Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Gato à!

TT - Mấy tháng trước, dân chơi Phây (Facebook) ầm ĩ chuyện một cô gái được cho là thế hệ 9X đã phơi rất... trây trên status một “tuyên ngôn cướp giật chồng người”.


Trích đoạn như sau: “Yêu đàn ông đã có vợ thì làm sao. Chúng mày có quyền gì nói tao. Yêu đàn ông có vợ có nhiều tiền, được chiều chuộng, được cung phụng tội gì không yêu... Bọn mày thấy tao sung sướng bọn mày Gato à”.
 
Nội dung và lời lẽ của tuyên bố trên lập tức được đáp trả bằng nội dung và lời lẽ tương thích, theo đúng phong cách của cộng đồng mạng. Xét thấy không cần phải tường thuật lại...
 
Chỉ có chuyện về một cái “chữ” không phải người nào cũng biết: Gato (đọc là ga-tô). Gato là gì? Nếu mà không biết thì tra Gu-gồ! Kết quả, không phải là bánh ngọt bánh nghiếc gì cả, mà là “ghen ăn tức ở”. Hóa ra đó là một kiểu diễn đạt, một kiểu chơi chữ dựa trên các con chữ cái.
 
Dân IT xài 3G
 
Có hôm đi nghe nói chuyện về kỹ năng giao tiếp, báo cáo viên mở màn bài nói bằng cách tự giới thiệu: “Tôi tên là (...), (...) tuổi, tuổi con (...), trước ốm yếu hom hem, sau đau thận cận thị, nay chuyển sang làm dân ai-ti (IT)...”. Cử tọa còn chưa kịp hiểu, anh liền giải thích: “IT chẳng phải là công nghệ thông tin gì đâu, mà là bây giờ tôi đang bị... ít tóc!”. Cả hội trường cười cái rần khi nhìn thấy người nói đang vuốt vuốt cái đầu hói!
 
Một hôm khác tại một nhà hàng, một nhà thơ nói với một nhà báo: “Này, đưa cho anh mượn cái eo-đi (LD)”. Cả bàn đang ăn sáng bỗng mở mắt to nhìn nhau ngạc nhiên, không hiểu LD là cái kim khí điện máy thời thượng nào, dĩ nhiên sau đó có ngay đáp án: LD là lửa đốt, tức cái hộp quẹt, cái bật lửa để châm thuốc lá!
 
Cho nên, từ nay bạn đừng ngạc nhiên khi nghe một đại gia chém gió bằng câu “Tớ lúc này thường xuyên xài ba-gờ (3G)”. 3G là chuyện nhỏ, thời buổi này ai mà không biết sử dụng, anh đạp xích lô, chị bán vé số có khi còn dùng nữa là! Nhưng xin đừng hỏi lại, hỏi lại là mắc bẫy ngay, 3G của lão ấy chính là: gạo quê, gà quê và... gái quê!
 
Dân copywriter ắt phải biết đến CD, chức danh đình đám nhất trong một hãng quảng cáo: creative director, tức giám đốc sáng tạo, là trùm sáng tạo đứng trên mọi sáng tạo! Mà sáng tạo ắt là... không bình thường, là điên điên khùng khùng, thậm chí phải siêu điên điên khùng khùng! Đó là lý do để “bọn xấu” sáng tạo nên cái nghĩa khác: crazy dog, dịch sang tiếng Việt, ngạc nhiên chưa cũng là CD, chó điên!
 
Đội hình SBC (săn bắt cướp) một thời nổi tiếng của Công an TP.HCM được một tiệm bán cơm “mượn danh” treo bảng “Cơm tấm SBC”. SBC trong tiệm này thiệt ra chỉ là sườn bì chả, không liên quan gì đến chuyện hình sự! Còn nhà văn Hồ Anh Thái thì cho ngay vào tựa đề một tác phẩm của anh, một truyện dài viết theo phong cách giễu nhại: “SBC là săn bắt chuột”.
 
Một số nhà báo kháo nhau về cái gọi là “Ủy ban SBC”, tức “săn bắt cớm”, tập hợp những anh chàng chuyên “nâng niu bàn chân sếp”, chuyên hầu hạ, cơm bưng nước rót thủ trưởng, quan trên...
 
Trung tâm Khuyết tật và phát triển do thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến thành lập với logo và tên tắt tiếng Anh là DRD (Disability Resource and Development) đã mở một hội quán, làm nơi cho người khuyết tật đến sinh hoạt, học tập, phát triển bản thân và hội nhập xã hội, và đặt thành một cái tên rất có ý nghĩa: “Đời Rất Đẹp”!
 
Cần phải nói ngay là môtip này từng được nhà văn Vũ Trọng Phụng sử dụng từ thế kỷ trước trong tác phẩm Số đỏ, với nhân vật Týp Phờ Nờ, viết là TYPN, có nghĩa là Tôi yêu phụ nữ!
 
N và M và...
 
Mỗi chữ cái dĩ nhiên là cũng có tên riêng. Khi gọi tên, cộng với phép đồng âm, “cõi người ta” đã tạo nên nhiều kiểu nói năng rất bất ngờ.
 
Trên đoạn quốc lộ qua tỉnh Tiền Giang, thấy treo bên vệ đường tấm bảng “Vá F”, hiểu ngay là vá ép vỏ ruột xe... Thương hiệu thời trang “N&M” là Anh và Em.
 
Công ty DKSH Việt Nam, được nhân viên bổn hãng gọi đùa là Dê Ca Ếch Hát. Do đó, có thể có ngày bạn đọc thấy trên thực đơn mấy chữ ngắn gọn: B thui, D nướng, cháo S, TT ba món... Nếu gặp một quán ăn chỉ ghi vẻn vẹn một con chữ Y thật to, đố bạn đoán biết nơi ấy bán gì? Y dài, tức I - cà - rếch, nói lái biến thành món ếch cà ri! Lại nói về chữ Y. Công ty sách điện tử của Nhà xuất bản Trẻ dùng tên giao dịch là Ybook, với chữ Y từ tiếng Anh là Youth, nhưng không nói quai - búc mà vẫn đọc I - búc để đồng âm với E book: sách điện tử!
Một anh giám đốc khi vui, thường hay kể chuyện đánh vần chữ “khổ”: trước là ca hát ô khô hỏi khổ, còn bây giờ là khờ ô khô hỏi khổ; và bình luận rằng xưa dù khổ vẫn còn ca còn hát, nhưng nay mãi vẫn khổ là bởi vì... khờ! Thiệt là một câu chuyện mà nhiều hàm ý.
 
Nhưng độc đáo nhất có lẽ là “bài thơ” lục bát chỉ gồm hai câu, được ghi nhận trong Thú chơi chữ của các thầy Lê Trung Hoa và Hồ Lê, xuất bản cách đây hơn 20 năm: N K N H U Ơ/ M K M H M R Q N... Bài thơ này mọi người chỉ nên đọc thầm, đừng gào lên thành tiếng có khi gặp phải hậu quả ngoài ý muốn!
 
DUYÊN TRƯỜNG

Nguồn: Tuổi Trẻ Online ngày 17/09/2013 truy cập từ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/569426/gato-a!.html.

Mời bác hưởng lạc!

TT - Thiên hạ giờ đây còn sáng tạo nên kiểu nói năng với từ hai tiếng theo phép “biến hình” bằng đồng âm: đồng âm thuần Việt với thuần Việt, thuần Việt và Hán-Việt, Hán-Việt và Hán-Việt, thậm chí với tên riêng và cả các yếu tố của từ láy...


Kính mời mọi người lắng nghe đoạn đối thoại sau đây:
- Xin mời bác hưởng lạc!
- Vâng, tôi cũng rất khoái lạc!
- Thế thì chúng ta cùng hành lạc!...
Xin nói ngay chuyện này không liên quan gì đến dục vọng đê hèn, chẳng qua là lối mời chào của các anh bợm nhậu: lạc ở đây chính là đậu phộng và hành lạc là xơi, là nhâm nhi đậu phộng trong lúc chờ đợi chiến hữu đến nhập cuộc...
 
Cô sinh viên sư phạm sống ở ký túc xá than thân: Tụi em ăn như mà ở như phạm! Ông giám đốc công ty “thanh minh”: Bác sĩ dặn dò phải thuốc men đầy đủ nên sáng tôi phải uống thuốc, chiều tôi phải dùng men (ấy là bia)!
 
Ai đi thăm lính nhà giàn DK1 đều biết có khi xuồng rất gần, gần lắm rồi nhưng vẫn không thể nào leo lên nhà giàn được vì sóng to gió lớn, lúc đó đành ngậm ngùi lên tàu trò chuyện, ca hát với lính bằng bộ đàm, lính gọi là nói qua loa, tức qua máy, tình quân dân mặn nồng lắm chứ không phải kiểu giao lưu đại khái, sơ sơ cho có đâu nhé! Có một biếm họa trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần “Năm anh em trên một chuyến xe tăng” theo cái nghĩa... tăng: phí đường bộ, giá xăng, giá điện, giá nước, giá gas...
 
MC một tiệc cưới trịnh trọng tuyên bố: Chuyện tình của chú rể Xuân Hoàng và cô dâu Kim Tuyến đã được ghi rõ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du! Cả phòng tiệc im bặt, ngạc nhiên và lắng nghe rồi bật cười khi MC tung ra bằng chứng: Nay Hoàng hôn đã lại mai hôn Hoàng! Hoàng trong trường hợp này là tên riêng! Còn đây là lời một lão nông có... trình độ tiếng Anh: Cứ dính tới đất sớm muộn gì cũng đai (chết). Mà hễ đã đai là phải về với đất!
Mới đây nhất, copywriter Huỳnh Vĩnh Sơn trong Ý tưởng này là của chúng mình (NXB Trẻ, 2013) - một cuốn sách viết cho những người sống, mê và làm nghề trong sáng tạo quảng cáo - đã có công “nghe lén” và chép lại cho đời một câu sau đây: Mai mốt đi chơi không có dắt cái thằng đó theo nha, chơi không có được, với gái thì hào phóng, với anh em thì phóng từng hào!
 
Nhưng có lẽ điểm 10 xin dành cho các bà má Nam bộ, các má thường nói vui: Mấy đứa bay lúc nào mở miệng cũng kêu triệt để. Bây giờ mấy má mới hiểu chỗ nào bay muốn triệt là bay triệt, chỗ nào bay muốn để là bay để nguyên hết! Các má quả nhiên là bậc cao thủ về chữ và nghĩa!
 
DUYÊN TRƯỜNG

Đặc sắc cách chơi chữ trong tiếng Việt
Đây là một bài rất thú vị.
Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập. Mỗi tiếng là một từ. Số lượng các tiếng không nhiều. Do vậy: a) rất nhiều từ đồng âm. b) cần tạo ra những từ ghép, phổ biến là từ ghép đôi, để diễn đạt những khái niệm mới. Có nhiều kiểu ghép khác nhau, ghép đẳng lập (vai trò hai tiếng như nhau) và ghép chính phụ (vai trò hai tiếng khác nhau).
Từ trong từ điển có hình thức thế nào thì từ ở trong câu cũng giữ nguyên hình thức ấy. Cho nên phương tiện ngữ pháp tiếng Việt quan trọng nhất là trật tự từ. Nhiều trường hợp đảo trật tự là nghĩa khác hẳn. Chính vì vậy mà cách chơi chữ trong tiếng Việt cũng hết sức đặc sắc.
Vận dụng hiện tượng đồng âm để dân nhậu tạo ra câu mơ hồ nói vui “hưởng lạc, khoái lạc, hành lạc”.
Nhờ khả năng tách từ ghép đôi thành hai từ mà cô sinh viên sư phạm than tụi em “ăn như ở như phạm”. Cái ý này hồi Sài Gòn mới giải phóng người ta đã châm biếm cán bộ bằng câu “ăn như tu, ở như tù, nói như lãnh tụ” (xin lỗi!). Dùng hiện tượng đồng âm và cách tách từ mà hành chính thành hành dân chính. Hoặc, thương hại là tuy thương mà có hại.
Một đặc điểm tiếng Việt là có khả năng chêm xen giữa các từ cặp đôi, vậy nên có những cách chơi chữ chưa hưu thì “đi xe hơi uống bia ôm“, về hưu thì đời xuống cấp “đi xe ôm, uống bia hơi“.
Gs.TSKH NGUYỄN ĐỨC DÂN

Nguồn: Tuổi Trẻ Online ngày 24/10/2013 truy cập từ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/575982/moi-bac-huong-lac!.html.

Ảo thuật với từ hai tiếng

TT - Trong Tiếng Việt lý thú - cái hay, cái đẹp của từ ngữ tiếng Việt (tập 1, NXB Giáo Dục, 2001), tác giả - nhà giáo, nhà nghiên cứu Trịnh Mạnh có dẫn ra mấy con số: từ hai tiếng chiếm 75% tổng số từ, từ đơn tiết chiếm 24%, còn những từ có từ ba âm trở lên chỉ khoảng 1%...

Tiếng Việt có một thứ đặc sản đồng bào ta vẫn ưa dùng nhưng không phải ai cũng nhận ra đầy đủ sức mạnh của nó: khả năng ảo thuật với từ hai tiếng!

 

Có thể ai đó tranh cãi về số liệu cụ thể nhưng có một điều chắc chắn: từ hai tiếng trong tiếng ta (gồm từ ghép và từ láy) chiếm đại đa số, trở thành một “thói quen tiêu dùng hằng ngày” của dân ta. Bằng chứng là dù Bác Hồ viết tác phẩm mang tên Sửa đổi lối làm việc, nhưng đến nay vẫn có rất nhiều người tự động biên tập thành Sửa đổi lề lối làm việc. Còn những nhà giữ trẻ, hợp tác xã, sư đoàn trưởng, vô tuyến truyền hình... sau thời gian lưu hành thường bị rút gọn thành nhà trẻ, hợp tác, sư trưởng, truyền hình...
 
Xa nhưng không rời
 
Với một kho từ hai tiếng khổng lồ, từ AB, ông bà ta chỉ cần đảo vị thành BA là có thể tạo ra một kiểu nói thú vị, ấn tượng ngay: Càng đo đắn lắm càng già mất duyên (ca dao), Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời (Thép Mới), Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc/Nợ tang bồng vay trả, trả vay (Nguyễn Công Trứ), Nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng/Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng (Nguyễn Du)...
 
Câu đối ở đền thờ vua Hùng chính là theo phương thức đảo chữ này: Có tổ có tông, có tông có tổ, tổ tổ tông tông, tông tổ cũ/Còn non còn nước, còn nước còn non, non non nước nước, nước non nhà (Tản Đà)...
 
Hơn thế nữa, với một X/một Y/một XY và một AB, chúng ta sẽ tạo ra những “cặp đôi” mới như kiểu XAXB: Sợi nhớ sợi thương (Phan Huỳnh Điểu), Dù ai nói ngả nói nghiêng/Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân (ca dao), Lúc nghỉ ngơi ngồi dưới bóng cây/Rít mồi thuốc say ngây say ngất (Tú Mỡ)...
 
Và kiểu XAYB, XBYA: Buôn tảo bán tần (thành ngữ), Thân anh đi lẻ về loi (ca dao), Tình riêng trăm ngẩn mười ngơ (Tản Đà), Những là đắp nhớ đổi sầu/Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm (Nguyễn Du)...
 
Từ hai lát sandwich đến ổ bánh da lợn
 
Không rõ ai là người đầu tiên bày ra cách nói đến nay đã thành... kinh điển: “thủ tục hành chính - hành dân là chính”. Xem ra, người đời nay đã học tập cha ông và thêm một bước cách tân: tách rời hai tiếng ra xa như hai lát bánh mì sandwich rồi cho vào giữa, vào hai bên nào rau, nào thịt, thành một công thức “khoái khẩu”.
 
Chuyên gia phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh khi bàn về thói quen bố thí, xét về mặt cá nhân là việc tốt nhưng nhìn về phía xã hội có thể tạo ta một lực lượng ăn bám, trục lợi vào trẻ con, người già, người khuyết tật đã nói một câu rất đáng suy ngẫm: lối thương hại ấy, tuy thương mà có hại! Cây bút Nguyễn Ngọc Hùng khi bàn về xu hướng đời mới trong cưới hỏi ở Hà Nội hiện nay đã có bài viết mang tựa đề “Tân, nhưng mà... kỳ!” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 8-4-2012). Giám đốc Công ty Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ có bài giới thiệu trên tuần san Thanh Niên “Một vùng đất Phú trời Yên” (8-8-2012)...
 
Một giảng viên về nghệ thuật nói thuyết phục đã nói: Ông bà ta có một chữ rất hay, một từ mà nói được chính xác và khái quát phương pháp thuyết phục bằng lời ăn tiếng nói, đó là “lý sự” - nói lý phải kèm theo sự, tức lập luận phải đi cùng dẫn chứng! Có em học sinh cấp III trong một cuộc tọa đàm về dạy và học đã nêu lên nỗi lòng với các đại biểu và thầy cô: “Chúng cháu nghe rất nhiều về việc giảm tải, nhưng giảm tải chính là giảm của người lớn để tải hết xuống cho học trò!”. Còn đây là chuyện nghe được ở quán cà phê:
- Sao! Chuyện giấy tờ sổ hồng sổ đỏ cậu lo xong chưa? - Khổ lắm, vẫn chưa đâu ra đâu, nhà mình giấy thì đủ mà tờ thì vẫn còn thiếu, bạn hiền ơi!...
 
Nhưng có khi hai miếng sandwich vẫn chưa thấy đã, dân ta tiếp tục tách rời, lật qua, đảo lại, ghép thêm, pha chút sắc màu đồng âm, tạo thành ổ bánh da lợn nhiều lớp vừa ngon vừa lạ miệng:
Mẹ dặn con: Con ơi nhớ lấy câu này/Có vàng là vững, muốn vững cần vàng! Vợ dặn chồng: Làm ăn, nếu muốn hùn thì phải hạp, nếu không hạp thì đừng hùn! Tâm sự của người vừa về hưu: Lúc có chức có quyền thì đi xe hơi uống bia ôm, lúc nghỉ việc về vườn thì chỉ còn một nước... đi xe ôm uống bia hơi!
 
Nhưng độc đáo nhất có lẽ là lời của ông Ya Duck, người dân tộc K’Ho - phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng, được dẫn ra trong bài “Từ Phó thủ tướng Fulro đến phó chủ tịch Mặt trận” của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Xuân Nhâm Thìn 2012): “Mặt trận, nghĩa là trận nào cũng có mặt, mà mặt nào cũng chịu trận!”.
 
DUYÊN TRƯỜNG

Bộ sưu tập vài kiểu nói vui lạ với từ 2 tiếng
Lời người cha: Cha nói vui nhưng không có nói chơi
Lời cô giáo: Dạy nhưng cũng phải biết dỗ
Lời nhà báo: Viết thì phải lách
Lời bác sĩ: Đừng cố quá mà thành quá cố
Lời đạo diễn: Thà thô mà mộc còn hơn tinh nhưng lại xảo
Lời thực khách: Nhà hàng này có tiếng mà... không có tăm
Lời người ăn kiêng: Ăn uống đạm bạc, ít đạm nên đỡ tốn bạc
Lời người buôn bán: Khổ cho thân tôi! Khách đến thì ít mà khứa đến thì nhiều
Lời tên xã hội đen: Khám trước rồi phá sau
Lời một phụ nữ đang mắng chồng: “Ông chả bao giờ cương quyết, lúc cương thì không quyết, đến lúc quyết thì... hết cương!


Nguồn: Tuổi Trẻ Online ngày 22/10/2013 truy cập từ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/575766/ao-thuat-voi-tu-hai-tieng.html.

Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?

TT - Trong tiếng Việt, có những từ ngữ hoặc địa danh sử dụng hằng ngày mà nếu có người hỏi tại sao nói thế và nguồn gốc của những từ ngữ ấy từ đâu thì chúng ta đành bó tay; chẳng hạn câu hỏi trên trong một bài ca dao (Nước không chưn sao kêu nước đứng? Cá không giò sao gọi cá leo? Ghe không tay sao kêu ghe vạch? Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?...).



1 Chúng ta chỉ có thể giải đáp câu trên dựa vào cuốn Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản cách đây trên 110 năm. Trong sách này, tác giả ghi bánh vú bò và giải thích vì bánh đổ vào chén, trông giống như cái vú con bò. Về sau rút gọn thành bánh bò. Ðây là hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ. Các từ sau đây cũng bị hiện tượng tỉnh lược chi phối: dầu con rái => dầu rái, nấm tai mèo => nấm mèo...

Ở miền Bắc có một loài cá giống và to bằng cá chép, nhưng có đặc điểm là tươi rất lâu tên là cá rói. Dù bị bắt ra khỏi nước từ sáng đến trưa cá vẫn còn tươi nên có thành ngữ tươi như cá rói, về sau tỉnh lược thành tươi rói. Một thành ngữ tương tự: ngay như cây chò (một loại cây rừng thân rất thẳng) => ngay chò (ở Nam bộ biến âm thành ngay chừ). Cầu Kiệu ở TP.HCM được Trương Vĩnh Ký ghi là cầu Xóm Kiệu (tức là xóm chuyên trồng kiệu), như vậy chữ Xóm ban đầu đã bị giản lược.
2 Một từ khá phổ biến ở Nam bộ dùng để chỉ người phụ giúp tài xế lái xe đò trong công việc bán vé, thu tiền, khiêng xách hành lý là lơ xe. Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp contrôleur, nghĩa là “người kiểm soát (vé)”. Như vậy, từ một âm tiết vô nghĩa - leur, người Việt biến thành một từ có nghĩa.
 
Ở miền Bắc, người ta thường dùng từ ngữ săm lốp để chỉ vỏ ruột xe đạp và xe gắn máy. Lốp thì người miền Nam cũng dùng và những người biết tiếng Pháp đều biết nó bắt nguồn từ enveloppe, nghĩa là “vỏ xe”. Còn săm ban đầu người miền Nam và nhất là những người không học tiếng Pháp không hiểu nghĩa. Từ săm bắt nguồn từ ngữ chambre à air “ruột xe”.

3 Tại sao có từ bồ bịch, nghĩa là nhân tình? Nguyên trước đây có một từ ghép bồ bịch, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; còn bịch cũng là nông cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy vì lấy nền nhà làm đáy. Do đó, ca dao VN có câu:
 
Bởi anh chăm việc canh nông
Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.
 
Trong tiếng Việt trước đây có từ bầu (bạn), có biến âm là bồ tương tự như đậu xanh - đỗ xanh, thi đậu - thi đỗ... Vì từ bồ (bạn) đồng âm với từ bồ (cái bồ) nên từ bồ bịch thứ hai (người yêu) ra đời. Chúng tôi gọi đây là hiện tượng mượn âm.
 
Một số trường hợp tương tự. Trái sầu riêng có nguồn gốc từ Malaysia là đu-riêng. Ban đầu (giữa thế kỷ 19) người Việt dùng cả hai từ, sau loại hẳn từ đu-riêng.
 
Huyện Kế Sách ở tỉnh Sóc Trăng gốc Khmer là Ksach, nghĩa là “cát”. Vì gần âm với từ kế sách (phương kế, sách lược) nên Kế Sách đã thay thế Ksach.
 
Nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine của Pháp đã được các trí thức VN khoác cho chiếc áo của Lữ Bố: Lã Phụng Tiên (họ Lữ cũng đọc Lã, Phụng Tiên là tự của Lữ Bố).
 
Ðèo ở phía bắc thành phố Nha Trang do kỹ sư người Pháp Rury điều khiển sửa sang nên Pháp dùng tên người này đặt cho đèo. Người Việt đã gọi là đèo Rù Rì.
 
4 Người Nam bộ thường bảo trẻ con đi chỗ khác chơi, không được láng cháng trước mặt. Nhưng trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của đã nói ở trên ghi loán choán. Như vậy từ gốc là choán, yếu tố láy là loán và nghĩa gốc của láng cháng là “choán chỗ”. Ðây là hiện tượng biến âm.
 
Ở các đô thị Nam bộ có loại xe chuyên chở đồ đạc phục vụ xã hội mang tên ba gác. Nhiều người biết tiếng Pháp cũng ngỡ ngàng khi biết nguồn gốc Pháp của từ này là bagage, nghĩa là “hành lý”.

5 Bỏng trong từ bé bỏng có nghĩa là “nhỏ”. Trong tập thơ cổ Thiên Nam ngữ lục có câu thơ sử dụng từ bỏng với nghĩa này:

Trẻ thơ bỏng dại thiếu người lo toan
Hai từ bỏng đồng nghĩa hay gần nghĩa kết hợp với nhau. Ðó là hiện tượng láy nghĩa.
Nhiều từ trong tiếng Việt bị chi phối bởi hiện tượng này: Việt + Việt: tìm kiếm, chờ đợi, yêu thương; Việt + Pháp: canh gác (gác xanh lơ) (lơ )
Biết được nguồn gốc và ý nghĩa của nhiều từ tiếng Việt, ngoài cảm giác thú vị, ta còn yêu thích tiếng mẹ đẻ hơn.
 
LÊ TRUNG HOA

Tiếng Việt nhiều khi có đối nghịch ngay trong một từ ghép. Buồn cười. Ðã buồn sao còn cười. Tức cười. Ðã tức sao còn cười. Ấy thế, mấy chữ ấy đều chỉ một tâm trạng là muốn cười trước một điều gì đó, trước một ai đó.
Ngã một cái, bẩn sạch cả rồi. Bẩn sạch. Ðã bẩn thì sao còn sạch được. Sạch ở đây chắc ai cũng hiểu không phải là sạch sẽ. Sạch nhẵn, không còn một chút gì sót lại. Sạch nhẵn như chùi. Ngôn ngữ phương Nam vẫn dùng là sạch bách.
Phương ngữ Bắc bộ có từ ráo, tức là khô ráo. Nhưng ráo cũng có nghĩa là toàn bộ, là hết lượt. Hình như chữ ráo trọi của phương Nam cũng là như vậy. Hổng biết chi ráo trọi. Chẳng biết cái gì hết. Ðưa đẩy một tí để dẫn đến câu này: gặp mưa giữa đường, ướt ráo cả rồi. Ướt ráo. Ðã ướt lại còn ráo.
Cũng như vậy là câu: đò chìm, may không ai chết, sống tiệt. Ðã sống lại còn tiệt. Nhưng mà đấy là một cách nói ở nông thôn Bắc bộ, có nghĩa là tất cả đều còn sống. Yên tâm.
Nói sang chuyện thực phẩm, chữ và nghĩa nhiều khi cũng không khớp với nhau: gọi là bánh giò nhưng trong ấy không có giò, chỉ là nhân thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương. Bún chả thì đâu có phải là miếng chả miếng giò mà là thịt lợn nướng. Món chả cá cũng vậy, đâu phải là cá xay nhuyễn làm thành miếng chả rán, đó chỉ là cá hấp đem rán sơ trên chảo mỡ sùng sục, ăn với mắm tôm.
Lại có những khái niệm dường như bị đảo ngược: người đồng bằng Bắc bộ gọi xôi lúa, thành phần chủ yếu là ngô (bắp), rất ít nếp ít lúa trong ấy. Cùng lúc, khi người ta gọi xôi ngô thì trong ấy nếp nhiều hơn là ngô. Cứ nhớ là hai chữ này đảo ngược cho nhau, không bao giờ bị lẫn. Yên tâm.
HỒ ANH THÁI


Nguồn: Tuổi Trẻ Online ngày 19/10/2013 truy cập từ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/575378/banh-khong-cang-sao-goi-banh-bo.html.

Được “bao ăn” thì “vít số”

TT - Thỉnh thoảng lại ngồi nói chuyện chữ nghĩa với nhau. Ai cũng bảo từ ngữ của chúng ta phong phú quá. Tôi vừa mới ở Quảng Ngãi vô, để ý thấy có chữ này hay. Chữ gì thế? “Vít số”. Nghe lạ quá phải không? Ở Sài Gòn dường như chưa nghe thấy ai nói “vít số”.



1 Vít số là gì?
 
Trước hết nên tách ra từ “vít” và “số” để hiểu. Vít thì ai cũng biết rồi, là ốc vít hay bùloong dùng xoắn vặn gắn kết định vị vật này vào vật khác một cách chắc chắn. Một cái vít thường có một con ốc, và con ốc này giữ cho vít không bị tuột ra. Đại khái là vậy.
 
Còn “số” là gì? Số ở đây tức là số phận hay phần số, như chúng ta vẫn thường nghe nói: “Thằng đó số sướng” hay “Cô đó số khổ”. Tạm hiểu là vậy. Xong, ráp hai từ “vít” và “số” lại thì sẽ hiểu đây là từ chỉ một người nào đó có số phận ngon lành, chắc chắn hay gặp một “phi vụ” gì đó hấp dẫn, ẵm chắc trong tay. Ngoài từ “vít số”, người ta còn nói “số vít”, hoặc “chắc như vít” (chứ không nói là “chắc như đinh đóng cột” nữa, vì xem ra vít chắc hơn).
 
“Chắc như vít” đã thay cho “chắc như đinh” xem ra là một cách dùng từ linh hoạt, làm mới nghĩa theo nhịp sống. Mọi người nghe, ai nấy gật gù, bảo rằng thú vị.
 
Nhân nói chuyện từ và ngữ, chữ và nghĩa, có người nói rằng ở Sài Gòn có chữ “bao ăn” nghe hay quá. Đi ngoài đường thấy mấy chỗ bán sầu riêng, măng cụt hay bán cua, ghẹ... thường có ghi tấm bảng “Bao ăn”. Bao ăn ở đây là hàm ý bảo thơm ngon chất lượng, kiểu như “ăn không ngon không lấy tiền”.
 
“Bao ăn” ở đây không phải là... bao ăn miễn phí, cho dù thỉnh thoảng chúng ta cũng được ai đó... “bao chầu nhậu” hay “bao ăn buffet”. Ngoài “bao ăn” còn có “bao cân” tức là bảo đảm cân đủ, chính xác; có chỗ còn ghi “bao tươi”, tức bảo đảm tươi sống.
 
“Bao” - đương nhiên là còn có nhiều nghĩa như “bao quanh”, “bao thầu” và nghe khó ưa nhất là... “bao gái”. Nhưng ở đây nghĩa từ “bao” trong “bao ăn”, “bao cân”, “bao tươi”... là bảo đảm, là lấy uy tín danh dự ra mà mua bán làm ăn. Dẫu biết có chỗ đề chữ “bao” cũng là nhắm mắt làm liều để bán được hàng.
 
Nhưng phần đông đã trương chữ “Bao ăn” là coi bộ đàng hoàng. Mà muốn biết đàng hoàng không thì khách hàng có thể kiểm tra ngay tại chỗ. Ví dụ, chỗ nào bán sầu riêng “bao ăn” là khách có thể yêu cầu được xẻ ra tại chỗ, ăn ngay tức thì, nếu không ngon thì... trả lại. Những lúc đó người bán hàng “bao ăn” phải chấp nhận cuộc chơi.
 
2 “Bao ăn”, nói một cách nào đó là một sự chơi đẹp tự nguyện hay đó là cách dùng chữ theo “phong cách đường phố” thú vị.
 
Song, nói chuyện chữ nghĩa tới đây thì có người lái sang những chuyện thời sự và thế thái nhân tình, mà rút gọn thì có thể nói là chuyện thế sự. Một người hóm hỉnh bảo rằng nên phát huy cái chuyện “bao ăn” này trong toàn xã hội, nhưng không chỉ ở chuyện ăn uống.
 
Chẳng hạn, một cuốn sách dịch thì nên ghi là... “bao chuẩn” (để bảo đảm với bạn đọc là không dịch loạn), một tác phẩm văn chương thì nên ghi là... “bao hay” (để bảo đảm với bạn đọc là nó không dở), một công trình nghiên cứu thì nên ghi là... “bao đạo” (để bảo đảm với bạn đọc là không đạo văn).
 
Cứ như thế, một con đường nên ghi là... “bao đi” (bảo đảm đi an toàn), bệnh viện nên ghi là... “bao lành” (bảo đảm chữa lành bệnh), sân bay nên gọi là... “bao giờ” (bảo đảm là không trễ giờ)...
 
Nói vui vậy thôi chứ không phải cái gì cũng “bao” được. Mà cả một xã hội, nơi nào cũng trương biển “bao” thì quả là có vấn đề. Thôi thì xin quay về chuyện chữ nghĩa cho nó vui: “Nếu như bữa nào đó mình được “bao ăn” một bữa ngon thì thật là... “vít số”!”.
 
TRẦN NHÃ THỤY

Nguồn: Tuổi Trẻ Online ngày 24/09/2013 truy cập từ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/570635/duoc-bao-an-thi-vit-so.html.

Vì sao giới đầu tư “quay lưng” với vàng?

Vàng đang giảm bớt độ lấp lánh trong mắt các nhà đầu tư thế giới, bao gồm cả các ngân hàng trung ương...

Vì sao giới đầu tư “quay lưng” với vàng?
Vàng, một tài sản không sinh lợi tức và có thể mất chi phí nắm giữ, cũng đang trở nên kém hấp dẫn hơn nếu so sánh với những kênh đầu tư khác.

Trào lưu đổ xô mua vàng của giới đầu tư toàn cầu đẩy giá vàng tăng liên tục trong suốt 12 năm qua đang đi vào hồi kết. Ngay cả các ngân hàng trung ương, nhóm chuyển từ bán ròng sang mua ròng vàng trong những năm gần đây, cũng đang có dấu hiệu chán vàng.Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, trong tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã có lần đầu tiên bán ròng vàng trong vòng 1 năm trở lại đây. Kể từ đầu năm 2010, Nga chiếm khoảng 30% khối lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương trên toàn.

Cũng giống như các quốc gia mới nổi khác, Nga mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Việc nước Nga và các quốc gia khác giảm hứng thú với vàng sẽ là một nguồn sức ép giảm giá nữa đối với vàng, sau khi giá kim loại quý này đã hạ 19% từ đầu năm tới nay. Lần gần đây nhất giá vàng giảm trong cả năm là vào năm 2000.

Sức mạnh tăng giá của vàng ban đầu được đẩy lên cao khi các sản phẩm tài chính mới được tung ra vào giữa thập niên 2000, cho phép các nhà đầu tư thuộc mọi dạng tiếp cận dễ dàng hơn với vàng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá vàng tăng tốc khi giới đầu tư tranh nhau mua vào vì lo ngại chính sách tiền tệ dễ dãi của các ngân hàng trung ương sẽ châm ngòi cho sự bùng nổ của lạm phát và sự sa sút thảm hại giá trị tiền giấy.

Nhưng 5 năm sau đó, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức thấp, kéo theo là sức hấp dẫn của vàng sa sút theo.

Vàng, một tài sản không sinh lợi tức và có thể mất chi phí nắm giữ, cũng đang trở nên kém hấp dẫn hơn nếu so sánh với những kênh đầu tư khác. Việc giới đầu tư và các nhà phân tích tin tưởng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng QE3 đã làm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gia tăng. Cùng với đó, triển vọng hồi phục của kinh tế Mỹ đã đưa các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall lên mức cao kỷ lục.

“Vàng hiện nay thực sự không có nhiều sức hút”, ông Joseph Murphy, một nhà phân tích cấp cao thuộc quỹ hàng hóa trị giá 2 tỷ USD Hermes Commodities ở London, nhận xét. Quỹ này đã cắt giảm nắm giữ vàng trong năm nay. “Mọi người đang đi tìm các cơ hội tốt hơn, trên thị trường trái phiếu hoặc cổ phiếu”.

Những nhà đầu cơ sừng sỏ đã hứng chịu thua lỗ trong đợt giảm giá năm nay của vàng. Quỹ vàng của tỷ phú đầu cơ John Paulson mất tiền. Vào tháng 6, nhà đầu tư chứng khoán kỳ cựu Jeffery Vinik đóng cửa quỹ đầu cơ của mình và trả lại hàng tỷ USD cho khách hàng sau khi đạt kết quả đầu tư không như kỳ vọng vì sai lầm trong đặt cược vào cổ phiếu của các công ty khai mỏ vàng.

Các ngân hàng trung ương đã liên tục bán ròng vàng cho tới năm 2009. Đến năm 2010, nhóm này trở thành đối tượng mua ròng vàng. Dẫn đầu xu hướng mua vàng là ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi. Các quốc gia này có lượng dự trữ ngoại hối gia tăng mạnh do thặng dư cán cân thương mại ở mức cao.

Tuy nhiên, đến năm nay, xu hướng này đảo ngược. Do tăng trưởng kinh tế giảm tốc ở các nền kinh tế mới nổi và giới đầu tư chuyển sang hứng thú hơn với tài sản ở các nền kinh tế phát triển, ngân hàng trung ương của các quốc gia mới nổi đã phải dùng dự trữ tiền mặt để ngăn các biến cố kinh tế và hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ. Vì lý do này, họ không còn nhiều USD để mua vàng.

Theo dự báo của công ty tư vấn Thomson Reuters GFMS, lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương trong năm 2013 có thể giảm 34% so với năm ngoái. Sự thoái lui của các ngân hàng trung ương đối với vàng diễn ra 2 năm sau khi khối này liên tục mua ròng với khối lượng năm sau cao hơn năm trước. Theo IMF, trong tháng 9, Ngân hàng Trung ương Nga đã bán 12.000 ounce vàng.

Giới chuyên môn nhận định, đợt giảm giá vàng của năm nay đã khiến các ngân hàng trung ương có thái độ thận trọng với vàng đứng ngoài thị trường, chờ cho tới khi giá cả ổn định hơn. Cũng theo số liệu của IMF, tính đến hết tháng 8 năm nay, tổng khối lượng vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng thêm 6,2 triệu ounce, so với mức tăng thêm 9,6 triệu ounce trong cùng kỳ năm 2012.

IMF thu thập các dữ liệu nói trên thông qua các bản báo cáo tự nguyện từ các ngân hàng trung ương. Dữ liệu được xem là chính xác đối với hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, mức dự trữ 33,9 triệu ounce vàng mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra là thấp hơn so với thực tế. Trung Quốc hiện là nước nắm giữ vàng lớn thứ 5 trên thế giới. IMF cho rằng, các ngân hàng trung ương toàn cầu hiện dự trữ hơn 1 tỷ ounce vàng, tương đương khoảng 29.000 tấn vàng.

Dù tốc độ mua vàng của các ngân hàng trung ương nói chung có giảm, hầu hết các ngân hàng trung ương vẫn duy trì nắm giữ đối với số vàng mà họ đã mua. Nhiều nhà phân tích cũng tin rằng, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng nắm giữ vàng, dù với tốc độ chậm hơn. Phát biểu tại một sự kiện của ngành vàng vào tháng 9, các quan chức ngân hàng trung ương từ Pháp, Đức và Argentina nói rằng, biến động giá vàng chưa thể khiến họ lên kế hoạch bán ra kim loại quý này.

Các quan chức ngân hàng trung ương nói rằng, mua vàng là một phần trong chiến lược đầu tư dài hạn được tính bằng hàng thập kỷ của họ. Các ngân hàng trung ương nhìn nhận việc nắm giữ vàng cũng tương tự như việc nắm giữ các đồng tiền mạnh như USD hay Yên Nhật, giống như một công cụ để đảm bảo sự ổn định cho các điều kiện kinh tế hoặc can thiệp vào thị trường tiện tệ khi cần thiết. Bởi vậy, các ngân hàng trung ương xem việc lãi hay lỗ đối với nắm giữ vàng chỉ là vấn đề thứ yếu.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nói rằng, giá vàng sẽ càng khó mà tăng nổi trong bối cảnh các ngân hàng trung ương không còn “khát” vàng như trước. “Các nhà đầu tư, cho dù đó là nhà đầu tư nhỏ lẻ hay ngân hàng trung ương, đều có thể hành động kiểu bầy đàn”, ông Christoph Eibl, Giám đốc điều hành quỹ Tiberius Asset Management quản lý 1,55 tỷ USD, đánh giá.

An Huy

Nguồn: VNEconomy ngày 29/10/2013 truy cập từ http://vneconomy.vn/20131029033630522P0C6/vi-sao-gioi-dau-tu-quay-lung-voi-vang.htm.