Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Bệnh mỡ trong máu


Rối loạn chuyển hóa lipid - hay còn được gọi theo từ ngữ đời thường là bệnh mỡ trong máu - hiện nay đang có chiều hướng gia tăng.Theo kết quả nghiên cứu năm 2011 vừa qua của Viện dinh dưỡng, bệnh mỡ trong máu đang chiếm tỷ lệ 26% ở những người trong độ tuổi từ 25 - 74 tuổi. Riêng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tỷ lệ người bị bệnh mỡ trong máu lên đến hơn 40%...

Bệnh mỡ trong máu được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch “định nghĩa” đó là tình trạng cơ thể bị tăng thành phần mỡ gây tác hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể. Mỡ trong máu hiện diện dưới 2 dạng chính là cholesterol và triglycerid. Cholesterol và triglycerid được mang đi trong máu nhờ kết hợp với một chất là lipoprotein. Có nhiều loại lipoprotein là HDL, LDL, VLDL…
HDL có chức năng vận chuyển cholesterol và VLDL có chức năng vận chuyển triglycerid trong máu. Cholesterol kết hợp với LDL (được ký hiệu là LDL-c) là dạng cholesterol gây hại cho cơ thể, LDL-c được vận chuyển vào trong máu thấm vào mạch máu, là tác nhân đóng vai trò “chính” trong quá trình hình thành mảng xơ vữa động mạch. Ngược lại, khi cholesterol kết hợp với HDL (ký hiệu là HDL-c) là một dạng cholesterol có lợi cho cơ thể, HDL-c giúp chống lại quá trình xơ mỡ động mạch bằng cách mang cholesterol dư thừa ứ đọng từ trong thành mạch máu trở về gan. Sự tăng triglycerid trong máu quá cao cũng góp phần thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch.
Hiện nay các thầy thuốc đã khuyến cáo rằng cần đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm các nguy cơ bệnh tim mạch (cao huyết áp, mỡ trong máu), tiểu đường, ung thư… Khi khám sức khỏe thường phải làm xét nghiệm máu, có thể tham khảo những mức độ cholesterol (khi xét nghiệm máu) sau đây để xác định mức độ mỡ trong máu của mình.
Cụ thể nếu kết quả cholesterol toàn phần nhỏ hơn hay bằng 200 mg/100 ml, đây là kết quả nằm trong mức “an toàn” (bình thường). Mức cholesterol toàn phần này thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch ít, có thể ăn uống sinh hoạt bình thường, nhưng cần phải kiểm tra lại cholesterol toàn phần ít nhất là 2 đến 3 năm/lần (đối với những người dưới 40 tuổi). Đối với những người cao tuổi, béo phì, cao huyết áp hay có bệnh mãn tính nào khác thì tốt nhất nên thực hiện kiểm tra này 6 tháng/lần.
Khi cholesterol toàn phần ở mức 200 đến 240 mg/100 ml là bắt đầu có dấu hiệu cao, đã có nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch. Trường hợp này cần làm thêm các xét nghiệm LDL-c và HDL-c, đường huyết, huyết áp… để đánh giá chính xác hơn mức độ tiềm tàng của bệnh. Nếu cholesterol toàn phần ở mức lớn hơn 240 mg/100 ml thì báo hiệu tình trạng đã tăng cholesterol, nguy cơ bị bệnh tim mạch cũng sẽ tăng 2 - 3 lần. Khi LDL-c tăng thì cũng tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Khi triglycerid tăng, đặc biệt là trong trường hợp với những người mắc bệnh tiểu đường thì nguy cơ bị xơ vữa động mạch càng cao. Đáng chú ý là ở người mắc bệnh tiểu đường, khi HDL-c giảm thấp cũng làm tăng các nguy cơ tai biến về mạch máu và xơ vữa động mạch.
Theo dự báo của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, nếu cholesterol toàn phần giảm được 23 mg% ở người trong độ tuổi 40, thì sẽ giảm được 54% nguy cơ bị bệnh tim mạch, trường hợp ở khoảng độ tuổi là 70 thì sẽ giảm được khoảng 20% nguy cơ. Với HDL-c, nếu tăng 1,2 mg% thì sẽ giảm được 3% nguy cơ bệnh tim mạch. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), cần phải giải quyết tốt tình trạng mỡ trong máu, để hạn chế nguy cơ tai biến mạch máu não, tai biến mạch vành tim, giảm tỷ lệ tử vong do biến chứng mạch máu.
Theo ThS. Dương Thị Mộng Ngọc, Trường đại học y dược TP.HCM, hiện nay có 3 nhóm thuốc điều trị bệnh mỡ trong máu.
Nhóm fibrate (dẫn xuất của acid fibric) với các biệt dược như Lypanthyl, Fenofibrate (Tricor), Gemfibrozil (Lopid). Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm lượng cholesterol toàn phần, gia tăng cholesterol có lợi cho cơ thể (HDL-High Density Lipoprotein). Tác dụng phụ của nhóm thuốc này là làm tổn thương cơ, gan, thận. Vì vậy người bị suy thận không được dùng nhóm thuốc này. Người bình thường khi dùng thuốc nhóm này cũng phải định kỳ kiểm tra chức năng gan (đo chỉ số transaminaza).
Một nhóm thuốc khác là nhóm statin (các biệt dược là Zocor, Pravachol, Mevacor, Lescol, Crestor…). Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn chặn tổng hợp cholesterol tại gan bằng cách ức chế cạnh tranh hoạt động của men HMG-CoA reductase, làm giảm tổng hợp cholesterol ở toàn bộ cơ thể. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này là làm đau cơ bắp (mỏi, yếu cơ bắp), đau khớp, thoái hóa thần kinh, suy tim, táo bón, giảm trí nhớ (giảm khả năng làm việc bằng trí tuệ), tổn thương gan…
Sau cùng là nhóm niacin (acid nicotinic - là một vitamin B). Thuốc nhóm này giúp làm giảm lượng cholesterol toàn phần, giảm lượng cholesterol xấu, gia tăng lượng cholesterol tốt. Các tác dụng phụ là gây tiêu chảy hoặc táo bón, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, đau đầu, hoa mắt, nóng trong người, yếu cơ, mệt mỏi…
Có thể nói các thuốc (từ hóa dược) trị bệnh mỡ trong máu bên cạnh những ưu điểm là giúp giảm được lượng cholesterol toàn phần, giảm lượng cholesterol xấu, gia tăng lượng cholesterol tốt thì cũng có hạn chế là gây không ít những tác dụng phụ như làm tổn thương gan, và những khó chịu khác cho người dùng thuốc (như đã nêu ở trên). Một hạn chế khác của thuốc từ hóa dược là giá thành hiện khá cao, thời gian điều trị ít nhất là trên 3 tháng mới thấy kết quả, và sau đó có thể phải uống thuốc kéo dài trong nhiều năm.
Hiện nay nhóm nghiên cứu của ThS. Dương Thị Mộng Ngọc ở Trung tâm sâm và dược liệu (Trường đại học y dược TP.HCM) vừa nghiên cứu thành công một loại thuốc mới có tác dụng chữa bệnh mỡ trong máu. Sản phẩm thuốc này (có tên là Ruvintat) được bào chế hoàn toàn từ các cây thuốc ở trong nước là Hoa hòe, Ngưu tất, Vông nem, Râu ngô, Dừa cạn, Muồng trâu, Câu đằng, Mã đề. Thuốc Ruvintat đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đang chuẩn bị chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các công ty dược sản xuất công nghiệp, nhằm sớm đưa thuốc này vào đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân.
Kết quả nghiên cứu ứng dụng cho thấy Ruvintat cho tác dụng rất tốt với những người bệnh mỡ máu. Thuốc vừa có tác dụng điều hòa lượng mỡ trong máu (lượng lipid máu) vừa có tác dụng ổn định được trị số huyết áp ở những người bệnh cao huyết áp độ 1. Một tín hiệu vui khác cho những người bệnh mỡ trong máu là Ruvintat không thể hiện độc tính, dung nạp tốt, không có ảnh hưởng lên chức năng gan, thận. Bệnh nhân có cảm giác dễ chịu khi sử dụng thuốc.


Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện nay bệnh tim mạch (trong đó có bệnh xơ vữa động mạch) đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi. Ước tính hàng năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do bệnh mạch vành (các nước phát triển chiếm tỷ lệ là 60%). Nghiên cứu cho thấy bệnh mỡ trong máu (rối loạn chuyển hóa lipid) là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch...

HIỀN THỤC
Nguồn
: Báo Khoa Học Phổ Thông, ngày 13/06/2012 truy cập từ http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/12675/benh-mo-trong-mau.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét