Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Sự khác biệt giữa Vàng trắng và Bạch kim

Bản chất vàng trắng:
Đây là một hợp kim được pha trộn (theo nhiều công thức) cơ bản gồm vàng (vàng 4 số 9) + bạc + paladin ( hoặc nikel) + một số kim loại khác vì platin rất hiếm và đắt nên trên thế giới người ta đã dùng các kim loại có màu trắng như paladin (Pd) hoặc nikel (Ni) khi pha trộn với các kim loại khác ( như vàng) sẽ làm cho màu của vàng nhạt đi nhiều tạo thành một hợp kim có màu vàng rất nhạt (gần như trắng). Muốn trắng hơn, người ta phải xi mạ thêm bên ngoài một thứ kim loại khác ( cũng nằm trong nhóm platin) đó là rhodi (Rd) để có màu sắc trắng sáng rất đẹp không thua gì plati mà giá thành thấp hơn nhiều.
Hiện nay giá vàng trắng cao hơn so với vàng 18K vì các kim loại dùng để pha trộn như Pd giá cũng khá cao, dù tỉ lệ pha rất ít. Các nhà sản xuất nữ trang thường đóng dấu có chữ cái “P” hoặc “Pt” cho nữ trang plati tức bạch kim và đóng chữ cái “WG” (White gold) cho nữ trang làm bằng vàng trắng. Ngoài ra còn có các loại vàng khác như green gold ( vàng xanh), yellow gold ( vàng vàng), red gold (vàng đỏ) . . .
Người ta lựa chọn những kim loại quý với tỷ lệ thích hợp để nấu chảy đều cùng với vàng, sau khi kết tinh thu được một hợp chất có màu trắng , sản phẩm này được gọi là vàng trắng. Nói một cách khác vàng trắng là một hợp kim đa nguyên tố không phải là một hợp chất trong bảng tuần hoàn. Thành phần của nó gồm có vàng và các loại kim loại quý hiếm như nikel, plaid, platin… Do tính chất đặc biệt của hợp kim nên màu vàng của vàng đã biến mất trong vàng trắng. Như vậy giá trị của vàng trắng được đảm bảo như bằng hàm lượng vàng có trong nó, cách tính giá trị của vàng trắng như cách tính giá trị của các loại vàng tây thường (vàng hợp kim, vàng màu) trên thị trường. Trong kỹ nghệ chế tác trang sức, vàng trắng được coi là một phát minh có giá trị cao về kinh tế và mỹ thuật; bởi nó có thể thay thế gần như hoàn toàn platin là kim loại quý hiếm đắt hơn vàng và rất khó chế tác ra đồ trang sức.
6557c


Vàng trắng có màu trắng tinh khiết, ánh kim lấp lánh cùng đặc tính cứng, dẻo khiến vàng trắng phản quang, đàn hồi tốt, chịu được ma sát khi đeo dùng; vì vậy ít bị hao mòn, biến dạng, gãy đứt, đặc biệt có khả năng giữ chắc các loại đá quý, kim cương trên đồ trang sức. Vàng trắng mới được phổ cập tại Việt Nam khoảng năm 1997 và nhanh chóng được người tiêu dùng ưa thích bởi tính hữu dụng, kinh tế và vẻ đẹp thuần khiết cao quý của nó. Hiện nay trên thị trường thịnh hành hai loại vàng trắng như vàng 14k (58,3%), 18K (75%). Nhưng phổ biến là vàng trắng 14K. Vàng trắng ở thị trường Việt Nam hiện nay được pha chế chủ yếu bằng vàng 24K (99,9%) với hợp kim (alloy) danh từ chuyên ngành gọi là hột (hợp kim có thành phần kim loại quý) của nước ngoài phổ biến là của Đức, Ý. Thông thường vàng 14K có màu trắng đẹp hơn vàng 18K (bởi hàm lượng vàng trong vàng trắng càng cao thì độ trắng càng giảm). Nhưng hiện nay do áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đã chế tác thành công loại vàng 70%, 75% có màu trắng bóng, nguyên bản không cần xi mạ có màu sắc và cơ tính tương đương platin (Pt900), mặc dù ở độ tuổi này vàng rất khó trắng. Do chế tác tại Việt Nam và sử dụng hợp kim (alloy) ngoại nhập nên chất lượng vàng trắng như của nước ngoài nhưng giá bán lại thấp hơn vàng nước ngoài rất nhiều. Trang sức vàng trắng sau khi chế tác để nguyên bản có ánh kim lấp lánh , màu trắng sáng có ánh vàng rất nhẹ của vàng gốc tạo cho trang sức có hồn và vẻ đẹp riêng biệt: thanh khiết, sâu lắng khác hẳn với màu trắng sáng của inox, trắng lạnh của đồ mạ crom, trắng nhạt của bạc. Trên thế giới quan niệm màu sắc đặc trưng của vàng trắng sẽ tôn tạo tính cách của người đeo dùng nó.
Ngoài ra có thể có trang sức trắng hơn thì dùng công nghệ xi điện giải hiện đại. Lớp xi này bằng kim loại quý rhodi có giá trị gấp 2 lần vàng, sáng trắng, bóng mịn phủ dày lên bề mặt trang sức có thể dùng hàng năm, khi lớp xi mòn ta có thể xi lại đẹp như mới trong thời gian khoảng một giờ với chi phí rất ít.
Bạch kim là kim loại có độ quý, hiếm và khó chế tác cao hơn vàng nhiều lần, do đó trang sức bằng bạch kim cũng đắt hơn vàng rất nhiều.
bạch kim
Phân biệt bạch kim với vàng trắng:
Vàng trắng là hợp kim của vàng và các kim loại quý khác, trong đó vàng là thành phần chính. Vàng trắng có màu trắng ngà nên khi thành đồ trang sức sẽ được phủ lên bề mặt một lớp kim loại rhodi – quý hơn vàng nên có màu trắng sáng rực rỡ. Do vậy, vàng trắng dùng một thời gian thường bị ngả vàng. Để nữ trang vàng trắng luôn đẹp, tốt nhất khoảng 2 tháng khách hàng mang tới cửa hàng xi lại lớp rhodi và kiểm tra lại các ổ hột. Bạch kim còn gọi là platin là kim loại quý có giá trị cao gấp 1,7 – 2 lần so với vàng 9999. Bạch kim có màu trắng, có độ bóng và sáng cao hơn vàng trắng. Bạch kim có tỷ trọng cao hơn vàng do đó nữ trang làm bằng bạch kim nặng hơn rất nhiều so với nữ trang vàng có cùng kiểu dáng bằng bạch kim.
Vàng trắng và bạch kim – sự khác biệt từ bản chất kim loại
Vàng trắng thực chất là vàng nguyên chất được trộn với một số kim loại khác để tạo ra màu trắng ngà và khi chế tác được phủ lên bề mặt một lớp kim loại rhodi (cái này còn quý hơn vàng) để có thể tạo ra màu trắng sáng. Vì vậy trong quá trình sử dụng vàng trắng dễ bị ngả màu vàng ố và phải được xi lại một lớp rhodi, việc này khoảng 1 đến 2 năm một lần. Bạch kim thì khác, bản chất của nó đã là màu trắng có pha một chút xám. Khi sử dụng lâu ngày có thể tỉ lệ màu xám sẽ tăng dần, nhưng rất dễ xử lý chỉ cần mang đánh bóng thì sẽ có lại màu như ban đầu. Cũng vì sự khác biệt về bản chất kim loại nên trọng lượng của chúng cũng khác nhau rõ rệt. Do có tỉ trọng cao hơn khoảng 60% so với vàng trắng nên đồ trang sức bằng bạch kim nặng hơn bằng vàng trắng rất nhiều. Cũng vì có tỉ trọng lớn nên để gia công một món đồ trang sức bằng bạch kim phải tốn khá nhiều công sức, cũng là lý do tại sao giá đồ trang sức bằng bạch kim lại đắt hơn vàng trắng nhiều lần.
Vàng trắng và bạch kim – sự khác biệt trong cách sử dụng
Sự bào mòn trong quá trình sử dụng ảnh hưởng đến vàng trắng và bạch kim bằng hai cách khác nhau. Trong quá trình sử dụng một lượng nhỏ vàng hay rhodi sẽ bị bào mòn ở vàng trắng và cần phải xi lại lớp này trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng đối với bạch kim thì lớp kim loại chỉ đơn giản là bị ố màu và chỉ cần đánh bóng lại. Tuy nhiên bạn cũng cần phải biết rằng bạch kim có tốc độ ố màu trong quá trình sử dụng nhanh hơn vàng trắng nhiều lần, nhưng lại dễ xử lý nên có thể có được lớp màu sáng trắng tự nhiên lâu hơn vàng trắng. Vàng trắng không phải 100% vàng tự nhiên (màu vàng), vì vậy nên nó phải được pha trộn với một số kim loại khác để tạo nên màu trắng sáng. Do đó trong quá trình sử dụng nó có thể gây ra một số kích ứng da đối với những người nhạy cảm với dị ứng kim loại. Mặt khác bạch kim thì gần như hoàn toàn là platin nguyên chất, nên nó khó có khả năng gây kích ứng da.
Theo Tạp chí Hóa học & Ứng dụng.

Kim Tuyền

Nguồn: Giá vàng.NET ngày  21/12/2015 truy cập từ http://www.giavang.net/su-khac-biet-giua-vang-trang-va-bach-kim/.

VÀNG TRẮNG, VÀNG TA, VÀNG TÂY LÀ GÌ?

Vàng trắng là gì?
Người ta lựa chọn những kim loại quý với tỷ lệ thích hợp để nấu chảy đến cùng với vàng, sau khi kết tinh thu được một hợp kim có màu trắng, sản phẩm này được gọi là vàng trắng. Hoặc nói một cách khác vàng trắng là hợp chất đa nguyên tố không phải là một đơn chất trong bảng tuần hoàn MENDELEEP. Thành phần của nó gồm có vàng và các loại kim loại quý hiếm như Niken, Pladi, Platin..vv..Do tính chất đặc biệt của hợp kim nên màu vàng của vàng đã biến mất trong vàng trắng.
Như vậy giá trị của vàng trắng được bảo đảm bằng hàm lượng vàng có trong nó, cách tính giá trị của vàng trắng như cách tính giá trị của các loại vàng tây thường (vàng hợp kim, vàng mẩu) trên thị trường .
Trong kỹ nghệ chế tác trang sức, vàng trắng được coi là một phát minh có giá trị cao về kinh tế và mỹ thuật; bởi nó có thể thay thế gần như hoàn toàn Platin là kim loại quý hiếm đắt hơn vàng và rất khó chế tác ra đồ trang sức. Vì Platin có nhiệt độ nóng chảy quá cao cùng các đặc tính khác (Platin có nhiệt độ nóng chảy tới 1700ºC còn vàng trắng có nhiệt độ nóng chảy trên dưới 1000ºC). Nên giá thành từ nguyên liệu và công nghệ chế tác trang sức bằng Platin rất cao, gấp 1,5 đến 2 lần so với vàng trắng. Trong khi đó vàng trắng đã đạt độ bền lý, hóa có ánh kim rực rỡ, với màu trắng tương tự như Platin mà giá thành chỉ tương đương với vàng tây thường.
Vàng trắng có màu trắng tinh khiết, ánh kim lấp lánh cùng vói đặc tính cứng, dẻo khiến vàng trắng phản quang đàn hồi tốt, chịu đựng được ma sát khi đeo dung; vì vậy ít bị hao mòn biến dạng, gẫy đứt, đặc biệt có khả năng giữ chắc các loại đá quý, kim cương trên đồ trang sức.

1893a
Vàng trắng mới được phổ cập tại Việt Nam khoảng năm 1997 và nhanh chóng được người tiêu dung ưa thích bởi tính hữu dụng, kinh tế và vẻ đẹp thuần khiết cao quý của nó. Hiện nay trên thị trường thịnh hành 2 loại vàng trắng như vàng 14k(58,3%), 18k(75%). Nhưng phổ biến là vàng trắng 14k.
Vàng trắng ở thị trường Việt nam hiện nay đã được pha chế chủ yếu bằng vàng 24k(99,9%), với hợp kim(Alloy) danh từ chuyên ngành gọi là hội (hợp kim có thành phần kim loại quý) của nước ngoài phổ biến là của Đức, Ý.
Thông thường vàng trắng 14k có mầu trắng đẹp hơn vàng 18k (bởi hàm lượng vàng trong vàng trắng càng cao thì độ trắng càng giảm). Nhưng hiện nay do áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, các công ty vàng bạc đá quý đã chế tác thành công loại vàng 70%, 75% có mầu trắng bóng, nguyên bản không cần xi mạ có màu sắc và cơ tính tương đương Platin(PT900). Mặc dù ở độ tuổi này vàng rất khó trắng.
Trang sức bằng vàng trắng sau khi chế tác để nguyên bản có có ánh kim lấp lánh , màu trắng sáng có ánh vàng rất nhẹ của vàng gốc tạo cho trang sức có hồn và một vẻ đẹp riêng biệt ;thanh khiết, sâu lắng khác hẳn với màu trắng xám của Inox, trắng lạnh của đồ mạ crom, trắng nhạt của bạc. Trên thế giới quan niệm màu sắc đặc trưng của vàng trắng sẽ tôn tạo tính cách của người đeo dùng nó.

Vàng ta là gì?
Theo quy ước chung trên thế giới, có hai loại vàng chính thống được chấp nhận là vàng 18K và vàng 24K. Karat – ký hiệu K, đơn vị đo độ tinh khiết của vàng. 1K = 1/24 độ tinh khiết.
Vàng 24K chứa 99,99% vàng ròng, còn vàng 18K có hàm lượng vàng trong sản phẩm tương đương 75%. Phụ liệu tham gia vào quá trình điều chế từ vàng 24K thành vàng 22K, 18K, 14K… gọi là “hội” (Hợp kim – Alloy) như đồng, bạc…Ví dụ vàng 75% thì trong đó đồng và bạc hoặc một “hội” khác chiếm 25%.
Vàng 24K còn gọi là vàng ròng, vàng nguyên chất hay vàng hàm lượng 99,99%. Vàng 24K có màu vàng ánh kim đậm nhất nhưng khá mềm nên nữ trang làm bằng vàng 24K không được đa dạng vì khó gắn đá quý và đánh bóng. Do đó hầu hết trang sức được làm bằng vàng thấp tuổi với nhiều màu sắc khác nhau, có độ cứng cao hơn, dễ gắn hột và đánh bóng. Tùy theo nhu cầu khác nhau của đồ trang sức mà người thợ kim hoàn sẽ pha các kim loại khác nhau vào với vàng. Nếu bạn cần mầu trắng sáng thì họ sẽ pha Nickel(Ni) hoặc Palladium (Pd), nếu cần ngả về đỏ hoặc hồng thì pha với Đồng (Cu) trong khi Bạc (Ag) sẽ cho hợp kim vàng có màu lục.
5-6
Dân Việt Nam ta sử dụng nhiều loại vàng trong nữ trang. Trên thị trường, các tên gọi hàm lượng thường theo thói quen, nên hơi lẫn lộn giữa các cách, lúc thì gọi theo tuổi 10, hoặc theo karat, khi thì gọi theo các số 9, rồi có lúc lại là phần trăm. Loại vàng nữ trang phổ biến nhất là vàng 18K (75%) và 14K (58,3%), ngoài ra còn có nữ trang 4 số (24K hay 99,99%), 2 số (23,7K hay 99%), 68% (16,3K), 9K (37,4%)… Hai loại màu dùng nhiều là vàng và trắng. Riêng màu vàng thì có thể có nhiều loại sắc như vàng chanh, vàng hồng, vàng đỏ… Vàng màu trắng dùng rất nhiều sau này, nhất là trong các nữ trang gắn kim cương hoặc hột Mỹ. Có một số người gọi nhầm vàng trắng là bạch kim. Thường thì nữ trang bạch kim sẽ cao giá hơn vàng trắng.

Vàng tây là gì?
Vàng tây là hợp kim giữa vàng và một số kim loại “mằu” khác. Tùy theo hàm lượng vàng mà ta sẽ có nhiều loại vàng tây ví dụ như vàng 9k, vàng 10k, …vàng 14k, vàng 18k…
Theo quy định quốc tế thì hàm lượng vàng 99.99% (gần 100%) gọi là vàng 24k. Vậy thì hàm lượng vàng của các loại vàng khác sẽ giảm theo số “k” tương ứng. Cách tính: lấy số “k” chia cho 24. sẽ bằng hàm lượng vàng.Và đó củng chính là “tuổi” vàng.

Ví dụ: Muốn biết hàm lượng vàng trong vàng 18k là bao nhiêu thì ta lấy 18 chia cho 24 bằng 0.75. Như vậy trông vàng 18k chỉ có 75% là vàng. Còn lại 25% la hợp kim khác, người trông nghề gọi là “hội”.
Tương tự ta sẽ có bảng hàm lượng vàng của các loại vàng tây thông dụng:
Lưu ý: Tùy theo quốc gia, lảnh thổ ,địa phương …tập quán mà người ta dùng các loại vàng tây khác nhau, thậm chí còn “zu zi” hàm lượng vàng trông một loại vàng.
Người Mỹ thường xài vàng 14k trong khi đó người Canada lại thích vàng 21k. Còn người Pháp thì chơi 18k. Người Ý thì “quá bèo” chỉ xài vàng 9k và 10k. Việt nam ta thì 24k và 18k. đạc biệt vàng 18k ở Việt nam có 3 loại: Loại 75%, Loại 70% va loại 68%. Tùy theo khách hàng yêu cầu.
cách làm sáng vàng tây (5)
Thông thường chúng ta còn hay gọi vàng dùng trong trang sức là “vàng tây”. Vàng nguyên chất khá mềm nên rất khó để sử dụng trong việc tạo ra các đồ trang sức bền, sáng bóng và gắn đá quý. Do vậy người ta thường hay sử dụng vàng 22K hoặc 18K để làm vàng trang sức. Tùy theo nhu cầu khác nhau của đồ trang sức mà người thợ kim hoàn sẽ pha các kim loại khác nhau vào với vàng. Nếu bạn cần mầu trắng sáng thì họ sẽ pha Nickel(Ni) hoặc Palladium (Pd), nếu cần ngả về đỏ hoặc hồng thì pha với Đồng (Cu) trong khi Bạc (Ag) sẽ cho hợp kim vàng có màu lục.
Theo BTMC.
Kim Tuyền

Nguồn: Giá Vàng.NET ngày 21/12/2015 truy cập từ http://www.giavang.net/vang-trang-vang-ta-vang-tay-la-gi/.

Nhà bác học Việt thông thạo 26 thứ tiếng lúc mới 25 tuổi

Thông thạo 26 thứ tiếng lúc 25 tuổi, Trương Vĩnh Ký khiến nhà văn Pháp Émile Littré (1801-1881) kinh ngạc: "Sự hiểu biết tới 26 ngoại ngữ của P. Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một nhà bác ngữ học (bác học ngôn ngữ) bậc nhất thời nay".



Tượng Trương Vĩnh Ký ở một góc công viên Thống Nhất nhìn ra nhà thờ Đức Bà năm 1969 (hiện được đặt ở Bảo Tàng Mỹ Thuật TP.HCM)  - Ảnh tư liệu


Ngay từ thập kỷ 50 - 60 của thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký, một người Việt Nam đã thông thạo nhiều ngôn ngữ Đông Nam Á cũng như các ngôn ngữ khác trên thế giới, như các thứ tiếng: Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia, Myanmar, Chăm, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hi Lạp, Latin… để giao lưu và hội nhập dễ dàng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thần đồng tự học nhiều hơn ở trường

Trương Vĩnh Ký từ lúc lọt lòng mẹ (6-12-1837) ở Cái Mơn, xã Vĩnh Thạnh cho đến lúc qua đời (1-9-1898) ở Chợ Quán, Sài Gòn đã trải qua bao cơn sóng gió.

Cha ông là cụ Trương Chánh Thi, quê quán Bình Định, vào Nam lập nghiệp ở một khu vực đất Vĩnh Long (nay khu vực này thuộc Bến Tre).

Cha ông là một nhà Nho học, thích thi phú, được bổ nhiệm làm lãnh binh dưới triều Minh Mạng của nhà Nguyễn, mất lúc Trương Vĩnh Ký 3 tuổi.

Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Châu, một người mẹ hiền và lam lũ, sinh một gái và hai trai.

3 tuổi, ông thuộc làu Tam tự kinh.  4 tuổi, ông học viết. 5 tuổi (năm 1842) cắp sách đến trường học chữ Nho, chữ Nôm với thầy giáo Học.

Sau vài ba năm, ông thông suốt Minh Tâm Bửu Giám, đọc Tứ thư, Ngũ kinh, thuộc nhiều thơ Đường, thơ Tống...    

Ngoài ra, theo lời những người thân hậu bối, lúc nhỏ ông còn thuộc nhớ nhiều bài ca dao dài mà người lớn không biết. Cậu bé Ký đọc sách mà người cha mang từ miền Trung vào như Nhất Thiên Tự, Tam Thiên Tự, Ngũ Thiên Tự, Minh Đạo Gia Huấn, thơ Đường, thơ Tống...

Học tiếng La tinh với bạn Lào, Thái, Miến, Nhật, Trung..., học luôn tiếng bạn bè

Sau khi ông Trương Chánh Thi chết, một nhà truyền giáo thường được mọi người gọi là Cố Tám đã chỉ dạy cho cậu bé Trương Vĩnh Ký học chữ Latin, chữ Nôm và ít chữ sau này gọi chữ “Quốc ngữ“.

Ông nhận thấy cậu Ký còn nhỏ mà có đầu óc thông minh hơn người, chỉ biết thú đọc sách hơn đi chơi đùa, có chí cầu tiến, đã gửi cậu Ký cho một người Pháp tên Borelle (tên Việt Nam là Thừa Hòa) ở Cái Nhum (Vĩnh Long) nhận nuôi dạy Trương Vĩnh Ký về tiếng Latin và tiếng Pháp năm 1846.

Rồi ông Thừa Hòa phải đi xa nên đã nhờ một người Pháp tên là Bouilleaux (tên Việt Nam là Cố Long) lo hộ việc nuôi dưỡng và học hành của cậu Ký.

Năm 11 tuổi (1848), Trương Vĩnh Ký được Cố Long gởi đến học tại Pinhalu (Phnom Penh, Campuchia) được xây cất ở giữa một rừng thốt nốt hoang vu gần sông Mekong và cách Phnom Penh độ 6 dặm, dành cho cả vùng Đông Nam Á và Trung Hoa.

Lớp học có 25 học sinh từ 13-15 tuổi và Trương Vĩnh Ký là người nhỏ nhất. Trương Vĩnh Ký gặp gỡ, ăn ở chung với học sinh các nước Đông Nam Á như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ciampois (Chăm)… Kết quả: cậu thiếu niên 13 tuổi Ký đã nói và viết thông thạo các ngôn ngữ kể trên của các bạn cùng trường.

Trương Vĩnh Ký còn học ngoại ngữ ở các sách và tự điển có trong thư viện của nhà trường. Các nhà ngôn ngữ học đương thời cho rằng Trương Vĩnh Ký đã tự tìm ra những quy luật ngữ pháp giống nhau, khác nhau của các tiếng nước ngoài để học nhanh và dễ dàng. 

Vào ngày mãn khóa học ở chủng viện Pinhalu, Trương Vĩnh Ký được chọn là một học sinh xuất sắc, đỗ đầu lớp và được tuyển lựa cùng hai người nữa để tiếp tục đi học ở đảo Penang, Malaysia.

Năm 14 tuổi (1851), Trương Vĩnh Ký tiếp tục được gởi vào trường ở Poulo Penang (một hòn đảo nhỏ trên vùng Nam Dương, thuộc Malaysia, nơi người Hoa và thổ dân Malaysia sống bằng kỹ nghệ khai thác mỏ kẽm. 

Khi đến nơi, Trương Vĩnh Ký rất ngạc nhiên khi thấy một vùng đảo ở vùng Đông Nam Á mà có nếp sinh hoạt cơ giới ồn ào, một sự phát triển lạ thường mà ông chưa từng thấy ở nước mình và Cao Miên.

Trong khoảng thời gian 7 năm theo học tại đây, Trương Vĩnh Ký học chuyên ngữ Latin và Hi Lạp. Ngoài ra, ông còn học nâng cao các thứ tiếng khác như Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Malaysia, Nhật, Hi Lạp, Thái Lan, Pháp, Ý…

Trong thời gian ở Penang, tài năng, đầu óc và trí tuệ thông minh của Trương Vĩnh Ký phát huy tột độ. Ông học một hiểu mười nhờ trí nhớ lâu dài, sách vở ở thư viện và giảng dạy của nhà trường. 

Ông đọc rất nhiều sách Hán, Pháp, Anh, Hi Lạp, Tây Ban Nha... Ông tiếp nhận được rất nhiều tư tưởng, kiến thức của người xưa cả Đông và Tây nhờ trí thông minh, khả năng ngôn ngữ và trí nhớ đặc biệt của mình.  

Trong thời gian theo học tại Penang, Trương Vĩnh Ký tự học tiếng Nhật, Ấn bằng cách cắt các báo cũ, rồi dùng phương pháp đối chiếu, diễn dịch mà tìm ra các mẹo luật văn phạm. 

Nhà nhiếp ảnh người Anh là J.Thomson viết quyển “Mười năm du lịch Trung Quốc và Đông Dương”, trong đó có đoạn: “Một hôm đến thăm Trương Vĩnh Ký, tôi thấy ông đang soạn sách Phân tích so sánh các ngôn ngữ chủ yếu trên thế giới, tác phẩm này ông bỏ ra nhiều năm làm việc cần cù. Chung quanh ông đầy những quyển sách quý và hiếm mà ông tìm kiếm được ở châu Âu, châu Á…”.

Với trí thông minh, sự sắc sảo thiên bẩm và chí phấn đấu cao, lại chịu khó tìm tòi, tự học trong một ngôi trường đa sắc tộc, nên Trương Vĩnh Ký đã thông thạo các ngoại ngữ phổ biến ở khu vực lúc bấy giờ.

Như vậy, việc học ngoại ngữ của Pétrus Ký được thực hiện một cách khoa học; có phân tích, đối chiếu giữa các thứ tiếng. Và trên hết là sự lao động miệt mài, công phu, chứ không đơn thuần chỉ dựa vào trí thông minh như nhiều người nghĩ.

Càng khâm phục hơn khi biết rằng việc học tập của ông vô cùng vất vả, nhiều ngoại ngữ ông học từ chính những người bạn học của mình, đúng như ông bà ta thường nói: “Học thầy không tày học bạn”.

Viết sách dạy những tiếng Pháp lẫn nhiều tiếng trong Asean ngày nay

Trương Vĩnh Ký thông thạo và nắm vững quy luật học các ngoại ngữ của các quốc gia trong khu vực và đã truyền kinh nghiệm của mình qua việc xuất bản sách. Vào cuối thập niên 1880, ông đã xuất bản sách dạy tiếng Thái Lan, Campuchia.

Đến năm 1892, ông soạn được ba bộ sách dạy tiếng Miến Điện (tức Myanmar ngày nay): Cours de langue birmane, Vocabulaire français-birman, Guide de la conversation birman[e]-français. Từ năm 1893, ông tiếp tục xuất bản sách dạy tiếng Lào, Malay, Tamoule (Tamil?), Ciampois (Chàm).

Émile Littré, nhà văn Pháp, năm 1862 đã viết: “Trên trái đất này rất khó tìm ra người thứ hai say mê ngôn ngữ như Trương Vĩnh Ký. Gặp người Anh, Trương Vĩnh Ký nói bằng tiếng Anh nhuần nhị như người Luân Đôn. Tiếp xúc với người Ý Đại Lợi, người Y Pha Nho, người Bồ Đào Nha... hay người Nhựt Bổn, Mã Lai, Xiêm... Trương Vĩnh Ký đều nói đúng theo âm luật của kinh đô nước đó... Sự hiểu biết tới 26 ngoại ngữ của P. Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một nhà bác ngữ học vào bậc nhất của thời nay”.

Năm 1874, Trương Vĩnh Ký đã được thế giới bình chọn là “nhà bác học về ngôn ngữ”, nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ XIX, được ghi tên vào các danh nhân thế giới trong Tự điển Larousse.





Chân dung Trương Vĩnh Ký - Ảnh tư liệu






Tượng Trương Vĩnh Ký đặt ở Bến Tre hiện nay






Một trong những sách dạy ngoại ngữ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký - Ảnh tư liệu





Lễ khánh thành tượng Trương Vĩnh Ký thời Pháp thuộc ở một góc Công viên Thống nhất





Tượng Petrus Trương Vĩnh Ký trước năm 1975 ở Công viên thống nhất hiện nay - Ảnh tư liệu




 * Học giả Pháp Jean Bouchot cuối thế kỷ 19 khẳng định Trương Vĩnh Ký là "một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cả với nước Trung Hoa hiện đại". Ông viết:: "Người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của Âu châu trong đủ ngành khoa học...".

Nhà văn Sơn Nam: "Ông Trương Vĩnh Ký từ khi đỗ đạt cho đến khi mất vẫn tỏ ra thân Pháp. Tuy nhiên, người ở miền Nam không bao giờ khinh rẻ ông. Ông không gia nhập Pháp tịch...Ông này khi sanh tiền tuy là nhà nước tin cậy mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lang sa biết phong tục lễ nghĩa của con nhà An Nam. Thiệt là quan thầy của cả và Nam Kỳ...".

Giáo sư Thanh Lãng: "Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn...Và nhờ ông, câu văn Việt được giải phóng khỏi những xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là "cách nói tiếng An Nam ròng" và viết "trơn tuột như lời nói". Nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi, nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn.

Nhà nghiên cứu Lê Thanh: "Từ nhỏ được giáo dục theo phương pháp Âu Tây, khi trưởng thành theo giúp việc người Pháp, thế mà bằng hữu viết thư giục ông, ông không nghe, vẫn khăng khăng từ chối để suốt đời được giữ bộ quần áo Việt Nam và suốt đời là một người Việt Nam thuần túy.










NguồnBÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS ngày 02/01/2016 truy cập từ http://vtc.vn/nha-bac-hoc-viet-thong-thao-26-thu-tieng-luc-moi-25-tuoi.538.588871.htm.

Quản trị nhóm công ty: Tại sao chúng ta khác biệt?

(TBKTSG) - LTS: Trong những năm gần đây, ở Việt Nam có sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là sự hình thành những nhóm công ty được gọi là “tập đoàn” với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. TBKTSG xin giới thiệu loạt bài của tác giả TRẦN KHẮC ĐIỀN - chuyên gia tư vấn của Strategic Foresight, về quản trị nhóm công ty để doanh nghiệp tham khảo.

Bài 1: Mô hình nhóm công ty: Tại sao chúng ta khác biệt?

Tại một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành mà chúng tôi có điều kiện tiếp cận trực tiếp để nghiên cứu, để có thể điều hành và kiểm soát một nhóm công ty lên tới hàng chục công ty thành viên với các công ty thế hệ F1, F2, F3, tập đoàn này đã phải ba lần (trong năm năm) tuyên bố tái cấu trúc nhóm công ty của mình.
Với doanh nghiệp Việt Nam, việc làm thế nào để kiểm soát hiệu quả nhóm công ty là thách thức không nhỏ, dù đó là doanh nghiệp đa sở hữu hay chỉ một chủ duy nhất.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi mong muốn giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận ra đâu là những khác biệt của chúng ta với thế giới - những khác biệt có thể tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực điều hành và khả năng kiểm soát nhóm công ty. Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào nhận định, quan điểm, triết lý quản trị của các vị “thuyền trưởng” - người đang nắm trọng trách lèo lái các “tập đoàn” Việt Nam hội nhập vào kinh tế toàn cầu.
Chủ thể điều hành và kiểm soát nhóm công ty
Chủ thể điều hành và kiểm soát (ở đỉnh hoặc trung tâm) nhóm công ty ở Việt Nam phần lớn là cá nhân hoặc gia đình, một số ít là pháp nhân. Trong khi đó ở Âu - Mỹ và các nước trong nhóm BRICS (ngoại trừ Trung Quốc theo mô hình công ty mẹ - con), hầu hết nhóm công ty được tổ chức theo kiểu “thứ bậc” với công ty “holding” nằm ở “đỉnh” của cấu trúc thứ bậc này và kiểm soát các công ty con có pháp nhân và hoạt động độc lập.
Phương thức hình thành cấu trúc nhóm công ty
Phương thức hình thành cấu trúc nhóm công ty của doanh nghiệp Việt Nam dựa trên quan hệ vốn chủ sở hữu trực tiếp giữa các pháp nhân với nhau. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít doanh nghiệp dù đã xưng danh “tập đoàn” nhưng cấu trúc của các doanh nghiệp này thực ra chỉ là “sự chỉ định” của cá nhân hoặc gia đình thông qua một cái tên tự xưng (có hoặc không có đăng ký pháp nhân). Nó có phần khác so với thế giới là nhóm công ty thường được tổ chức theo kiểu “thứ bậc” và định hình cấu trúc hoặc là “đa dạng hóa”, hoặc “hình tháp”. Các công ty bị kiểm soát thông qua các ràng buộc về sở hữu cổ phần và các công cụ kinh tế khác như cơ chế hoạt động của hội đồng quản trị và ban giám đốc, việc phân bổ ngân sách, các giao dịch nội bộ...
Trong cấu trúc đa dạng hóa, công ty mẹ (hoặc công ty holding) chỉ tập trung vào phương diện nghiên cứu và phát triển chiến lược tập đoàn, tức hướng đến sự rạch ròi giữa ngành/lĩnh vực không liên quan, hiệu quả tổ chức, và hiệu quả kinh tế. Các công ty thành viên có pháp nhân hoàn toàn độc lập, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực (thường không có liên quan với nhau) và có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau, ví dụ về mặt chính thức thì dưới hình thức cổ phần và không chính thức dưới hình thức thành viên gia đình.
Với cấu trúc “hình tháp” thì mục tiêu luôn là các công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Công ty mẹ (hoặc công ty holding) chỉ tập trung vào phương diện tài chính và quản trị tập đoàn, tức hướng đến mục tiêu trước tiên là cấu trúc sở hữu trục dọc đơn nhất, và sau đó mới là mục tiêu cho hiệu quả kinh tế. Một công ty kiểm soát từ hai hoặc nhiều hơn hai công ty khác với tư cách là cổ đông lớn nhất.
Điểm đáng lưu ý là ở Việt Nam rất ít thấy nhóm công ty được định hình theo cấu trúc hình tháp (với các công ty thế hệ F1, F2, F3, F4...), mà chủ yếu là cấu trúc đa dạng hóa, trong đó nổi lên vấn đề sở hữu chéo và sở hữu vòng tròn nhằm mục đích thâu tóm để tăng trưởng nhanh về quy mô, gia tăng sự kiểm soát thị phần của ngành, tạo thế độc quyền, hạn chế cạnh tranh, hoặc củng cố sức mạnh trong nhóm các công ty chủ chốt nhằm giảm nguy cơ bị thâu tóm.
Chiến lược phát triển ngành kinh doanh
Để thuận tiện cho việc phân tích và đánh giá tổng thể, chúng tôi tạm phân loại các doanh nghiệp lớn, nhóm công ty, tập đoàn Việt Nam thành năm nhóm: (1) Đơn ngành và chỉ tập trung vào một mắt xích có ưu thế nhất trong chuỗi giá trị (như TH Milk, Nguyễn Kim, Trung Nguyên...); (2) Đơn ngành và chỉ tham gia vào một số mắt xích trong chuỗi giá trị (như Hùng Vương, Kido, BKAV, FPT...); (3) Đa ngành và đồng nhất thương hiệu (như T&T, Quang Dũng, FLC, Xuân Thành, U&I...); (4): Đa ngành - đa thương hiệu (như Vingroup, HAGL, Hòa Phát...); (5): Sự kết hợp của nhóm 2 và nhóm 4 (như Masan, FIT, Sao Mai, TTC...).
Trong khi đó, xu hướng chung của thế giới, dù vẫn coi trọng chiến lược phát triển đa ngành, nhưng luôn ưu tiên cho những ngành có thể giúp củng cố năng lực cốt lõi, hay ít ra đó là những ngành có liên quan với nhau. Bên cạnh đó, họ rất chú trọng đến năng lực cạnh tranh quốc tế bằng các liên kết kinh doanh nhằm thâm nhập thị trường mới, tiếp nhận công nghệ, tăng năng lực tài chính, và thúc đẩy quản trị tiên tiến.
Bộ máy điều hành và giám sát
Khi nói tới bộ máy điều hành và giám sát của tập đoàn, một số doanh nghiệp Việt Nam dễ có khuynh hướng liên tưởng đến một hệ thống được thiết kế và tổ chức rất công phu, hoành tráng, bao gồm hội đồng chủ tịch, hội đồng điều hành và ủy ban kiểm soát. Thành viên của các chủ thể này bao gồm các thành viên hội đồng quản trị, các thành viên ban kiểm soát, các tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của công ty mẹ, các công ty con. Ngoài ra còn có ủy ban đối ngoại, hội đồng cố vấn, văn phòng tập đoàn và văn phòng hội đồng điều hành.
Các phòng ban chức năng trước đây vốn trực thuộc công ty mẹ nay được nâng lên thành các ủy ban, ví dụ: ủy ban nhân sự, ủy ban pháp chế, ủy ban tài chính và các ủy ban khác theo ngành kinh doanh nhằm tăng hiệu quả điều hành, hiệu quả kiểm soát và phần nào đó cho xứng với danh “tập đoàn”.
Tập đoàn vốn dĩ không có pháp nhân. Điều này có nghĩa tập đoàn không phải là một thực thể pháp lý và nó không tồn tại ở góc độ của luật pháp. Do đó, những cơ quan quyền lực hoặc cơ quan chuyên môn nếu được sinh ra dưới danh nghĩa của tập đoàn này cũng sẽ không có thực, và vì không có thực nên chức danh của những cá nhân làm việc cho những cơ quan này cũng chỉ là chức danh ảo. Theo chúng tôi, những chức danh này chỉ phù hợp trong quan hệ nội bộ tập đoàn, nó chẳng có nhiều ý nghĩa khi quan hệ với bên ngoài, trừ khi theo cách làm của thế giới là các nhân sự cấp cao của tập đoàn luôn có hai chức danh: một chức danh theo cấu trúc hệ thống cấp bậc chung cho toàn tập đoàn, và một chức danh khác gắn liền với một pháp nhân cụ thể nhằm phục vụ cho công tác đối ngoại.
Hoặc một công ty cổ phần tập đoàn tự lập ra quy chế hoạt động cho các công ty thành viên rất chi tiết và áp dụng cho tất cả công ty trong tập đoàn nhằm kiểm soát công ty con. Vì áp đặt nên bản quy chế hoạt động này không cần đồng quản trị của các công ty thành viên thông qua hoặc thậm chí công ty cổ phần tập đoàn này cũng không có đại diện (hoặc vốn góp) ngồi trong hội đồng quản trị của công ty thành viên. Bản quy chế này được thực thi chỉ vì cả công ty cổ phần tập đoàn và công ty thành viên đều có chung một ông chủ (gia đình), mà ông chủ thì muốn như vậy.
Chúng ta ai cũng rõ về mặt luật pháp, cơ sở hoạt động của tập đoàn là từng công ty một. Mỗi công ty phải chịu trách nhiệm với các cổ đông, các chủ nợ và chính quyền. Vì vậy, theo chúng tôi, nếu muốn thiết lập sự kiểm soát của một công ty với các công ty con thì không thể trông mong vào luật doanh nghiệp, quy ước, hay sự chỉ định mà phải biết cách làm của thế giới là sử dụng quyền, quyền của công ty này với công ty khác.
Trong định chế công ty, quyền không phát sinh từ luật pháp mà từ tiền bạc mà công ty này bỏ vào công ty kia theo những mức nhất định, và cử người vào đó. Người này có quyền quyết định theo số vốn công ty mẹ nắm để làm cho quy chế quản trị nội bộ và chính sách của công ty mẹ được thực hiện tại từng công ty con. Vấn đề còn lại là công ty mẹ phải có bản điều lệ được sử dụng nhuần nhuyễn, trình độ quản trị đã ở mức khoa học, sau đó đem cơ cấu tổ chức và cơ chế điều hành của công ty mẹ áp dụng cho các công ty con. Tập đoàn mạnh được hình thành theo cách này.
Những vấn đề trên dù chỉ mới nêu khái quát nhưng hàm chứa những gợi ý có tính định hướng về mô hình nhóm công ty, tập đoàn cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa mở rộng ở mọi lĩnh vực. Bởi vì ở Việt Nam, các tập đoàn thường có xuất phát điểm từ một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, theo thời gian phát triển đến một quy mô nhất định, doanh nghiệp đầu tư hình thành các công ty con, và do nhu cầu gia tăng kiểm soát và quản trị mới tiến hành phân chia trách nhiệm các thành viên trong nhóm công ty và hình thành quan hệ công ty mẹ - con. Phương thức này hoàn toàn khác với thế giới là định hình trước cấu trúc với một mô hình tổ chức được nghiên cứu và thiết kế một cách khoa học, đảm bảo sự tập trung lãnh đạo chiến lược ở cấp quản trị tập đoàn, và sự tự chủ cao của các công ty thành viên trong tập đoàn.


(TBKTSG) - Suốt hơn một trăm năm qua, thế giới đã chứng kiến lịch sử phát triển của các mô hình tập đoàn kinh doanh khác nhau, như mô hình tập đoàn liên kết khối (conglomorate) ở Đức, mô hình công ty holding ở Mỹ, mô hình Keiretsu của Nhật Bản hay các Cheabol của Hàn Quốc... Và trong quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu những năm qua, Việt Nam cũng đã học hỏi, du nhập các mô hình tập đoàn kinh doanh.

Bài 2: Mô hình phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam
Mô hình nhất nguyên.




Mô hình nhất nguyên - bước khởi đầu tất yếu
Đặc điểm của mô hình này là tính chất nhất nguyên và tập trung quyền lực. Trung tâm của cấu trúc này là văn phòng của tập đoàn (head office) với cơ cấu bao gồm ủy ban điều hành và một số phòng ban chức năng. Văn phòng của tập đoàn là cơ quan quản lý tập đoàn, được tổ chức tại công ty mẹ.
Tính nhất nguyên của mô hình tổ chức này thể hiện ở chỗ toàn bộ hoạt động của văn phòng và hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổng giám đốc công ty mẹ. Văn phòng thực hiện quản lý tập trung đối với các công ty con, là trung tâm đầu tư và lợi nhuận. Tổng giám đốc phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho các phòng ban chức năng để phục vụ cho công tác quản lý nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con trong tập đoàn.
Do tính chất tập quyền cao, ban lãnh đạo của công ty mẹ có khuynh hướng can thiệp quá nhiều vào hoạt động tác nghiệp của các công ty con, dẫn đến giảm tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các công ty thành viên, làm tăng chi phí quản lý và giảm hiệu quả chung của tập đoàn.
Hiện nay, các tập đoàn trên thế giới hầu như không còn được tổ chức theo mô hình này vì nó chỉ phù hợp cho những doanh nghiệp có quy mô vừa, kinh doanh đơn ngành, có ít công ty con và chỉ hoạt động trong một phạm vi địa lý nhất định. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dù chưa thể gọi đích danh, nhưng cách quản lý và kiểm soát của nhiều tập đoàn kinh doanh hiện nay rất giống với mô hình này.
Mô hình “công ty holding”
Mô hình “công ty holding” - xu hướng lựa chọn mới cho doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa thương hiệu
Thuật ngữ “công ty holding” có thể được sử dụng để ám chỉ bất cứ công ty nào nắm giữ đa số cổ phần của một công ty khác. Doanh nghiệp Việt Nam, tùy theo mục đích và đặc thù kinh doanh, có thể lựa chọn một trong ba hình thức công ty holding sau đây cho công ty mẹ của tập đoàn:
- Công ty holding về kinh doanh (Operating holding company): Công ty holding là công ty mẹ, bên cạnh việc đầu tư vốn vào các công ty con, công ty mẹ còn tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhà quản lý cấp cao của công ty mẹ vừa phải có trách nhiệm trong việc ra các quyết định điều hành kinh doanh, vừa phải tập trung cho các quyết định mang tính chiến lược của cả tập đoàn. Đây là dạng công ty holding phổ biến thường gặp ở các quốc gia, và là dạng đặc trưng của các công ty lớn có một số công ty con thông qua việc đầu tư và kiểm soát chúng.
- Công ty holding về đầu tư (Investment holding company): Công ty holding là công ty mẹ, thuần túy nắm vốn và tìm kiếm lợi nhuận bằng việc đầu tư vốn vào các công ty con. Có sự tách biệt giữa việc quyết định chiến lược và quyết định điều hành kinh doanh của các nhà quản lý cấp cao ở công ty mẹ. Các nhà quản lý trong mỗi bộ phận của công ty holding có thể trở thành tổng giám đốc (CEO) của một công ty con độc lập (ở Việt Nam thường gọi là người đại diện của công ty mẹ). Khác với công ty holding về kinh doanh, mô hình công ty này không được khuyến khích ở Nhật Bản và Hàn Quốc bởi những lo ngại rằng đây sẽ là nơi tập trung quyền lực kinh tế.
“Ngôn ngữ của giai đoạn hội nhập là chuỗi, nó chỉ hình thành trên sự chủ đạo của doanh nghiệp lớn và vừa, còn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể nào kết nối được. Doanh nghiệp cỡ vừa sẽ là cứu tinh của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay vì nó vừa sức với sự phát triển của nền kinh tế”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Ở Việt Nam, về mặt luật pháp, dạng công ty holding này rất giống với hình thức công ty đầu tư chứng khoán bởi hình thức nắm giữ vốn và đầu tư rất chuyên nghiệp, và chịu sự quản lý rất chặt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Những doanh nghiệp lớn sử dụng mô hình công ty holding này thường rất thành công bởi sự tách bạch vấn đề quản lý khỏi quyền sở hữu (và kiểm soát). Quan hệ phổ biến trong các tập đoàn kinh doanh hiện nay tại Việt Nam là quan hệ đầu tư vốn.
- Công ty holding về quản lý điều hành (Management holding company): Công ty holding tìm kiếm thêm lợi nhuận từ lợi nhuận của các công ty con, can thiệp trực tiếp vào các giao dịch của các công ty con. Mô hình này phù hợp cho các công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực quản lý tài sản.
Đặc điểm chung của các công ty holding là tập trung quản lý và kiểm soát các công ty con, tài trợ tài chính thống nhất cho các công ty con, làm tăng lên đáng kể vốn đầu tư cho các công ty con, và duy trì mức độ kiểm soát với mức vốn đầu tư ở mức tối thiểu, hoặc sử dụng công ty holding như một phương tiện để kiểm soát tập trung.
Ở các nền kinh tế mới nổi hay đang phát triển (ví dụ như Việt Nam) thì cấu trúc công ty holding rất được ưa thích và phổ biến đối với các tập đoàn kinh doanh đa ngành bởi các lý do như: lợi ích về thuế, các vấn đề liên quan đến nhân sự, đòn bẩy tài chính, kiểm soát vốn sở hữu, và cơ hội tiếp cận các nguồn vốn, quá trình sáp nhập và hợp nhất các công ty trong tập đoàn trở nên đơn giản và dễ thực hiện hơn...
Như vậy, mô hình công ty holding được sử dụng như là một giải pháp hữu hiệu và phù hợp nhất cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản lý nhóm công ty, tập đoàn quy mô lớn, đòi hỏi vừa tập trung quyền lực vừa đa dạng hóa (chiều dọc/chiều ngang) các ngành/lĩnh vực kinh doanh. Ngoài ra, nó còn phù hợp trong vấn đề sở hữu và kiểm soát của gia đình đối với nhóm công ty, tập đoàn có mức độ đa dạng hóa cao (bao gồm các ngành/lĩnh vực có và không có liên quan đến nhau) trong khi vẫn chi phối được các công ty chủ chốt trong tập đoàn.
Nhận định chung hiện nay cho rằng mô hình công ty holding có rất nhiều ưu điểm, trong đó nổi bật nhất vẫn là tính tự chủ trong hoạt động và giao dịch kinh doanh của công ty con với công ty mẹ. Tuy nhiên, việc xây dựng các hệ tiêu chuẩn về quản trị, tài chính, kinh doanh để công ty holding có thể kiểm soát chặt chẽ các công ty con luôn là thách thức không nhỏ. Nhận định này đúng nhưng chưa đủ, bởi lẽ, vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải là công ty “holding thực chất” chứ không phải vì nó đã có cái tên “holding”, hoặc nó chỉ nhằm mục đích xử lý vấn đề thuế thu nhập của cá nhân. Nghĩa là, nếu vẫn còn đó những điểm khác biệt cốt lõi mà chúng tôi đã nêu trong bài trước trong việc định hình một mô hình nhóm công ty, tập đoàn như thế giới đang làm, thì quả thực sẽ rất khó khăn để có thể đưa vào thực hành các thông lệ tốt của thế giới về quản trị công ty trong tập đoàn, đặc biệt là sự khác biệt trong quy định của Luật Doanh nghiệp liên quan đến hội đồng quản trị và ban kiểm soát.

Bài 3: Quản trị công ty trong tập đoàn


Mô hình COSO - nền tảng của hệ thống kiểm soát nội bộ
(TBKTSG) - Nhiều người cho rằng số lượng doanh nghiệp thực sự lớn và có sức cạnh tranh quốc tế ở Việt Nam không nhiều, bởi phần lớn doanh nghiệp chưa nhận ra tầm quan trọng của việc thực hành quản trị công ty tốt. Đây là nhân tố hết sức quan trọng trong cạnh tranh quốc tế, tạo dựng niềm tin của các cổ đông, nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm thiểu nguy cơ bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng tài chính.



Ở cấp độ tập đoàn, quản trị công ty càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thiết lập một hệ tiêu chuẩn chung nhằm nâng cao trình độ quản trị công ty và năng lực thực thi hệ thống kiểm soát nội bộ của cả công ty mẹ và các công ty con, qua đó làm gia tăng sức mạnh cạnh tranh tổng thể của tập đoàn. Quản trị công ty tốt là tiền đề cho hệ thống kiểm soát vận hành hiệu quả.
Bản điều lệ
Trong các văn kiện cấu thành công ty thì bản điều lệ đóng vai trò rất quan trọng khi công ty hoạt động. Ở những nước phát triển, bản điều lệ công ty được xem là bản hợp đồng giữa công ty với các cổ đông, và giữa các cổ đông với nhau, chứ không chỉ đơn thuần là một thành phần trong bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Trong khi đó ở nước ta, tình trạng khá phổ biến là sao chép nguyên văn nội dung các văn bản pháp luật hoặc đưa vào điều lệ công ty những chi tiết không có liên quan. Cả hai cách làm này đều không thể nâng cao chất lượng của điều lệ công ty.
Về mặt trách nhiệm, công ty con dù nhận vốn góp của công ty mẹ nhưng nó độc lập nên công ty mẹ không thể ra lệnh cho công ty con theo lệnh hành chính được. Công ty mẹ muốn quản lý và kiểm soát các công ty con thì phải dùng quyền thông qua số vốn bỏ vào công ty con, và quyền này được thể hiện trong bản điều lệ của công ty con. Mặc dù bản điều lệ quy định các quyền lợi và nghĩa vụ của cổ đông, nhưng thực sự nó là một nghệ thuật sắp xếp trong hành lang luật pháp của công ty mẹ, nhằm cân bằng quyền lợi trong công ty ở một mức nào đó để thu hút được nhiều người khác bỏ vốn vào mà vẫn giữ được quyền kiểm soát.
Quy chế quản trị công ty
Theo đánh giá chung, phần lớn các công ty niêm yết ở Việt Nam đều tuân thủ yêu cầu, khuyến nghị của Bộ Tài chính trong việc xây dựng quy chế nội bộ về quản trị công ty. Tuy nhiên, cơ cấu quản trị nội bộ của nhiều công ty hiện nay vẫn thiếu sự linh hoạt, không hiệu quả, và trách nhiệm không rõ ràng. Ngoài ra còn là sự minh bạch thông tin, vấn đề bảo vệ các nhà đầu tư và hiệu quả quản lý.
Mỗi công ty, nhất là công ty mẹ, phải có cái nền vững chắc, tức là sau bản điều lệ công ty thì đến quy chế quản trị nội bộ.
Trước khi bắt tay vào xây dựng quy chế quản trị nội bộ, bên cạnh bản điều lệ, công ty mẹ nên có một bộ quy tắc quản trị công ty hướng dẫn về quản trị công ty ở cấp độ tập đoàn. Bộ quy tắc này là những tuyên ngôn ngắn gọn và đơn giản có tính nguyên tắc. Nó phản ánh mong muốn của hội đồng quản trị và ban giám đốc trong việc điều hành các hoạt động kinh doanh của công ty một cách trung thực, công bằng, hợp pháp và có trách nhiệm với xã hội. Bộ quy tắc quản trị này cũng đồng thời là cơ sở nền tảng cho việc xây dựng quy chế quản trị nội bộ một cách xuyên suốt và nhất quán từ công ty mẹ xuống các công ty con.
Hệ tư tưởng doanh nghiệp - các giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi và quy tắc đạo đức kinh doanh của công ty mẹ cũng chính là giá trị cốt lõi và quy tắc đạo đức kinh doanh của các công ty con và của cả tập đoàn. Doanh nghiệp cần nhận thức rõ “tiếng nói từ trên cao” rất quan trọng, nó có sức ảnh hưởng lan tỏa trong toàn tổ chức.
Giá trị cốt lõi cũng là yêu cầu đầu tiên trong việc xây dựng và định hình một môi trường kiểm soát mạnh trong hệ thống kiểm soát nội bộ của một công ty và cả tập đoàn. Những nhân tố trong môi trường kiểm soát bao gồm việc đề cao sự chính trực và giá trị đạo đức trong kinh doanh, triết lý quản trị và phong cách điều hành của người đứng đầu, cách thức phân quyền và ủy quyền trách nhiệm công việc, cách thức tổ chức và phát triển con người...
Ban kiểm soát
Luật Doanh nghiệp của Việt Nam có những quy định bắt buộc về việc thành lập ban kiểm soát ở các công ty cổ phần.
Nhưng trên thực tế thì vai trò của ban kiểm soát rất mờ nhạt, thậm chí không hiệu quả. Dù thuộc công ty lớn nhưng nhiều ban kiểm soát không có đủ quyền để thực hiện hết vai trò. ban kiểm soát là một trong những mắt xích yếu nhất trong “chuỗi mắt xích” quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam, chủ yếu là do các thành viên của ban kiểm soát thường là cấp dưới của ban lãnh đạo doanh nghiệp, hoặc ban kiểm soát do HĐQT thành lập nên không thể có chuyện “tôi sinh ra anh để anh giám sát chính tôi”. Do đó, nhiệm vụ chính của ban kiểm soát lúc này không phải là giám sát HĐQT mà là giúp HĐQT giám sát bên dưới, bắt đầu từ tổng giám đốc.
Thông lệ tốt về quản trị công ty của IFC có khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam hoặc là củng cố chức năng của Ban kiểm soát thật vững mạnh, hoặc nếu không, có song song một ủy ban kiểm toán đủ năng lực giúp HĐQT thực hiện tốt vai trò giám sát của mình.
Ủy ban kiểm toán
Tại Việt Nam, không có quy định cụ thể bắt buộc HĐQT phải thành lập Ủy ban kiểm toán, cho dù đây là một chủ thể cần thiết và quan trọng trong cấu trúc quản trị công ty tại nhiều quốc gia. Thông lệ quản trị tốt đề xuất HĐQT nên xem xét việc thành lập một tiểu ban trong HĐQT mang tên “Ủy ban kiểm toán” trực thuộc HĐQT, phù hợp với hoàn cảnh của công ty nếu xét thấy hoạt động của ban kiểm soát không hỗ trợ chức năng giám sát một cách hiệu quả.
Ủy ban kiểm toán có nhiệm vụ quản lý rủi ro tổng thể, hợp tác với kiểm toán viên nội bộ để giám sát hệ thống kiểm soát nội bộ, hợp tác với kiểm toán viên độc lập trong hoạt động kiểm toán độc lập, và cuối cùng là đảm bảo khả năng thông tin hiệu quả giữa các ủy ban, ban giám đốc, các kiểm toán viên nội bộ và độc lập.
Kiểm toán nội bộ
Để thực hiện chức năng nhiệm vụ, kiểm toán viên nội bộ cần có sự độc lập nhất định. Điều này chỉ có được khi kiểm toán viên nội bộ chịu trách nhiệm trước HĐQT (thông qua ủy ban kiểm toán) chứ không chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc hoặc giám đốc tài chính. Trong thực tế, bộ phận kiểm soát nội bộ luôn được xem là công cụ quản lý chủ chốt của doanh nghiệp, do đó sẽ tốt hơn nếu kiểm toán viên nội bộ có thể: (i) báo cáo về mặt hành chính với tổng giám đốc và về mặt chức năng với ủy ban kiểm toán, nếu doanh nghiệp lựa chọn mô hình theo thông lệ quốc tế, hoặc (ii) báo cáo về mặt hành chính với tổng giám đốc và về mặt chức năng với ban kiểm soát, nếu doanh nghiệp bắt buộc phải theo luật định.
*  *  *
Trên thực tế, kiểm soát nội bộ thường là một “mắt xích” yếu trong hoạt động giám sát của doanh nghiệp Việt Nam. Các báo cáo sai phạm trong quản trị doanh nghiệp thời gian qua đều chỉ ra rằng phần lớn các sự cố xảy ra có một phần là hậu quả của năng lực kiểm soát nội bộ yếu kém.
Hệ thống kiểm soát nội bộ mạnh chính là yếu tố quan trọng thứ ba sau mô hình nhóm công ty và thực hành quản trị công ty tốt đã được đề cập ở hai bài trước.
Vấn đề cần đặt ra là bên cạnh mục tiêu hiệu quả và hiệu lực của một hệ thống kiểm soát nội bộ, doanh nghiệp cần một hệ thống sao cho có thể giải quyết các vấn đề phát sinh một cách linh hoạt, dễ dàng mở rộng, nâng cấp, và đặc biệt có thể làm nền tảng chung (bộ khung chuẩn) cho tất cả công ty thành viên trong nhóm công ty, bất chấp có những khác biệt về quy mô, đặc tính ngành nghề kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, phạm vi địa lý, hình thức sở hữu...
Mô hình COSO (Committee of Sponsoring Organizations of the Tread-way Commission) là mô hình kiểm soát nội bộ được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và thường xuyên xuất hiện trong các đề xuất thực hành quản trị công ty (thông lệ) tốt nhất hiện nay. Với mô hình COSO, doanh nghiệp phải thực sự hiểu và cam kết thực hiện những điều có thể được coi là nguyên tắc hoặc điều kiện tiên quyết nếu muốn thành công với mô hình này. Ví dụ: coi trọng sự chính trực và giá trị đạo đức, cơ chế tách bạch trách nhiệm, hệ thống phân quyền - ủy quyền, thiết lập mục tiêu và đánh giá rủi ro...
Ngạn ngữ có câu: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, phải đi cùng người khác” nhưng để “đi cùng người khác”, thì việc chuyển từ “quản trị theo cảm tính” sang “quản trị theo khoa học” là chưa đủ. Bởi những gì đã đề cập ở trên đều là lối tư duy “quản trị hiện đại”, xa hơn so với “quản trị theo khoa học” và “quản trị tiên tiến”, một lối đi tắt đón đầu về quản trị, đặc biệt dành cho nhóm công ty, tập đoàn, thiết nghĩ là cần thiết và phù hợp với thực tiễn phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay.

Trần Khắc Điền(*)

(*) Chuyên gia tư vấn của Strategic Foresight