Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Trách nhiệm giải trình của trường đại học

(TBKTSG) - Trong thập niên qua, nhiều đại học Việt Nam đòi hỏi cải thiện mức độ tự chủ. Sự đòi hỏi này là chính đáng. Tuy nhiên, trong khi nhấn mạnh quyền tự chủ, cũng cần nói đến trách nhiệm giải trình của nhà trường, đặc biệt là trường ngoài công lập.

Trách nhiệm giải trình (accountability) là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách mà chúng ta đưa ra trong việc lãnh đạo, quản lý, và thực hiện công việc. Khả năng giải trình trách nhiệm được hiểu như năng lực thực hiện nghĩa vụ thông tin đầy đủ, năng lực biện minh cho hành động của mình trong quá khứ hoặc tương lai, và chịu sự trừng phạt nếu như hành động ấy vi phạm các quy tắc đạo đức và pháp lý(1).

Giải trình trách nhiệm với ai, và về điều gì?
Trách nhiệm giải trình là nghĩa vụ tất yếu của tất cả mọi cá nhân và tổ chức với tư cách là những thành viên có liên đới với nhau. Ở Việt Nam, khi nói tới trách nhiệm giải trình, người ta chủ yếu hiểu là trách nhiệm báo cáo với cơ quan chủ quản và với các tổ chức nhà nước có chức năng quản lý trường đại học, chẳng hạn như Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương, cơ quan thuế... Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phận của các bên liên quan mà nhà trường cần phải giải trình trách nhiệm.
Câu trả lời cho câu hỏi “trường đại học cần phải giải trình trách nhiệm với ai?” phụ thuộc vào vấn đề bản chất của trường đại học và sứ mạng chủ yếu của nó là gì. Các trường đại học công với tư cách là tổ chức nhà nước và hoạt động bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, có nghĩa vụ giải trình không chỉ trước các tổ chức quản lý mà Nhà nước lập ra, mà cả trước công chúng, tức là với những người đã đóng thuế để nuôi nhà trường.
Trường đại học công có nghĩa vụ chứng minh họ đã sử dụng tiền thuế của người dân một cách hiệu quả và tạo ra được những kết quả xứng đáng cho sự phát triển của xã hội và nâng cao đời sống của người dân. Còn các trường đại học tư, nhất là những trường vì lợi nhuận, phải thực hiện trách nhiệm giải trình trước hết là với sinh viên và cha mẹ họ, những người đã trả tiền học và có quyền đòi hỏi một chất lượng dịch vụ tương xứng.
Mục đích tối hậu của việc thực hiện trách nhiệm giải trình là bảo đảm rằng nhà trường đã và đang duy trì những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong việc thực thi công việc của mình.
Tuy nhiên, ở đây có một sự khác biệt cơ bản giữa hàng hóa giáo dục với những hàng hóa khác. Không như những vật phẩm tiêu dùng, kiến thức và kỹ năng không phải là thứ có thể cứ bỏ tiền là mua được.
Vì lẽ đó, một “bên liên quan” có ý nghĩa tối quan trọng mà nhà trường cần phải thực hiện trách nhiệm giải trình là các tổ chức kiểm định chất lượng. Các cơ quan kiểm định chất lượng là những tổ chức chuyên môn có chức năng đánh giá quá trình và chất lượng hoạt động của nhà trường dựa trên những tiêu chí đảm bảo cho việc thực hiện những sứ mạng mà nhà trường đã nêu ra.

Giải trình để làm gì và như thế nào?
Mục đích tối hậu của việc thực hiện trách nhiệm giải trình là bảo đảm rằng nhà trường đã và đang duy trì những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong việc thực thi công việc của mình. Đó là những nguyên tắc được đặt ra nhằm bảo vệ lợi ích công, bảo vệ nguồn lực công được sử dụng đúng mục đích, đảm bảo nhà trường thực hiện đúng những gì đã hứa hẹn với người học và xã hội.
Nhà nước với tư cách là đại diện người dân và có bổn phận bảo vệ lợi ích công, có trách nhiệm thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các trường. Tuy vậy, có một ranh giới rất rõ giữa việc đòi hỏi trách nhiệm giải trình của các trường và việc can thiệp vào công việc của nhà trường. Mọi sự can thiệp vào nhà trường, dù dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp, đều đe dọa quá trình sáng tạo và theo đuổi kiến thức, xói mòn sự ưu tú, khả năng đáp ứng và ý nghĩa của nhà trường đối với xã hội.
Bởi lẽ đó, Nhà nước cần lập một khuôn khổ chính sách đòi hỏi các trường phải minh bạch về trách nhiệm giải trình. Chủ trương “ba công khai” của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính là một nỗ lực theo hướng đó và cần được củng cố. Cùng với việc công khai về đội ngũ, về nguồn lực, về mức học phí, báo cáo thường niên và kết quả kiểm định cũng phải được công khai trên trang web của các trường, công lập cũng như tư thục. Vai trò tốt nhất của Nhà nước không phải là can thiệp, kiểm soát hay cấp phép; mà là tạo ra một hành lang pháp lý đòi hỏi các trường phải thực hiện trách nhiệm giải trình công khai và thúc đẩy hoạt động của các tổ chức kiểm định độc lập.

Trách nhiệm giải trình và cơ cấu thẩm quyền của đại học ngoài công lập
Trường đại học là một thực thể ngày càng phức tạp với nhiều chức năng đan xen và gắn với nhiều bên liên quan khác nhau, do vậy trách nhiệm giải trình của nhà trường cũng hết sức đa dạng.
Đối với trường công, việc xây dựng hội đồng trường như một cơ quan quyền lực cao nhất có chức năng lãnh đạo nhà trường và giám sát việc thực thi nhiệm vụ của hiệu trưởng là điều rất cần, vì nó bảo đảm cho quyền tự chủ của nhà trường và cùng với đó là trách nhiệm giải trình của bộ máy điều hành. Điều đáng tiếc là xu hướng này đang tiến triển rất chậm ở Việt Nam(2).
Đối với trường ngoài công lập, khó khăn không nằm ở chỗ thiết lập hội đồng trường và xác định thẩm quyền của hội đồng trường, mà là ở chỗ khác. Những bất ổn xảy ra hàng loạt ở các trường ngoài công lập vừa qua, trong đó có những trường trước đây từng được xem là vững mạnh chủ yếu là do đấu tranh quyền lực giữa HĐQT (đại diện cho quyền sở hữu) và bộ máy quản lý (thực thi trách nhiệm điều hành).
Chúng tôi cho rằng trường vì lợi nhuận về bản chất là một doanh nghiệp, do đó cần được đối xử giống như một doanh nghiệp, tức là tôn trọng quyền quyết định của người sở hữu. Nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn sẽ tìm được điểm cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, sẽ thuê những người điều hành thực sự am hiểu về giáo dục đại học và biết tạo ra sản phẩm có chất lượng, vì chất lượng chính là lợi thế cạnh tranh và lợi ích sống còn của họ. Tuy nhiên, nhà đầu tư ngắn hạn sẽ muốn thu càng nhiều càng tốt, chi càng ít càng hay, chia lợi càng nhanh càng tốt, và chiến lược đó không thể tạo ra chất lượng và sớm muộn sẽ bị thị trường đào thải. Vấn đề là khi bị đào thải thì họ đã kịp tàn phá xã hội với việc lừa dối người học, bán bằng và làm loạn chuẩn mực. Bởi vậy cần phải có vai trò của kiểm định độc lập để hạn chế xu hướng này.
Còn với trường phi lợi nhuận thuộc sở hữu cộng đồng và cần có những người thực sự bảo vệ cho lợi ích cộng đồng ở trong thành phần của hội đồng quản trị. Tiêu chuẩn lựa chọn hiệu trưởng và quá trình lựa chọn hiệu trưởng phải được nêu công khai.
Trong cả hai trường hợp, Nhà nước phải có vai trò thúc đẩy một cơ cấu thẩm quyền thích hợp với giáo dục đại học nhằm tránh những hoạt động không lành mạnh của các trường ngoài công lập, kể cả vì lợi nhuận lẫn phi lợi nhuận. Vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận bản thân nó không làm cho kết quả hoạt động của nhà trường tốt hơn hay xấu hơn, mà vấn đề nằm trong sứ mạng mà nhà trường đặt ra, cơ cấu thẩm quyền của các trường giúp nó thực hiện được sứ mạng đó, cũng như cơ chế giải trình trách nhiệm trong nội bộ nhà trường và giữa nhà trường với các bên liên quan.

Phạm Thị Ly
(1) Phạm Thị Ly (2012). Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình: quan hệ giữa nhà nước, nhà trường và xã hội. Tạp chí Phát triển Khoa học - Công nghệ, tập 15, Q1-2012.
(2) Xem bài trả lời phỏng vấn GS. Lâm Quang Thiệp: “Muốn tự chủ ĐH phải có đường lối quản trị đúng”. Tuổi trẻ Cuối tuần 17-8-2014.
Nguồn: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online ngày 31/08/2014 truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/119362/Trach-nhiem-giai-trinh-cua-truong-dai-hoc.html.  




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét