Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Nhanh với vàng miếng, chậm với vàng huy động

Theo Nghị định 24 của Chính phủ ban hành ngày 3-4-2012, trong thời gian tới, vàng miếng sẽ được quản lý chặt như ngoại tệ. Ảnh: Tuệ Doanh.
(TBKTSG) - Tinh thần bao trùm toát lên từ Nghị định 24/2012 NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được Chính phủ ban hành ngày 3-4-2012 là quản lý vàng như quản lý ngoại tệ. Quyền sở hữu vàng của cá nhân, doanh nghiệp được luật pháp công nhận, bảo vệ và từ nay trở đi, nếu thị trường vàng có vấn đề, người chịu trách nhiệm sẽ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vì đây là cơ quan quản lý nhà nước về vàng.
Quản lý chặt vàng miếng
 
Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới nơi vàng miếng được sản xuất, lưu hành như một thứ tài sản. Ở các quốc gia, vàng chỉ là trang sức và trong lĩnh vực đầu tư, nó là thứ hàng hóa được giao dịch trên thị trường tài chính thông qua các sản phẩm phái sinh.
Đã có thời thị trường vàng chứng kiến 13 cơ sở sản xuất vàng miếng với những thương hiệu riêng biệt. Vàng miếng thậm chí còn phổ biến hơn cả vàng nữ trang. Nhưng đến khi thị trường vàng lên cơn sốt “nóng” hoặc sốt “lạnh” không có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm. Nay bằng Nghị định 24, Chính phủ chính thức tuyên bố “NHNN quản lý các hoạt động kinh doanh vàng” (khoản 2, điều 4), “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” (khoản 3, điều 4).

Xác định được những nguyên tắc cơ bản này là cả một quá trình chuyển biến về mặt tư tưởng trong quản lý kinh tế. Cũng không nên quên rằng đã có không ít hoạt động lobby cho nội dung nghị định từ các nhóm lợi ích khác nhau suốt thời gian qua, bởi lẽ sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu vàng đã từng bị buông lỏng, bị lợi dụng vào những thời điểm nhạy cảm gây bất ổn cho nền kinh tế, nhưng lại có những đối tượng được hưởng lợi. Xí nghiệp chế tác vàng miếng SJC là của nhà nước 100%, tuy nhiên cho đến khoảng sáu tháng trước, ai cũng có thể mang vàng nguyên liệu đến đó để gia công thành vàng miếng bốn số chín SJC, miễn là có trả phí. Bằng cách đó, vàng ngầm, nhất là vàng nhập lậu, đã nghiễm nhiên được hợp pháp hóa.
Tháng 2-2012 khi trả lời trực tuyến Cổng thông tin điện tử Chính phủ, lần đầu tiên Thống đốc NHNN nêu rõ không phải toàn bộ Công ty SJC, mà chỉ Xí nghiệp Chế tác vàng miếng SJC trở thành doanh nghiệp của NHNN và do NHNN trực tiếp quản lý. Từ đó, chỉ có vàng nhập khẩu qua đường hạn ngạch mới được sử dụng để xí nghiệp dập thành vàng miếng. Kết quả thấy rõ: vàng nhập lậu giảm hẳn, chỉ còn thoi thóp qua cửa tiêu thụ nhờ một số cơ sở gia công nữ trang, mà nhu cầu nguyên liệu cho vàng nữ trang thấp. Những doanh nghiệp lớn như PNJ, SJC có thể xin hạn ngạch nhập vàng nguyên liệu trang sức dễ dàng, nên họ chẳng dại gì “dính” tới vàng nhập lậu.
Theo chương 3, 4 của nghị định, điều kiện để được cấp phép kinh doanh vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng khá ngặt nghèo. Điểm đáng chú ý là theo khoản 2, điều 12, “tổ chức không được thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm”. Đây là quy định bịt kẽ hở mà các ngân hàng thương mại có thể lách luật giống như đã từng xảy ra với các bàn thu đổi ngoại tệ.
Huy động vàng sẽ ra sao?
Theo mục c, khoản 3, điều 16 “NHNN tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25-5-2012 và theo quy định các ngân hàng phải kết thúc việc huy động vàng vào ngày 2-5-2012 tới đây. Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 24 vừa được NHNN đăng tải trên trang web (đề ngày 4-4-2012) để lấy ý kiến đóng góp của toàn dân, huy động vàng không hề được đề cập. Trên thực tế, huy động vàng đã tạm ngưng từ nhiều tháng nay, các ngân hàng đều thông báo giữ hộ vàng cho dân. Nhưng giữ hộ mà người giữ phải trả phí khá cao (như lãi suất) cho người gửi vàng! Hơn nữa, hiện giữ hộ vàng không được tính vào tổng vốn huy động.
Dư luận đã từng bàn luận về các phương án huy động vàng của NHNN. Bản thân NHNN cũng cho rằng cơ quan này không thể tự đứng ra tổ chức mạng lưới huy động, mà phải sử dụng các vệ tinh là tổ chức tín dụng. Tất nhiên phải có điều kiện để được huy động vàng. Đã có năm ngân hàng tham gia chiến dịch bình ổn thị trường vàng, có thể năm tổ chức này sẽ được huy động vàng?
Vấn đề đặt ra đối với huy động vàng thực tế không khó vì số vàng trong dân lên tới 500 tấn và người dân hầu như không muốn giữ vàng ở nhà. Quan trọng là quản lý, sử dụng số vàng huy động được như thế nào để vừa có tác dụng giữ yên ổn thị trường, vừa phát huy được nguồn vốn này. Khoản 2, điều 16 nghị định cho phép NHNN bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối quốc gia. Nhưng dự trữ ngoại hối của Việt Nam không nằm toàn bộ trong nước, phần lớn nó được gửi ở các ngân hàng uy tín ở nước ngoài. Nếu trở thành một phần của dự trữ ngoại hối quốc gia, liệu vàng miếng có được gửi ở nước ngoài? Việc gửi như vậy liệu có đảm bảo về mặt thời gian một khi NHNN cần vàng vật chất để can thiệp thị trường trong nước lúc cần thiết?
Mặt khác nghiệp vụ chuyển đổi vàng dự trữ thành ngoại tệ và ngược lại là hoàn toàn mới đối với NHNN và dù muốn hay không nó cũng không tránh khỏi sự quan sát của giới đầu cơ vàng quốc tế.
Cho đến khi đề án huy động vàng được thực thi, khoảng trống trong huy động vàng có lẽ sẽ khó được bù đắp. Còn nếu kéo dài hiện trạng “giữ hộ vàng cho dân” mà các ngân hàng đang tiến hành, có thể gây ra những biến dạng méo mó cho thị trường vàng. Khi thị trường ngoại tệ đang yên ắng, đây hẳn là thời điểm tốt để NHNN đẩy nhanh việc đưa Nghị định 24 vào cuộc sống. Với vàng, mọi sự chậm trễ trong quản lý đều có khả năng gây bất ngờ!

Lưu Hảo

Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, ngày 13/04/2012, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/74866/Nhanh-voi-vang-mieng-cham-voi-vang-huy-dong.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét