Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Liệu Ấn Độ có thay được 'công xưởng thế giới' Trung Quốc?

 (TBKTSG Online) - Trong ba thập niên gần đây, các nước phương Tây đã chuyển các ngành nghề sản xuất nặng nhọc, độc hại cho con người và môi trường, sử dụng nhiều lao động không có tay nghề cao sang Trung Quốc. Đất nước đông dân nhất thế giới này có ưu thế cực lớn là có lực lượng lao động khổng lồ hàng trăm triệu người với mức lương bèo bọt, mang lại lợi nhuận rất lớn cho các doanh nghiệp phương Tây.

Bên trong một nhà máy

sản xuất điện thoại ở Ấn Độ. Ảnh: Indianera

Hàng năm, Trung Quốc cung cấp một khối lượng hàng hóa khổng lồ trị giá 2.000 tỉ USD cho nhu cầu tiêu dùng của các nước (Năm 2019 là 2.465 tỉ USD, theo số liệu của World Top Exports).

Khi "rổ trứng" Trung Quốc bị vỡ

Mọi việc vẫn ổn cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019. Đại dịch đã làm các ngành sản xuất dịch vụ ở Trung Quốc bị đình trệ hàng mấy tháng liền và gây ra sự thiếu hụt hàng hóa trầm trọng ở nhiều nước trên thế giới. Các nước phương Tây mới nhìn ra một sự thật phũ phàng là họ đã quá lệ thuộc vào cái “công xưởng của thế giới” này.

Giới kinh doanh phương Tây đã quên câu ngạn ngữ “Không bao giờ xếp tất cả trứng vào cùng một rổ”, họ đã dốc túi đầu tư vào Trung Quốc mà không tính đến phương án dự phòng khi chuỗi cung ứng toàn cầu - khởi nguồn từ Trung Quốc - bị gián đoạn bất ngờ. Giờ đây, các nước phương Tây đã tỉnh ngộ và đang nỗ lực tìm nguồn cung có đủ khả năng thay thế vai trò hiện nay của Trung Quốc.

Các yếu tố khác quan trọng khác cũng góp phần làm cho giới đầu tư và doanh nghiệp phương Tây phải e dè khi muốn tiếp tục làm ăn với Trung Quốc. Yếu tố thứ nhất là cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang ngày căng thẳng với những đòn đánh ác liệt của người Mỹ làm cho việc kinh doanh thêm khó khăn. Yếu tố thứ hai, với mục đích nâng cao mức sống người lao động để tránh bất ổn xã hội, trong thập niên qua, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần ban hành các quy định nâng cao mức lương tối thiểu làm chi phí nhân công ở nước này không còn hấp dẫn nữa.

Theo The Diplomat, mức lượng tối thiểu ở Trung Quốc đã tăng 80% so với năm 2010. Do vậy, hiện thời giá thành sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc chỉ còn rẻ hơn so với hàng sản xuất ở Mỹ có 4%, một sự chênh lệch không đáng kể. Trung Quốc thu hút được đầu tư của phương Tây là nhờ vào giá nhân công rẻ, nay ưu thế này không còn thì các nhà đầu tư cũng không còn mặn mà làm ăn ở đây nữa là chuyện đương nhiên.

Tất cả những yếu tố vừa nêu buộc giới doanh nghiệp phương Tây phải tính đến việc tìm nguồn cung thay thế cho Trung Quốc. Theo nghiên cứu của hãng Deloitte về những ứng viên triển vọng để thay thế Trung Quốc, dựa trên các tiêu chí: Chí phí sản xuất ở quốc gia đó thấp (lương công nhân rẻ), dân số có độ tuổi bình quân trẻ, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, hệ thống hạ tầng giao thông tốt, cung ứng được đầy đủ nhu cầu về lực lượng nhân sự có chuyên môn cao, có sự phổ cập về giáo dục toàn dân để lực lượng lao động phổ thông đạt được trình độ học vấn tối thiểu đáp ứng yêu cầu công việc, có thị trường tiêu dùng nội địa lớn và mức tăng trưởng kinh tế tốt. 

Theo đánh giá của Deloitte, hiện có năm ứng viên đầy triển vọng là Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, Deloitte gọi nhóm này là"Mighty Five" hay MITI-V và cho rằng năm quốc gia này sẽ là những ứng viên thay thế cho Trung Quốc .

Cơ hội cho Ấn Độ ra sao?

Hạ tầng giao thông yếu kém đang là điểm trừ trong thu hút đầu tư vào Ấn Độ. Ảnh: Outlook India

Trong đó, Ấn Độ xếp hàng đầu nhóm MITI-V với việc đáp ứng được phần lớn các tiêu chí đề ra của giới đầu tư, giữ vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng 15 quốc gia có nền sản xuất có sức cạnh tranh cao nhất thế giới. 

Người Ấn cũng đã nhanh chóng nhìn ra thời cơ vàng để thay thế vai trò của Trung Quốc và họ quyết không bỏ lỡ. Trong việc này, Ấn Độ có những ưu điểm so với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Với dân số 1,3 tỉ người, Ấn Độ có lực lượng dân số ở độ tuổi lao động rất lớn (494 triệu) và dân số lại có độ tuổi bình quân khá trẻ (28,4 tuổi) so với dân số Trung Quốc đã bước vào thời kỳ lão hóa (38,4 tuổi).

Vốn là cựu thuộc địa của Anh, nên tiếng Anh là ngôn ngữ rất phổ biến ở Ấn, điều này tạo nhiều thuận lợi trong giao tiếp và đào đạo nhân lực. Nguồn nhân lực Ấn lại có ưu thế mà ít nước có được là rất giỏi về quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin. Các CEO của những tập đoàn lừng danh của Mỹ như Sundar Pichai của Google, Satya Nadella của Microsoft, Arvind Krishna của IBM, Vivek Sankaran của Albertsons, Sanjay Mehrotra của Micron Technology, Ajaypal Singh Banga của MasterCard, Shantanu Narayan của Adobe, Indra Nooyi của PepsiCo (vừa về hưu sau 12 năm giữ chức vụ CEO),… đều là người gốc Ấn, trong đó có năm người sinh ra tại Ấn Độ.

Cách đây hai thập niên, Ấn là nước đầu tiên trên thế giới được các tập đoàn công nghệ Mỹ thuê gia công lập trình ứng dụng, một việc mà mãi về sau này Trung Quốc mới làm được. Một yếu tố quan trọng khác là so với Trung Quốc, Ấn Độ có thể chế chính trị hợp với "khẩu vị” của giới doanh nghiệp phương Tây hơn.

Ấn Độ đã triển khai những chương trình thúc đầy sản xuất nội địa “Make in India” và đào tạo nguồn nhân lực “Skill in India” để đáp ứng cho nhu cầu sắp tới của giới đầu tư nước ngoài. Đây là những ưu điểm nâng cao giá trị của Ấn Độ trong con mắt giới đầu tư quốc tế. Tính từ tháng 4-2018 đến tháng 3-2020, Ấn đã nhận được khoản đầu tư FDI trị giá 49,98 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Chính phủ Ấn Độ quyết tâm vươn lên để cạnh tranh vai trò cường quốc kinh tế với người láng giềng Trung Quốc, trước mắt là làm theo những gì Trung Quốc đã thực hiện rất thành công vào thập niên 1990 để thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ Ấn đã cải tổ các chính sách thu hút đầu tư và ban hành thêm nhiều ưu đãi mới khá hấp dẫn.

Tuy vậy, mọi chuyện không phải là hoàn toàn thuận lợi và suôn sẻ cho người Ấn. Không chỉ trong một sớm một chiều mà Ấn Độ (và nhóm Mighty Five, trong đó có Việt Nam) có thể nhanh chóng thay thế vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ấn Độ phải khắc phục được những nhược điểm mang tính cơ bản của đất nước đông dân thứ hai thế giới này. Đó là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng được yêu cầu của giới đầu tư phương Tây, Ấn Độ có lực lượng lao động dồi dào nhưng trình độ lại chênh lệch khá xa. Hạ tầng giao thông hiện nay của Ấn cũng cần được nâng cấp và xây dựng thêm.

Một vấn nạn khác là sự phân biệt giai cấp rất nặng nề của xã hội Ấn, sự chia rẽ trầm trọng về sắc tộc và tôn giáo, gây ảnh hưởng đến việc tuyển dụng, gây ra nhiều phức tạp trong bố trí môi trường làm việc và tinh thần hợp tác trong công việc.

Ấn Độ cũng chưa có được một “hệ sinh thái kinh tế” (ecosystem) hoàn chỉnh tương tự như của Trung Quốc, cung ứng đầy đủ lực lượng lao động có tay nghề, nguồn nguyên phụ liệu dồi dào, dịch vụ giao nhận vận chuyển thông suốt, máy móc thiết bị hiện đại đủ sức đáp ứng cho hoạt động thông suốt của những hãng xưởng, nhà máy của giới đầu tư nước ngoài tại Ấn.

Thuận lợi tuy nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, vấn đề là người Ấn có khai thác thành công thời cơ đang đến để vươn lên tầm cường quốc kinh tế thế giới mà thôi. 

Tổng hợp từ CNN, The Diplomat, The Hindu, WB

Thiện Khang

Thứ Hai,  24/8/2020, 05:58 

Nguồn: Truy cập từ https://www.thesaigontimes.vn/td/307387/lieu-an-do-co-thay-duoc-cong-xuong-the-gioi-trung-quoc-.html


Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Mặt khác của kiều hối



 

 

 

 

Việt kiều về thăm quê hương. Ảnh: MINH KHUÊ

(TBKTSG Xuân) - Hồi giữa năm qua, Hội Xã hội học Hoa Kỳ đã trao giải thưởng “Sách hay nhất năm 2015 về châu Á” cho tác giả người Việt là Thái Cẩm Hưng, Giáo sư Đại học Pomona (California) về một tác phẩm giàu chất liệu thực tế liên quan đến kiều hối, một đề tài nóng bỏng không chỉ với cộng đồng người Việt ở Mỹ mà cả với người trong nước.
Sách có tựa đề Insufficient Funds (tạm dịch Thiếu tiền) là công trình nghiên cứu rất công phu và có ý nghĩa sâu sắc, mà theo thông cáo báo chí của Đại học Pomona đây là “một tường thuật về tài chính của người di dân, một đóng góp lớn lao cho sự hiểu biết của chúng ta về sinh hoạt kiều hối”.
Thái Cẩm Hưng là một trong số không nhiều giáo sư ngành xã hội học gốc Việt ở Hoa Kỳ.Insufficient Funds là công trình thứ ba của ông sau hai luận án tiến sĩ đề tài “Việt kiều về nước kết hôn trong bối cảnh toàn cầu hóa” và “Gia đình trong thời toàn cầu hóa”.
Để thực hiện các công trình nghiên cứu này, Giáo sư Thái Cẩm Hưng đã cùng nhóm 12 người cộng sự làm việc tích cực hơn 10 năm qua. Riêng ông đã về nước khoảng 80 lần, gặp gỡ phỏng vấn hàng trăm người để tìm chất liệu sống cho các công trình nghiên cứu. Insufficient Funds nói về những khoản tiền do một số người Việt có thu nhập thấp đang sống ở Mỹ gửi về cho thân nhân ở quê nhà, biểu lộ tình cảm thắm thiết đến mức làm cho mối quan hệ gia đình của người Việt bị “tài chính hóa”.
Đây là những khoản tiền chắt chiu được trả giá đắt, bất chấp những bấp bênh tài chính của những gia đình chỉ ở trên mức nghèo theo tiêu chuẩn Mỹ. Họ tằn tiện tiêu xài để gửi về nước những đồng đô la vượt ngoài khả năng kiếm được, khiến nhiều người phải mắc nợ, thậm chí nhiều gia đình rạn nứt vì chuyện “kiều hối”, một sự hy sinh mà thân nhân ở bên này nửa vòng trái đất không hề biết đến.
Đây chẳng phải là chuyện hãn hữu khi mà một gia đình trung lưu ở Mỹ mỗi năm dành dụm được 10.000 đô la là không hề đơn giản. Điều đó giải thích tại sao nhiều người nhớ nhà da diết mà vẫn không về nước khi chưa kiếm đủ tiền làm quà tặng, cả “hiện vật” lẫn “hiện kim”, cho người thân. Rất may là áp lực đó nay đã không còn nặng như hàng chục năm trước.
* * *
Nhớ lại vào cuối thập niên 1970 thế kỷ trước, lần đầu tiên người trong nước nhận được những thùng quà biếu với nhiều loại hàng tiêu dùng, thuốc trị bệnh chuyển thành tiền, đã giúp hàng vạn gia đình trong nước vượt qua đời sống khó khăn.
Nếu cứ mãi trông chờ vào những đồng tiền không do mình làm ra chính là dựa dẫm vào người khác, tức là đánh mất lòng tự trọng. Đây không chỉ là chuyện của gia đình dòng họ mà cũng là chuyện của đất nước.
Sau mấy năm tự phát, đến 1983 kiều hối được chính thức thừa nhận và trở thành nguồn tiền ngoại nhập đáng kể cho nền kinh tế nhờ vào thuần tuý là tình cảm của người xa xứ đối với thân nhân.
Những năm đầu của thập niên 1990, số kiều hối ít ỏi chỉ khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, mười năm sau tăng gấp đôi, vậy mà đến năm 2010 dù chịu ảnh hưởng cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu, tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cũng gần 7 tỉ đô la Mỹ. Lượng kiều hối tăng hàng năm với những hiệu ứng tích cực lẫn tiêu cực từ khi đồng tiền nghĩa tình chuyển hướng vào dòng chảy kinh doanh với không ít cạm bẫy và lọc lừa.
Năm 2015 vừa qua, kiều hối đã lên đến hơn 12 tỉ đô la Mỹ, trong đó khoảng 1,6 tỉ do 500.000 người đi lao động nước ngoài gửi về, trong phần còn lại thì một nửa xuất phát từ Mỹ - nơi số người Việt sinh sống nhiều nhất. Có điều gì đó trùng hợp khi lượng kiều hối đổ về tỷ lệ thuận với mức tăng các hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước, khiến một số chuyên gia có tâm huyết đặt vấn đề cần nhìn lại thực chất của kiều hối những năm gần đây.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia cao cấp của Liên hiệp quốc, bằng phương pháp thống kê và đối chiếu số liệu từ nhiều nguồn, trong năm nay đã đưa ra một nghiên cứu cho thấy có một sự liên quan giữa kiều hối tăng mạnh và dòng chảy ngoại tệ ra nước ngoài lên đến 33 tỉ đô la Mỹ chỉ trong vòng sáu năm từ 2008-2013 là có thật.
Dẫn chứng bằng những số liệu cụ thể, ông cho rằng số tiền do người Việt ở nước ngoài với mức sống thấp gửi về theo con đường kiều hối thông thường như thống kê lâu nay là không thể tin được trong khi số lượng tiền lớn chuyển ra nước ngoài bất hợp pháp được “rửa sạch” qua con đường kiều hối là không nhỏ.
Có hai lý do chính giải thích tình trạng chảy máu ngoại tệ, một là giới nhà giàu trong nước chuyển ngân lậu ra nước ngoài để cho con ăn học, chữa bệnh hoặc tậu nhà đất ở Mỹ như một động thái chuyển dịch tài sản, hai là những khoản tiền để chi trả hàng nhập lậu từ Trung Quốc.
Một doanh nhân Việt kiều thành đạt sống tại Mỹ, có lần trong câu chuyện trà dư tửu hậu bày tỏ thắc mắc với một quan chức trong ngành ngoại giao Mỹ rằng trong khi chính phủ nước này tiêu tốn hàng tỉ đô la hỗ trợ cho cộng đồng người Việt còn khó khăn, thì lượng tiền kiều hối cứ liên tục gửi về Việt Nam ngày càng nhiều. Câu trả lời của quan chức này là nước Mỹ chẳng phải chịu thiệt đâu, rồi đây với thời gian thì dòng tiền chảy ngược về Mỹ sẽ còn nhiều hơn. Phải chăng đây là một lời giải thích có tính thuyết phục trong tình hình hiện nay.
Thật ra thì các số liệu và dẫn chứng của Tiến sĩ Vũ Quang Việt chỉ cho chúng ta hiểu thêm cặn kẽ về những gì liên quan đến chuyện ngược xuôi của đồng tiền bẩn lẫn đồng tiền sạch, trong đó kiều hối, dù dưới hình thức nào đi nữa, chẳng những không có tội tình gì mà ngược lại đã góp phần đáng kể cho GDP, thêm đồng vốn cho đời sống kinh tế - xã hội, giúp dự trữ ngoại hối tăng cao. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để một chính phủ có được những khoản vay quốc tế dễ dàng hơn, lãi suất thấp hơn khi người ta nhìn vào khả năng trả nợ. Thế nhưng vấn đề là những khoản tiền ấy phải đến đúng người, đúng chỗ để nạp thêm năng lượng cho cơ thể kinh tế đang lúc phục hồi và làm ra của cải vật chất mà xã hội cần, nếu không như thế thì chẳng khác nào đưa thức ăn bổ dưỡng vào nuôi các tế bào ung thư trong cơ thể con người.
Cần nhìn thẳng vào thực tế là thế hệ thứ hai thứ ba của cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng nhạt nhòa tình cảm với quê hương cũng như thân nhân trong nước, để đừng ảo tưởng kiều hối là nguồn lợi bất tận, mà tùy thuộc vào những diễn biến tích cực mọi mặt từ trong nước.
Làm sao cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài “xa mặt mà không cách lòng” để còn gắn bó với quê nhà? Chỉ có một cách là tạo được niềm tự hào dân tộc và lòng tin vào tương lai của đất nước ngày mai sáng sủa hơn ngày hôm nay. Làm được điều này thì dòng kiều hối sẽ không ngừng chảy. Bằng không thì các thế hệ con cháu chúng ta rồi đây nếu về thăm quê hương cũng trong tâm thế của một du khách đến miền đất lạ. Và khi ấy nếu cứ mãi trông chờ vào những đồng tiền không do mình làm ra chính là dựa dẫm vào người khác, tức là đánh mất lòng tự trọng.
Đây không chỉ là chuyện của gia đình dòng họ mà cũng là chuyện của đất nước.

Trần Trọng Thức

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 05/02/2016 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/141398/Mat-khac-cua-kieu-hoi.html

“Tiền là tiên là Phật...?”

(TBKTSG XUAN) - Xin thưa: còn hơn thế nữa! Tiền là ông Trời, là “Thượng Đế của thời đại chúng ta” (G. Simmel); thời đại ấy “đã thay thế sự toàn năng của Thượng Đế bằng sự toàn năng của đồng tiền” (N. Luhmann).
Simmel còn minh họa dễ hiểu: ngày trước, tòa nhà cao nhất ở các đô thị là giáo đường, nay là... các ngân hàng! “Chúng khẩu đồng từ”, nếu ta nhớ rằng Georg Simmel thuộc thế hệ đầu tiên của những nhà xã hội học Đức, còn Niklas Luhmann sống đồng thời với chúng ta. Nhiều nhà thần học vốn không chịu “thờ hai chúa” (Thượng Đế và... Thần Tài/Mammon) cũng phải cay đắng thừa nhận một “chủ nghĩa phiếm thần thờ đồng tiền” và đồng tiền trở thành “thực tại tối cao, quy định tất cả”, một danh xưng chỉ được dành cho Thượng Đế trước đây! Một sự “soán ngôi” vô tiền khoán hậu? Một cách nói thậm xưng? Dù hiểu cách nào, đây là một thực tế cần nhận diện, cần suy tưởng từ nhiều giác độ: kinh tế học, xã hội học, nhân học và triết học.
Ngày xuân, thử bàn phiếm đôi điều về đồng tiền như một thực tại thường trực trong đời sống, một sản phẩm lâu đời nhưng tiêu biểu cho thời hiện đại. Nó mang lại cho cuộc đời nhịp điệu và vẻ hấp dẫn đặc thù, đồng thời cả cách nhìn nhận đặc thù về thế giới và chỗ đứng của ta trong đó. Tiền tạo ra vô số vấn đề khi ta thiếu nó, và càng nhiều vấn đề hơn khi ta có nó. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng ta có thể làm chủ được nó. Quyền lực của ta đối với đồng tiền có chăng chỉ là cố hiểu quyền lực của nó trên ta. “Chủ đề về tiền đã lôi cuốn bao nhà thông thái từ thời Aristoteles cổ đại cho đến ngày nay bởi nó đầy bí mật và nghịch lý” như The New Encyclopedia Britannica, 1985, nhìn nhận.
BẢN CHẤT CỦA ĐỒNG TIỀN?
Tìm hiểu bản chất của đồng tiền cực khó, bất chấp nỗ lực từ bao thế kỷ của các nhà kinh tế, nhà chính trị, nhà văn và cả... nhà thơ lẫn triết gia! Nó là thiện hay ác? Nó được ca tụng và mơ ước lẫn bị khinh bỉ và xa lánh. Nó sáng tạo và phá hủy, hợp nhất và phân ly, biến bạn thành thù và ngược lại. Nó ảnh hưởng quyết định đến sinh mệnh của từng cá nhân và quốc gia, mang lại sự tự do hay lệ thuộc. Nó gây nên bao cung bậc cảm xúc khác nhau. Nói ngắn, con người tạo ra tiền và tiền tạo ra con người, cả về cách sống lẫn cách suy nghĩ. Có hiện tượng xã hội nào kỳ lạ hơn thế không?
VAI TRÒ SONG ĐÔI
Là đối tượng của nhận thức, tiền thuộc lĩnh vực kinh tế học với mục tiêu và phương pháp riêng của nó. Dưới cái nhìn này, tiền là phương tiện trao đổi. Nhiệm vụ của kinh tế học là xem nền kinh tế cần bao nhiêu tiền và những yếu tố nào ảnh hưởng đến việc cung và cầu tiền. Phương pháp của nó chủ yếu là định lượng.
Nhưng, ta dễ thấy ngay rằng phương pháp định lượng hay “toán học hóa” là không đủ để khám phá bí mật của đồng tiền xét như một hiện tượng xã hội. Cần bổ sung vào đó những phân tích định tính. Từ đó, ta có quyền nói về một môn xã hội học, hay, hơn thế, một triết học về đồng tiền. Trong giác độ ấy, tiền không chỉ là phương tiện mà còn là mục đích của trao đổi. Là phương tiện, tiền góp phần phát triển thương mại, mở rộng sự vận động của hàng hóa, dịch vụ. Nhưng, là mục đích, tiền ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của chính con người, đến mục tiêu và thái độ hành động. Tiền thay đổi cả định hướng về giá trị, ý tưởng lẫn những tiêu chuẩn đạo đức.
Aristoteles sớm nhận ra vai trò song đôi này của đồng tiền, xem cái trước là “tự nhiên”, cái sau là “phản tự nhiên” và vô độ. K.Marx tìm hiểu bản chất của đồng tiền, cho thấy tiền - hiểu như mục đích của trao đổi - đã chuyển hóa thành tư bản như thế nào. Cũng thế, G. Simmel, mà ta sẽ trở lại, nhấn mạnh tác động kinh khủng của đồng tiền lên hành động của con người khi trở thành mục đích của trao đổi. “Tính phân cực nội tại trong bản chất của đồng tiền nằm ở chỗ nó là phương tiện tuyệt đối, nhưng qua đó, về tâm lý, trở thành mục đích tuyệt đối của vô số người, và lạ thay, thành biểu trưng khiến những định hướng quan trọng khác trong cuộc đời đều bị đông cứng lại”(1). “Sứ mệnh lịch sử” của tiền không chỉ tạo ra nền kinh tế thị trường, mà còn tạo ra “con người kinh tế” (có thật có không?) với tâm thế được Max Weber gọi là “tinh thần của chủ nghĩa tư bản” (dù tiền không phải là sản phẩm đặc thù của chủ nghĩa tư bản). Nói cách khác, tiền không chỉ thay đổi “thế giới sự vật” và “thế giới con người” mà cả thế giới nội tâm của con người: lợi ích, lý tưởng, cảm hứng, khát vọng, thước đo luân lý, đạo đức. Tiền thay đổi hệ giá trị bằng cách ban cho mình giá trị phổ biến.
Nhưng, “giá trị” lại là khái niệm bí hiểm nhất trong kinh tế học, có lẽ do nó là khái niệm mang tính “triết học” nhiều nhất! Georg Simmel, trong “Triết học về đồng tiền” (1900), là người đầu tiên tiếp cận vấn đề bằng con mắt triết học sâu sắc. Ông triết gia Kant vẫn còn cương quyết phân biệt giữa giá cả và giá trị: “Mọi vật đều có một giá cả. Nhưng, giá trị là vô giá,
Với tư cách là “giá trị phổ biến”, tiền hành động như là động lực cho mọi loại hoạt động, kể cả hoạt động phi nhân tính. Những gì không nên mua bán trở thành sản phẩm có thể mua bán. Trong chừng mực đó, tiền mang lại sự bất an và rối loạn xã hội, thách thức nền tảng giao tiếp và quan hệ đạo lý.
bởi nó là phẩm giá!”. Nhưng, từ khi trở thành vật ngang giá, tiền là giá cả tương đối của một món hàng, đồng thời bản thân tiền là một giá trị bởi có thể được sử dụng mọi lúc mọi nơi. Tiền cào bằng tất cả, bởi nó không đếm xỉa đến cái đặc thù. Lượng thắng chất. “Tiền diễn đạt mọi sự khác biệt về chất của sự vật bằng câu hỏi: “Bao nhiêu”? Tiền, với sự dửng dưng vô màu sắc, trở thành mẫu số chung của mọi giá trị. Nó làm rỗng cái cốt lõi của sự vật, tước bỏ tính cá biệt, giá trị riêng và tính vô ước (tức không thể so sánh được với nhau) của sự vật. Mọi thứ trôi tuột với cùng một trọng lượng riêng giống nhau trong dòng chảy không ngừng của đồng tiền. Mọi vật đều nằm trên cùng một cấp độ và chỉ khác nhau ở phạm vi tác động của chúng mà thôi”. Là cái ngang giá, tiền chuyển từ phương tiện thành mục đích tự thân tuyệt đối, một cách nói khác về phẩm giá của... Thượng Đế! Không cần mang hình thức giá trị “đích thực” của kim loại quý, tiền vẫn có giá trị danh nghĩa như một ký hiệu, biểu trưng có giá trị tối cao như phương tiện và mục đích trao đổi. Vậy, giá trị của tiền không ở hình thức của nó mà ở nội dung của tiến trình xã hội được nó vận hành. Là một vật, tiền đi từ túi người này sang túi người khác, và đó là “nguồn gốc cho sức mạnh vô biên của tiền đối với xã hội”. Cơ chế vận hành của nó được tóm lược trong hai hành động: chiếm hữu và xuất nhượng, căn cứ trên năng lực chi trả. Tiền là “thước đo của giá trị” và là “thước đo của vạn vật”. Bấy giờ, với tư cách là “giá trị phổ biến”, tiền hành động như là động lực cho mọi loại hoạt động, kể cả hoạt động phi nhân tính. Những gì không nên mua bán trở thành sản phẩm có thể mua bán. Trong chừng mực đó, tiền mang lại sự bất an và rối loạn xã hội, thách thức nền tảng giao tiếp và quan hệ đạo lý.
TỰ DO VÀ THA HÓA
Trong nền kinh tế tiền tệ, cá nhân cũng chuyển hóa tương tự như những hệ giá trị khi chúng được tác động bởi đồng tiền. Con người - giống như đồng tiền - trở nên “bình đẳng”, độc lập và năng động với cái giá phải trả là mất đi cái bản sắc cố định và riêng biệt. “Tiền thực chất là hình thức sở hữu hiệu quả nhất để giải phóng cá nhân ra khỏi những sợi dây ràng buộc so với các hình thức sở hữu khác”. Con người thoát khỏi sự ràng buộc vào một loại lao động và một lối sống nhất định, giống như giá trị của đồ vật từ nay chỉ cần thể hiện bằng tiền mặt một cách trung tính. Ở đây, G.Simmel có nhận xét tinh tế: trong nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, tưởng như chống lại sức mạnh của đồng tiền, thì “thật ra vẫn vận động theo cùng một hướng là biến cá nhân ngày càng phụ thuộc vào thành quả của người khác và càng ít phụ thuộc vào “những nhân cách” đứng sau lưng họ. Cả hai hiện tượng có cùng một nguồn gốc và tạo nên các mặt đối lập của một và cùng một tiến trình: sự phân công lao động hiện đại cho phép sự lệ thuộc tăng lên, đồng thời làm cho “nhân cách” tiêu biến đàng sau các chức năng của họ”. “Tiền và giao dịch tiền tệ càng tăng thì giá trị của cá nhân càng giảm, và câu hỏi trở thành: cá nhân có thể làm gì, thay vì cá nhân ấy là ai; mọi việc quy thành tiền thay vì giá trị của xúc cảm nhân loại”.
TIỀN VÀ LÝ TRÍ
Tiền, bằng sức mạnh vật chất, thỏa mãn ý muốn tự do của con người thông qua cơ chế thị trường. Nhưng, tiền, kỳ cùng, vẫn không thể quyết định mục đích của ý muốn ấy. May mắn là: lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của lý trí. Tất cả phụ thuộc vào sự đối ứng giữa hai lực lượng: lý trí và lợi ích tiền bạc trong hoạt động có mục đích của con người. Tiền là điều kiện cần để hợp lý hóa hành động. Nhưng, ta có thể đồng ý với Simmel khi tin rằng “trí tuệ xã hội” đồng hành với nền kinh tế tiền tệ, buộc xã hội phải thấu hiểu vị trí và vai trò của đồng tiền trong xã hội để “cầm cương” đứa con khủng khiếp (“enfant terrible”) của chính mình. Ngày càng thấy cần thiết kết hợp giữa kinh tế học hướng đến hành động thực tiễn và triết học hướng đến suy tưởng để nhận thức thế giới như một toàn bộ. Tìm hiểu đồng tiền không chỉ để điều tiết thị trường mà còn để phục vụ sự phát triển xã hội. Là sản phẩm của nền văn minh, đồng thời là công cụ cho sự phát triển xã hội, tiền là yếu tố then chốt xác định những giới hạn của tự do và bình đẳng trong nền kinh tế tiền tệ.
Tiền không mang lại hạnh phúc, hiểu theo nghĩa tuyệt đối? Tiền có thể “cứu khổ cứu nạn”, tức mang lại hạnh phúc theo nghĩa tương đối? Nhưng ranh giới đó ở đâu? Một câu hỏi thú vị cho điều tra xã hội học và tâm lý xã hội(2).
Con người là sinh vật hữu hạn, song lại không có giới hạn. Bao giờ con người cũng có cái gì đó trước mắt để vượt qua và sở dĩ nó “có đó” là để được vượt qua. Con người vượt qua chính mình là vượt thoát những ranh giới, ràng buộc đang đặt ra cho mình. Có những ông bà tỉ phú đang nơm nớp ở Trung Quốc. Lại có chàng tỉ phú trẻ măng ở Mỹ hớn hở dành hết tài sản khổng lồ cho an sinh xã hội. Nói theo kiểu Camus, ta “phải tưởng tượng” chàng này đang rất hạnh phúc vì chưa lúc nào chàng có quyền quyết định tự do đến như thế. Một tác giả nhận định: “Triết lý về đồng tiền có thể góp phần “giáo dục” nhân loại và giúp họ nhớ lại rằng “thước đo của vạn vật” bao giờ kỳ cùng cũng là chính con người” (Protagoras). Ít ra là... đối với đồng tiền!
--
(1)Các trích dẫn đều từ: Georg Simmel, Triết học về đồng tiền / Philosophie des Geldes, 1900.
(2)Kết quả thăm dò từ Princeton dựa trên 450.000 người cho thấy, ở Mỹ, “người ta có sức khỏe tinh thần tốt khi thu nhập ở mức 75.000 đô la/năm, không cao hơn”! Xem: BBC (25-6-2015): Tiền và hạnh phúc: Mối quan hệ bí mật.

Bùi Văn Nam Sơn

Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online ngày 08/02/2016 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/141780/Tien-la-tien-la-Phat.html