Ảnh: Tuệ Doanh. |
(TBKTSG) - Bất chấp sự khó khăn chung của nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm mạnh, nhiều ngân hàng vẫn đạt được lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, khi xem xét nguồn gốc lợi nhuận của ngân hàng chúng ta vẫn thấy tiềm ẩn những yếu tố không bền vững và lợi nhuận năm 2012 vẫn còn là một ẩn số.
Với phần lớn các ngân hàng thương mại Việt Nam, hoạt động tín dụng vẫn chiếm một tỷ trọng lớn. Do vậy, lợi nhuận ngân hàng chủ yếu phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ lãi biên ròng (NIM - net interest margin) và tỷ lệ nợ xấu.
Năm 2011, lạm phát tăng mạnh buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thắt chặt tín dụng khiến lãi suất tăng vọt. Có thời điểm lãi suất cho vay lên tới trên 25%, còn lãi suất huy động lên 20%. Hầu hết các ngân hàng buộc phải lách trần lãi suất huy động 14% để huy động vốn. Tuy nhiên, dù khó khăn trong huy động vốn và bị giới hạn bởi trần tăng trưởng tín dụng nhưng lợi nhuận các ngân hàng vẫn tăng mạnh do chênh lệch lãi suất cho vay và huy động lớn.
Thực vậy, theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Ngân hàng Công thương (CTG) lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này năm 2011 đạt 5.784 tỉ đồng, tăng tới 77,64% so với năm 2010. Doanh thu từ hoạt động tín dụng đạt 55.501 tỉ đồng, tăng 74% so với năm 2010, trong khi đó tăng trưởng cho vay khách hàng của CTG trong năm 2011 chỉ khoảng 24,44%.
Ngoài CTG, ngân hàng đạt được sự tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng khác là Eximbank (EIB). Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, lợi nhuận sau thuế của EIB đạt 3.051 tỉ đồng, tăng 68,66%, trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng chưa đến 20%. Ngoài hai ngân hàng trên thì các ngân hàng đang niêm yết khác như Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã có doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng khá mạnh.
Để xác định nguồn gốc lợi nhuận, có lẽ phải xem xét tỷ lệ lãi biên ròng (NIM) của các ngân hàng. Kết quả tính toán cho thấy NIM của CTG năm 2011 lên tới 5,03%, cao nhất trong số các ngân hàng. Sacombank (STB) có NIM đứng thứ hai với mức 4,48%. Trung bình tám ngân hàng đang niêm yết có hệ số NIM lên tới 4,18%, cao hơn khá nhiều so với mức 3,64% năm 2009 và 3,37% năm 2010. Như vậy, rõ ràng hệ số NIM cao hơn là yếu tố chính làm cho lợi nhuận của các ngân hàng tăng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý lợi nhuận tăng không đồng nghĩa với việc ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Để xét hiệu quả hoạt động của ngân hàng nên xem suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng. Trong số tám ngân hàng niêm yết công bố báo cáo tài chính thì chỉ có ba ngân hàng ACB, CTG và EIB có ROE tăng so với năm trước, còn lại đều sụt giảm.
Nguyên nhân, một phần do các ngân hàng này mới tăng vốn nhưng lợi nhuận tăng chưa tương ứng. Ngoài ra, ROE sụt giảm còn do lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh phi tín dụng giảm và phải trích lập dự phòng cao hơn. Cá biệt, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) bị lỗ hơn 40 tỉ đồng trong quí 4 do lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Ẩn số nợ xấu quyết định lợi nhuận 2012
Kết quả tính toán cho thấy ROE trung bình (trọng số) của tám ngân hàng niêm yết đạt 19,68%, cao hơn khá nhiều so với mức 15,24% của toàn thị trường. Trong đó, ROE của các ngân hàng như ACB, CTG và EIB cao hơn 20%. Đây là một kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, liệu mức lợi nhuận này đã phản ánh thực chất lợi nhuận của ngân hàng hay chưa thì cần phải xem nợ xấu của các ngân hàng.
Nợ xấu của các ngân hàng vẫn là một ẩn số. Con số chính thức của toàn hệ thống được công bố năm 2011 chỉ là 3,39%. So với thông lệ quốc tế, đây là mức khá an toàn khi vẫn ở dưới ngưỡng 5% và cũng thấp hơn nhiều so với nợ xấu của ngân hàng nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại hội nghị ngành ngân hàng cuối tháng 12-2011, ông Trần Minh Tuấn - Phó thống đốc NHNN - thừa nhận con số trên phản ánh chưa đúng thực chất rủi ro tín dụng của các ngân hàng do tiêu chuẩn phân loại nợ hiện nay còn bất cập và các tổ chức tín dụng thường không phân loại đúng theo quy định. Bên cạnh đó, một thực tế là tình trạng “đảo nợ” làm đẹp báo cáo tài chính của các ngân hàng cũng xảy ra phổ biến.
Theo ước tính của nhiều chuyên gia, nợ xấu của các ngân hàng có thể lên tới 7-8%, thậm chí trên 10%. Như vây, nếu trích đủ, trích đúng thì có thể lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm mạnh so với những con số hiện nay.
Báo cáo tài chính năm 2011 của một số ngân hàng cũng cho thấy một nghịch lý đang tồn tại là dù nợ xấu của ngân hàng tăng nhưng trích lập dự phòng lại không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm so với năm trước.
Chẳng hạn, khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của EIB năm 2011 chỉ là 270 tỉ đồng, tăng chưa đến 2% so với năm trước. Tương tự của ACB là 280 tỉ đồng, tăng khoảng 23%, trong khi đó nợ xấu (nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5) của ACB lại tăng gấp ba lần lên 837 tỉ đồng. SHB chỉ trích lập dự phòng rủi tín dụng 101 tỉ đồng, thấp hơn mức 150 tỉ đồng của năm 2010, trong khi đó nợ xấu lại tăng gần gấp đôi. Xem báo cáo tài chính của các ngân hàng khác (trừ VCB và CTG) cũng cho thấy hiện tượng tương tự.
Năm 2012, NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt với mục tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến 15-17%. Lãi suất trung bình dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Như vậy, ngân hàng vẫn có thể được hưởng một tỷ lệ lãi biên cao. Tuy nhiên, chìa khóa lợi nhuận của ngân hàng là có kiểm soát được nợ xấu hay không.
Thuyết minh báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy nợ nhóm 2 đang có chiều hướng tăng mạnh. Nguy cơ nợ nhóm 2 phải chuyển lên các nhóm cao hơn là rất lớn khi khách hàng chậm trả nợ hoặc phá sản. Lúc đó khoản trích lập dự phòng cụ thể rủi ro cho vay khách hàng sẽ tăng lên.
Hồ Bá Tình
Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, ngày 11/02/2012, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/70961/Nguon-goc-loi-nhuan-2011-va-an-so-2012.html.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét