Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

10 sự kiện FDI năm 2010

Đã thành thông lệ, ĐTNN xin gửi đến bạn đọc xa gần kết quả bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài năm 2010. Kết quả được lấy ý kiến tham khảo của các chuyên gia trong lĩnh vực.
1. Điểm sáng giải ngân
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy tổng số vốn đăng ký cấp mới từ đầu năm đã đạt 17,23 tỉ USD, tăng 2,5% so với năm trước, cho dù trong kế hoạch năm nay, mục tiêu của Việt Nam là thu hút trên 19 tỉ USD. Cộng với gần 1,4 tỉ USD từ các dự án tăng vốn, tổng số vốn FDI đăng ký trong năm nay đạt gần 18,6 tỉ USD, bằng 82,2% so với năm 2009 cả về số dự án và vốn cam kết. Tuy nhiên, trong khi vốn đăng ký giảm, vốn thực hiện đã tăng, đạt 11 tỉ USD trong năm 2010, tăng 10% so với năm 2009. Singapore trở thành đối tác dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam, trong khi Quảng Nam là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư, phần lớn nhờ vào việc cấp phép cho đại dự án Nam Hội An.
2. Khối doanh nghiệp FDI hoạt động tốt
Khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có một năm hoạt động tốt bất chấp những khó khăn chung từ nền kinh tế toàn cầu. Về hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm nay phục hồi mạnh, nếu nhìn trên các chỉ tiêu về kim ngạch xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp FDI đã thu về gần 38,83 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, tăng 27,8% so với năm 2009. Nếu không tính xuất khẩu dầu thô, doanh thu đạt 33,89 tỉ USD tăng tương ứng 40,1%. Nhập khẩu của khu vực này năm 2010 ước đạt 36,5 tỉ USD, tăng gần 40% so với năm ngoái. Như vậy, cả năm của các doanh nghiệp này xuất siêu vào khoảng 2,3 tỉ USD.
3. Nhiều doanh nghiệp FDI mở công ty nhập khẩu và phân phối
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong năm 2010, đã có 525 dự án FDI đầu tư vào mua bán hàng hóa được trình hồ sơ xin cấp phép. Trong số này, có khoảng 235 dự án đáp ứng được các quy định pháp luật có liên quan, trong đó có 175 dự án xin bổ sung mục tiêu phân phối hàng hóa và 60 dự án được cấp phép lần đầu. Việc các doanh nghiệp FDI tăng cường nhập khẩu và phân phối thay vì chỉ sản xuất như trước là xu hướng đã được cảnh báo từ lâu, đặc biệt là khi Công ty Sony chính thức công bố việc ngừng sản xuất. Theo các chuyên gia, đây là một trong những mặt trái của quá trình hội nhập, khi hàng rào thuế suất và các ưu đãi không còn thì việc sản xuất của các doanh nghiệp FDI sẽ không có lợi bằng việc nhập khẩu sản phẩm tương tự từ các nước khác.
4. Đầu tư ra nước ngoài tiếp tục sôi động
Trong năm 1010, Việt Nam có 107 dự án đầu tư ra nước ngoài tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,969 tỉ USD. Ngoài ra, còn có chín dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt trên 87,1 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài năm 2010 đã đạt khoảng 3 tỉ USD. Cũng trong năm 2010, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đã thực hiện đạt 900 triệu USD, trong đó lĩnh vực khai khoáng đạt trên 700 triệu USD. Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá năm 2010 là năm mà hoạt động đầu tư ra nước ngoài diễn ra khá sôi động và đúng hướng vào những ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên. Bộ cũng dự báo rằng hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ tiếp tục xu hướng sôi động. Dự kiến trong năm 2011, vốn đầu tư ra nước ngoài sẽ đạt khoảng 1,5-2 tỉ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 700-900 triệu USD.
5. Vốn gián tiếp đảo chiều vào cuối năm
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, mặc dù thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn khó khăn song vào thời điểm cuối năm, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đã tăng mạnh trở lại. Thay vì mức sụt giảm khoảng 500 - 600 triệu USD trong năm 2009, từ đầu năm đến nay nguồn vốn FII đã tăng khoảng 712 triệu USD. Hiện Bộ Tài chính đang hoàn tất dự thảo Đề án quản lý vốn gián tiếp trình Chính phủ, theo đó Việt Nam đặt mục tiêu thu hút vốn nước ngoài theo hai hướng: (i) Cải thiện thị trường chứng khoán trong nước bằng việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư và cam kết WTO và (ii) Ban hành khung pháp lý hỗ trợ các sản phẩm chứng khoán phái sinh như chứng chỉ lưu ký, phát hành chứng khoán tại nước ngoài…
6. Thay đổi quan điểm nhìn nhận về thu hút vốn FDI
Ngày càng có nhiều ý kiến ủng hộ việc xây dựng một chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững, đề cao chất lượng FDI và nhấn mạnh đến bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần phải có chiến lược thu hút FDI theo hướng phát triển bền vững, vừa coi trọng lượng vốn FDI tăng lên hàng năm, vừa coi trọng chất lượng dự án FDI bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Trong các phát biểu gần đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch đầu tư và Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hoạch định lại chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài.
7. Rút giấy phép dự án lớn
UBND tỉnh Quảng Nam đã chính thức ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty TNHH tập đoàn Bãi Biển Rồng với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỉ USD. Lý do công ty trên đã không thực hiện ký quỹ 4 triệu USD để bảo đảm đầu tư theo cam kết, không lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, không xây dựng khu tái định cư, không triển khai các bước đầu tư đã đăng ký…Đây là dự án FDI lớn nhất bị rút giấy phép trong thời gian qua, mở ra tiền lệ cho việc rút giấy phép hàng loạt dự án không triển khai khác trên toàn quốc trong thời gian tới. Ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ việc các tỉnh thành cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các dự án chậm triển khai nhằm lành mạnh hóa môi trường đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ đầu tư khác có thể tiếp cận và triển khai dự án một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
8. Nóng chuyện casino
Các dự án có vốn FDI trong lĩnh vực casino đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận trong năm 2010. Đầu tiên là việc dự án Silver Shore Hoàng Đạt ở Đà Nẵng phải “sửa sai” đối với một loạt sai phạm trong quá trình triển khai. Tiếp đó là việc dự án casino Hoàng Đồng ở Lạng Sơn được tái khởi động với mô hình một tổ hợp về nghỉ dưỡng, khách sạn và bất động sản. Và ngay vào thời điểm cuối năm, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An, trong đó có một casino, đã được cấp phép với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỉ USD. Trong khi đó, giai đoạn I của dự án Hồ Tràm ở Bà Rịa Vũng Tàu cũng đang được triển khai ráo riết. Việt Nam vẫn coi casino là lĩnh vực đặc thù, cần hạn chế đầu tư. Tuy nhiên, các diễn biến trên thị trường cho thấy dường như Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn cho các dự án casino.
9. Khởi động cuộc chiến chống chuyển giá
“Cuộc chiến” chống hiện tượng chuyển giá đã được khởi động một cách khá mạnh mẽ trong năm 2010. Không còn là chuyện riêng của ngành thuế, chuyển giá đã trở thành chủ đề nóng ở Quốc hội. Thông tư 66 về chống chuyển giá đã được ban hành vào tháng 4/2010 được xem là một nỗ lực nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chống chuyển giá. Khách sạn Equatorial đã chính thức bị khởi tố về hành vi chuyển giá trong năm 2010. Các diễn biến gần đây cho thấy trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ mạnh tay hơn trong vấn đề chuyển giá. Việc thanh kiểm tra hàng loạt sẽ được tiến hành trong thời gian tới.
10. Nhiều tranh luận quanh chuyện cấp phép trồng rừng
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng, tính từ khi dự án trồng rừng đầu tiên được cấp phép vào năm 1995 đến nay, cả nước hiện có tám dự án trồng rừng có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp phép với tổng vốn đầu tư là 286.090.000 USD. Tuy nhiên, các dự án sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai nhưng chậm và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với quy mô diện tích đất dự kiến. Trong khi đó, nhiều dự án đã được cấp phép tại những khu vực được coi là “nhạy cảm” về an ninh quốc phòng, gây lo lắng trong công luận. Tạm thời, Chính phủ đã chỉ đạo tạm ngừng cấp phép các dự án FDI về trồng rừng, tuy nhiên việc xử lý ra sao đối với các dự án đã cấp phép thì vẫn còn bỏ ngỏ.
ĐTNN
Nguồn: Tạp chí Đầu tư nước ngoài, ngày 21/02/2011 truy cập từ http://www.dautunuocngoai.vn/10-su-kien-FDI-nam-2010_tc_295_0_624.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét