưởng của tôi. Rồi còn câu chuyện học hàm học vị của hệ thống giáo dục hiện nay; chuyện những người có học vấn thật bị, hoặc chọn đứng vào chỗ văn hoá giả tạo, còn những người học vấn giả lại được hoặc chọn đứng vào chỗ văn hoá thật. Từ khập khễnh đó, có thể cảm nhận được nỗi khó và nỗi khổ của vấn đề văn hoá trong “giai tầng trung lưu” tại Việt Nam.
Hai vướng mắc và nhầm lẫn này cũng chính là hai “trái táo cấm” – “hai nhu cầu” được hệ thống hoá và gần như mặc nhiên đối với một bộ phận cụ thể nào đó trong xã hội hiện nay. Sự mặc nhiên đó rất hấp dẫn cho tính dục vọng và cũng là hai nhịp cầu bị gãy đổ làm ngăn trở việc hình thành “giai tầng trung lưu” có ý nghĩa thật sự trong xã hội Việt Nam.
Ở nhiều nước, giai tầng trung lưu khá gắn kết với các ngành như giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, tư tưởng, tâm linh… và trở thành mạnh thường quân, thành nơi kích hoạt để các ngành này phát triển. Anh nghĩ điều này có áp dụng được vào Việt Nam?
Vâng, thường là như vậy, họ cũng đóng vai trò kích hoạt rất thiết yếu cho những địa chỉ hoặc những tác phẩm văn hoá nghệ thuật cụ thể nào đó được tồn tại và đưa ra với thế giới bên ngoài. Như đã đề cập, theo tôi đó chính là những tính cách và hành vi văn hoá có nét tương đồng và khá đồng đều trong đời sống.
Một tầng lớp trung lưu như vậy trong xã hội Việt Nam hiện đại là rất cần thiết cho quá trình phát triển một nền kinh tế và cấu trúc xã hội bền vững – một xã hội và nền kinh tế có hàm lượng tri thức cao, cả về chất và lượng. Chính xác hơn, đó là sự việc ắt có và đủ, để đời sống, cuộc sống kinh tế và xã hội có thêm những cải cách đột phá, tích cực, rộng lớn và dài hạn hơn đối với lãnh vực giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, tư tưởng và tâm linh mà anh đang đề cập.
Có thể xác định rằng trong những xã hội mở, với nền kinh tế thị trường đã được định hướng, “giai tầng trung lưu” có những đóng góp rất tích cực trong sự hình thành những mặt bằng văn hoá hiện đại chung của thế giới, đồng thời họ cũng tích cực củng cố những nét văn hoá truyền thống riêng trong xã hội của họ. Đây đó trong xã hội Việt Nam, những năm gần đây cũng bắt đầu có những chuyển động với ý nghĩa này nhưng vẫn còn rời rạc và còn có vẻ gượng ép, có nơi trở thành khoa trương văn hoá, phi văn hoá, phi nghệ thuật, tạo ra sự phản cảm không đáng có.
Theo tôi, việc “giai tầng trung lưu” tại Việt Nam có áp dụng vai trò kích hoạt tích cực hay không chưa phải là vấn đề đáng quan tâm trong thời điểm hiện nay. Vấn đề cốt lõi chính là làm thế nào để xã hội giảm nhanh và tránh xa được hai cặp nhầm lẫn mà tôi đã đề cập: “đại gia – trung lưu” và “học vấn – văn hoá”.
Những vướng mắc của việc này dưới góc độ kinh tế là gì?
Xã hội chúng ta có hai câu nói có thể giúp tôi giải thích và trả lời rất gọn đối với câu hỏi này: “Có thực mới vực được đạo”, và “Bần cùng sinh đạo tặc”. Vâng, kinh tế là vướng mắc lớn và phải vượt qua, không thể khác được.
Nếu chúng ta cho rằng khuynh hướng chung của con người xã hội là tìm đến với “đạo”, dần rời xa “đạo tặc”, thì đời sống kinh tế phong phú là một trong vài ngưỡng cửa cần thiết phải đi đến và vượt qua. “Giai tầng trung lưu” là giai tầng có nhiều khả năng và tiềm năng để ở trong hoặc rất gần với “đạo”, và ở bên ngoài hoặc tách xa “đạo tặc”. “Giai tầng trung lưu” càng nhiều và càng rộng thì sẽ là lực hút kéo những giai tầng khác đến với cách sống và đời sống “đạo”, chứ không phải từ những giai tầng khác và nhất là giới thượng lưu.
Kinh tế cá nhân, kinh tế gia đình, kinh tế tổ chức, kinh tế tỉnh thành, kinh tế khu vực, kinh tế quốc gia... tất cả đời sống kinh tế đó đều có sự ràng buộc và tương quan lẫn nhau trong vấn đề hình thành “giai tầng trung lưu” có ý nghĩa tích cực cho xã hội Việt Nam hiện đại. Vì vậy, ý nghĩa tích cực này sẽ không hoặc rất khó thể hiện được nếu “giai tầng trung lưu” vẫn còn là đề tài “nhạy cảm” trong các chính sách vĩ mô.
Nhà tài chính Lê Trọng Nhi sinh ra, lớn lên và học xong trung học tại Đà Nẵng. Rời Việt Nam trước 1975, theo học ngành kinh tế và quản trị tài chính tại hai đại học của Mỹ. Ông bắt đầu nhận công việc tập sự chuyên môn từ đầu năm 1980 tại một công ty tài chính thuộc một tập đoàn lớn của Mỹ. Sau đó ông liên tục làm việc trong lãnh vực phân tích hệ thống và quản trị ngân hàng cho Bank of America và công ty kiểm toán và tư vấn Arthur Andersen. Cuối năm 1990, ông có dịp trở về Việt Nam nghiên cứu chính sách kinh tế mới, lĩnh vực ngân hàng và thị trường tài chính.
Đầu năm 1991, ông được bổ nhiệm làm việc tại Hong Kong và Việt Nam với bộ phận Credit Lyonnais Securities thuộc tập đoàn Credit Lyonnnais Bank của Pháp. Sau đó, giữa năm 1993, ông chuyển sang điều hành ngân hàng đầu tư Deutsche Morgan Grenfell thuộc tập đoàn Deutsche Bank tại Việt Nam cho đến năm 2000. Từ năm 2001 đến nay, ông tiếp tục tự học lĩnh vực thiên văn học, xã hội học, đồng thời làm tư vấn và cố vấn cho các định chế tài chính trong và bên ngoài Việt Nam. Ông nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu, thành lập mới, tái cấu trúc hoặc sáp nhập các định chế tài chính và công ty. Ông đang viết hai đầu sách tự sự có liên quan đến nghề nghiệp và bản thân tại Việt Nam, hướng đến độc giả Việt Nam, nhưng chưa có ý định xuất bản.

Cũng xin nói thêm, Việt Nam với một xã hội vừa mới hé mở và một nền kinh tế thị trường còn định hướng, việc hình thành và định hình một “giai tầng trung lưu” có ý nghĩa tích cực cho xã hội hiện đại sẽ là một quá trình lâu dài, vì trong đời sống kinh tế xã hội Việt Nam không có khái niệm “giai tầng trung lưu” trong một thời gian khá lâu. Đây là một thực tế. Vì vậy, khó có thể “đi tắt đón đầu” trong tiến trình này, mà phải là một quá trình phát triển – thay đổi cộng hưởng của kinh tế và xã hội.
Theo anh, kinh tế có nên hiểu và hành động như một lĩnh vực bó hẹp về ngành nghề chuyên biệt, hay nên tư duy theo nghĩa “kinh bang tế thế” (bởi nhà kinh tế là người quyết định nhiều đến của cải, vận mệnh của cộng đồng)?
Tôi có những người bạn đồng nghiệp tư duy theo một trong hai hướng, và cũng có vài người đồng nghiệp tư duy cả hai hướng. Suy cho cùng thì cũng chẳng có gì sai quấy với hai lối tư duy như vậy. Riêng tôi, đời sống kinh tế nhộn nhịp và phong phú phải là tư duy hai hướng – hai phần ba trong thế giới ngành nghề chuyên biệt và một phần ba với thế giới bên ngoài, có tí nào đó theo nghĩa “kinh bang tế thế”, “góp nhặt cho đời” mà anh đề cập. Tôi đã cố gắng phân bổ như vậy trong 25 năm qua và có lẽ sẽ cố gắng nhanh hơn nữa trong vòng năm năm kế tiếp để đến hệ số 49 cho thế giới của mình và 51 cho thế giới bên ngoài.
Cuối cùng, những dự báo của anh về kinh tế Việt Nam trong năm 2010 hay chu kỳ kinh tế 2010 – 2015?
Phần lớn công việc chuyên môn của tôi xoay quanh lĩnh vực tài chính và ngân hàng – nôm na và có vẻ ầm ĩ hơn, công việc tôi rất gần gũi với thị trường vốn trong và ngoài Việt Nam. Với nền kinh tế Việt Nam, tôi đã được trải nghiệm lần khủng hoảng tài chính Á châu năm 1997 – 1998 và lần khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 – 2009, cho nên tôi nghĩ rằng mình đã có thêm dữ liệu và chất liệu “tự biết” trong dự báo 2010 – 2015 cho công việc của mình. Năm 2010 sẽ là năm quyết định của ngân hàng Nhà nước. Chu kỳ 2010 – 2015 sẽ là chu kỳ quyết định sức bền bỉ của nền kinh tế.
Tại sao 2010 là năm của ngân hàng Nhà nước? Giữa năm 2008 và suốt năm 2009 vai trò ngân hàng Nhà nước đã được nới lỏng một phần trong việc điều hành chính sách tiền tệ và đã có những cái được và vài cái chưa được, thậm chí không được. Chưa bao giờ ngân hàng Nhà nước phải liên tục tung ra nhiều quyết định về chính sách tiền tệ quan trọng như vậy. Năm 2010, chính sách tiền tệ vẫn sẽ đóng vai trò tiên phong cho các kế hoạch ổn định và phát triển kinh tế thời hậu khủng hoảng; vì vậy ngân hàng Nhà nước sẽ là nơi nóng nhất và họ phải chứng tỏ khả năng vượt trội về điều hành chuyên môn của mình.
Tại sao 2010 – 2015 sẽ là chu kỳ quyết định sức bền bỉ của nền kinh tế? Sau thời điểm khủng hoảng tài chính Á châu 1997 – 1998, mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp và chưa có thị trường chứng khoán, nhưng phải mất hơn ba năm nền kinh tế mới lấy lại sức trong khi các nền kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp chỉ cần một đến hai năm đã bắt nhịp lại với thế giới. Lần khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 – 2009 này đã có những tổn thương khá lớn về xuất khẩu, lạm phát trên 20%, dự trữ ngoại tệ hao hụt đáng kể. Vì vậy trong chu kỳ 2010 – 2015 cần có những chính sách và quyết định táo bạo hơn để tránh những lối mòn trì trệ trước đây, hầu nhanh chóng thoát khỏi những cơn bệnh từ cuộc khủng hoảng và nhất là chứng lạm phát. Một chu kỳ phát triển mệt mỏi nhưng tích cực và tạo thêm của cải.
Xin cảm ơn anh. Chúc anh và gia đình năm mới an khang, thịnh vượng.

Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi

Thực hiện: Hiền Hoà
Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường

Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị Online, ngày 15/01/2010, truy cập từ http://sgtt.vn/Loi-song/Gia-tri-song/111678/“Chua-thay-ro-mot-giai-tang-trung-luu-o-Viet-Nam”.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét